Với người Tây Nguyên, chết chưa phải là hết, mà chết là một trạng thái nghỉ, chuyển từ trạng huống sống này sang trạng huống sống khác, đấy là thế giới của A Tâu, của một tầng trời vĩnh hằng khác. Ở đó, con người luôn mơ về, dù không ai hình dung ra hình hài nó thế nào, và vì thế mà nó luôn lung linh, luôn luôn đẹp…
Cho đến khi đã đủ điều kiện, cả về kinh tế và thời gian thì người ta làm một cái lễ bỏ mả (Pơ Thi).
Các điều kiện tiên quyết để có lễ bỏ mả là: kinh tế, phải có bò gà dê lợn, ít nhất mỗi thứ một con. Có rượu, ít thôi, vì bà con dân làng sẽ mang đến…
Nhưng cái quan trọng là nhà mồ và tượng mồ.
Tượng mồ là những cây gỗ tươi nguyên trong rừng, được những trai tráng khỏe mạnh của làng đi hàng tháng trời trong rừng, đốn và khiêng về.
Còn lại là việc của nghệ nhân.
Không phải ai cũng đẽo được tượng mồ, mà mỗi làng chỉ có vài ba người làm được việc này.
Không phải lúc nào cũng có thể đẽo được tượng mồ. Mà phải chọn (và biết cách làm cho) cảm xúc thăng hoa nhất, nói nôm na là… Giàng nhập.
Năm 1985, một lần đi thực tế với một nhóm nhà văn, tôi lạc vào khu nhà mồ của một làng của xã Chư Drăng, huyện Ia Pa. Nắng quái hắt vào chiều, những pho tượng như đang phập phồng thở. Tôi run lên, chỉ một mình, và... đi lùi, nhưng cũng kịp bật lên những câu thơ đầu tiên: Chiều như lửa đốt lòng nhau/ tượng mồ run rẩy về đâu kiếp người... Đấy là bài thơ “Tượng mồ” của tôi, về sau được chọn vào sách giáo khoa môn văn địa phương của tỉnh Gia Lai.
Chỉ một con rựa, một cái rìu, những nghệ nhân tài hoa Tây Nguyên “Đẽo đi những phần thừa” để còn lại là một pho tượng mồ sống động, cô đọng tinh hoa của con người. Chưa hết, chưa đủ, không chỉ tinh hoa, mà nó là cảm xúc, là toàn bộ tình yêu của người sống đối với người đã mất.
Tôi đã khai thác yếu tố này trong bài thơ.
Rằng là, xác rồi thì đã tan rữa, đã hòa trong đất.
Hồn thì rong chơi đâu đó trên cõi đời rộng lớn và mông lung này.
Khi viết câu “Nỗi đau khóc chẳng thành lời/ lặn vào thớ gỗ ru người/ người ơi” thì tôi nhớ tới câu chuyện của ông họa sĩ nổi tiếng người Bahnar Xu Man kể cho tôi, rằng khi người thân mất, người Tây Nguyên ít khóc than, mà họ dùng những cách bày tỏ sự tiếc thương ấy rất ấn tượng và… bạo lực. Ấy là lấy dao cứa vào da thịt, là lấy thanh củi đang cháy dí vào ngực vào đùi- ngực và đùi ông Xu Man chằng chịt sẹo là thế- và cao hơn, họ dồn tình yêu ấy vào tượng mồ…
Nói cho công bằng, bây giờ một anh sinh viên điêu khắc, thậm chí là một ông thợ mộc, cũng có thể, trong vòng vài tiếng đồng hồ, có thể đẽo ngon ơ một cái tượng mồ, y như thế, giống như hệt cái tượng mồ dựng trong khu nhà mồ kia. Nhưng nó vẫn không phải là tượng mồ.
Bởi nó thiếu cái cảm xúc tình yêu, cái cảm giác thăng hoa tận cùng, cái đớn đau tận cùng, cô đơn tột cùng, mất mát tận cùng… những thứ làm nên hồn cốt một pho tượng mồ.
Cũng như tình yêu vậy. Con người hơn con gà là bởi chính cái phần tình yêu ấy, chứ còn thì nó cũng truyền giống, cũng sinh con đẻ cái, nhưng gà quyết không thể là người.
Thì nghệ thuật, tận cùng nó, cũng là đánh thức tình yêu, hướng về tình yêu, khát khao tình yêu, và bởi vì yêu nên thấm cái nỗi cô đơn tận cùng, cái đớn đau tận cùng, cái hạnh phúc tận cùng… để rồi nó rưng rưng tươi mởn cho ra tác phẩm.
Và đấy chính là yếu tố khác nhau giữa cái tượng mồ Tây Nguyên với cái tượng mồ do các anh thợ khác đẽo, dù tượng của thợ có thể sắc sảo hơn, tinh tế hơn, đẹp hơn…
Nhưng nó vô hồn.
Tượng mồ được nghệ nhân làm nên bởi sự tối giản đến cao độ, khái quát cao độ và ước lệ cao độ. Nước ta có hệ thống tượng đài rất... cụ thể, chi ly tới từ móng chân sợi tóc, nó ngược với sự chất phác của tượng Tây Nguyên. Và chính sự có vẻ như thô vụng ấy nó khiến chúng ta bị chinh phục. Nó cũng như cái chiếu chèo dân gian ở sân đình người Việt. Chỉ vuông chiếu con con ấy mà cả thế giới đảo điên, mà những phận người nênh nổi.
Nhưng điều còn làm tượng mồ vĩ đại nữa là, họ làm xong là bỏ. Tượng thay người sống đi với người chết. Tượng được dựng quanh nhà mồ, rồi vĩnh viễn chia tay, không bao giờ thăm lại nữa. Các nhà nghiên cứu, nhà điêu khắc khi nghiên cứu tượng mồ đều hết sức bất ngờ với sự đau đớn chia ly tới khốc liệt và cao thượng này. Giáo sư Từ Chi từng thốt lên: Họ (nghệ nhân làm tượng mồ) không biết rằng, đây là những tuyệt tác, những điều mà con người bình thường không thể làm được. Tôi đồ rằng (Cụ từ hay dùng từ này) họ được thượng đế “giao nhiệm vụ” để làm, rút ruột ra để làm, rồi bỏ vĩnh viễn...
(Còn tiếp)
Ảnh tượng mồ của VCH.
Văn Công Hùng
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét