Chủ Nhật, 24 tháng 4, 2022

TRƯỜNG SƠN ĐÔNG NẮNG TÂY MƯA...

 Tạp chí Du Lịch HCM ra số tháng 4/2022 với chủ đề "Trường Sơn đông nắng tây mưa" "sai" nhà cháu viết bài theo đúng chủ đề ấy. Khi số này ra, đúng lúc tỉnh Kon Tum tổ chức mấy cuộc thu hút du lịch: Khinh khí cầu, hội thảo "Du lịch Kon Tum - Tiềm năng và triển vọng" và famtrip khảo sát lên tận rừng Ngọc Linh với hàng ngàn ngàn người trên cả nước về dự chưa kể khách du lịch vân vân. Ban tổ chức các cuộc ấy đặt mua 2 ngàn số, hihi, cứ gọi là tràn ngập Kon Tum... 

 

Bài nhà cháu đây.

--------


          Hồi học cấp 3 ở Thanh Hóa, thầy dạy địa chúng tôi là người Huế. Ông rất hay lấy thơ để minh họa địa. Ví dụ dạy về gió Phơn ông dẫn câu thơ “Trường Sơn đông nắng tây mưa/ ai chưa đến đó như chưa hiểu mình”. Tôi nói thật, hồi ấy học thì học thế, nghĩ bao giờ mới biết Trường Sơn, biết gió Phơn, bởi theo lý thuyết, hiện tượng phơn chỉ xảy ra ở những vùng núi với hai sườn đón gió và khuất gió....

          Thế rồi sau 1975, tôi về quê, học khoa Văn Đại học học Tổng hợp Huế, năm thứ 3 gì đó, chúng tôi đi thực tế ở huyện A Lưới và Nam Đông. Ở hơn nửa tháng, tôi biết thế nào là trường Sơn. Thực ra thì khoảng cuối năm 1975 tôi đã láng máng biết Trường Sơn khi theo ba về quê chuyến đầu tiên. Qua Nghệ An, Quảng Bình... ba tôi bảo bắt đầu Trường Sơn đấy. Sau này biết thêm, Trường Sơn bắt đầu từ Thanh Hóa, nơi tôi từng sống, nhưng nó chưa rõ rệt, phải tới Quảng Bình, bên núi bên biển, Trường Sơn mới rõ rệt trong trí óc của đứa bé vừa học xong cấp 3 là tôi.

          Tôi nhớ thầy tôi hồi ấy dạy là Trường Sơn Tây Nguyên là một vùng địa lý nối tiếp nhau ở miền Trung, trong đó tiểu vùng Trường Sơn là vùng phía Tây gồm Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên - Huế, Quảng Ngãi. Tiểu vùng Tây Nguyên gồm 5 tỉnh hiện nay là Gia Lai, Đắk Lắk, Đắk Nông, Kon Tum, Lâm Đồng.

          Thì biết thế, nhưng không ngờ có ngày mình lại chọn Tây Nguyên là nơi lập nghiệp, và từ Pleiku của Gia Lai, ôm vô lăng chạy khắp Trường Sơn Tây Nguyên, như một cái thú, một niềm vui, nhất là khi đã... tự do, tức là về hưu.

          Nhiều năm ở Tây Nguyên, tôi có một kinh nghiệm là, khi bất cứ nơi nào ở đồng bằng có mưa hoặc bão thì Tây Nguyên đều mưa, mưa rất to. Sau tìm hiểu thì biết, chính những dãy núi sừng sững ấy là cái bức chắn khổng lồ để hứng mưa, để “đông nắng tây mưa” và ngược lại.

          Đường Hồ Chí Minh mở ra, mở luôn ra bao khát vọng khám phá chinh phục.

          Tôi nhớ lần đầu tiên tôi đã mừng tới như thế nào khi đang chạy trên đường thì thấy cái biển “Làng Rô”. Chạy qua một đoạn tôi mới định thần, ơ đây là cái làng Rô trong “Nước non ngàn dặm” của nhà thơ Tố Hữu “Ơi làng Rô nhỏ của tôi”, cái làng Rô mà bất cứ ai học cấp 3 thế hệ chúng tôi cũng đều biết. Thế là quay xe lại, và cứ tiếc, sao nó không thiêng liêng như trong câu thơ mình từng học. Tới giờ, cái biển làng Rô cũng không thấy nữa, hoặc là khó thấy khi chạy xe với tốc độ 80 cây số giờ qua đoạn này. Nhớ có lần tôi viết trong một bài báo: nếu là người làm du lịch của Quảng Nam, tôi sẽ cho trương một cái biển rất lớn ngang đường: Đây là làng Rô. Rồi cho biến cái làng ấy thành một điểm tham quan du lịch, cũng không tốn nhiều tiền lắm đâu. Ai đi qua mà chả muốn ghé vào thăm cái làng mà nhà thơ Tố Hữu cùng mấy cán bộ cách mạng thời ấy, khi vượt ngục Đăk Glây đã đi bộ xuống đây và được dân làng cưu mang. Vào đấy, thăm, nghỉ ngơi, thưởng thức đặc sản của làng, nhẩm tính đoạn đường từ Đăk Glây đi bộ xuống đây, rồi... lên xe đi tiếp. Thích, thì ngủ lại, các Homestay của dân sẽ phục vụ.

          Cũng nhớ năm nào đấy, lâu lâu rồi, thời cái xe cup đang là một đống tài sản, mấy ông nhà báo bạn tôi ở Đà Nẵng làm một cú có một không hai: Đi xe máy từ điểm số không của đường Trường Sơn, thuộc huyện Tân Kỳ, Nghệ An, xuyên Tây Nguyên. Cứ đêm nghỉ ngày đi, đâu như một tuần thì ông Trần Tuấn và Nguyễn Minh Sơn tới Pleiku. Tôi nhớ đêm ấy đãi hai ông em nhà báo nhà thơ này một cuộc... cháo lòng rượu đế ở khu sầm uất nhất Pleiku khi ấy: Diệp Kính. Nói là định xuyên Tây Nguyên, nhưng tới đây thì các ông ấy xuôi xuống An Khê, sang tới Buôn Ma Thuột rồi quành xuống Quy Nhơn xuôi Đà Nẵng. Nhưng như thế cũng là đã rất đáng nể rồi. Đáng nể hơn là những bài báo nóng hổi các ông ấy viết trên đường. Hồi ấy viết bằng bút bi, xong thì fax về tòa soạn, thế mà bài cứ hôi hổi trên đường. Mới nhắn tin hỏi Trần Tuấn rằng sao chuyến ấy không đi hết Trường Sơn Tây Nguyên, Tuấn bảo: Định tới Sài Gòn luôn, nhưng tới Buôn Ma Thuột thấy nó lại nhập với đường 1 nên chán, quay về (hồi ấy chưa có đường HCM như giờ). Tính ra họ đã đi liên tục 28 ngày, gần 3 ngàn km cả ngang cả dọc. Giờ nói thật, ít ai ham nghề và dám đi như thế, kể cả đi bằng ô tô. Tôi nhớ trên cái xe máy trành, mỗi ông có một cái túi dúm dó cột trên ấy, cái túi đeo có sổ và máy ảnh chụp phim. Chưa có laptop, iPad và điện thoại thông minh như giờ. Kinh nghiệm hồi ấy của họ là: chạy trong rừng, cứ chỗ nào có bưu điện thì dừng ngủ nhờ, tiện liên lạc và fax bài về nữa. Có khi còn nhờ các cô bưu điện nấu ăn. Sau này ngành bưu điện lập nên các điểm bưu điện văn hóa biết đâu lại từ ý tưởng của 2 ông nhà báo liều mạng này.

          Ba tôi người Huế. Hồi tập kết, người ở các nơi khác được đi bằng tàu thủy, ba tôi đi... bộ. Ông kể ròng rã hàng tháng trời thì tới Nghệ An. Và cái địa danh mà ông và các bạn ông mỗi khi ngồi lại với nhau hay nhắc là U Bò. Họ kể bao nhiêu là những khó khăn vất vả nguy hiểm khi chống gậy qua đây. Tôi nghe biết thế, nghĩ đời nào mà mình lại được nếm trải cái địa danh ấy. Thế rồi một ngày, trời ạ, tôi lại có mặt ở U Bò. Té ra giờ nó là điểm du lịch nổi tiếng. Nói cho chính xác là, tôi tới Phong Nha Kẻ Bàng, bạn tôi dẫn đi, chỉ một dãy núi mờ xa bảo U Bò đấy. Ơ thế à, năm 1954 ba tớ đi bộ qua đấy. Mẹ tôi quê Ninh Bình, nơi gọi mẹ bằng bầm, bằng u. Giờ nhìn cái dãy núi kia tôi mới hiểu tại sao người ta gọi nơi này là U Bò. Chỉ đơn giản là nó giống cái u của con bò đực, chả liên quan gì tới mẹ tới bầm tới u cả.

          Trong chiến tranh chống Mỹ, 2 nhà văn viết về Trường Sơn mà tôi thích nhất là nhà thơ Phạm Tiến Duật và nhà văn Nguyễn Minh Châu. Cả 2 ông đã chứng minh cho những người đọc như tôi là, Trường Sơn rất... vui. Vào trận như đi hội. Cái cuốn “Dấu chân người lính” của Nguyễn Minh Châu ấy, khổ thì có khổ, cực thì có cực, hy sinh thì có hy sinh, nhưng những chi tiết vui nhộn của lính nó át đi tất cả. Tôi từng cười sằng sặc ở cái chi tiết anh lính dắt theo con chó rất quý của mình, cổ đeo lủng lẳng một... củ riềng. Còn Phạm Tiến Duật chả đã từng “Anh lên xe trời đổ cơn mưa/ cái gạt nước xua đi nỗi nhớ/ em xuống núi nắng vàng rực rỡ/ cái nhành cây gạt nỗi riêng tư”... Các bạn gái lớp Văn của tôi một thời còn kết tội anh Duật là... chạy làng nữa, khi anh viết rất đắm đuối thắm thiết về một cô thanh niên xung phong, tưởng tình tang tới nơi, mặn nồng tới nơi... cuối cùng anh kết “Em là cô thanh niên xung phong”- hòa cả làng, té ra cuối cùng chả có em nào cụ thể cả? Sau này, tới “Nước non ngàn dặm” của Tố Hữu, Trường Sơn Tây Nguyên cũng hiện lên trong ấy khá nhiều.

          Thế tức là, trước khi chúng ta có thể đặt chân tới với những địa danh từng nghe thì văn học nghệ thuật đã dẫn chúng ta tới đấy trước rồi. Tôi từng có lần, một mình, lần theo những địa danh trong những câu thơ này: “Con thuyền rời bến sang Hiên/ Xuôi dòng sông Cái, ngược triều sông Bung/ Chập chùng, thác Lửa, thác Chông/ Thác Dài, thác Khó, thác Ông, thác Bà./ Thác, bao nhiêu thác cũng qua/ Thênh thênh là chiếc thuyền ta trên đời”... bằng cách chạy xe theo đường 14D và 14E. Và trời ạ, nó đẹp một cách lạ kỳ, đẹp đến không thể tả nổi. Mới nhất, tỉnh Quảng Nam và tập đoàn Thaco Trường Hải vừa có kế hoạch đầu tư sửa chữa và làm mới tuyến đường này để kết nối Quảng Nam với Tây Nguyên, là tuyến đường thuộc Hành lang Kinh tế Đông - Tây, kết nối Nam Myanmar - Đông Bắc Thái Lan - Trung Lào - miền Trung Việt Nam qua cửa khẩu quốc tế Nam Giang (Quảng Nam) đến cảng Đà Nẵng, cảng Chu Lai (Quảng Nam), cảng Dung Quất (Quảng Ngãi), có vị trí thuận lợi và rất quan trọng đối với Vùng Kinh tế trọng điểm miền Trung. Ông chủ Thaco Trần Bá Dương vừa mua lại toàn bộ phần nông nghiệp của Hoàng Anh Gia Lai, mà đa phần nằm ở Lào và Myanmar nên tuyến đường này là cực kỳ quan trọng. Thì như thế, du lịch chỉ còn mỗi việc là... lên xe và đi. Vấn đề là, làm sao để, đường mở ra, giao thông thuận tiện, nhưng cảnh sắc, văn hóa buôn làng vẫn được giữ nguyên chứ không bị phá. Thế tức là cần phải có một kế hoạch, một sách lược cụ thể để không bị manh mún, ai cũng có thể xắn tay vào, mạnh ai nấy làm không có một cây đũa chỉ huy tổng thể.

          Cứ nhớ mãi cái cảnh chạy xe trên đường Hồ Chí Minh, miên man rừng, tất nhiên chỉ những đoạn nào còn, cứ ngằn ngặt xanh như thế, đột nhiên một cái cây đỏ lừ từ thân tới lá, như một đốm lửa, như một hào quang, làm bừng sáng cả đoạn đường ấy. Nếu lúc ấy trên xe đang phát bài hát “Lá đỏ” của Hoàng Hiệp và Nguyễn Đình Thi càng tuyệt “Gặp em trên cao lộng gió/ Rừng lạ ào ào lá đỏ
Em đứng bên đường như quê hương/ Vai áo bạc quàng súng trường.
Ðoàn quân vẫn đi vội vã/ Bụi Trường Sơn nhoà trời lửa.
Chào em, em gái tiền phương/ Hẹn gặp nhau nhé giữa Sài Gòn.
Em vẫy cười đôi mắt trong.”.
Tôi có hỏi nhiều bạn am hiểu về rừng, những cái cây lá đỏ ấy là cây gì, và tại sao tất cả xanh mình nó đỏ, đa phần là... lắc đầu. Nhưng thôi, cứ để nó đỏ thế, bí ẩn thế, mới càng hấp dẫn... 





 

                                                

 

 

3 nhận xét:

Tôn Thất Quỳnh Ái (Nhà báo Tôn Anh Giang) nói...

bài hay,ảnh đẹp.

Văn Công Hùng nói...

HIhi cám ơn cụ ạ

Nặc danh nói...

❤️❤️❤️👍