Thứ Hai, 28 tháng 3, 2022

TÂY NGUYÊN TRONG THƠ VĂN CÔNG HÙNG


      Trong số những người viết sồn sồn (về độ tuổi) thì thi nhân Ngô Đức Hành thuộc loại... sồn sồn nhất (về tính cách, là dưới mắt nhà cháu). Y nhanh nhảu lập nhóm, tụ nhóm, gầy độ nhóm, chủ trì nhóm vân vân. Suốt ngày thấy cười như ông địa hết nâng ly chỗ này lại bắt tay chỗ kia. Nhưng có sự kiện văn chương nào xuất hiện là lại thấy y “có ý kiến” bằng văn bản hẳn hoi. Tức là viết báo. Đọc nhanh, viết nhanh, các cụ gọi nhanh như chảo chớp. Mà vẫn chỉn chu đâu vào đấy chứ không phải kiểu đoạn cuối cãi nhau với đoạn đầu. Tức là với các sự kiện văn chương y cũng rất... sồn sồn.

         Nhà cháu quen y lần đầu tiên là cái năm nào đấy, dự cái cuộc bộ GTVT mời các nhà văn đi thực tế sáng tác về ngành. Y hồi ấy đang mần ở NXB, thường trực lo lắng cái cuộc này.

Sau đấy ra HN biết y thành lập hội “Úp mặt sông quê” dù y dân Hà Tĩnh, đồng hương và bà con chi đó với cụ Xuân Diệu, có thời lấy nick “Dân Trảo nha”. Cái hội ni có hẳn một cái nhà hàng thường trực, chỉ tụ tập ở đấy, gọi món đơn giản, bia rượu có thể mang đến không bị mắng, và được quyền trổ hết bản sắc quê choa, là nói to, nói nhiều, cần thì nạt luôn chủ nhà hàng dù họ chả có lỗi chi. Và quan trọng nữa, ai cũng đúng he he. Hội ni quê choa nhưng kết nạp tứ tung chứ không chỉ choa, nhưng nói chi nói, choa vẫn nhất cấy đạ, he he...

Thì nhà cháu in bộ sách, nhưng thực ra là chỉ in tập thơ, 2 tập kia là nhà sách họ in, họ trả NB bằng tiền in tập thơ, bù qua bù lại nháo nhào nhào nhà cháu cũng nỏ biết mô mà lần, chỉ biết gửi tặng y một tập thơ, chứ không có 2 tập kia. Y đọc đâu 2 đêm rồi phóng bút. Và mới thấy cái tài báo của y: lẩy ra chi tiết Tây Nguyên trong thơ nhà cháu để gửi cho 1 tờ báo Tây nguyên, tờ Đăk Lăk he he. Ở Tây Nguyên nhưng cách đây gần 2 chục năm nhà cháu mới hay cộng tác vì có ông bạn nhà văn hay đặt bài, sau đấy thì không cộng tác nữa nên chả quen ai, có khi họ cũng chả biết nhà cháu là ai. Thế mà ông này gửi phát, đăng luôn. Thì tài thế chứ tài thế nào nữa, phỏng ạ?

Biết mần chi nựa, chiều ni nhắn y: chú cho anh xin bản word anh đăng lên con blog của anh để lưu. Hắn remail: Hẹp hòi chi mà không cho, hihi, có chi mô nơ?

Hắn còn chuyên nghiệp ở chỗ, cuối bài ghi: 898 chữ.

----------------

Văn Công Hùng quê ở Huế, sinh ra ở Thanh Hóa, quê mẹ Ninh Bình. Nói như thế, có thể hiểu, trong tâm hồn ông thánh thót giọt nắng, giọt mưa ba vùng đất kinh kỳ: Cố đô Hoa Lư, Cố đô Lam Kinh và Kinh thành Huế. Thế nhưng, lao động, sáng tạo gắn bó với Tây Nguyên.

 

Chợt”, NXB Văn học, xuất bản quý 1/2022 gồm 78 bài thơ, được “chủ nhân” Văn Công Hùng chia làm “7 ngăn” riêng biệt, “ngăn” nhiều nhất “Sự” 18 bài. “7 ngăn” như “7 vía” của người đàn ông, trong văn hóa tâm linh, nhưng nhận xét chung “Chợt” có biên độ cảm xúc rộng lớn. “Tôi đã có trong tay nhiều tập thơ của nhà thơ Phố Núi nổi tiếng Văn Công Hùng trước đó, nhưng có lẽ Chợt là tập thơ dày và công phu nhất”, nhà văn, thượng tá Phan Đình Minh nhận định trong tựa.

 

Là nhà báo gắn bó với Tây Nguyên, nhà thơ thành danh trên đất Tây Nguyên, hẳn nhiên trong “Chợt” không thể thiếu “hơi thở” Tây Nguyên.

...

vẫn là dã quỳ mùa khô vàng bụi

mặt đất vênh vao rợn hoa cà phê

vẫn là sỏi trắng chen nhau lòng suối

lá rụng tầng tầng từng lớp nhâng nhao

(Ngơ ngác Tây Nguyên)

 

Hiện thực vùng đất Tây Nguyên vẫn thế, luôn thế. Dã quỳ, hoa cà phê, những con suối chạy vắt qua cùng đất, len lỏi mang lại sự sống, màu xanh cho Tây Nguyên vẫn bền bỉ như thế. Tây Nguyên nắng, Tây Nguyên gió...Tháng 3 hàng năm rừng cao su Tây Nguyên vào mùa thay lá, góp mật, ươm mầm cho vòng đời kế tiếp.  Những vòng tròn kiến chật cả bàn chân / cứ đi cứ đi tới đâu thì tới / có một hạt mầm bừng xanh thức dậy / mắt chớp thiên thần ngơ ngác trên cao” (Ngơ ngác Tây Nguyên). Từ hiện thực của tự nhiên, Văn Công Hùng bằng tư duy liên văn bản nên có những phát hiện bất ngờ, thú vị.

 

Tây Nguyên núi đợi sông nghìn tuổi

Cây cứ đợi khô đá cứ đợi mòn

Đám mây trắng đợi mùa hè bớt lửa

Gió mịt mù đợi nhánh nứt lá non

(Chiếc nơ hồng treo giữa lặng im)

 

Ở bài thơ này, ông cũng quan sát Tây Nguyên, từ hiện thực nhưng quán chiếu qua tâm hồn thi sỹ, mang đến một hiện thực khác, huyền ảo. “Tây Nguyên anh ngỡ mùa thu dở / nên buổi chiều bê cả gốc thông đi / dây leo quấn căn nhà thành ảo ảnh / chiếc nơ hồng treo giữa lặng im”. Thủ pháp nhân hóa, so sánh, biểu trưng, nhân hóa kết hợp với so sánh tạo nên “chiếc nơ hồng treo giữa lặng im”. Hình tượng ảo của “phi lý” diễn đạt cái “có lý” của vùng đất “núi đợi sông nghìn năm tuổi”, tác động đến cảm xúc, tình cảm và trách nhiệm của con người với Tây Nguyên.

 

Là nhà thơ, không ai bứng được tâm hồn ra khỏi hiện thực cuộc sống. Tây Nguyên là cả vùng “văn hóa cồng chiêng”, nuôi dưỡng thế giới nội tâm của Văn Công Hùng. Trong cái chung có cái riêng và ngược lại, cái chung đi ra từ cái riêng. Dù viết về Pleiku, nơi có “dây leo quấn căn nhà thành ảo ảnh” nhưng vẫn rất Tây Nguyên.

...

những cơn mưa dường như đã bắt đầu thấm mệt\

góc phố vơi đi một chút ồn ào

em như thể buổi trưa quá giấc

mùa thu ngần ngừ nửa ở nửa đi

(Tháng Chín Pleiku)

 

Pleiku

những mảnh gió rất rời

người thì ngược con đường từng cũ

nắng thảng thốt

như vọng từ một ánh mắt rất xa

(Ngày lạnh)

 

Văn Công Hùng là người theo “chủ nghĩa xê dịch”. Trong “Chợt” có 78 bài thơ, đa đề tài. Điểm mục lục thấy nhiều tháng trong năm như “Lục bát tháng Giêng” đến “Bất chợt tháng Mười”; từ “Chợt tôi” đến “Rằng em”; từ mưa đến nắng; từ núi đến đại dương; từ tự nhiên đến xã hội; từ hoa lá đến thời cuộc (phần “Thời” có 4/8 bài viết về đề tài Covid, có cả bài “Tháng Ba Gạc Ma” trong phần “Sự”)...Trong “Chợt” có nhiều bài thơ về các vùng đất khác nhau, từ “Cứ Thủy Nguyên mà về” đến “Chiều Bến Tre”. Có lẽ vì thế, tựa của nhà văn Phan Đình Minh có tiêu đề “Chợt – có lẽ phần nhiều là dịch chuyển”. 

 

Văn Công Hùng là “gạch nối” giữa xu hướng hiện đại và hậu hiện đại. “Chợt” là tập thơ tự do nhưng cũng có “Đình làng”, “Bất chợt tháng Giêng”, “Thiền cuối năm”, “Chiều nay” là thơ lục bát. Thế nhưng, lục bát Văn Công Hùng không chỉ là “đưa nôi” truyền thống. Văn là người, ngoài đời Văn Công Hùng dí dỏm, hài hước nên lục bát ông vừa sâu lắng vừa tinh nghịch, hóm hỉnh. “Chiều nay gió bỗng la đà / có dòng sông nhỏ rất là lơ mơ / trời thì, nửa ngẩn nửa ngơ...” (Chiều nay). Đó cũng là “giọng điệu” của ông, thể hiện tinh thần sáng tạo thi ca./.

 Nhà thơ Ngô Đức Hành

Link gốc Ở ĐÂY ạ. 


 

 


Không có nhận xét nào: