Thứ Bảy, 1 tháng 1, 2022

RA GIÊNG LẠI... HÀNH.

            Tiêu đề bài báo khi nhà cháu viết ban đầu nó là "An cư thì lạc nghiệp", nhà thơ Mai Nam Thắng, con cháu mự Ngụ, người đặt bài nhà cháu cho báo Văn Nghệ số tết dương lịch, đã sửa lại như tít hiện tại, và nhà cháu thốt lên: Tài. Thì tài thế chứ tài thế nào nữa. Cái gì bạn tài mà mình khen bạn tài thì mình cũng... lây cái tài, có chi mô nơ?

-------------

          Trong lịch sử di dân Việt Nam có lẽ chưa bao giờ có những đợt dân tự di chuyển ồ ạt như 2 đợt lớn trong giãn cách vì Covid vừa qua, mà trong đó, đợt đầu tháng 10 vừa rồi là đợt để lại nhiều cảm xúc khác nhau, khác tới trái ngược nhất.

          Lịch sử mở đất của Việt Nam là lịch sử của hành phương Nam, đời này qua đời khác, những con dân Việt lầm lũi tiến, để lại sau lưng quê hương bản quán, mở ra cả một dải đồng bằng phương Nam rộng lớn.

Rồi khi các đô thị lớn mở ra, các khu công nghiệp mở ra, lại như một thỏi nam châm hút nhân công về đấy. Đang từ những người nông dân một nắng hai sương, một bước họ thành công nhân, giai cấp vô sản, một số khá đông là lao động tự do, từng được coi là dân nghèo thành thị. Một thời gian dài, về quê, ta chỉ còn gặp toàn người già và trẻ em. Quê vốn vắng lặng, giờ càng vắng. Hết sức chơ vơ, trừ tết. Nhưng tết những người xa quê ào ạt về quê với quà, với ít tiền dành dụm biếu cha mẹ anh chị em..., rồi sau tết lại đi. Rất nhiều gia đình trẻ gửi con lại cho ông bà cha mẹ. Nhiệm vụ cao cả của họ là đi kiếm tiền gửi về nuôi con, xây dựng quê hương...

Lại nhớ năm nào đấy, có hẳn một công trình nghiên cứu về việc quan hệ tình dục của những người lao động tự do ở thành phố. Chứ sao, quản lý xã hội cần phải biết cả những việc nhỏ nhưng không hề nhỏ của những con người bình thường nhất, dưới đáy nhất, biết để mà điều tiết, để có những chính sách hợp lý.

Người Việt đi đâu làm đâu, tết là dịp sum họp. Vừa là về thăm quê, thăm bố mẹ cúng kiếng ông bà, nhưng cũng là dịp xả street, rời xa cái chật chội ồn ã phố phường, về với thanh bình thoải mái. Nhưng cái hành trình để từ thái cực này tới thái cực kia, quả là, không thể gọi gì hơn, là hành trình hành xác, sự hành xác vừa cay đắng vừa đầy mong manh niềm vui. Lại nhớ, cách đây mấy năm, 2 chị em ruột học ở Đà Nẵng, không mua được vé xe, ra vẫy xe tải đi nhờ. Nửa đêm đến đoạn vắng, 2 thằng khốn đạp cô chị xuống chở mỗi cô em trên xe, thay nhau hiếp dâm trong đêm mù mịt. Tất nhiên, đến giờ, chắc chắn cả 2 thằng khốn ấy vẫn còn ngồi đếm kiến trong tù...

Thế nên cứ tết là có những cuộc di cư ngược, từ Nam ra Bắc, từ thành thị về nông thôn. Tết trở thành những cuộc hành xác vĩ đại nhưng người ta vẫn hân hoan dấn vào để được về quê, về nhà, về với yêu thương, với  san sẻ, đùm bọc. Thành phố, các khu công nghiệp trở thành chỉ là nơi tạm trú, dù mỗi năm họ ở đấy đến ba trăm sáu mươi ngày. Tại sao lại thế, chắc các nhà quản lý cần phải có những nghiên cứu cụ thể thấu đáo, để tìm câu trả lời, đồng nghĩa với hướng giải quyết, bởi dân tộc ta, quan niệm truyền thống ngàn đời là: An cư thì lạc nghiệp, là bán anh em xa mua láng giềng gần...

Giờ, Covid như cơn bão, thổi ngược. Người Việt đổ về quê với tất cả tài sản, vốn liếng (rất ít, có nhà cột theo xe cả cái quạt cũ, manh chiếu, xoong nồi, cả mấy cái móc áo. Thương nhất là những con chó được ôm theo, lại có cả những bu gà vượt ngàn cây số trên xe máy cùng họ). Quê lại giang tay đón nhận. Té ra quê là chốn an bình nhất, dẫu quê nghèo, đất không nở mà người cứ lừ lừ sinh ra, chả mấy chốc mà chật như phố nhưng lại không có việc như phố, không kiếm tiền dễ như phố. Nhưng quê còn có tình có nghĩa, có rau cháo đắp đổi, có lá rách ít đùm lá rách nhiều, có “tắt lửa tối đèn”... Quan trọng nữa, còn có nơi mà hít thở... Tất nhiên cách đón nhận của mỗi quê mỗi khác, nhưng cái ý thức trở về với quê, con về với cha mẹ khi nguy khốn vẫn luôn thường trực trong tâm hồn mỗi con dân Việt. Và thế là họ ào ào trở về. Bằng mọi cách để trở về, cấm cản cũng về. Vượt chốt để trở về. Có nhiều địa phương tuyên bố về là bị phạt, vẫn về.

Có nhiều lý do, nhưng có lẽ an cư là lý do đầu chăng. Đa phần người làm thuê, công nhân là ở trọ. Mà các khu nhà trọ thì quá tồi tàn. Tôi đã từng vào những khu nhà trọ ấy, cũng từng sống ở các căn nhà tập thể tranh tre nứa lá thời bao cấp, thời chiến tranh phá hoại ở miền Bắc. Ở các dãy nhà tranh tre nứa lá giữa rừng ấy còn có không gian, có chỗ để thở, có những không gian riêng cho con người, cho gia đình, vợ chồng.

Các nhà trọ bây giờ đúng nghĩa là những cái hộp. Khi rủ nhau trọ chung họ đã tính toán để lệch ca, nên 10 người một phòng chẳng hạn, thì thực tế chỉ có 5 người ở nhà, thậm chí là một phần ba, còn lại là đi làm, cứ thế luân phiên. Giờ uỵch phát, họ ở nhà hai bốn trên hai bốn. Có người bảo chỉ ngửi mùi nhau đã đủ bệnh chứ chưa cần dương tính. Ngày một ngày hai, thậm chí vài tháng còn tạm chịu được, đây cả năm thì đúng là quá sức chịu đựng của con người. Thêm nữa, lương không có mà nhà trọ vẫn thúc tiền trọ, tiền dành dụm đã cạn, họ không thấy ngày mai. Ngày mai hết sức mờ mịt. Nghe nói có tiền hỗ trợ của chính phủ, nhưng một số người đợi mãi không có. Thức ăn thực phẩm của các nhóm thiện nguyện ngày có ngày không. Ngay các bệnh nhân đi điều trị Covid trong các bệnh viện dã chiến cũng có người bị sót, tới bữa không có cơm ăn (TS Trần Hoàng, đại học sư phạm HCM kể ông đi chữa covid ở bệnh viện dã chiến vì là F0, phòng có 5 người nhưng chỉ có 4 suất cơm vì... quên), huống gì dựa vào đội ngũ từ thiện. Họ thì ít mà những người cần giúp rất nhiều. Nhân đây, tôi thấy chính quyền cần ghi nhận chính xác công lao của các nhóm, hoặc những con người riêng lẻ, thầm lặng, giúp đỡ những người khó khăn trong đại dịch vừa qua. Họ làm nhiều việc lắm. Không chỉ cho những thân phận khó khăn, mà giúp cho cả các y bác sĩ, các chiến sĩ công an quân đội làm nhiệm vụ chống dịch. Một chuyện mà tôi mới biết, là có một nhóm vừa bỏ nhà của mình ra, vừa đi vận động, rất nhiều nhà riêng, khách sạn... để mời các y bác sĩ tình nguyện phía Bắc vào nghỉ. Vận động các nhà hàng phục vụ bữa ăn đủ chất để họ có sức khỏe, trí tuệ hàng ngày cứu  chữa bệnh nhân. Họ rất xứng đáng được vinh danh bên cạnh những gì chúng ta đã chứng kiến hàng ngày.

Rất nhiều câu chuyện cảm động diễn ra trên con đường nhiều vạn công dân Việt về nhà bằng xe máy, xe đạp, xe lôi, xe cút kít tự chế và cả... đi bộ. Ấy là việc đi tới đâu đều có những người dân địa phương tốt bụng đón và tiếp tế đồ ăn. Chi li tới từng gói băng vệ sinh, cái bơm xe, lít xăng, áo mưa, cháo nóng ăn khuya... tới lớn hơn là thuê xe chở những trường hợp đặc biệt. Có anh nhà báo mới mua xe và lấy bằng mấy ngày nhưng thấy trường hợp cháu bé sơ sinh được bố mẹ chở bằng xe máy đã bốc cả nhà lên ô tô của mình chở mấy trăm cây số về quê khi chưa kịp báo tin cho vợ. Có trường hợp thì thuê xe cứu thương chở cũng cả gia đình sản phụ mới sinh... Có những người cầm cả xấp tiền, ai đi qua cũng rút mấy tờ phát kèm câu rất dễ thương: Cầm đỡ đổ xăng.

Thực ra, với bài này, tôi không kể lại những điều ai cũng thấy, cũng biết. Chỉ là cứ băn khoăn: làm sao để dân ta an cư lạc nghiệp khi đi làm ăn. Và, chúng ta đã lường hết việc, bà con sẽ ào ào trở về, không cách gì ngăn nổi, khi đã chịu đựng được cả bao nhiêu ngày giãn cách như thế chưa? Bởi đợt trở về này, như đã nói, nó đầy bất trắc, cho nhiều phía. Bởi trong hàng vạn người trở về kia, có bao nhiêu F0. Và đất quê hết rồi, có nở ra tí nào đâu, giờ về thì lấy gì sống, dù ai cũng nghĩ, quê hương sẽ cưu mang. Thì cưu mang, nhưng sống và phát triển lại là việc khác?

Sẽ còn rất nhiều lỗ hổng cần vá lộ ra từ cuộc di dân tự phát đầy rủi ro và nguy hiểm này. Cũng như thế là còn rất nhiều điều cần nghiêm túc rút ra từ cuộc cả nước chống đại dịch lần này...

Thế nên cái tin thành phố Hồ Chí Minh và một số tỉnh công nghiệp phía Nam dự định xây một triệu căn nhà giá rẻ cho công nhân và người thu nhập thấp thực sự là niềm vui và là hướng đi hết sức căn cơ để người lao động có thể “an cư lạc nghiệp”. Hiện tại những người về quê đang lác đác trở lại làm việc, mà 3 trung tâm hiện thu hút nhân lực nhiều là thành phố Hồ Chí Minh, tỉnh Bình Dương và Đồng Nai. "Thành phố sẽ phát triển nhà ở với mức giá thấp nhất có thể để người có thu nhập thấp tiếp cận được. Từ đó giải quyết nhà ở cho công nhân, người lao động, giữ chân họ ở lại thành phố làm việc", ông Phan Văn Mãi, chủ tịch thành phố Hồ Chí Minh thông báo trong cuộc tiếp xúc cử tri trước kỳ họp thứ 2, Quốc hội khoá XV.. Nhưng có lẽ ngoài TPHCM có dự định này, cần có một chính sách chung trong cả nước do chính phủ chủ trì, mà ở đấy, vai trò của liên đoàn lao động các cấp rất lớn, để người Việt đi làm ăn xa mang theo truyền thống cha ông từ xửa xưa: “bán anh em xa mua láng giềng gần”. Láng giềng đây là những đồng nghiệp cùng an cư trong những khu nhà giá rẻ, để mà lạc nghiệp.

Bài đăng báo Văn Nghệ tết dương lịch 2022. Bài mở đầu cho năm 2022, hy vọng chữ sẽ thông như năm 2021 là OK rồi.

                    Ảnh Trần Hiếu.

                                                                                                                                    

3 nhận xét:

Unknown nói...

nhưng với cái giá đất 2.4 tỷ/m2 như người ta đang đấu. và rồi cơn sốt đất sẽ lên. Vậy thì đất rẻ ở đâu để xây các chung cư giá rẻ cho người lao động. Hãy vẫn cảnh "Đầu năm SG tiến, cuối năm quê ta về".

Văn Công Hùng nói...

He he đấu xong chạy làng, thành phố có hơn 500 tỉ, thì lấy tiền ấy làm nhà cho dân mua hoặc thuê giá rẻ.

valisadaily nói...

The Best Slot Sites for Playing Real Money Slot Games
The 원주 립 카페 Best Slot Sites for Playing Real Money Slot Games · 1. Red Dog Casino – Best Online Slots Site Overall · 2. Ignition 젖탱 – Best For Free Slot 야동 사이트 순위 Play · 3. 슈어 벳 BetOnline – Best 슬롯머신사이트