Thứ Sáu, 7 tháng 1, 2022

GIA LAI CÓ MỘT SƯ ĐOÀN... BỌ.

 

          Tự nhiên tôi lại chơi với mấy ông bọ về hưu ở Pleiku. Chơi thân, là chiều chiều hú nhau ngồi lai rai rồi nói chuyện... bọ.

          Ngày xưa mà nói chuyện bọ kiểu... bọ là thế nào cũng xảy ra đánh nhau, nhưng giờ chúng tôi lôi bao nhiêu chuyện bọ ra kể rồi cười hề hề, kể cả có khi giữa mâm nhõn tôi không phải bọ.

          Chợt một hôm tôi cắc cớ, này ở Pleiku giờ có tới cả... sư đoàn bọ ấy chứ nhỉ? Ông kiến trúc sư, cựu giám đốc sở Xây dựng Gia Lai bấm bấm rồi bảo chưa tới. Ông khác, đại tá cựu quân nhân bảo, nếu tính quân thì chưa tới, nhưng tính khung thì thừa. Ơ thì có hẳn 2 tướng, vài chục tá chứ ít gì?

          Quảng Bình trong tôi ngày xưa là vùng đất bị hủy diệt bởi chiến tranh, hết sức khó khăn vất vả và chết chóc. Bom đạn hủy diệt như thế, sống được đã khó huống gì còn đòi học hành, thành đạt.

          Thế nên khi chơi với ông Lê Vinh, kiến trúc sư, cựu giám đốc sở xây dựng thì tôi ngạc nhiên. Ông này đậu vào trường đại học xây dựng Hà Nội từ những năm 72, 73 chi đó. Năm 1976 tốt nghiệp, dông một hơi lên Gia Lai Kon Tum (lúc này chưa chia tỉnh), lại còn được phân tiếp lên tận huyện xa nhất tỉnh, khó khăn nhất tỉnh là huyện Đăk Glây (giáp Quảng Nam về phía núi Ngọc Linh) làm cán bộ ở đấy. Năm 1981 tôi mới lên Gia Lai và chuyến công tác đầu tiên lên Đăk Glây là năm 1983, sau 2 năm lên Gia Lai, đi 3 chặng xe, toàn xe zin 3 cầu, cả thị trấn có một quán bún nhạt hoét ăn sáng, muốn ăn cơm phải vào văn phòng huyện ủy báo. Nói chung lên tới đấy là một cực hình, và khi đang ở đấy hình dung chuyến về mà toát hết mồ hôi. Thế mà ông Vinh đã “bám trụ” ở đấy từ 1976 thì... nể quá.

          Cái chuyện ông ấy ở Đăk Glây là mãi gần đây, khi ông Vinh về hưu, tôi cũng hưu, lái xe rủ ông ấy đi chơi, ra tận Nghệ An, qua Đăk Glây khi nghe tôi vừa lái vừa huyên thuyên rằng mình đến đây lần đầu tiên như thế nào, khó khăn vất vả và nguy hiểm ra sao, ông mới thủng thẳng mà rằng, tôi ở đây từ 1976, phụ trách làm nhà cho bà con định cư và đón số bà con Giẻ Triêng quốc tịch Việt bên Lào về.

          Ở Pleiku có cái hội đồng hương Quảng Bình rất xôm trò, năm nào cũng tổ chức họp mặt, nghe đâu nếu đủ mặt thì con số cả ngàn người. Đủ ngành đủ giới đủ lứa tuổi đủ thế hệ... Chao ơi mỗi lần gặp mặt thì văn hóa Quảng Bình lên ngôi, những là hò khoan Lệ Thủy, những là Quảng Bình quê ta ơi... rồi ký ức, rồi xửa xưa, rồi quá vãng, rồi hiện tại, rồi khoai deo với ớt với mắm... Trưởng ban liên lạc hiện nay của cái hội đồng hương này là ông Hoàng Hiệp, nguyên là phó ban quản lý các dự án của tỉnh Gia Lai.

          Thì như ông đại tá quân đội đang ngồi trước mặt tôi đây. Mới nhận sổ hưu, trông như ông làm vườn nào đó. Mà quả là, trước đấy ông từng như là công nhân cao su, là cửu vạn, là kẻ vượt biên, là đủ thứ, tóc dài phủ gáy nên có lúc còn như... Fulro, mãi tới khi về hưu ông mới lộ thân phận. Nhìn cái cách mỗi lần sử dụng điện thoại xong, đều úp mặt lại để xuống bàn thì biết cái nghề đã ăn vào máu ông thế nào? Ông này mặn chuyện, vui tính, nói đủ thứ chuyện trên trời dưới biển, kể chuyện bọ thì thôi rồi, trừ chuyện cụ thể trước đấy ông đã làm những gì?

          Nhiều người nói, một trong những bí thư tỉnh ủy giỏi nhất của Quảng Bình từ xưa tới nay là ông Nguyễn Tư Thoan. Thì con trai của ông cũng đang sống ở Gia Lai, hàm trước khi về hưu là trưởng ban quản lý xây dựng. Chuyện ông Thoan thì tới giờ đã hầu như rõ, sau rất nhiều đồn thổi thì cái lỗi chính của ông là không khai một giai đoạn ngắn làm cảnh sát cho chế độ cũ, chứ cái chuyện đang làm cho chế độ cũ rồi giác ngộ, làm cho ta thì rất đáng được biểu dương. Nhưng chắc do chủ quan ông đã không khai trong lý lịch. Rồi bao nhiêu đồn thổi các loại vì hồi ấy thông tin chưa rõ ràng như giờ, nên khi nghe tin con trai ông “đóng” chức trưởng ban ở Gia Lai tôi cũng ngạc nhiên, nhưng sau thì hiểu, vì ông chỉ là “thuyên chuyển công tác” chứ cũng chả phải bị bắt hoặc cách chức như lời đồn một thuở.

          Cũng có tới mấy ông bà nhà báo người Quảng Bình sống ở Gia Lai và làm cho báo ở Sài Gòn và Hà Nội. Như ông Trần Hiếu học sau tôi mười mấy khóa giờ làm cho báo Thanh Niên, ông Ngọc Tấn học sau 1 khóa làm báo Nông thôn ngày nay. Cô nhà báo Phan Lài cũng hộ khẩu Quảng Bình thì giờ đang là phóng viên báo Gia Lai... Té ra cái lò Đại học Tổng hợp Huế, từ hồi chỉ đào tạo văn khoa ấy đã đẻ ra rất nhiều nhà báo. Tôi cũng tự hào là mình học khóa 1, khóa “vạn sự khởi đầu nan”... Cô họa sĩ trình bày báo Gia Lai mới về hưu cũng đích danh... mạ.

          Nơi đông cư dân bọ nhất có lẽ là binh đoàn 15, một binh đoàn làm kinh tế đóng ở Gia Lai. Cựu tư lệnh binh đoàn này là một ông Quảng Bình hàm thiếu tướng. Và có lẽ vì thế mà ở cơ quan binh đoàn xuống tới các đơn vị, người Quảng Bình khá đông. Tôi đã từng có dịp đi hết các đơn vị cấp dưới của binh đoàn, tới đâu cũng lao xao giọng bọ, nhất là các buổi sáng ăn sáng ở nhà ăn đơn vị. Trong một lần lao xao như thế tôi gặp đại tá Hoàng Đức Tỏa, giám đốc một công ty của binh đoàn, và cái công ty ở rất sâu trong rừng này chính là nơi có cái nhà trẻ đón cháu vào lúc nửa đêm mà dạo nào báo chí đưa tin khiến nhiều người ngạc nhiên và xúc động. Có gì đâu, giờ đấy nhà trẻ đón cháu để bố mẹ đi làm, cạo mủ cao su phải đi vào giờ ấy. Ông đại tá này là một trong mấy đại tá, thượng tá giám đốc, phó giám đốc các công ty của binh đoàn thời ấy.

          Cái hồi đại tướng mất, một ông họa sĩ điêu khắc người Quảng Bình đang ở Pleiku cũng khiến nhiều người cảm động bằng việc đưa bức tượng bác Giáp do anh sáng tác ra cổng nhà mình lập bàn thờ để nhân dân thắp hương vọng từ xa. Và rất nhiều người đã tới thắp hương. Còn trong số các cây bút trẻ đang nổi ở Gia Lai có cô bé Trương Thị Chung, quê Lệ Thủy, học cùng trường cao đẳng với cô Trác Diễm, cũng một nhà văn trẻ đang nổi ở Quảng Bình. Chung đang làm kế toán cho một doanh nghiệp nhỏ ở Gia Lai nhưng viết như nhà văn chuyên nghiệp. Vừa được giải nhì giải thưởng VHNT 5 năm của tỉnh Gia Lai với cuốn “Pơ lang sẽ phủ cành”, trước đó cũng cuốn này được giải khuyến khích của Liên hiệp VHNT Việt Nam.

          Thì chiều nay lại một ông đại tá hưu trí gọi: Có chú em, sĩ quan một đồn biên phòng, vừa về phép từ quê vào, mang theo hàu tươi, mời ông tới làm tí sản vật quê hương. Trời ạ, nhà ông này giờ là trung tâm sản vật Quảng Bình, dăm hôm lại có một thùng gửi xe vào. Mà hàu Quảng Bình thì, không nên và không thể từ chối. Huống gì, tới đấy, sướng lên, thế nào lại chả có ông vụt dậy vung tay: Nếu ai hỏi vì sao, cả bàn lại đồng ca: khoan khoan hò khoan?...

Một ông Huế ở Pleiku viết về các ông bọ đang ở Gia Lai đăng ở báo Quảng Bình  cuối tuần, có chi mô nơ?




                                                             

Không có nhận xét nào: