Thứ Năm, 30 tháng 12, 2021

CỤ TỪ CỤ TÔ

 

          Là tôi đang nhắc đến 2 ông giáo sư nổi tiếng Từ Chi và Tô Ngọc Thanh.

          Sau tết âm lịch 1981 (lần đầu tiên tôi ăn tết xa nhà) đang lơ vơ thì anh bạn cùng phòng Văn nghệ rủ: Có đoàn của viện văn hóa xuống làng Tơ Tung quay phim tư liệu cái lễ cơm mới. Cần người chạy máy nổ, tôi với ông “thầu” đi. Anh này là họa sĩ, tốt nghiệp cao đẳng Mỹ thuật Huế, ra trường và lên nhận công tác ở đây trước tôi vài năm. Tôi bật cười, 2 thằng có bằng cấp cao nhất cơ quan lại đi chạy máy nổ, hỏi lại anh ấy, nhưng ông biết sử dụng không? dễ ẹc, tôi làm được.

          Thế là tôi báo cáo trưởng phòng, xin cho 2 thằng đi thực tế, trưởng phòng, một sĩ quan quân đội cấp úy tăng cường, cười khẩy, tôi biết tỏng các ông đi chạy máy nổ thuê cho “bọn Hà Nội”, nhưng thôi đi đi. Sau tôi mới biết ông này rất ghét những người có chữ, huống gì lại từ viện đầy chữ ngoài Hà Nội vào.

          Và xuống làng Tơ Tung, xã Nam, xã quê anh hùng Núp, tôi gặp giáo sư Tô Ngọc Thanh.

          Tôi nhớ nhọ nhẹ tối chúng tôi tới làng, vào ra mắt ông. Ông nói, máy nổ mới, lịch làm việc như thế như thế, các ông bảo đảm điện để chúng tôi làm việc, công xá như thế như thế (tôi không nhớ bao nhiêu nữa). Ông biết anh bạn đi cùng rồi nhưng chưa biết tôi nên hỏi thăm tôi, bảo tôi biết ông là sinh viên mới lên nhận công tác, thế ông học Ngữ hay học Văn. Dạ em học Ngữ Văn. Biết là khoa Ngữ văn rồi nhưng văn hay ngữ. Dạ văn ạ. Ông có thích làm Fonclo không? Dạ không, em thích sáng tác ạ. Tiếc nhỉ, đất này là đất nghiên cứu sưu tầm văn nghệ dân gian đấy.

          Thế rồi việc ông ông làm việc tôi tôi làm, nhưng có tới chục năm ông đi đi về về Gia Lai và tôi thành học trò ông từ bao giờ chả biết.

          Sau đấy thì còn nhiều chuyến xuống làng với ông nữa với tư cách người của Ty Văn hóa được cử đi phối hợp khoa học chứ không phải chạy máy nổ. Cùng đi sưu tầm văn hóa dân gian, tôi phụ trách phần văn học. Xuống làng, lui hui nấu ăn với nhau, ngủ nhà sàn, tắm suối, ra bìa rừng chiến đấu với... heo để xử lý đầu ra buổi sáng. Tôi lặng lẽ quan sát, học hỏi ông từ cách sống tới làm việc. Bởi trước khi vào Gia Lai ông đã có hàng chục năm sống ở vùng dân tộc phía Bắc dù nhà ông ở Hà Nội. Ông ở và hiểu biết Gia Lai nhiều tới mức sau này người ta quên luôn đoạn ông sống và nghiên cứu âm nhạc và văn hóa dân tộc Thái Tây Bắc. Nhớ có lần mắc võng ngủ ở một làng Jrai Chư Păh, có cháu bé mới sinh được một tuần chả hiểu sao bị đi ỉa chảy suốt đêm, 30 phút lại xoẹt cái. Tôi biết nếu cứ thế này cháu bé sẽ mất nước mà chết. Tôi xin ý kiến ông Thanh nằm võng bên cạnh: vợ em có chuẩn bị cho em một ít Cloxit, em cho cháu uống nhé. Rất đắng đấy, nhưng không uống nó sẽ chết. Ông Thanh bảo ừ Hùng cho uống đi. Tôi bảo mẹ cháu vắt ít sữa ra cái muỗng, rồi nghiền một góc viên Cloxit hòa vào sữa đổ vào miệng bé. Và, từ bấy tới sáng nó không xì xoẹt nữa. Vấn đề là, sáng sau có tới mấy người dẫn, bế, cõng... người nhà đang bệnh tới nhờ... chữa.

          Cuốn Fonclo Bahna do ông chủ biên, sở Văn hóa Thông tin Gia Lai - Kon Tum xuất bản năm 1988 là kết quả của chục năm ông và các cộng sự nghiên cứu, sau này là một tài liệu quan trọng cho bất cứ ai muốn nghiên cứu về văn hóa dân gian Gia Lai và Tây Nguyên.

          Sau này ông nhiều năm là chủ tịch hội Văn Nghệ dân gian Việt Nam và tôi cũng nhiều năm làm chi hội trưởng chi hội Văn Nghệ dân gian Việt Nam tại Gia Lai.

          Tôi được gặp cụ Từ lại trong một trường hợp khác.

          Hôm ấy phòng văn nghệ của tôi được giao nhiệm vụ... trang trí nhà cho họa sĩ Xu Man tiếp khách quốc tế, chủ công là tôi và anh bạn họa sĩ. Tất cả chúng tôi đều ở nhà tập thể, riêng ông Xu Man mình một phòng, nhưng vì ông luôn đốt lửa trong phòng nên nó ám đầy khói và bụi, chưa kể mùi các loại. Khách của ông là giáo sư Condominat lừng danh người Pháp. Chúng tôi phải khiêng giường, bàn ghế, cả rido nhà chú trưởng ty xuống phòng ông (chú trưởng ty có gia đình nên vật dụng tươm hơn), mua cho ông gói thuốc Du Lịch bày cả cho ông cách mở mời khách.

          Người đi cùng và làm phiên dịch cho giáo sư Condominat là giáo sư Từ Chi. Và té ra hai ông này còn xuề xòa hơn cả ông Xu Man.

          Và sau đấy, cái phòng ở trong khu tập thể của tôi rất nhiều lần được đón cụ Từ tới ăn cơm và nhậu. Tôi vẫn nhớ cách cụ ăn món bánh tráng. Bẻ nhỏ cho vào lòng bàn tay trái, lấy ngón cái tay phải nghiền nhỏ rồi hắt vào miệng. Cụ hết răng rồi. Nhưng nếu ai tỏ ra quan tâm chăm sóc là cụ gạt đi, bảo các anh cho tôi bình đẳng với các anh chứ không tôi tủi thân.

          Về tri thức và sự hiểu biết, thông tuệ, lịch lãm của cụ thì khỏi bàn, cụ là thầy của rất nhiều thầy. Nhưng cách cụ ứng xử, chơi với chúng tôi, lứa láu nháu mới ra trường, ngựa non háu đá, mới thấy hết tầm của cụ. Tôi nhớ có lần ở hội trường 2/9 có cái lễ hội gì đấy, khá lớn. Cụ ngồi xà lển với chúng tôi phía dưới, một ông to to của ban tổ chức xuống mời ông lên hàng ghế danh dự, ông bảo xin anh cho tôi ngồi với các bạn của tôi. Trời ơi là nó sướng, là chúng tôi sướng vì được ông coi là bạn. Đến mấy lần, mấy vị lãnh đạo xuống mời nhưng ông vẫn cương quyết... bám trụ. Vấn đề gì hỏi cụ, cụ đều không khẳng định mà toàn: tôi đoán là, tôi đồ chừng, có khi nó là... dù cụ nói xong thì ai cũng hiểu, nó chính là chân lý rồi.

          Vẫn nhớ hồi ấy, phố Pleiku lại thi thoảng xuất hiện ông già áo Chàm quần bà ba, guốc mộc tóc dài, miệng móm mém, cứ xuề xòa bị cói thấy đâu có gì hay hay lại xà vào.

          Nhưng cách cụ làm việc thì khủng khiếp.

          Tiếc là tôi không giữ cái bản thảo bài báo ông viết về “Hoa văn các dân tộc Gia Rai - Ba Na”. Hồi ấy tôi là người đặt ông viết cho Tạp chí Văn Nghệ Gia Lai Kon Tum. Trong đời, tới giờ là 40 năm làm báo viết báo, tôi chưa thấy cái trang bản thảo nào nó dài tới thế. Và cũng đính nhiều tới thế. Viết tay, sửa rất nhiều. Thay vì gạch để viết như mọi người, thì ông viết vào tờ giấy khác rồi dán đè lên, cứ thế nó dài loằng ngoằng và như cái phướn với rất nhiều tua là những tờ viết thêm đính vào. Một cách làm hết sức cẩn thận, khoa học và chi tiết của một giáo sư nổi tiếng. Văn nghiên cứu của ông thì vừa sáng vừa đẹp vừa hấp dẫn và chặt chẽ tới kinh người, rất hấp dẫn.

          Không chỉ tôi coi 2 cụ là thầy dù tôi không đi vào con đường nghiên cứu, mà nhiều người sau này, quan tâm tìm hiểu tới văn hóa dân gian Tây Nguyên, đều thấy trước mình lừng lững bóng hai cụ...



Ảnh chụp năm 2009 tại hội thảo cồng chiêng Tây Nguyên. Cụ Từ có ảnh nhưng chụp máy phim nên... bó tay.



                                                              

2 nhận xét:

Tôn thất quỳnh Ái nói...

Tuyệt

Văn Công Hùng nói...

@Tôn Thất Quỳnh Ái: Hihi cám ơn cụ ạ.