Thứ Hai, 29 tháng 11, 2021

GÓP THÊM VỀ KHẨU HIỆU “TIÊN HỌC LỄ HẬU HỌC VĂN” (FULL)

            Đang có những cuộc tranh cãi, đến nặng lời, trên báo và nhất là mạng, về đề xuất của giáo sư tiến sĩ khoa học Trần Ngọc Thêm, bỏ câu “Tiên học Lễ hậu học Văn” trong trường học.

          Thực ra thì, các khẩu hiệu nói chung, và trong trường học nói riêng, vẫn thường xuyên thay đổi theo từng giai đoạn. Nếu ai theo dõi thì thấy nước ta đã qua khá nhiều khẩu hiệu, có “Tất cả vì học sinh thân yêu”, có “Thi đua dạy tốt học tốt” và giờ thì đang là “Tiên học lễ hậu học văn” vân vân...

          Để có được câu “Tiên học lễ hậu học văn” ấy cũng không phải dễ dàng gì, hồi đầu cũng có khá nhiều ý kiến. Tất nhiên sự ủng hộ là đa số nên nó đã hiện diện lâu nay.

          Nên giờ, với đề xuất thay đổi (hoặc bỏ nó) ông Trần Ngọc Thêm tạo nên một “dư chấn” xã hội là điều không tránh khỏi.

          Theo như giáo sư Thêm giải thích “Tôi không nói là bỏ dạy Lễ, bỏ học Lễ theo cách hiểu là phẩm chất đạo đức; mà chỉ là bỏ quan niệm và cách nói “Tiên học lễ, hậu học văn” theo cách hiểu là phục tùng một chiều.”.

Nhưng sau đấy ông lại giải thích: “Học Lễ là để biết được vị trí của mình trong hệ thống thứ bậc, tôn ti. Trong sách Luận ngữ, Khổng Tử dạy con trai Bá Ngư: “Không học Lễ thì không biết chỗ đứng ở đời, không lập thân được”. Lễ tạo nên khuôn phép để ràng buộc con người. Như vậy, “Tiên học lễ” đòi hỏi người dưới tôn trọng người trên trong quan hệ một chiều. Trong khi đó, sự sáng tạo và phản biện chỉ tồn tại được trong mối quan hệ hai chiều: Người dưới và người trên phải tôn trọng lẫn nhau thì mới có thể trao đổi một cách dân chủ, bình đẳng được.”.

Hình như ông hiểu Lễ và Văn nó hơi hạn hẹp.

Dẫu có thể là nó du nhập, nhưng nó hợp với truyền thống văn hóa Việt. Ấy là truyền thống kính trên nhường dưới, truyền thống yêu thương nhịn nhường, là con cái kính trọng bố mẹ ông bà, là đạo đức con người mà chúng ta phải tu dưỡng hàng ngày, nhất là ở lứa tuổi học trò, là toàn bộ hành vi ứng xử của con người với con người và với tự nhiên vân vân. Vậy thì lễ làm sao mà bỏ được. Nó chính là cách học làm người, là cách rèn luyện thường xuyên để con người tử tế nhất, trong sáng nhất, nhân văn nhất.

Còn sau đấy là văn, tức là kiến thức, là học vấn, là tri thức. Thì bao giờ chả thế. Điều này thì đương nhiên, bỏ hay không thì cũng phải thế.

Truyền thống dân tộc ta lại còn từng đồng hóa nhiều quan niệm, nhiều hành vi du nhập từ nước ngoài thành của mình. Rất nhiều yếu tố văn hóa Hán đã bị Việt hóa, đã trở thành thuần Việt đấy thôi.

Vừa có cái hội nghị văn hóa toàn quốc khá lớn, để bàn việc “triển khai thực hiện nghị quyết đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của đảng”, đủ thấy vấn đề văn hóa của nước ta đã cần thiết phải nhìn nhận một cách trung thực và sâu sắc như thế nào?

Giáo dục là thành tố quan trọng của văn hóa. Lễ là một trong những yếu tố cấu thành văn hóa người Việt, đã có hàng ngàn năm chứ chả phải mới du nhập. Nó thể hiện ở lời ăn tiếng nói, ở ứng xử hàng ngày, ở tình cảm hàng xóm láng giềng, anh em bè bạn... dẫu có thể có lúc này lúc kia, nơi này nơi kia nó chỏi với đời sống văn minh đô thị, nhưng chính nó là nền tảng để xã hội ổn định khi mà pháp luật nước ta chưa với hết tới tất cả mọi mặt đời sống, và đặc biệt ở lĩnh vực văn hóa, nó cần sự thấu hiểu sẻ chia bằng kinh nghiệm, cảm xúc, bằng những thứ khó mà đong đếm lạnh lùng khi định danh chân thiện mỹ. Lễ chính là cái níu con người ở lại phía trong sáng, nó khiến con người nhận biết phải trái, biết xử lý tình huống một cách vừa nhân nghĩa vừa nhân văn, cao thượng, hợp lý hợp tình.

Tất nhiên giáo dục nước ta cũng còn nhiều điều cần thay đổi. Giáo dục là trang bị kiến thức cho con người. Nhưng kiến thức thì như sông như bể biết bao giờ cho đủ. Cứ từ người lớn, cả những người thành đạt, họ dùng hết bao nhiêu kiến thức được dạy, dùng bao nhiêu kiến thức tự trang bị thì biết. Từ đấy rút ra, cần dạy cái gì, cần học cái gì? Và ai cần gì học nấy. Như chúng ta hiện nay dạy kiểu để cho ai cũng thành nhà văn, thành nhà toán học, thành kỹ sư bác sĩ...

Và nhưng, có những cái ai cũng phải học: tình yêu, sự tôn trọng nhau, sự trung thực, tính phản biện, thấy sai phải nói chứ không ngậm miệng ăn tiền... đơn giản hơn nữa: bỏ rác đúng chỗ, không nhổ bậy, đi đúng làn đường, nhường nhịn nhau, là người lành không ngồi vào chỗ người khuyết tật, không bỏ túi cái gì không phải của mình...

Bên cạnh đấy, bỏ tất cả các loại thi đua vô bổ, hình thức lòe loẹt, tính từ sáo rỗng...

Thực ra thì, ý kiến của giáo sư Thêm cũng mới chỉ là đề xuất của ông trong một hội thảo khoa học, đúng sai thì cần bình tĩnh trao đổi lại, và đấy mới đúng là khoa học và mới có khoa học. Cũng có một thực tế nữa là, chúng ta có nhiều khẩu hiệu quá, nhiều khẩu hiệu đã cũ và lỗi thời nhưng vẫn dùng. Riêng câu “Tiên học lễ hậu học văn” theo tôi, hiện giờ vẫn đúng, và sẽ còn đúng lâu nữa chừng nào chúng ta còn cần những con người toàn diện, có đức và có tài. Tất nhiên chữ lễ hiểu rộng ra chứ không chỉ có nghĩa là lễ phép, nghe lời, lễ nghĩa mang ơn và ban ơn, tiêu cực hơn còn hiểu là lễ... hội, là cúng bái...

        Bài trên Kính Đa Tròng báo Dân Việt Link gốc ở đây                                                               

 



1 nhận xét:

Quế Sơn nói...

-Mấy lúc nay không còm. Tay trái từ nhược cơ đến liệt cơ. Bình thường mổ cò đã khó. Nay, một tay, thao tác khó quá, đâm ra lười. Không có ý giải trình sức khỏe mà cái nguyên nhân chính đáng ấy sẽ làm mọi người không hiểu miên man.
-Miền Nam trước 1975, từ ấu học đến hết cấp 3, một khẩu hiệu duy nhất được trưng trong lớp:'Ngày nay học tập-Ngày ma giúp đời'. Không uốn éo, lẹo lươn, xây dựng con người mới...nôn ọe gì cả, mà, thầy trò, thầy thầy, trò trò ăn ở nhân văn, sau trước nghĩa ân, đâu ra đấy.
-Đù mẹ. Xin lỗi. Dịch dã, dân chết như rạ. Chết không có một người thân. Bé còn đi lẫm đẫm, một mình, tự lên ô-tô, đi cách ly vì nhiễm cô-vít. Ai nhìn cũng không cầm được nước mắt. Thế nhưng cái bọn đã thấm nhuần 'con người mới' nôn ọe ấy, dư lễ, thừa văn, nhập thuốc giả bán cho người bệnh dang gần mép lỗ thèm ngày sống; nâng khống giá vật tư thiết bị y tế phòng chống dịch, cướp trắng quốc khố hàng ngàn tỷ đồng. Người dạy lễ, dạy văn thì đổi chữ lấy trinh tiết học trò, dẫn dắt học trò vào đường bán trôn nuôi miệng. Trao vào tay nó quyền triệt phá cờ bạc trên net thì nó lập ra công ty tổ chức đánh bạc trên mạng liên quốc gia. Tin giao cho nó canh giữ biển Đông thì nó ngốn gần hết ngân sách bảo vệ biển đảo. Mà tướng lãnh. Mà tiến sĩ giáo sư, mà thứ trưởng bộ trưởng cả. Qua 75 năm mất bò, bây giờ mới bàn chuyện làm chuồng. Toác rồi thì hãy để toang luôn là hay nhất. Tốn sức tốn hơi tốn tiền. Vô tích sự.