Thứ Tư, 13 tháng 10, 2021

MỘT GÓC NHÌN NỮA VỀ BÀI THƠ "MỘT NỬA BÔNG HỒNG"

 

Vân Đình Hùng là một thi sĩ thứ thiệt dù nghề ông không liên quan gì tới thi ca. Ông làm thơ cũng khiếp nhưng bình thơ thì còn khiếp hơn. Kiểu bình rất thi sĩ, không giống ai, nhưng đẫm chất thơ và chất... chữ. Chữ khi ông bình thơ nó cũng cứ tưng bừng nồng nã, tinh tế vân vi...


Hôm qua  ông gửi cho nhà cháu bài này

---------

MỘT NỬA BÔNG HỒNG

Văn Công Hùng

 

Tôi vào vườn hoa,

ngắt một bông hồng,

và bạn có tin không,

bông hồng chỉ còn một nửa.

một nửa bông hồng mắc ở dây thép gai,

tàn tích chiến tranh để lại.

 

Cánh hồng non tơ mềm mại run run trên tay tôi

Dẫu đi hết cuộc đời,

chắc chẳng bao giờ tôi quên buổi ấy,

khi tặng nửa bông hồng cho bạn gái,

tôi chờ nỗi ngạc nhiên.

Em chỉ mỉm cười.

 

Một bông hồng xé thành hai nửa,

đang héo dần bạn ơi.

 

Cuộc chiến tranh đã qua lâu rồi,

gai thép nhọn vẫn đâm vào hiện tại.

Tôi vô tình hái hoa cho bạn gái,

trên tay tôi,

Một nửa bông hồng

 

1985

 

Có lẽ là gió, tại gió, rất nhiều gió làm cành hồng kiên cường kia cũng có lúc bị khuất phục. Gió quăng gió quật. Gió chao gió đảo. Gió lấy đi một nửa, gửi nửa bông hồng ấy cho tàn tích chiến tranh nhọn sắc đâm vào thời gian, đâm vào không gian cho đến tận bây giờ. Thế mà một thư sinh lãng đãng, dám hái nửa phần còn lại tặng bạn gái với một hy vọng. Tia hy vọng mong manh.

Cô gái chỉ mỉm cười. Nụ cười cảm thông hay nụ cười hạnh phúc. Bài thơ không thấy nói đến cảm xúc ấy, chỉ tự nhận là mình đã vô tình dẫn đến một hữu ý, một hành động cụ thể: tặng! Tặng nàng.

Xét trên văn bản chữ chỉ là một câu chuyện xảy ra trong một lần đi chơi với bạn gái, rồi bất chợt thấy một bông hồng còn lại một nửa đang ửng sắc trong nắng gió Tây nguyên giữa bạt ngàn dã quỳ vàng mật. Tự nhiên nửa bông hồng có sức quyến rũ đặc biệt. Nó có thể đại diện cho lời tỏ tình không lời. Thế là hái, thế là tặng, thế là mỉm cười…

Chính tác giả cũng hỏi “và bạn có tin không”. Đọc xong tứ này tôi chợt nhớ tới câu thơ cùng thời của nhà thơ Nguyễn Trọng Tạo “tin thì tin không tin thì thôi”. Đó là câu trả lời hay như vế sau của một câu đối vậy.

Đọc vài lần MỘT NỬA BÔNG HỒNG của nhà thơ Văn Công Hùng và tâm niệm rằng hãy đặt nó vào thời cách nay 36 năm. Lúc ấy chàng sinh viên mới ra trường năm năm, nhận công tác ở Tây nguyên mà viết “Một bông hồng xé thành hai nửa” thế là oách! Có ông nhạc sỹ viết lời ca khúc mà cũng cắt nửa vầng trăng, bẻ đôi câu thơ… khi bài hát được phổ biến rộng rãi, người nghe cũng thấy ngồ ngộ.

Những người đi tiên phong hay mang sứ mệnh tiên phong đều phải như vậy. Thời chiến tranh, tiên phong là tuyến đầu, là đụng độ, là trực diện… không nơi ẩn nấp. Đao kiếm vô tình. Thời bình, cây cao thì đón nhiều gió. Người ta phải chặt cây cho vừa cơn bão. Nghĩ cũng lắm gian truân.

Thông điệp của bài thơ nằm nơi khổ cuối đọc đi đọc lại, chúng vẫn là những câu hỏi. Tác giả bày ra rồi tường thuật và không bình luận gì. Để trả lời không dễ dàng gì. Tùy theo mức độ tận hưởng, Trường dao động của tứ thơ kia khi rung lên bạn đọc cộng hưởng rồi giao thoa với nó thế nào là tùy mỗi người. Tùy duyên. Vâng còn tùy duyên bạn ạ.

Trời cho được đến đâu, thì một nửa bông hồng mất sẽ gây cho bạn những trăn trở đau đớn hay liên tưởng đến gì đã trải qua trong chiến tranh thời ấy là hoàn toàn phụ thuộc vào bạn . Bạn đọc. Chỉ bạn mà thôi.

Tôi thích cái tứ lặn trong hai câu thơ:

tôi chờ nỗi ngạc nhiên.

Em chỉ mỉm cười.

Nụ cười đã từng trở thành vô giá và ma mị trong bức họa của Leona De Vinci, trong Người đàn bà xa lạ của Ivan Kramskoi. Còn nụ cười của nàng sẽ là bất tử với chàng lãng tử quần loe tóc dài thời đó. Và cũng gây hoang mang cho bạn đọc.

Tôi muốn ghép “Một bông hồng xé thành hai nửa/trên tay tôi/ Một nửa bông hồng” để kết cho bài viết ngắn này và không bình luận gì.

                                                       Ngày 12/10/2021 - Vân Đình Hùng 

                                Thời quần loe tóc dài bác Vân Đình Hùng nhắc trong bài hihi


Ảnh minh họa: Nguyên vẹn một lọ hồng thơm.


 

Không có nhận xét nào: