Hai tháng trước, một cái tin chấn động khiến nhiều người ngơ ngác và rùng mình, một xe đông lạnh chở 15 người vượt chốt để về quê. Chấn động là bởi, chúng ta vẫn nhớ như in vụ 39 người chết ngạt trên xe tải đông lạnh khi cố vượt biên vào nước Anh năm nào.
Nhưng
nó cũng khiến chúng ta cầm lòng không đặng, bởi nói như một lãnh đạo tỉnh Bình
Thuận, là họ đã quá khổ rồi, những người chấp nhận ngồi xe đông lạnh qua chốt ấy,
trả họ về nơi xuất phát thì họ sẽ sống thế nào, nên phương án rất nhân văn dẫu
phải “vượt rào” của tỉnh Bình Thuận được đưa ra: cách ly họ tại chỗ, sau đấy
liên hệ với các địa phương quê họ (Quảng Trị, Hà Tĩnh và Nghệ An) để đón họ. Và
ngày 15 tháng 9, tỉnh Bình Thuận đã tổ chức đưa họ về quê, miễn phí toàn bộ, từ
xe cộ tới test nhanh và các chi phí khác, giao công dân các tỉnh tại địa giới tỉnh
ấy.
Tất
nhiên đấy chỉ là giải pháp tình thế, bởi nguyên tắc chống dịch bây giờ là, ai ở
đâu ở yên đấy. Chịu khó chịu khổ để tới ngày "tất cả là vùng xanh",
nhưng trên thực tế vẫn có những trường hợp không còn đường lùi. Tiền hết, nhà
trọ đòi, bơ vơ đất khách, về quê dẫu sao vẫn còn mảnh vườn, còn nơi nương tựa,
còn bà con, hàng xóm, no đói có nhau vân vân, và vì thế nên mới có những chuyện rợn người như ngồi xe đông lạnh tìm cách về
quê đã kể...
Hôm
nọ các bạn VOV có phỏng vấn tôi vài chuyện về ứng xử của nhà văn trước đại dịch.
Tôi trả lời, đừng mong họ có những tác phẩm hay ngay lập tức, bởi cái con covid
này mới quá, cuộc khủng hoảng này cũng lạ quá, nó ập đến khiến cả thế giới
không kịp trở tay chứ chả một nước riêng lẻ nào. Nguyên việc mày mò tìm hiểu
xem nó là cái gì, như thế nào, ra làm sao... cũng đã và đang rất loay hoay, các
nhà khoa học cũng đang chưa thống nhất, cũng cãi nhau, huống gì các nhà văn. Mà
không hiểu thì viết sẽ rất lơ mơ. Điều ấy cũng lý giải vì sao vừa rồi có khá
nhiều tác phẩm "động viên, cổ vũ" tức thời, nhưng chưa cái nào lắng lại,
nhất là âm nhạc. Đa phần nó mới như các tác phẩm tuyên truyền cổ động trực
quan, nặng về hô hào gào thét chứ chưa thực sự rung cảm, chưa thực sự là các
tác phẩm nghệ thuật mang tính biểu cảm, tính thẩm mỹ, tính nghệ thuật... gây
xúc động cho khán giả, tóm lại nó chưa phải là tác phẩm nghệ thuật đúng nghĩa.
Và
tôi mới nghĩ nhiều về thân phận con người. Té ra nó hết sức mong manh chứ chả
phải vạm vỡ phì nhiêu vững chãi gì. Thì đấy, cái con virus bé tí, chả ai nhìn
thấy, chả ai hình dung ra nó trừ các nhà khoa học dùng kính hiển vi, thế mà nó
khiến bao con người hoành tráng thế, hoàn hảo thế, thông mình trác tuyệt thế,
chỉ tích tắc biến thành... bình tro. Hết sức đau lòng, và cả khủng khiếp.
Người
Việt ta, làm gì thì làm, đi đâu thì đi, nhưng khi trong nhà có người lâm chung
thì tất cả con cháu phải có mặt. Đấy là truyền thống, là đạo lý, là nếp nhà, là
tự hào dòng họ. Có cụ con cháu chưa về đủ là chưa nhắm mắt, đợi bằng được đứa
cháu mình yêu quý về mới chịu đi. Và từ đấy người Việt có tư tưởng con đàn cháu
đống, để một trong những việc hữu dụng là khi lâm chung có đông đủ con cháu,
càng nhiều càng tốt, càng nhiều màu khăn tang thì càng chứng tỏ gia đình đầm ấm,
gia thế. Nên chắc chỉ ở Việt Nam mới phân chia nhiều màu khăn tang: trắng, đỏ,
vàng... như thế. Và cũng ở Việt Nam mới hay hỏi nhau: Đám ma to không? Con cháu
về đủ không? Và cũng vì thế mà hay xuất hiện các đám tang... ngoại cỡ.
Thế
mà ở dịch này, rất nhiều người, nhiều lắm, ra đi trong cô độc. Cả nhà vào bệnh
viện, một hai người được xuất viện về nhà, những người còn lại đi thẳng từ bệnh
viện vào... lò thiêu. Cả tuần sau gia đình mới nhận được hũ tro, ban đầu do các
shipper trao, sau này được giao cho quân đội, nó quy củ trang trọng hơn.
Tôi
cứ ám ảnh mãi về sự ra đi của nhà văn đại tá Nguyễn Quốc Trung. Ông tới địa điểm
tiêm vắc xin mũi 2, khi khám sàng lọc, đo thân nhiệt hơi cao, ông bèn vào bệnh
viện 175 khám, tưởng là cảm do hôm trước bị mưa. Ông đi xe máy cho tiện khám
xong thì về. Vào thì người ta phát hiện ông dương tính, thế là ở lại điều trị.
Ông còn điện thoại cho rất nhiều bạn bè và quan chức hội nhà văn thông báo mình
dương tính, và hẹn nằm vài bữa rồi ra. Rồi các cuộc gọi điện, nhắn tin thưa dần
rồi bặt hẳn. Bằng nhiều mối quan hệ, nhà văn đại tá Đào Văn Sử liên hệ được với
bệnh viện 175, là bệnh viện quân đội, thì mới được biết ông đã mất. Một mình
vào viện, chiến đấu với niềm tin sẽ trở về, ông đã một mình những ngày cuối đời
cũng vẫn với niềm tin người lính ấy, cho tới khi sang thế giới bên kia ông vẫn
một niềm tin mãnh liệt ấy, và chắc vẫn ngơ ngác: Thế cái con virus ấy nó là cái
gì mà nó làm đảo lộn cả xã hội lên thế?
Kinh
nhất là có gia đình không còn người nhận tro cốt. Và người ta thống kê, đến rằm
Trung thu vừa rồi, trên địa bàn thành phố Sài Gòn có 1.500 trẻ mồ côi do có
cha, mẹ hoặc người chăm sóc nuôi dưỡng tử vong vì COVID-19. Nhiều cháu mồ côi cả
cha và mẹ.
Đúng
là toàn những chuyện cầm lòng không đặng.
Nhưng
chúng ta vẫn sẽ phải sống. Sống và làm việc, sinh hoạt bình thường, mà bây giờ
gọi là "bình thường mới". Và nhà văn thì vẫn sẽ phải viết. Nhưng quả
là, để tường tận, để cho ra môn ra khoai, để cho nó "lên" hết những
ngày tháng kỳ lạ đến khủng khiếp này, không phải ngày một ngày hai mà có.
Và
cuộc sống vẫn mở ra. Tối 15/9, trên đoàn xe tỉnh Gia Lai đón các thai phụ từ
các tỉnh thành phía Nam trở về quê, lúc 22h30, ngay trên xe, đoạn qua tỉnh Đắc
Nông, một cháu bé đã chào đời mẹ tròn con vuông...
Thì
cuộc sống mà, cứ phải tiếp tục thôi, dẫu không thể bình thường như cũ...
Và
Thủ tướng chính phủ vừa chủ trì họp với các doanh nghiệp trên cả nước, chuyển mục
tiêu từ “Không covid sang “Thích ứng an toàn”...
Bài đăng trên Reatimes, thứ 2 11/10/2021
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét