Chủ Nhật, 26 tháng 9, 2021

RANH GIỚI NGOẠI BIÊN...

 


          Đến đợt dịch bùng phát lần thứ 4 này thì thành phố HCM trở thành một ổ dịch khổng lồ. Những gì ngoài đường phố, kể cả trong các nhà, mọi người đã thấy. Nhưng trong bệnh viện, đặc biệt là khu điều trị bệnh nhân nặng, chúng ta đều "nghe nói" một cách như "nghe hơi nồi chõ" chứ nào có tường. Cũng đúng thôi, lâu nay  các bệnh viện Việt Nam khá dễ dãi khi cho người nhà vào chăm và thăm bệnh, có khi một người bệnh vài ba người chăm, bốn năm người chăm, chứ về nguyên tắc, vào viện chỉ một mình. Mọi sự chăm sóc đã có điều dưỡng, y tá. Nó bảo đảm sự vô trùng, không lây nhiễm, nó không quẩn chân y bác sĩ, nó không tăng sự quá tải của bệnh viện ở các khu vệ sinh, điện, nước, nhếch nhác nơi công cộng vân vân. Nhưng đến covid này thì khác, bệnh viện được bảo vệ nghiêm ngặt để giữ an toàn cho cả mấy phía, bệnh nhân đã đành, người cứu chữa bệnh nhân và cả người nhà bệnh nhân nữa.

          Mỗi ngày cao điểm, trung bình ở Sài Gòn có 300 người đi thẳng từ bệnh viện ra... Bình Hưng Hòa. Trước đấy họ cũng một mình chiến đấu với Covid trong bệnh viện. Có gia đình 5 người cùng nằm viện, 2 người về nhà, 3 người ra Bình Hưng Hòa để rồi sau đấy một thời gian mới trở về nhà trong một cái hũ. Nhà văn đại tá Nguyễn Quốc Trung đi tiêm vắc xin, thân nhiệt cao hơn bình thường, ông tự chạy xe máy từ chỗ tiêm tới bệnh viên 175 để kiểm tra lại. Tới nơi phát hiện dương tính và ông được nhập viện. Hai ngày đầu ông còn điện thoại, nhắn tin cho bạn bè, cơ quan và lãnh đạo hội Nhà văn, sau đấy thưa dần và bặt hẳn cho tới lúc một đại tá nhà văn khác, nhờ các mối quan hệ liên hệ được với bệnh viện thì mới biết ông đã mất, đã đưa ra Bình Hưng Hòa để hỏa táng, mấy hôm sau ông cũng về nhà bằng... hũ cốt.

          Thì cứ xôn xao hết cả lên thế, đồn đoán, lo lắng, hoang mang... Thi thoảng có những clip từ trong bệnh viện tung lên mạng, không đầu không cuối rất bi quan, mà là mới ở các tầng dưới, tầng nhẹ.

          Thế nên cái hôm nhà VTV chiếu cái phóng sự "ranh giới" nó như một cú nổ, gây bàng hoàng, gây sốc, khiến ngay lập tức được bàn thảo hết sức sôi nổi trên báo chí, trên mạng, và giữa các KOLs.

Rất nhiều người đã chấn động và khóc khi xem chương trình VTV đặc biệt Ranh giới.

Trước đấy thấy cái công văn của bộ Y tế về sự bạc bẽo, sự vất vả nhưng bị đối xử như... tù của nhân viên y tế ở một số bệnh viện chữa covid (nhân viên y tế ra ngoài mua đồ ăn thêm bị kiểm tra gắt gao, bị khám túi xách, bị tụt tiền ăn nếu trở thành bệnh nhân...).

Rồi cái công văn cũng của bộ Y tế về việc nhân viên ngành Y bỏ việc, tất nhiên là vì áp lực nặng nề quá, mà sự bù đắp thì chả thấy đâu, thấy trước mắt một số y bác sĩ trở thành bệnh nhân, và cả hy sinh và "đang làm chế độ đề nghị công nhận liệt sĩ".

Rồi những đoạn chat đắng cay của những người trong cuộc ở các group với nhau về những chế độ họ được nhận.

Họ vất vả quá rồi, kiệt lực rồi. Chúng ta cứ nghĩ họ mình đồng da sắt, họ làm xuyên ngày xuyên đêm không cần đãi ngộ...

Một ngày, mươi ngày, thậm chí mươi tháng thì được. Đằng này, đằng đẵng liên tục bao ngày bao đêm rồi? Dẫu rất nhiệt tình rất thương yêu bệnh nhân nhưng năng lượng đâu kịp tái tạo? Làm sao kịp tái tạo, mà xem cái phim kia thì thấy, họ hoạt động cường độ cao từng phút, chỉ một quyết định chậm, một hành động lơ là là một mạng người có thể ra đi...

Nên cái phim "ranh giới" trở thành cú nổ là vì thế.

Bằng một kiểu làm phim phóng sự đậm đặc chi tiết, ngồn ngộn hình ảnh chân thực, không lời bình, những cú lia máy vội, những tiếng động hiện trường, những câu thoại của nhân vật với nhau gấp gáp, những y lệnh ngắn gọn và cả những cảm thán, những thở dài, những bất lực.

Rồi bệnh nhân, ranh giới sống và chết. Những hành động vô thức, những biểu cảm những cầu cứu những buông xuôi những bất lực những quyết tâm... tất cả dồn vào những hình ảnh hết sức ám ảnh.

Vâng, một bộ phim ám ảnh. Nó khiến ta phải nhìn lại nhiều điều, có những điều bình thường ta thấy nó hết sức bình thường, như... thở. Không thở được sẽ chết, ai cũng biết thế, nhưng ngày thường chúng ta đã ai hình dung ra đâu? Lâu lâu bị ngạt mũi một lúc là đã lăn qua lăn lại khổ lắm rồi, mà chúng ta có đủ thứ để hỗ trợ cho việc thông mũi. Mà mới là ngạt mũi, khó thở hơn bình thường một chút... Hoặc như ô xi, mấy ai nghĩ sẽ đến lúc các bình ô xi trở nên quý hiếm đến như thế, và lâu nay ai cũng nghĩ phàm đã bệnh viện thì phải có ô xi gắn ở tường, với tay là có, tới khi xem phim này, thấy người thay ô xô chạy hùng hục như cửu vạn mà ô xi vẫn thiếu, những tiếng kêu ô xi vẫn vang lên...

Là người cũng làm báo, tôi rất nể ý tưởng của kíp làm phim này. Họ lên ý tưởng và thực hiện ngay, một kíp, xông ngay vào bệnh viện, cùng ăn cùng ở cùng sinh hoạt, quay quay và quay, làm nghề nhưng không được ảnh hưởng tới việc cấp cứu người bệnh, mà lại phải tự bảo vệ mình, không được lây nhiễm và lây nhiễm lại, mà vẫn phải làm việc như trạng thái bình thường.

Tất nhiên là họ phải được sự đồng ý của bệnh viện, của cả những người bệnh và người nhà của họ.

Phim ra, sau hàng loạt lời khen, cảm phục, thì vẫn có những phản biện, đấy là điều bình thường, nhất là trong thời đại "mỗi người dân là một nhà báo phây búc" như hiện nay.

Có mấy ý là, một, quyền nhân thân của người bệnh, nhất là người đã mất, và 2, không ai được phép vào bệnh viện khi đang cấp cứu...

Đúng hết, nhưng ơ kìa, thế thì làm sao chúng ta biết được những gì đang xảy ra trong bệnh viện, trong phòng cấp cứu, như đã biết. Làm sao chúng ta biết cái con virus kia nó kinh khủng tới như thế nào. Và rõ ràng, sau cái chương trình VTV đặc biệt "Ranh giới" này, chúng ta nhìn về đại dịch đã khác, dẫu lâu nay đã "đánh giá rất cao" nó rồi. Chúng ta chia sẻ, chúng ta yêu thương, chúng ta thông cảm, chúng ta nhường nhịn, chúng ta vị tha, chúng ta đoàn kết vân vân, sự nhân ái lan tỏa, lòng tốt lan tỏa, sự tử tế lan tỏa, chúng ta trân trọng từng giây phút sống và chúng ta biết ơn những người đang giành giật sự sống cho chúng ta, cho con người...

Thì như thế là thành công rồi. Thậm chí là rất thành công.

Và cũng tất nhiên, chúng ta hiểu, không có sự thành công nào là hoàn hảo, không có sự thành công nào dành cho tất cả. Bởi mỗi người là một thế giới, một góc nhìn chỗ đứng khác nhau.

Có một thực tế là, chúng ta đã nhìn khác, hiểu khác, về covid, về những người đang từng phút một giành giật sự sống cho chúng ta, và về chính chúng ta.

Báo chí đưa tin, cả bí thư và chủ tịch Tp HCM đã chia nhau đi thăm các y bác sĩ.

Thủ tướng Phạm Minh Chính cũng lên tiếng về những người mà chúng ta hay gọi là chiến sĩ tuyến đầu này, yêu cầu quan tâm đến họ, nhất là các chế độ chính sách.

Hy vọng sẽ có những quyết sách mới cho họ, những y bác sĩ tuyến đầu ấy, để những người bệnh được chăm sóc tốt hơn, con số tử vong dừng lại...

Những ngày này, theo dõi thông tin mỗi sáng, thấy số người tử vong vì covid đang giảm từng ngày. Mừng quá. Các tỉnh, thành phố cũng đang rục rịch nới lỏng giãn cách. Lại càng mừng...

Reatimes ạ


                                          Ảnh Trần Hiếu, báo Thanh Niên

                                                 

 

4 nhận xét:

Quế Sơn nói...

Nghĩ sao nói vậy. Chắc cũng dài dòng:
-Bài viết trước, tôi yêu kính Thầy Cương, theo ý tôi, không nên trưng hình ảnh của Thầy, cứ 'hữu xạ tự nhiên hương'. Tôi đang hoạt động dòng họ, tôi trân trọng các dòng họ, số lượng con cháu không nhiều nhưng chất lượng con cháu đáng kính quý. Họ Dương, họ Thân, họ Văn, và gần đây, họ Tô. Chuyện Chị Văn Thùy Dương xăm trổ-dù gọi là nghệ thuật, làm tôi thất vọng về cô giáo ấy, cũng không ngoài sự kính trọng vốn có của tôi với Thầy Cương, với họ Văn. Còn nhiều nơi trên thế giới người ta đang đua nhau xăm trổ. Đúng. Dịch vụ xăm đang thịnh hành nhưng dịch vụ phá hình xăm cũng đang rộ lên và doanh thu gấp vài trăm lần dịch vụ xăm!
-Thanh xuân của tôi gần như thuộc các cuộc xuống đường để đòi hòa bình, dân sinh, dân chủ ở các đô thị miền Nam trước 1975. Tôi chúa ghét ăn theo, nói leo, chuyện không nói có để vụ chính trị. Nhưng, thật tình, tôi kính phục nội dung sách giáo khoa dưới thời VNCH. Một bài học thuộc lòng năm lớp Ba, cách nay hơn 60 năm của tác giả Bảo Vân là một ví dụ: Giờ Quốc Sử/ Những buổi sáng vầng hồng le lói chiếu/Trên non sông làng mạc ruộng đồng quê/Chúng em ngồi yên lặng lắng tai nghe/Tiếng Thầy giảng suốt trong giờ quốc sử/Thầy tôi bảo các em nên nhớ rõ/Nước chúng ta là một nước vinh quang/Bao anh hùng thuở trước của giang san/ Đã đổ máu vì lợi quyền dân tộc/Các em phải đêm ngày chăm chỉ học/Để sau này nối được chí tiền nhân/Ta chắc rằng sau một cuộc xoay vần/Dân nước Việt lại là dân hùng liệt/Ta tin tưởng không bao giờ tiêu diệt/Giống anh hùng trê sông núi Việt Nam/Trong những trang lịch sử bốn nghìn năm/Đầy chiến thắng vinh quang và máu thắm.
Không một chữ mao, lê, mác, mỹ, nga, tàu, địch, ta...
(CÒN TIẾP)

Quế Sơn nói...

-Mấy chục năm gần đây, lãnh đạo Việt Nam không còn xuất sắc, anh tài như thuở cụ Hồ, cụ Đồng, cụ Giáp. Giaó dục phải chịu trách nhiệm, trong đó, giáo khoa thư góp một phần lớn. Thành ra, tự hào và ca cẩm quá đáng khi tác giả nào đó có tác phẩm chọn 'đưa' vào giáo khoa thư dễ bị phản ứng, phản cảm cũng là điều bình thường. Anh Đồng Đức Bốn có bài thơ ngắn, hay, rất trí tuệ, nhân văn, văn học: Đang trưa ăn mày vào chùa/Sư ra cho một lá bùa rồi đi/Lá bùa chẳng biết làm gì/Ăn mày bỏ túi rồi đi...ăn mày. Sao không tuyển nó vào giáo khoa thư?
(CÒN TIẾP)

Quế Sơn nói...

-Tần Thủy Hoàng cùng quê hương với vi rút Vũ Hán. Ông ta chết, tất cả các cung tần mỹ nữ đều phải tuẫn táng dể hầu hạ ông. Tuẫn táng bằng cách nào? Hàng trăm mỹ nữ nghiêm trang quanh linh cữu. Cửa hầm mộ kín dần. Đến viên đá bít cuối cùng thì các mỹ nữ quằn quại vì hết dưỡng khí và đành xuôi tay theo đấng quân vương yêu kính.
-Covit 19 cũng y chang. Đích đến của nó là chấm dứt hô hấp của con người. Hãy chú ý tới họng hầu và phổi. Nhỡ lâm bệnh thì tập thở, gắng thở. Mọi triệu chứng khác không cần. Chủ yếu thở, thở và thở.May ra sẽ vượt qua.
-Làm văn học như VCH, tôi quý lắm. Nhưng tính tôi nó thẳng. Chắc không tránh khỏi chuyện làm Anh buồn lòng. Thân ái.

Văn Công Hùng nói...

Ơ em cũng toàn nói thẳng và rất an tâm nghe nói thẳng ạ. NÓi được thì nghe được chứ ạ, có chi mô nơ?