Thứ Năm, 16 tháng 9, 2021

GẶP LẠI TÁC GIẢ ĐƯỢC ĐƯA VÀO SGK: VĂN CÔNG HÙNG- ƯỚC CÓ MỘT NGỌN CỎ ĐỂ RÓN RÉN

 

Bài của nhà văn Trần Quốc Toàn trên báo Thể thao Văn hóa ngày 15 tháng 9/2021. Cop từ TTVH online.

 (Thethaovanhoa.vn) - Sự “hoang hóa” giữ lại cho Đồng Tháp Mười chút bí ẩn. Bài Đồng Tháp Mười mùa nước nổi của Văn Công Hùng trong Ngữ văn 6 (tập 1) bộ Cánh diều giúp học sinh khám phá bí ẩn này!


Sách Văn hóa dân gian vùng Đồng Tháp Mười (NXB Văn nghệ, 2007) có viết “…đến cuối thế kỷ 19, công cuộc khai hoang Nam Bộ coi như hoàn tất, nhưng vùng Đồng Tháp Mười nằm ở trung bộ của vùng đất này vẫn còn hoang hóa, con người chỉ định canh định cư ở vùng ven, vùng rìa… Tên gọi Đồng Tháp Mười được dùng phổ biến có lẽ bắt đầu từ cuộc kháng chiến 9 năm (1945 - 1954)…”. Chính sự “hoang hóa” giữ lại cho Đồng Tháp Mười chút bí ẩn. Bài Đồng Tháp Mười mùa nước nổi của Văn Công Hùng trong Ngữ văn 6 tập 1 bộ Cánh diều giúp học sinh khám phá bí ẩn này!

Học mà như thám hiểm vùng đất lạ

Trong lịch sử giáo dục Việt Nam, vào những năm đất nước còn chia cắt, học sinh tiểu học nửa nước phía Bắc thuộc lòng bài: "Học đi em/ Học đi mà nhớ mãi/ Quê hương ta một dải/… Núi Trường Sơn vĩ đại/ Bờ biển rộng bao la/ Có Việt Bắc mồ ma giặc pháp/ Nối liền Đồng Tháp Nam Bộ thành đồng”. Theo hình tượng mang tới từ bài tập đọc ngày ấy thì, nếu Việt Bắc tượng trưng cho nửa nước phía Bắc, thì tượng trưng cho miền Nam là Đồng Tháp. Ý nghĩa lịch sử của địa danh này rất cần lưu ý khi dạy bài Đồng Tháp Mười mùa nước nổi trong sách giáo khoa mới năm nay.

Từ 2.800 chữ nguyên bản in trên báo Văn nghệ tháng12/2011, bài của Văn Công Hùng được các nhà biên soạn giáo khoa giữ lại hơn 1.000 chữ và chia thành 6 đoạn có ghi số thứ tự. Những người biên soạn yêu cầu học sinh “đọc hiểu” vẻ đặc sắc của Đồng Tháp Mười và bước đầu nắm bắt được đặc điểm của thể loại du ký.

6 đoạn với 6 câu hỏi in ngay bên lề mỗi đoạn giúp học sinh học mà như thám hiểm đất lạ và sẽ thú vị nhận ra đây là nơi: Lũ - mùa nước nổi, chung sống với con người; nơi có sự gắn bó lý thú giữa địa danh với địa hình, địa mạo… mở ra thảm thực vật mênh mông nối các “vườn chim”; nơi những món ăn dân giã nhất lại chính là sang trọng nhất vì đó là “thời trân” của đất trời; nơi bảo tồn “quốc hoa” - hoa sen - cho nước Việt; nơi có khu di tích Gò Tháp còn giữ được nền gạch 1.500 năm tuổi, đấy cũng là tâm điểm 2 cuộc chiến vệ quốc, chống Pháp, chống Mỹ; nơi người dân “tự tin”, “khảng khái” bước vào thời hiện đại cùng “câu vọng cổ là đà trên mặt nước”.

Những điều thú vị trên được chính tác giả Văn Công Hùng, nhìn thấy, nghe ra trên Đồng Tháp Mười và kể ngay, kể luôn với bạn đọc bằng ngôn ngữ viết để có bài du ký. Nó khác với hồi ký Trong lòng mẹ, nhà văn Nguyên Hồng kể lại chuyện xưa, học sinh đã học ở những tiết học trước. Bài du ký của Văn Công Hùng có chất truyện vì có nhân vật người Đồng Tháp dẫn đường, có chất thơ nữa! Đôi khi giữa những trần thuật, ta nghe được tâm sự của tác giả “bâng khuâng và ngơ ngác giữa thế giới sen”.

Để vừa sức học với học sinh lớp 6, những người biên soạn đã buộc phải cắt cúp. Vì thế thầy cô giáo nên cung cấp nguồn và khuyến khích học sinh đọc nguyên bản để tìm thêm đặc sắc Đồng Tháp Mười. Đây là nơi ra đời câu ca dao nổi tiếng của Bảo Định Giang “Tháp Mười đẹp nhất bông sen/ Việt Nam đẹp nhất có tên Bác Hồ”, của người lấy tên sông Bảo Định của đất Nam Bộ làm tên văn cho mình; là nơi tác giả Văn Công Hùng đã được “… chạy xe qua cái chợ mang tên [tiểu đoàn] 307, cái chợ có số to nhất nước, đi qua con kinh mà ông Nguyễn Bính cùng đồng đội đã đóng quân 2 bên bờ, hàng ngày các ông tắm rửa, lấy nước nấu cơm…”.

Với học sinh chuyên văn, người dạy có thể mở rộng hơn nữa, đấy là nơi nhà văn Nguyễn Hiến Lê viết du ký - biên khảo dài hơi Bảy ngày trong Đồng Tháp Mười, nhà văn Lê Văn Thảo viết truyện ngắn mang tầm vóc sử thi Đêm Tháp Mười, nhà thơ Thanh Thảo viết tập thơ Dấu chân qua trảng cỏ; là nơi đạo diễn Hồng Sến, cùng biên kịch Nguyễn Quang Sáng, nhạc sĩ Trịnh Công Sơn và diễn viên Lâm Tới làm phim Cánh đồng hoang đoạt Huy chương Vàng LHP Quốc tế Moskva 1981.

Trong các hướng dẫn thực hành với bài Đồng Tháp Mười mùa nước nổi, những người biên soạn giáo khoa lưu ý học sinh tìm hiểu về “du lịch sinh thái”, mới hình thành ở miền Tây Nam bộ.

“Thơ Văn Công Hùng nhìn từ phê bình sinh thái”

Đó là tên gọi luận văn thạc sĩ của cô giáo Đào Thị An Duyên, cùng người hướng dẫn PGS-TS Hồ Thế Hà. Theo nghiên cứu sinh An Duyên, đọc 10 tập thơ và 1 trường ca, Văn Công Hùng đã xuất bản, có thể thấy, với tác giả này, ý thức sinh thái có từ rất sớm. Với ông, “sinh thái là khái niệm bao gồm cả sinh thái tự nhiên và sinh thái xã hội”, là mối quan hệ giữa con người với môi trường tự nhiên và từ đây dẫn tới mối quan hệ giữa con người với con người trong xã hội khi thiên nhiên biến đổi.

Trong thơ của mình, Văn Công Hùng tái hiện thuở hồng hoang, khi mặt đất bắt đầu xuất hiện sự sống của con người, mặt đất là nguồn sinh dưỡng của con người: “Cơn quẫy đạp sinh thành/ Cơn bùng nổ để con có mặt trên đời/ Khắc số phận mình vào mặt đất/ Nỗi đau ấy ngàn năm còn nhớ/ Ngàn năm còn nước chảy mây trôi/ Cái rễ cây đắng tê người mẹ uống vào để con khỏe mạnh/ Mẹ nâng niu mầm sống của đời mình/ Mẹ vắt kiệt tình yêu gửi đất/ Giữa thượng ngàn con chập chững lớn khôn”.

Nhân vật trữ tình trong thơ Văn Công Hùng gìn giữ, nâng niu những thành phần bé nhỏ nhất của thiên nhiên bao la: “Tôi ngồi bên sông/ Ước mình như một lục bình/ Trôi, lúc nào buồn níu lại”. Và “Đi bộ trên con đường lát bê tông bên sông Hàm Luông đầy gió/ Ước nhìn thấy một ngọn cỏ/ Để mà rón rén”. Vì thế, nhân vật trữ tình ấy tròn mắt ngác ngơ như mắt cá khi thấy “Miền Tây những ngày không lũ/ Con cá thòi lòi đạp bùn leo cây” và xót xa đến thắt lòng khi: “Những đứa con lên rừng/ Đã kịp làm lâm tặc/ Choãi chân san phẳng Trường Sơn/ Mẹ Âu Cơ ngồi khóc/ Những chàng trai ở lại cùng cha/ Trở thành tù binh nước lạ/ Sải chèo mươn mải/ Nam Bắc Tây Đông dựng đứng phận người”.

Từ góc nhìn sinh thái có thể nhận ra những kiến nghị văn học của Văn Công Hùng trước biến đổi khí hậu đang diễn tiến nhanh, đồng thời nhận ra bút pháp đau đáu tới thảng thốt, uất nghẹn, của ông với những đề tài tâm huyết, cật ruột trong thơ ca, khác hẳn một Văn Công Hùng khi viết báo, xông xáo, nhanh nhạy, không né tránh đề tài “nhạy cảm” và cũng không ngại tếu táo, đùa vui!

Nhà báo Văn Công Hùng

Tác giả Văn Công Hùng từng nói với bạn đọc tập san Áo trắng: “Tôi làm báo là để bù đắp cho thơ, để nuôi thơ - ở cả nghĩa cảm xúc, vốn sống và... tiền bạc”. Lấy ngắn nuôi dài như thế, Văn Công Hùng viết cho hàng chục đầu báo ở khắp 3 miền đất nước, viết từ tin ngắn tới bài dài. Xin trích bài viết theo yêu cầu báo Công an nhân dân ngày 7/8/2020 về một đề tài lớn: Làm sao để Tây Nguyên mãi xanh?

Văn Công Hùng bắt đầu bằng chơi chữ: “Tôi rất thú vị với câu hỏi của một anh bạn đồng nghiệp: "Theo anh, giờ làm sao để Tây Nguyên còn... nguyên?" và gây bất ngờ cho bạn đọc ngay mấy dòng tiếp theo bằng từng trải sách vở và thực địa: “Tôi vừa về thăm lại làng S'tơ, K'bang, Gia Lai, nó chính là cái làng Kông Hoa trong tiểu thuyết Đất nước đứng lên ấy. Trời ạ, cứ miên man đi giữa trưa nắng giữa cái cánh đồng chang chang thế, đi miết đi miết đến lúc có người reo lên: Chỗ ngày xưa ông Núp đặt bẫy đá đây. Thì nó cũng chỉ là một... bãi đất trống”.

Sau thất vọng vì sự trống không kia, bạn đọc bật cười vì cách phản biện sắc và hóm của người viết: “Kể chuyện này để nhớ một thời ấu trĩ. Mở chiến dịch xóa khố, trong khi cán bộ được cấp 1 năm 4 mét vải bằng phiếu thì dân xóa khố sẽ mặc gì? Không biết! Cứ xóa đã!”.

Nhuận bút báo chí giúp tác giả in thơ, tậu xe hơi và xây nhà lầu. Càng viết càng rành nghề, chín nghề, say nghề, hưu rồi Văn Công Hùng vẫn ngày ngày làm báo trên Facebook cá nhân. Lại xin trích bài ông viết ngày 14/9/2021: “Nhà cháu hoan nghênh hành động hết sức nhân văn, vì dân của lãnh đạo tỉnh Bình Thuận: “Chúng tôi chỉ đạo công an không bắt buộc nhóm người này [liều mình vào xe đông lạnh để vượt chốt chống dịch] phải quay lại TP.HCM, mà đưa họ vào một khu cách ly tập trung tạm thời ngay tại Hàm Tân. Sau đó sẽ có công văn gửi các tỉnh, để trao đổi, phối hợp đón công dân của họ về quê. Chứ bây giờ người dân cũng quá khổ rồi mới đi như thế này, mình lại bắt họ phải quay lại thì khổ quá… Về lý, tỉnh Bình Thuận có quyền "đẩy đuổi" những "thùng nhân" này khỏi tỉnh của mình, mà nhanh nhất là về nơi xuất phát. Nhưng họ đã chọn cách vì dân, nhận phần khó và tốn kém cho mình…”.

Trang Facebook Văn Công Hùng đang có 22.222 người theo dõi. Người đọc Văn Công Hùng sẽ tăng lên rất nhiều khi từ năm học này tác phẩm của ông được đưa vào giáo khoa!

Vài nét về Văn Công Hùng

Văn Công Hùng sinh năm 1958 tại Thanh Hóa, quê ở Thừa Thiên - Huế. Năm 1981, ông tốt nghiệp ĐH Tổng hợp Huế rồi về làm công tác văn hóa ở Gia Lai. Ông từng là thành viên sáng lập Hội Văn học nghệ thuật Gia Lai, Tổng biên tập tạp chí Văn nghệ Gia Lai. Ông vào Hội Nhà văn Việt Nam năm 2001, từng là ủy viên ban chấp hành Hội khóa VIII (2010 - 2015), là tác giả của 14 tác phẩm đã xuất bản gồm thơ, trường ca, ký. Hiện ông sống tại thành phố Pleiku, tỉnh Gia Lai.

 


                          Một lần miền Tây
                          Vẫn lần ấy hihi

Link gốc trên báo TTVH ở đây

10 nhận xét:

Quế Sơn nói...

-Dịch dã, nằm nhà. Rảo mạng để đọc và học. Thấy blog VCH có bài mới. Mừng. Đọc những 2 tiếng đồng hồ. Không hiểu ông Trần Quốc Toàn nói cái gì. Hành văn, diễn ý như gà mắc tóc. Câu cú tối nghĩa. Chỗ nào cũng có hơi hướng nịnh. Lại còn dạy người đi dạy nữa. Khốn nạn. Tôi rời nhà, xuống biển, hóng mát. Bây giờ tạm 'hạ hỏa', về và gõ...
-Nhắc VCH: Anh đã chỉnh sửa VÀ thành VÀO thì sửa bên phần mục lục blog cho 'sạch mép' luôn một thể. Ai lại viết báo mà viết' Gặp lại tác giả được đưa vào SGK'. Đứa mới học viết nó cũng phải viết 'Gặp lại tác giả có sáng tác phẩm được đưa vào SGK!
-Và những con số trơ trẻn vỗ ngực mình: 2800 chữ cắt gọt còn 1000 chữ, phây có đến 22.222 người đọc...
-May mắn cho Anh VCH, Anh đã bê nguyên câu nói cửa miệng của bà con Đồng Tháp Mười'MÙA NƯỚC NỔI' để trỏ chỉ mùa lụt vùng này. Nói chung chung'lũ lụt' thì có thể chấp nhận. Tách ra, gọi 'lũ' là sai bét.
-Gõ trong lúc giận, chắc không ít thiếu sót. Xin lỗi mọi người.

Văn Công Hùng nói...

Hihi cụ bớt nóng. Cop nguyên văn từ báo thì sửa thế nào ạ? Mang về web nhà lưu thôi.

Quế Sơn nói...

-Đọc lúc 15 giờ: VÀ sách giáo khoa. Bên mục lục vẫn còn VÀ. Khi gõ còm, đề bài viết đã sử thành VÀO. Đến giờ này, cả hai đã sửa VÀ thành VÀO. Việc này là lỗi sai sót do vội vàng. Không ăn nhập gì nội dung gây phản cảm. Nếu Anh cho phép, tôi sẽ chi tiết từng phản cảm và lố bịch của TQT? Nhưng...thôi.

Văn Công Hùng nói...

À và là do em gõ chứ không cóp. Sau khi đăng có bạn phát hiện thì sửa, còn bản in báo và link không phải và. Em tôn trọng người viết, có thể báo đặt với yêu cầu như thế, tới người thứ 70 rồi. Mục đích giới thiệu ngoài rìa cho thầy và trò khi dạy và học. Cũng là một cách để... bán báo.

Văn Công Hùng nói...

https://thethaovanhoa.vn/van-hoa/gap-lai-tac-gia-duoc-dua-vao-sgk-van-cong-hung-uoc-co-mot-ngon-co-de-ron-ren-n20210915105457284.htm

Văn Công Hùng nói...

À lại nói thêm, cái câu "Gặp lại...", nó là của báo, ông bà nào cũng có câu ấy. bác vao link em dẫn, trước đấy có 69 tác giả đều thế.

Quế Sơn nói...

Thôi, không có gì. Ngủ ngon. Văn học là nhân học.

Hongtran nói...

Mùa nước nổi. Từ lũ chỉ có sau năm 1975.

Quế Sơn nói...

-Lũ (crue): Nước xuất phát từ núi cao, chảy xiết, tốc độ nhanh, cuốn trôi cây cối, đất đá, nhà cửa, tàn phá khủng khiếp dọc hành trình dòng chảy. Việt Nam, lũ chỉ xuất hiện ngắn, ở các vùng có núi cao như miền Bắc, miền Trung. Tùy hình thái, lũ còn mang thêm tính từ 'quét' hoạc 'ống'.
-Lụt(inondation):Nước xuất phát từ các sông cái, sông con, mang theo phù sa, thủy sản tràn vào các thôn làng, đồng ruộng rộng lớn, ngâm ngập trong một thời gian không ngắn.
Đồng bằng Bắc bộ, Trung bộ, và đặc trưng nhất, đồng bằng Nam bộ. Nam bộ gần như tuyệt đối không có lũ.
-Truyền thông gộp 2 hiện tượng ấy thành lũ lụt, có thể chấp nhận. Nhưng làm thầy của các thầy cô như ông TQT, viết về Đồng Tháp Mười mà lên giọng 'lũ, lũ, lũ...'thì phải xem lại vốc 'kiến thức' của mình.

Nguyên Vũ nói...

Haha, con cũng rứa, đọc hoang mang luôn, không biết bác Toàn muốn nói cái gì. Văn phong hơi bị kiêng cưỡng nữa chơ.