Thứ Sáu, 27 tháng 8, 2021

TRÒ CHƠI CÔNG NGHỆ VÀ... COVID


          Từ ngày dịch covid tàn phá trái đất, ta lại tiếp tục chứng kiến nhiều thói quen liên quan tới công nghệ số.

          Trước hết là các cuộc họp online hầu như là chiếm đa số. Chủ tịch nước, thủ tướng, chủ tịch quốc hội vân vân họp các cuộc họp quốc tế hoặc trong nước đều bằng online. Chiến dịch ngoại giao vắc xin để mua vắc xin về chống dịch cho nhân dân được cấp tập triển khai cũng qua online. Hàng ngày các cuộc giao ban của ban chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch COVID-19 do phó thủ tướng Vũ Đức Đam chủ trì cũng đều online. Thực ra thì việc họp trực tuyến trong nước đã được triển khai cả chục năm rồi, và nó tiết kiệm được rất nhiều tiền và thời gian của rất nhiều người, rất nhiều cơ quan khi mà nước ta, một trong không nhiều nước, được đánh giá là... họp nhiều. Rất nhiều cuộc họp một thời được tranh thủ kết hợp với vài ba việc, như... du lịch chẳng hạn, nhất là các bộ ngành đoàn thể, nhiều cuộc họp được tổ chức ở các... khu du lịch, các địa điểm mua sắm... trở nên không khó hiểu, không cá biệt nữa, người viết bài này cũng từng được dự những cuộc họp như thế. Nhưng để họp online một cách thường xuyên, chuyên nghiệp, như đương nhiên nó phải thế... thì từ ngày có dịch covid, ta thấy nó đắc dụng hơn, chính thống hơn.

          Không chỉ họp, rất nhiều việc nếu có thể online thì đều đã được online, như học, thậm chí bảo vệ luận văn thạc sĩ, tiến sĩ...

          Và mới đây nhất, là việc các app khai báo y tế.

          Chưa thấy ai thống kê thử xem hiện nay ở nước ta có bao nhiêu phần trăm dân số đã sử dụng điện thoại thông minh (Smart phone). Tôi thì đồ chừng cũng phải tới 2/3 dân số. Vậy thì việc triển khai các app khai báo y tế trên điện thoại thông minh là một việc làm rất đúng, rất bổ ích trong điều kiện hiện tại.

          Một trong những App đầu tiên để khai báo y tế phục vụ việc chống dịch, hình như là Bluezone.

          Và đi máy bay thì việc bắt buộc đầu tiên là phải khai báo y tế. Hàng không luôn chặt chẽ, chi li việc an ninh. Khai báo y tế bắt buộc là để bảo vệ an ninh hàng không. Hồi đầu thì có 2 hình thức khai báo, là trên điện thoại và trên giấy. Tôi nhớ có lần mình đã từng toát mồ hôi hột vì điền mãi mà vẫn không đúng cái mã số được cho. Mã số chữ thì như giun, chữ hoa chữ thường lẫn lộn xen kẽ số. Khai cả chục lần đều được thông báo là nhập mã sai. Thế là đành muối mặt khai giấy. Cả một đoàn người xếp hàng chìa điện thoại ra, mỗi mình mình chìa tờ giấy, trời ơi là nó âm lịch.



          Một số bệnh viện bây giờ vẫn tổ chức khai báo y tế bằng giấy. Tới cổng xếp hàng, đo thân nhiệt, khử khuẩn xong tiếp tục di chuyển tới các bàn khai báo y tế. Tôi tự nhận là người hiện đại nên khai sẵn trên điện thoại ở nhà. Chìa ra, cô nhân viên bảo, không chú ơi, ở đây khai giấy. Thì khai. Sau mới biết, do sự cập nhật thế nào đấy nên an toàn nhất là khai giấy, chồng lại đấy. Có việc gì, mở ra truy vết được ngay. Khai báo online nhưng chỗ nào nhận và xử lý thấy cũng vẫn... mù mờ lắm.

          Hiện nay trên màn hình điện thoại của tôi đang có tới 5 app khai báo liên quan tới y tế và sức khỏe. Nghe nói có nhiều hơn thế nhưng tôi tải về có chừng ấy. Và tôi cũng là người hăng hái khai báo. Tới một hôm, ngơ ngác hỏi: Ơ thế có cần nhiều phần mềm khai báo đến thế không? Hoặc có nhiều nhưng có cần tải về nhiều thế không? Tôi vốn dĩ hay nghe khuyến cáo của các cơ quan chuyên môn nên mỗi khi thấy khuyến cáo tải app về lại mày mò tải. Và lại phát hiện điều thứ 2, là các app này hầu như rất ít liên thông với nhau.

          Nếu thế thì hết sức lãng phí.

          Trao đổi việc này với một giám đốc sở Thông tin truyền thông tôi quen, anh bảo chính anh cũng thấy điều ấy và vừa phản ánh ra bộ. Anh còn nói thêm: "ước mơ của người dân rất giản dị: cần có 1 app duy nhất, dễ sử dụng, và khi có phản ánh thì có người xử lý phản ánh ấy ngay".

          Lại nhớ mới nhất tôi đi tiêm vắc xin. Thì trước đó đã tải cái app mới nhất vừa xuất hiện là "Sổ sức khỏe điện tử", về vào khai báo các cái, đều nhận được câu trả lời: chưa có thông tin hoặc chưa tiêm. Mà rõ ràng mình đã tiêm về, tay cầm cái giấy xác nhận đã tiêm vắc xin. Trước đấy thì cũng đã thắc mắc rồi, đã tải "sổ sức khỏe điện tử" mà khi vào tiêm thì vẫn phải tự tay viết thông tin vào một tờ giấy, sau mới biết, đấy chính là tờ giấy sau đấy sẽ phát lại cho mình, trở thành giấy xác nhận tiêm Vắc xin. Ngay giấy này cũng vui, chỗ viết tay, chỗ đánh máy vi tính in ra. Tất nhiên khi giao lại thì nó đã được điền đầy đủ: tên vắc xin đã tiêm, địa chỉ tiêm và người có trách nhiệm ký đóng dấu nữa.

          Phải 3 ngày sau thì tự nhiên trong cái "sổ sức khỏe điện tử" của tôi phòi ra cái chứng nhận vắc xin, cái mà hình như giờ ta gọi cho nó hiện đại là hộ chiếu vắc xin ấy.

          Té ra thời gian mà sổ sức khỏe điện tử cung cấp chứng nhận cho ta nó phụ thuộc vào thời gian nhập dữ liệu của nhân viên chỗ tiêm. Thay vì mỗi người một điện thoại khai theo mẫu có sẵn rồi enter thì phải viết tay rồi nhân viên nhập sau.

Thì chúng ta lại cũng đã vừa chứng kiến thành phố Hồ Chí Minh đưa vào sử dụng cái phần mềm "di biến động dân cư" và sau đó đã phải tạm dừng vì nó không phù hợp.

Được biết anh chị em chuyên môn trong ngành thông tin truyền thông cũng rất trăn trở việc này, nhiều kiến nghị được gửi đi.



          Và ngày 12/8 vừa qua, văn phòng chính phủ có công văn thông báo ý kiến chỉ đạo của phó thủ tướng Vũ Đức Đam giao bộ Thông tin truyền thông chủ trì, phối hợp với Bộ Y tế khẩn trương hoàn thiện các phần mềm công nghệ thông tin phục vụ phòng chống dịch, đặc biệt là các phần mềm, công cụ phục vụ việc xét nghiệm, tiêm vắc xin... cần tạo điều kiện để các địa phương, người dân sử dụng phần mềm phù hợp...

          Thế nên từ nay chúng ta lại có thêm một thói quen, không chỉ trong mùa dịch này, mà có thể tiếp tục sau đấy, nó trở thành "một phần tất yếu của cuộc sống" của từng người, là cái điện thoại có cài app sức khỏe. Ở đấy là một bách khoa toàn thư về sức khỏe và y tế. Tất cả dồn về một mối, khai báo có người nhận, hỏi có người trả lời, gọi có người thưa, thắc mắc có người giải đáp...

          Tất nhiên nó phải hết sức dễ khai báo, để cả những người dân vùng sâu vùng xa cũng có thể sử dụng. Và rõ ràng, khi ấy, áp lực bệnh viện quá tải sẽ giảm đi rất nhiều. Như ngay trong cuộc chống dịch hiện nay, ban đầu tất cả F0, F1 đều được cách ly tập trung, tới lúc quá tải thì được cách ly tại nhà, và các bác sĩ trực tuyến xuất hiện. Họ đóng vai trò rất lớn trong việc giảm tải cho các khu chữa bệnh tập trung đã hết sức quá tải, và cũng đóng góp rất lớn cho mục tiêu giảm tử vong khi ưu tiên tuyến y tế điều trị cho các bệnh nhân nặng. Còn những bệnh nhân Covid nhẹ, không triệu chứng thì cứ điều trị ở nhà, sẽ được họ tư vấn onlin. Và không chỉ các bệnh nhân Covid, ngay các bệnh nhân có bệnh mạn tính, giờ không thể hoặc không muốn vào bệnh viện, cũng được điều trị bằng cách này...

          Vậy thì chả phải một thời kỳ mới của y tế nước nhà dựa trên nền tảng số xuất hiện ư? Tôi nhớ lâu lắm rồi, xem bộ phim rất hay "Ngôi nhà nhỏ trên thảo nguyên" thấy những gia đình ở cô độc giữa thảo nguyên mênh mông vẫn học như những người thành phố, nể vô cùng. Giờ việc học ấy quá bình thường. Năm học này sẽ rất nhiều trường nhiều tỉnh nhiều học sinh học online. Và cũng như thế là ngành y tế vào cuộc với rất nhiều hình thức online để phục vụ con người.

          Những chệch choạc ban đầu là có, ơn giời, giờ đang được gỡ, hy vọng nó sẽ hết sức phù hợp và thiết thực với hiện tại và sau này. Và chúng ta cám ơn vì sự xuất hiện những app sức khỏe ấy. "Những" app nhưng chỉ một lần khai và một QR cod, hy vọng thế...

Bài đăng reatimes thứ 2 hàng tuần, Ở ĐÂY.

 



                                                             

2 nhận xét:

Hongtran nói...

Có app điền đầy đủ. Đến nơi khai báo không có WiFi, 3,4G thì chập chờn lại phải khai báo bằng công nghệ 0.4.😃😃😃

Văn Công Hùng nói...

@Hongtran: Hihi đúng ạ. Nhưng giờ muốn hòa nhập thì phải tự mình thôi, ví dụ tự sắm Smartphone, tự thuê 3,4G. Biết làm sao?