Thực ra thì trong lịch sử loài người, cái sự các đại dịch khiến loài người lao đao, thậm chí đứng bên bờ diệt vong không phải chưa từng. Có những đại dịch trong truyền thuyết, đại dịch thực tế, và loài người đã vẫn chấp nhận rồi trải qua, rồi tồn tại đến ngày nay.
Thế nên cái đại dịch Sars cov 2 đang diễn ra đây, nó khiến cả thế giới lao đao, nhưng rồi chắc chắn là, loài người cũng sẽ vượt qua, sẽ sống ôn hòa với nó, như đã từng với những là phong lao cổ lại, những là sởi ho gà uốn ván tới đậu mùa, HIV vân vân.
Nhưng
cũng rõ ràng, nó khiến loài người phải nhìn lại lối sống, phải điều chỉnh cách
sống của mình.
Chúng
ta đã và đang "ngạo nghễ" với tự nhiên quá, tự đề cao mình quá... nên
hành xử với nhau, với tự nhiên nhiều khi như kiểu "chỉ mình tao".
Nhưng
cũng ở mùa dịch này, bên cạnh những nhố nhăng, lố bịch, những côn đồ hung hãn,
những a dua a tòng xấu xí thì vẫn bật lên những hành động, nghĩa cử đẹp, tới mức
khiến ta rưng rưng, nhiều lần nước mắt chảy dài khi đọc khi xem...
Rất
nhiều người đã lặng đi rồi nước mắt giàn dụa khi xem cái clip cháu bé thấy mẹ trên ti vi rồi khóc đòi mẹ bế. Hay
cái ảnh nữa sĩ quan công an cầm lái cái xe ca chở đồng nghiệp vào tâm dịch. Ảnh
chụp bằng điện thoại, không căn chỉnh, nhưng nó đẹp. Đẹp từ tư thế, thần thái,
cái dáng ngồi và dáng người tới ý nghĩa của nó.
Tôi
giờ có thói quen là sáng sớm phải xem chương trình Chào buổi sáng, sau mục bộ y
tế thông báo ca mắc từ 18 giờ hôm trước tới 6h sáng hôm sau rồi mới đi thể dục.
Những con số nhảy múa hàng ngày. Phía sau những con số vô hồn ấy là những số phận
từng con người. Mỗi người mỗi hoàn cảnh, mỗi điều kiện khác nhau, giờ ập một
phát, chung nhau cách ly, chung nhau cách sống, chung nhau sự chịu đựng chung
nhau hy vọng... Những câu chuyện, hình ảnh về những cháu bé 3, 4 tuổi, 7 tuổi
đi cách ly, đi nằm viện một mình đã lay động lòng người.
Những
chuyện như các y bác sĩ mệt nhoài, đẫm mồ hôi, những giấc ngủ vội, nhịn ăn nhịn
uống vì hạn chế bài tiết vân vân nhiều đến mức nếu giờ mà kể thì phải cả tháng,
nhưng với 2 câu chuyện nhỏ này cũng đủ chúng ta rưng rưng. Một là một anh
grabBike chở một nữ bác sĩ và đã cương quyết không nhận tiền. Nhưng câu này mới
khiến lòng người bị lay động: Em mà lấy tiền chị là em có tội với Tổ Quốc à? Nhận
tiền lúc này của bác sĩ là có tội với Tổ Quốc, chị đừng bắt em có tội với Tổ quốc?
Trời ơi từ bé tới giờ chúng ta được học, được dạy, được tiếp xúc hàng ngày với
Tổ Quốc, nhưng đa phần thấy Tổ quốc là xa vời, là to lớn, là mênh mông, là cái
gì đấy trừu tượng lắm. Anh xe grab, tức xe ôm, cái nghề có thể nói là bình dân
nhất, vất vả nhất xã hội, thời dịch càng ế khách, quần quật giữa những ngày nắng
này để kiếm vài chục bạc nuôi thân và nuôi gia đình, đã cho chúng ta hiểu thêm
về một khía cạnh của Tổ quốc, và té ra, nó gần gũi thân thương, nó đầm ấm nghĩa
tình, nó cao thượng và bình dị, nó là sự hy sinh nhường nhịn, là sự thông cảm
và chia sẻ, sự bù đắp biết ơn tự đáy lòng, không toan tính không thiệt hơn,
không rổn rảng không phô bày, nó là sự tự nguyện hết sức tự giác, là sự biết ơn
và trả nghĩa thầm lặng, với Tổ quốc, và Tổ quốc ở đây hiện thân chính là chị
bác sĩ khách hàng của anh xe ôm. Và nó vẫn rất thiêng liêng.
Trường
hợp nữa, là chị bán bánh mì. Khi cái xe cấp cứu trờ tới, cánh tay cầm tiền đưa
ra, một khuôn mặt đẫm mồ hôi trong bộ đồ bảo hiểm kín mít giữa trưa nắng, chị
đã đưa ổ mì và vẫy tay ra hiệu không lấy tiền. Một hành động rất nhỏ, rất tự
giác nhưng ý nghĩa của nó lại rất lớn. Lâu nay nói dân tộc ta có truyền thống
đoàn kết, thì nó vẫn cứ mông lung thế nào ấy, nhưng phải khi đất nước có việc,
thì cái sự yêu thương nhau, sự đoàn kết ấy nó mới lồ lộ, nó mới khiến chúng ta
nhận ra và xúc động, từ những việc rất nhỏ, rất lặng thầm như thế.
Một
thời chúng ta học "Ôi tổ quốc nếu cần ta chết", nhưng bây giờ, chúng
ta phải sống, và sống đẹp, dẫu đại dịch, để Tổ quốc mãi còn.
Ảnh: Một góc khác của nhà thờ gỗ Kon Tum. Ảnh nhà cháu, trừ bức cuối cùng của Nguyễn Hồng Vĩnh, báo Tiền Phong.
Bài đăng trên reatimes, ở đây ạ
3 nhận xét:
+Thông tin này đã xem qua dăm ba ngày rồi, hôm nay lại đọc lại bài Anh viết; cũng thế, không cầm được nước mắt. Thương kính quá những con dân Việt bình thường, làm và nói những việc bình thường, những câu không màu mè nhưng lấp lóa tổ quốc, nhân dân, ăm ắp nhân văn.
+Nếu được 'biên tập' cho Anh, tôi sẽ xóa dòng 12 (từ trên xuống, 30 âm tiết). Môi trường, thiên nhiên, không hề là tác nhân gây dịch covit-19. Lũ thú mặt người đẻ ra và làm lây lan dich, sơ sẩy của chúng là chưa đúng nơi và đúng lúc. Không bỏ một mẩu phao nào cho bọn ác nhân sắp phải lộ mặt! Thân ái.
Hihi cụ, chỗ ấy tranh thủ đá xéo cái bọn tàn phá tự nhiên ạ. Rõ ràng, chúng ta đã hõn với tự nhiên, đi ngược quy luật tự nhiên, sắp xếp lại tự nhiên vân vân. Có người giải thích cho em là, chúng ta là một mắt xích của tự nhiên, cưỡng, chống, phá, vân vân các loại nó, nó sẽ tiêu diệt lại mình. Ví dụ, nếu có sản xuất ra vi khuẩn, vi trùng thì cũng là cách chống lại tự nhiên...
Người viết những bài như thế này phải có tâm và cảm xúc mãnh liệt với thiên nhiên
Đăng nhận xét