Thứ Tư, 23 tháng 6, 2021

AYUN PA CÁ CHỐT VÀ ĐÈO TÔ NA- HÀNH TRÌNH SÔNG TÂY NGUYÊN, tiếp theo và hết

            Sông Ba, như đã nói, nó vặn một cú ngoạn mục từ thị xã An Khê qua huyện Kong Chro, huyện Ia Pa rồi đổ vào thị xã Ayun Pa, rồi từ đó men theo con đường 7 nổi tiếng một thuở, giờ là đường 25, qua con đèo Tona nổi tiếng rồi đổ xuống Tuy Hòa.

          Tới thị xã Ayun Pa, con sông Ayun như từ đâu bất thình lình nhập vào sông Ba, có thể vì thế chăng mà thị xã này mang tên Ayun Pa, chứ ngày xưa tên nó là Phú Bổn, và nó từng là một tỉnh thời trước 1975.

Ayun Pa có một địa thế rất tuyệt vời, nơi hợp lưu của hai dòng sông Ayun và Ba. Lịch sử loài người thường gắn với các dòng sông, và các nền văn minh nhân loại cũng đều phát tích từ đó. Các lưu vực sông thường là nơi lưu giữ các giá trị lịch sử của loài người. Sông Ayun thì chưa biết nó có lưu giữ gì hàng vạn năm dưới ấy không, nhưng chắc chắn lưu vực của nó là nơi phát tích của một tộc người nổi tiếng là người Jrai với một địa danh cũng nổi tiếng một thời: Cheo Reo - Phú Bổn.

Tộc người Jrai có ở nhiều nơi trên dải đất nam Tây Nguyên, nhưng đậm đặc và tinh túy thì có lẽ là ở Ayun Pa và huyện Krông Pa, trong đó Ayun Pa là nơi sinh ra nhiều người nổi tiếng trong lịch sử. Chúng ta biết rằng, thực ra xã hội Tây Nguyên chưa có nhà nước, một số nhà nghiên cứu cho rằng, đến giữa thế kỷ XX thì ở Tây Nguyên vẫn còn đang ở giai đoạn mạt kỳ mẫu hệ. Cái gọi là chính quyền mới chỉ xuất hiện vai trò của già làng, một vài nơi có tù trưởng như ông Chut Cheo Reo, người lãnh đạo nhân dân Jrai Ayun Pa chống Pháp khi những tốp lính Pháp đầu tiên từ Phú Yên ngược lên đất này hồi cuối thế kỷ XIX.

          Cái chỗ 2 con sông gặp nhau tạo thành cái ngã ba sông rất thi vị ấy có tên là Bến Mộng. Lần đầu tiên xuống AYun Pa, mà tôi vẫn quen miệng gọi bằng cái tên cũ Phú Bổn ấy, tôi đã rất ngạc nhiên là nó lại có một loạt địa danh nghe rất... sến súa, những là Bến Mộng, Thung lũng hồng, Chân trời tím... Những cái tên đậm chất Bolero giữa vùng toàn người Jrai. Sau mới lờ mờ đoán, ngày xưa những người lính tiền đồn lên đóng quân ở đây, họ mang theo nỗi nhớ quê hương họ, tâm hồn thấm đẫm chất nhạc thời ấy, và thấy những cảnh hết sức thơ mộng ở đây, thế là đặt. Và cũng sau này mới biết, cái thung lũng hồng ấy là đoạn sông Ba mùa cạn.

          Và những cái tên ấy nó rất đúng với thực tại.

          Cái Bến Mộng từng có một cái nhà rông rất to, rất đẹp, dù là lợp bằng tôn nhưng nó rất đúng tỉ lệ, rất chuẩn nhà rông. Cái thung lũng hồng với chân trời tím ấy, cứ buổi chiều là cả bãi đá cứ rực hồng lên, cứ tím ngắt lên, dưới ánh nắng xiên khoai. Có thể cái món đá gan gà ở đây nó bắt nắng bắt nước sông Ba mà ánh lên vậy. Thoai thoải phía trên là đồi thông, con sông chảy nhưng vẫn ngập ngừng dâng cho vùng này biết bao sản vật.

          Bến Mộng, Thung lũng hồng, chân trời tím... là một loại sản vật.

          Cá chốt, cá phá cũng là sản vật.

          Cá chốt na ná con cá ngạnh thuộc họ cá trê hồi nhỏ tôi từng đi câu ở sông Mã, nhưng có lẽ do sông, do nước, do thác do đá hoặc do gì đấy, cái con cá chốt ở đây nó ngon lạ lùng, thịt vàng mỡ vàng, và rất dai. Loại này toàn bơi ngược và chui trong kẽ đá ăn rêu. Chỉ tả thế là đã biết nó “đặc sản” đến thế nào rồi. Kho tộ hay nướng than hoa đều tuyệt. Và nấu thì rất dễ. Dễ nhất là ghé chợ mua một bó lá giang, nước đun sôi cho mắm muối vừa ăn, thêm 2 quả ớt tươi đập giập, rồi thả cá và lá giang vào. Thế thôi mà hít hà, mà nồng nàn, mà xoa xuýt. Ngon ngọt bùi mềm dai săn... đủ tiêu chuẩn thời trân sông nước không dễ gì trong đời được thưởng thức lần hai.

          Cá phá thì lại hơi giống cá trắm, mỗi con cả chục cân, bây giờ muốn ăn không dễ.

          Tôi nhiều lần được lái xe dọc con sông này từ An Khê sang Tuy Hòa, qua huyện Kon Chro, Iapa, Ayun Pa hoặc từ Pleiku rẽ vào ngã ba Chư Sê, nơi ngày xưa từng có một trận vận động chiến nổi tiếng để cắt đứt đường 7, giờ là đường 25, qua cánh đồng Ayun hạ mênh mông, qua đèo Tô Na, địa giới giữa thị xã Ayun Pa và huyện Krông Pa của tỉnh Gia Lai, con sông Ba mềm mại chảy phía dưới, xuống Sơn Hòa (Phú Yên) để vào sông Đà Rằng, tận hưởng cái khoái cảm của một kẻ lãng du giữa một bên là vách núi, một bên là sông, trên đầu là mây trắng, và mình, cũng lướt như mây...

          Như đã nói, các con sông trên Cao Nguyên có vai trò cực kỳ lớn với đời sống cư dân Tây Nguyên dù người Tây nguyên làm nương rẫy là chủ yếu, canh tác hoàn toàn phụ thuộc vào nước trời với phương thức phát đốt chọc trỉa, vì thế mà họ hay du canh rồi du cư. Nhưng nguyên tắc chọn đất làm nhà của họ bao giờ cũng phải là gần nguồn nước. Ở đây vai trò của già làng rất rõ, phải là người có kinh nghiệm tìm đất lập làng, rồi là biết cúng mưa (thực chất là bằng kinh nghiệm của mình họ biết bao giờ thì mưa)... họ chỉ không làm lúa nước như người Việt đồng bằng Châu thổ, còn thì cũng rất thạo sông nước. Vì thế, những con thuyền độc mộc của họ rất độc đáo. Chỉ một cây gỗ, moi ruột ra, mà đầy đủ yếu tố kỹ thuật để có thể cân bằng, không lật, điều khiển được...

          Những con sông vẫn muôn đời thao thiết chảy, qua những phận người, qua tháng qua năm, gắn với lịch sử, là chứng nhân của lịch sử. Thì như những bài hát viết về những con sông ấy, nó sẽ mãi còn, mãi làm ta bồi hồi mỗi khi ai đấy hát lên, hoặc chính chúng ta, trong một khắc nào đấy, bật lên "Tôi hát cho dòng sông Đak Rông luôn chảy xiết./ Tôi hát cho nhà rông , đêm ngày luôn đỏ lửa, cho tiếng đàn T'rưng vang, vang điệu dòng suối./ Đăk Rông ơi, dòng sông xanh thắm. Nối đôi bờ mùa xuân"...

          Các con sông bên Đăk Lăk cũng rất thú vị, rất đáng khám phá, nhưng đợt này tôi mới chỉ tới Gia Lai thì vòng xuống Phú Yên. Rất mong sẽ có ngày cuùng các bạn, thay vì vòng xuống, sẽ đi thẳng để sang Đăk Lăk, xứ sở của người Ê Đê, Mơ Nông, rồi sang tiếp Đăk Nông, Lâm Đồng với biết bao bí ẩn thú vị đang chờ đợi...

Link gốc trên tạp chí Du lịch TP HCM ở đây





                          Một đoạn sông Ba mùa khô đoạn qua Ayun Pa                               


4 nhận xét:

khong co vua nói...

Do chủ trương " bạt Đèo thành Dốc " (1) Sau khi làm mới Đèo TôNa thì con đường nằm thấp hơn trước cả chục thước. Ít dốc hơn nhưng than ôi vách ta luy 2 bên lại cao hơn cả chục thước . Đó là nguyên nhân của sạt lở vào mùa mưa bảo.
Qua đèo mùa mưa bây giờ hay bị đá đất rớt xuống chặn đường. Tôi có xem một video flycam con đào này nên thấy rất rõ khuyết điểm của nó.(2)

Đi từ Cheo reo qua Phú Túc , ngọn núi bên Phải được bà con người Thượng gọi là " Núi Quạ " vì từ tháng 3 /1975 , người băng núi bỏ đèo về duyên hải , bị chết nhiều quá , quạ bay đen trời kiếm xác .
Thưa Anh Văn Công Hùng, tôi tớ Ayun Pa đã gần 8 năm trước, cứ tự hỏi mãi cái câu chưa ai trả lời. Khi TX Cheo reo trở thành chiến đại t3/ 1975 ầy , với cả đống xác chết thì sau đó AI dọn dẹp, và tại sao không còn dấu vết gì về những người Việt xấu số đó ?
(1)https://gialai.gov.vn/tin-tuc/bat-deo-to-na-de-ra-bien-lon.68.aspx
(2)https://www.youtube.com/watch?v=1BKnBZmqh2I

khong co vua nói...

Do chủ trương " bạt Đèo thành Dốc " (1) Sau khi làm mới Đèo TôNa thì con đường nằm thấp hơn trước cả chục thước. Ít dốc hơn nhưng than ôi vách ta luy 2 bên lại cao hơn cả chục thước . Đó là nguyên nhân của sạt lở vào mùa mưa bảo.
Qua đèo mùa mưa bây giờ hay bị đá đất rớt xuống chặn đường. Tôi có xem một video flycam con đào này nên thấy rất rõ khuyết điểm của nó.(2)

Đi từ Cheo reo qua Phú Túc , ngọn núi bên Phải được bà con người Thượng gọi là " Núi Quạ " vì từ tháng 3 /1975 , người băng núi bỏ đèo về duyên hải , bị chết nhiều quá , quạ bay đen trời kiếm xác .
Thưa Anh Văn Công Hùng, tôi tới Ayun Pa đã gần 8 năm trước, cứ tự hỏi mãi cái câu chưa ai trả lời. Khi TX Cheo reo trở thành chiến địa t3/ 1975 ấy , với cả đống xác chết thì sau đó AI dọn dẹp, và tại sao không còn dấu vết gì về những người Việt xấu số đó ?
(1)https://gialai.gov.vn/tin-tuc/bat-deo-to-na-de-ra-bien-lon.68.aspx
(2)https://www.youtube.com/watch?v=1BKnBZmqh2I

Văn Công Hùng nói...

Câu hỏi cực hay ạ. Đúng là lâu nay chưa ai đặt vấn đề ấy. Tôi sẽ lưu tâm tìm hiểu thử, cám ơn bạn ạ.

Loa hội thảo nói...

Chắc các anh bộ đội sau khi giải phóng đã chôn cất tất cả rồi