Ngày xưa, cứ hè là mẹ lại cho tôi một mình một xe, đạp từ
Thanh Hóa ra Ninh Bình chơi với bà ngoại, các cậu và con các cậu. Đấy là những
phần thưởng rất lớn với tôi.
Mà mẹ tôi, nâng con hơn nâng trứng mỏng dù cụ rất nghiêm khắc,
chả hiểu sao lại tin tưởng cho một thằng oắt con là tôi, bé như cái kẹo, đạp
cái xe bằng đầu ngón chân vì đặt cả bàn chưa tới pedan, nhún bên này vẹo bên
kia, nhấp nhổm thế mà rồi cũng tới Ninh Bình.
Cái xe hồi ấy là cả gia tài, ông con trai, dẫu khi đẻ suy dinh dưỡng nặng, mẹ không có sữa phải nuôi bằng nước cơm, oặt oẹo lớn, thì vẫn cũng là hơn cả gia tài. Thế mà cứ hè là 2 gia tài ấy tha nhau gần trăm cây số Thanh Hóa – Ninh Bình.
Nên từ hồi lớp 7 trên 10 hồi ấy tôi đã thuộc lòng cung đường
này, từ Đò Lèn, Hà Trung, tới Bỉm Sơn, Tam Điệp, tới Ghềnh, cầu Lim rồi núi Sẻ.
Nhà bà ngoại tôi ở ngay núi Sẻ, thuộc xã Ninh Mỹ, Gia Khánh,
Ninh Bình. Giờ nó là ranh giới ngay thành phố Ninh Bình và huyện Hoa Lư.
Hồi ấy đường 1 chạy qua đoạn này luồn qua một quả núi. Chính
xác là chạy qua chân quả núi, mà quả núi này có một hòn đá khổng lồ vươn sang
bên kia đường, tạo thành một cái hang. Đầu tiên là người ta phá xong cái phần
chườm qua đường ấy nung vôi và làm đá xây dựng. Tôi nhớ cả làng ấy có nghề đập
đá. từ những cục đá to, các bà các chị ngồi dùng búa đạp ra thành đá 1X2 rồi
2X3 và 3X4 vân vân. Các chàng trai thì phá đá. Từ cái hòn đá khổng lồ vươn đường
ấy, người ta "quy hoạch" xong cả ngọn núi Sẻ khổng lồ, để giờ nó
thành cái chợ. Mấy chục năm sau khi vào Huế rồi lên Gia Lai, lần đầu tiên tôi
trở ra Bắc bằng ô tô cơ quan. Chương trình là sẽ dừng ở nhà bà ngoại, lúc này mất
rồi, nhưng còn các cậu, dì và các em. Hẹn cả lái xe là qua thị xã Ninh Bình khoảng
hơn 5 cây số thì nhìn bên trái thấy cái núi bên đường thì dừng. Tôi cũng căng mắt
ra nhìn, tới lúc xe tới tận Ngọc Hồi thì biết là đã luột qua. Thì lấy núi làm mục
tiêu mà giờ nó phẳng lì thì mất phương hướng là đúng còn gì?
Ngay mẹ tôi, hồi ấy đi công tác Thanh Hóa Hà Nội đạp xe cũng
là bình thường. Mẹ kể có lần còn đi bộ nữa. Là hồi cải cách ruộng đất, nghe báo
là ông ngoại tôi bị quy địa chủ, đấu tố dữ lắm, bà đi bộ về, tối 30 tết, nhọ nhẹ
mặt người thì tới. Lục trong bếp còn nải chuối xanh, mấy đứa em trai nheo nhóc.
Hỏi thì biết bố đang bị quỳ ngoài đình. Bà mang giấy tờ ra trình bày. Lúc sau
thì có mấy cậu du kích đeo súng tới bảo chị phải rời nhà ngay. Bà bảo mấy đứa
này là em họ mà lúc ấy nó như chả biết bà là ai. Trong đêm họ trục xuất bà ra
khỏi làng, lại đi bộ vào Thanh Hóa. Có
cái vui là lần này tôi về, nói chuyện với mấy người bà con, có người còn nhớ
cái đận mẹ tôi đi bộ về rồi bị trục xuất đêm 30 tết đận ấy, và cho biết sau đấy
ông tôi "được" hạ thành phần, "Là do mẹ cháu hồi ấy về nói với
người ta"- một người già nói với tôi thế.
Giờ quốc lộ 1 rất ngon, có dải phân cách, lái xe chủ yếu canh
đúng tốc độ và không lấn vạch, còn lại lại là cứ thế bon bon. Hai anh em tôi
thay nhau lái và ồ à với những nơi quen thuộc ngày xưa từng qua.
Nhưng mà chả nhận ra những chỗ ngày xưa mình quen thuộc nữa.
Như cái đền Sòng, ngày xưa nó nằm ở đâu bên đường, đạp xe vẫn
thấy. Nghe đồn đền này rất thiêng. Dân Thanh Hóa, Ninh Bình, rồi cả Hà Nội và
các tỉnh tấp nập đến cầu cúng. Hình như ngày xưa ông trạng Quỳnh Thanh Hóa đến
đây rồi bỡn bà chúa bằng câu chuyện "Tiền múa chúa cười" được truyền
tụng mãi. Hihi xứ Thanh lạ, có ông Trạng khôn vặt mà bao chuyện. Thế nhưng giờ,
dù anh em tôi chú ý nhưng đi qua nó lúc nào không biết.
Cũng như thế là cái dốc Xây. Nó là ranh giới giữa Thanh Hóa
với Ninh Bình. Gọi Dốc Xây là vì có cái dốc được xây bằng xi măng thôi. Nó là
dãy Tam Điệp điệp trùng, nơi ngày xưa từng là một yếu huyệt của quân Tây Sơn
trước khi ra tới Thăng Long dừng chân để luyện quân và chỉnh đốn quân ngũ, ăn tết
sớm, và cũng là nơi Ngô Văn Sở chọn làm phòng tuyến để chờ quân Tây Sơn. Ngày
xưa tôi đạp xe một mình thường chọn nơi này nghỉ chân, uống nước từ cái bi đông
đeo bên người, có khi ăn nhẹ lát cơm nắm muối vừng trước khi kẽo kẹt đạp tiếp.
Giờ phía đi ra là cái hầm, đi vào thì đường cũ nhưng đã được làm to lên chứ
không như ngày xưa chỉ một con đường ấy.
Lại nói Ninh Bình là xứ đá vôi trùng điệp. Mẹ tôi kể, cuối
năm 1945 bà đi thoát ly, ban đầu là làm công nhân quân giới, nhiệm vụ chính là
đi quét phân dơi để làm thuốc súng. Bà kể ăn ở trong hang, động, quét phân dơi
làm thuốc súng, rồi làm lựu đạn. Gay go nhất là món thử lựu đạn. Rất thủ công
và vì thế thương vong rất nhiều. Sau này bà mất tôi cũng không kịp hỏi là cụ thể
cái vùng bà ở ngày ấy là vùng nào. Tôi láng máng hình như là vùng Tam Điệp này.
Rồi mới nhất đọc "Đi trốn" của nhà văn Bình Ca, người nguyên là phó
chủ tịch tỉnh Ninh Bình, tôi lại đồ chừng bà ở vùng Tam Cốc Bích Động?
Nhưng cả dãy Tam Điệp này lẫn cái vùng hang động Tam Cốc
Bích Động ấy nó đẹp vô cùng. Cũng có thể nó liền nhau, vì đã bảo, cả Ninh Bình
này là một cái hang động khổng lồ. Năm 1965 khi Mỹ ném bom miền Bắc, trước khi
diễn ra vụ mùng 3-4 tháng 4 năm 1965 ba mẹ tôi mang 2 anh em tôi ra Ninh Bình gửi
các bà dì chăm, chúng tôi cũng ở trong cái hang Luồn trong cái núi Dũng Đương
có động Thiên Tôn nổi tiếng. Rồi vào khu đền vua Đinh vua Lê cũng xung quanh
toàn núi. Hùng vĩ và đẹp, nhưng quả là ở đây chỉ có yếu tố đẹp, chứ để làm thủ
đô thì rất mong manh và bức bối. Nên các cụ dời đô là hết sức chính xác.
Cửa ngõ thị xã Ninh Bình xưa có cái cầu Lim rất đẹp. Tôi nhớ
cứ tới cầu Lim là coi như đã tới nhà bà ngoại, dù còn cách khoảng 5 cây số nữa.
Nếu cả nhà tôi về ngoại thì đi tàu, cái ga ở phía bên kia cầu Lim, gần núi Cánh
Diều nổi tiếng có cái nhà máy nhiệt điện cũng nổi tiếng. Nổi tiếng vì thời chiến
tranh nó được ưu tiên ném bom. Nổi tiếng vì nó ngốn thanh như thuồng luồng hít
nước mía. Nổi tiếng vì lượng xỉ than nó thải ra, nghe nói nó đốt hết chừng 70%,
còn lại thì thải, và ngoài số xỉ than chất đống, thì còn loại xỉ than nhỏ như đầu
kim, sắc như kính vỡ bay lởn vởn trong gió. Nổi tiếng còn vì cái ống khói rất
cao luôn nhả khói đen kịt vân vân, tóm lại nó khiến toàn dân Ninh bình thời ấy
hầu như không dùng đồ trắng, nhất là áo. Chúng tôi xuống ga rồi đi bộ về nhà,
qua cái cầu Lim ấy. Giờ nó không còn, mà là cái cầu xi măng thì phải, tập trung
nhìn đường kẻo lạc nên tôi không nhớ cụ thể nó ra làm sao?
Ninh Bình có món dê danh bất hư truyền, đã đành rồi. Cậu
tôi, một ông giáo dạy toán nhưng nghề chính là... nuôi dê. Ông là người đầu
tiên vươn vào nền kinh tế thị trường ở Ninh Bình, có thể nói như thế. Thời bao
cấp, đẻ 7 đứa con gái nhưng vẫn quyết tâm có con trai, và cái quyết tâm ấy đẻ
ra đứa thứ 8 là trai thật. Để nuôi từng ấy đứa con, ông làm mấy việc trong nhà.
Một là rất nghiêm, nhà như trại lính. Ông rất dữ đòn, không oong đơ giãi bày gì
hết, kể cả khi con gái ông đã lớn. Hai
là làm thêm, đầu tiên là sửa đài (radio). Chả biết ông học ở đâu mà cũng nhận về
rồi chọc chọc ngoáy ngoáy và lấy tiền được. Nhưng không ăn thua, ông nuôi thêm
dê. Từ một đôi, tiến lên cả đàn. Từ nuôi để bán hơi cả con, ông tiến lên làm thịt
bán. Từ làm thịt ông tiến lên mở cửa hàng. Giờ dê Ưu là một thương hiệu ở Ninh
Bình. 8 đứa con ông đều thành đạt, đề huề, xinh đẹp, đã có dâu rể cháu chắt...
Nhưng ngoài dê,
còn một món giờ thành thời trân nhưng nó sắp tuyệt chủng, bởi nó là đặc ân của
trời gửi xuống cho con người, là rêu đá, là sự cộng sinh tuyệt vời giữa mưa với
đá vôi...
(Còn một kỳ nữa) Văn Công Hùng
Trên tạp chí Du Lịch HCM, Link gốc đây ạ.
Ngõ vào nhà bà ngoại, em dâu và em rể nhưng lại không phải là vợ chồng
Dì Rỡ, ngày xưa từng bế nhà cháu, nay dì 90 tuổi.
Bể nước mưa ngày xưa to oành, giờ bé tí
Trước cổng nhà bà ngoại, giờ là nhà thờ
1 nhận xét:
Những chuyến đi đầu tiên về Ninh Bình bằng xe đạp sẽ có rất nhiều kỷ niệm
Đăng nhận xét