Tôi nhớ lần đầu tiên xuống Miền Tây là đi với một ông miền Đông, nhà văn Nguyễn Đức Thọ ở Đồng Nai. Từ Vũng Tàu lên Biên Hòa chơi với anh, anh rủ: Đi miền Tây chơi. Thì nó lại đúng cái máu xê dịch, thế là Ok, bằng xe máy, tất nhiên.
4 ngày đi 7 tỉnh, lại vừa đi vừa... nhậu, nên cái ấn tượng miền Tây với tôi chỉ là... nước dâng trong phố và những đêm vừa nhậu vừa nghe ca cổ. Tới Bến Tre thì quay về.
Mấy
năm sau thì tôi một mình nhảy xe đò từ Sài Gòn đi Cần Thơ. Người đón tôi tại bến
xe Cần Thơ là nhà văn Nguyễn Thế Hùng, lúc này đang công tác ở quân khu 9. Ông
"miền Tây" này quê gốc... Hà Tĩnh, nhưng đóng quân ở Cần Thơ khá lâu
nên rất rành Miền Tây. Chở tôi trên xe máy, tiếng anh bạt trong gió: Em đưa bác
đi chợ Cái Vồn chơi nhé, cho biết. Tôi giật mình, hỏi lại: Cái gì? Cái Vồn. Mấy
ông nhà văn mà gốc miền Trung nói lái rất giỏi nên tôi cứ phải... cảnh giác.
Nhưng giờ thì yên tâm rồi, gật như bổ củi: OK các loại Cái, đi hết.
Hùng
giải thích cho tôi: Cái ở miền Trung ra Bắc là sông lớn, sông mẹ. Còn ở miền
Tây lại để chỉ sông con. Ở miền Tây có hàng trăm địa danh có chữ Cái ở đầu, đi
cho hết phải cả năm.
Thì
ra là thế.
Và
rồi cũng không nghĩ mình lại có nhiều duyên nợ với miền Tây.
Một
là con gái tôi, là dược sĩ, ra trường cách đây hơn chục năm. Tốt nghiệp xong
làm việc ở Sài Gòn, học tiếp thạc sĩ, rồi uỵch phát chuyển về Quy Nhơn làm việc.
Được mấy năm lại uỵch phát, chuyển về một bệnh viện loại 1 ở Cần Thơ, làm dược
sĩ lâm sàng. Rất nhanh, vợ chồng cháu mua đất làm nhà, ý là sẽ gắn bó lâu dài.
Và, nhà nó hiện tại, sát chợ nổi Cái Răng. Cả hai vợ chồng quyết định rất nhanh
việc về Cần Thơ vì chúng thích cả đất và người ở đây chỉ sau vài lần tiếp xúc.
Tôi quê ở Huế nhưng lại sinh ra ở Thanh Hóa và mẹ thì người Ninh Bình, lập nghiệp
ở Pleiku. Con gái tôi sinh ra ở Pleiku nhưng vẫn khai quê là Huế. Chồng nó quê
Nghệ An nhưng sinh ra ở Bình Định. Giờ cả hai vợ chồng và 2 đứa con sống ở Cần
Thơ, cũng chưa hiểu con gái chúng tức cháu ngoại tôi sẽ khai là quê ở đâu nữa?
Để thấy, cái câu đất nước mình đâu cũng quê hương nó đúng đến như thế nào, và tới
một lúc nào đấy, cách khai lý lịch quê quán của chúng ta cũng phải có những quy
định xác thực hơn nữa, để nó hợp lý với thực tế lịch sử nhưng cũng thấy được những
quy luật di chuyển, quy luật sinh tồn, quy luật "hành phương Nam" nối
tiếp từ biết bao thế hệ.
Hai
là tôi, bao nhiêu năm lập nghiệp ở Pleiku, làm thơ viết báo, tờ Reatimes này
phong cho là "Hùng Tây Nguyên", năm rồi cũng uỵch phát, cái bút ký in
trên báo Văn Nghệ năm nào của tôi được chọn in vào sách giáo khoa lớp 6, môn Ngữ
Văn bộ Cánh Diều. Nó lại là cái bút ký tôi viết về... miền Tây chứ không phải
Tây Nguyên nơi tôi sinh sống và lao động chữ gần hết cuộc đời ở đấy, nơi tôi có
những hiểu biết nhất định. Bút ký "Đồng Tháp Mười mùa nước nổi" của
tôi được viết sau một cú đi đầy ngẫu hứng từ Bến Tre sang Đồng Tháp, được anh bạn
nhà văn Hữu Nhân chở bằng xe máy xuyên mấy huyện, vừa đi anh vừa giảng giải cho
tôi tất tật mọi thứ về Đồng Tháp Mười, tất nhiên tất tật trong điều kiện có thể,
và cũng rơi rụng nhiều vì tiếng anh cứ bạt trong gió trên cái nền tốc độ xe máy
trung bình 60 ki lô mét/ giờ.
Cái
thú lang bạt khiến tôi đã có dịp đi được hết các tỉnh miền Tây bằng đủ phương
tiện. Ô tô là chủ yếu, máy bay cũng nhiều và xe máy cũng mấy tỉnh. Máy bay thì
tôi đã hạ cánh ở cả sân bay Cần Thơ và Cà Mau. Ô tô thì xe đò, xe con và cả xe
nhà tự lái. Mới nhất tôi lái xe từ Sài Gòn xuống Cần Thơ hết... 5 tiếng. Có đoạn
con gái tôi ngồi bấm giờ rồi thông báo: một tiếng đồng hồ vừa rồi ba chạy được...
12 cây số. Là cái đoạn qua huyện Cái Bè, Tiền Giang nó tắc khủng khiếp. Hôm sau
ngay tại Cần Thơ, lúc ngồi uống cà phê với mấy anh bạn văn chương báo chí ở cái
nhà hàng ngay trước bến Ninh Kiều, tôi đọc được tin ngày 4/1 khởi công cao tốc
Mỹ Thuận – Cần Thơ. Các bạn tôi đều reo lên. Và tôi càng reo hơn, bởi khi ấy thời
gian di chuyển từ Sài Gòn xuống Cần Thơ với con gái và cháu tôi sẽ rất gần. Và
không chỉ Cần Thơ, nó sẽ tỏa xuống hết các tỉnh đồng bằng. Khi tôi viết bài này
thì đường cao tốc ấy đã khởi công được hơn 4 tháng rồi. Và không chỉ thế, bởi
hôm 13/3, thủ tướng vừa chủ trì một hội nghị quan trọng về phát triển đồng bằng
sông Cửu Long thích ứng biến đổi khí hậu, mở ra những hướng phát triển rất cụ
thể, rất gần, rất thực tiễn... để đồng bằng sông Cửu Long cất cánh, trong đó có
mục tiêu 8G cho khu vực đang và sẽ rất sầm uất ở mọi mặt này.
Biết
đâu đấy, mấy năm nữa, tôi lại cũng sẽ là một công dân miền Tây. Chứ sao, đất
lành chim đậu, huống gì, đất ấy đã có con gái và cháu ngoại đang ở. Mà với tôi,
con và cháu nó thiêng liêng vô cùng...
10 nhận xét:
Em chúc đại gđ ta luôn vui khoẻ và hp ạ!
Cám ơn em nhé
Thân gởi Anh Văn Công Hùng. Ở miền Nam sông Cái là sông Mẹ. Sông Cái là sông lớn. Sông Cửu Long, đoạn đi qua tỉnh Vĩnh long người địa phương thường gọi là sông Cái.
@Lam Tần, cám ơn bạn, nhưng sách chỉ thế này ạ: " Về tên các dòng chảy
Cái là từ chỉ các dòng chảy. Ở Nam Bộ, khoảng 250 địa danh có thành tố này đứng trước, trong đó có khoảng 200 địa danh chỉ các dòng nước. Yếu tố đứng sau có thể chia làm 6 nhóm: 1) chỉ người; 2) chỉ vị trí; 3) chỉ tính chất; 4) chỉ vật thể; 5) chỉ con vật; 6) chỉ cây cối.
– Yếu tố đứng sau chỉ người có 2 địa danh
Cái Tàu là rạch chảy qua vùng có nhiều người Trung Quốc sinh sống. Cái Tàu là sông chảy từ tỉnh Hậu Giang qua các tỉnh Bạc Liêu, Kiên Giang rồi đổ vào sông Cái Lớn, dài 43 km.
Cái Vồn là rạch đổ ra sông Hậu. Tên phiên dịch sang chữ Hán là Bồn Giang. Cái Vồn còn là thị trấn, huyện lị huyện Bình Minh, tỉnh Vĩnh Long. Cái Vồn nửa thuần Việt nửa Khmer. Người Khmer gọi Srôk Tà Von (xứ Ông Von) [13].
– Yếu tố đứng sau có thể là vị trí
Cái Bát là “sông nhánh bên phải”. Cái Bát chi lưu vực sông chính ở hạt Tây Ninh xưa [3]. Cái Bát còn là sông ở xã Lợi An, huyện Trần Văn Thời, tỉnh Cà Mau. Còn Cái Cạy là “sông nhánh bên trái. Cái Cạy chỉ lưu vực sông chính ở hạt Tây Ninh xưa [3].
– Yếu tố sau có thể chỉ tính chất
Cái Bé là “sông/ rạch/ kinh nhỏ”; Cái Lớn là “sông/ rạch lớn”. Cái Bé và Cái Lớn là hai sông chảy qua hai tỉnh Hậu Giang và Kiên Giang. Ngoài ra, Cái Lớn còn là một con sông xuất phát từ cửa Ông Trang chảy ra cửa Bồ Đề,
tỉnh Cà Mau.
Cái Ngay là kinh nối rạch Cái Ngay với sông Cái Lớn, tỉnh Cà Mau, Cái Ngay nghĩa là “kinh thẳng”. Cái Quanh là sông ở huyện Mỹ Xuyên, tỉnh Sóc Trăng. Cái Quanh là “con sông quanh co nguy hiểm” [8].
Cái Tắc có dạng gốc Cái Tắt, là “rạch để đi tắt từ nơi này đến nơi khác”. Cái Tắc là rạch ở huyện Châu Thành A, tỉnh Hậu Giang. Cái Xép là “rạch nhỏ”. Cái Xép là tên gọi một xóm nhỏ ở xã Viên An, huyện Ngọc Hiển, tỉnh Cà Mau vì xóm ở cạnh rạch này.
– Yếu tố đứng sau là các vật thể tại chỗ
Cái Bè là một huyện của tỉnh Tiền Giang. Địa danh này ra đời đầu thế kỉ XVIII. Gọi là Cái Bè vì ở rạch này, có nhiều vựa cau khô, trầu rang hoặc vỏ cây già, cây đước được chở bằng bè tre sang Campuchia bán, sau trở thành địa danh hành chính.
Cái Cát là “rạch cát”. Người Khmer cũng gọi Piêm Prêk Ksách (vàm Rạch Cát) [13]. Cái Cát là tên một cửa sông ở tỉnh Vĩnh Long xưa.
Cái Cối là con rạch nằm bên tả ngạn chảy ra sông Bến Tre, nay thuộc xã Mỹ Thạnh An, thị xã Bến Tre. Người Khmer trước đây gọi là Prêk Thbal (rạch Cối Xay) [13]. Gọi là Cái cối vì bên bờ rạch có xóm chuyên đóng cối xay lúa.
Cái Muối là là sông ở tỉnh Bến Tre xưa. Cái Muối có nghĩa là “rạch muối”. Người Khmer cũng gọi Prêk Ambil (Rạch Muối) [13].
Cái Răng là rạch ở xã Thanh Điền, huyện Châu Thành, tỉnh Tây Ninh. Cái Răng còn là tên một quận của thành phố Cần Thơ. Cái vẫn có nghĩa là “rạch”; Răng: có lẽ do từ từ Kran, tiếng Khmer, nghĩa là “cái cà ràng” – loại “bếp lò làm bằng đất nung có đáy rộng ra phía trước để làm chỗ nướng thức ăn, đặt nồi” [2].
– Yếu tố đứng sau là tên các con vật
Cái Cá là con rạch ở xã Quới Điền, huyện Thạnh Phú, tỉnh Bến Tre. Cái Cá có nghĩa là “rạch cá” vì dưới rạch này trước đây có nhiều cá sấu.
Cái Chồn có nghĩa là “rạch chồn”.
Cái Nai có nghĩa là “rạch nai”.
Cái Tôm có nghĩa là “rạch tôm”.
– Yếu tố sau là tên cây cỏ
Cái Cui là khu cảng ở thành phố Cần Thơ, dài 5km. Cái Cui nghĩa là “rạch cây cui”, một loại cây to, lá đơn một phiến cứng. Cây cui còn có tên khác là huỳnh long.
Cái Da nghĩa là “rạch cây da”. Cái Da là rạch ở thành phố Cần Thơ.
http://thanhdiavietnamhoc.com/tu-dia-phuong-chi-dia-hinh-trong-dia-danh-nam-bo/
+Hết sức cẩn trọng khi tung tẩy về những gì liên quan đến từ 'Con' và 'Cái' để lớp trẻ
tránh bị hiểu sai, dùng sai. Về từ loại, 'con', 'cái',tùy ngữ cảnh, được xếp khá nhiều
dạng khác nhau. Đầu tiên, về văn phạm gốc, từ loại 'con, cái' thuộc loại từ. Khi kèm trước các danh từ có chuyển động hoặc tham gia vào chuyển động thì sử dụng loại từ CON; con trâu, con chuôt, con người, con sông, con đường...Khi kèm trước danh từ không chuyển động hoặc không tham gia vào chuyển động thì sử dụng loại từ CÁI; cái lược, cái hoa, cái cây, cái nhà...
+Con sông Cái gồm 3 từ loại: CON, loại từ; SÔNG, danh từ; CÁI, gốc tính từ(lớn) đứng làm danh từ riêng.
+Giai đoạn sau Nguyễn Hữu Cảnh, chưa rõ từ góc khuất lịch sử nào, kết hợp văn hóa Chân Lạp, từ loại CON, CÁI được dân du cư, sau thành bản địa, sử dụng tùy tiện hết công suất và cứ thế, chấp nhận.
+Hãy đứng ở hướng góc tích cực để chúng ta cùng nhau gìn giữ sự sáng trong và tuyệt vời của tiếng Mẹ!
Cụ thức khuya thế ạ?
Cám ơn cụ ạ.
Gởi anh Hùng
Chị Lâm Tần ý nói đúng kiểu Miền tây ý anh. Dưới này bà con kêu sông Cái là sông tự nhiên (không phải sông đào - còn gọi là kinh - dù nó rộng như mấy con sông ở miền Trung)
Em dân Quảng Ngãi, chắc giống con gái anh, hơn 40 năm ở SG giờ lại về làm vườn,lót ổ ở Cần Thơ.
Một thời đi phượt và sau này hơn 10 năm đi dạy hầu hết các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long (chủ yếu đi bằng xe máy) mới thấy đúng cái câu "Đất Lành" bởi đa phần người dân họ sống hiền hòa,nhẹ nhàng và cực kỳ thoải mái.
Hy vọng một ngày như trong câu kết, anh sẽ về ...giữ cháu ngoại dưới này và quởn quởn thì lai rai ba xị đế.
Chúc anh vui
@Nguyễn Phúc Ấn: Cám ơn bạn nhé, hy vọng sẽ gặp nhau, hihi
Quả là Miền Tây thật ấn tượng
Mỗi nơi có cách xưng hô, cách sử dụng ngôn từ khác nhau; nhưng nếu chưa về miền Tây thì thật tiếc
Đăng nhận xét