Thứ Sáu, 12 tháng 3, 2021

MỘT CUỘC THI THÀNH CÔNG NHIỀU MẶT

            Xin nói ngay, đây là một sáng kiến rất hay, rất táo bạo, rất mới của ban lãnh đạo Hội Văn học Nghệ thuật Thái Nguyên mà vai trò của nhà thơ Nguyễn Thúy Quỳnh chủ tịch Hội là chủ đạo với ban quản trị quán Chiêu Văn do nhà văn Trịnh Đình Nghi chủ soái đóng vai trò rất quan trọng.

          Từ gần 500 tác giả gửi thơ dự thi, ban sơ khảo đã chọn được 168 tác giả vào vòng chung khảo. Đa phần là các tác giả sử dụng hết quyền đăng dự thi là 3 bài, một số 2 bài.

          Các tác giả bám chủ đề cuộc thi khá sát và chắc. Phải chăng vì đây là 2 chủ đề rất lớn, thiêng liêng và gần gụi, nhất là chủ đề mẹ. Nhưng chính vì thế mà lại rất khó viết, bởi không khéo rất dễ lặp, trùng, sáo và sa vào kể lể, viết kiểu lên gân, viết lấy được. May thay, các tác phẩm qua vòng sơ khảo đều vượt qua được "nỗi lo mơ hồ" này. Đa phần các bài thơ về mẹ là thể lục bát. Và các tác giả cũng có nhiều sáng tạo từ thể thơ rất quen thuộc này. Rất nhiều bài lục bát hay, được làm mới từ chính cái thể thơ đã có hàng mấy trăm năm nay của các tác giả như Nguyễn Thanh Mừng, Trần Văn Lợi, Nguyễn Văn Song, Nguyễn Đức Hậu vân vân...

          Số 168 tác giả thơ đã lọt vào vòng chung khảo đa số đồng đều nhau khiến ban giám khảo hết sức khó khăn khi đọc và chọn. Và ai cũng có cảm giác tiếc nuối, cảm giác mình như vừa đánh mất điều gì? quả là có những câu thơ rất hay, những bài thơ rất được, nhưng biết làm sao được khi mà số lượng giải, dù ban tổ chức đã rất cố gắng hào phóng nhưng cũng chỉ được từng ấy. Thế nên cuối cùng phải bám vào quy chế. Nếu mấy bài thơ hay đều nhau thì đành phải xem, dung lượng Mẹ, dung lượng Tổ quốc trong bài thế nào. Đây là cách xử lý không được "thơ" lắm bởi ai cũng biết đã là một bài thơ hay thì tất cả mọi thứ nó quyện vào nhau trong một thể thống nhất là THƠ chứ không có gì rạch ròi kiểu đầu mình tứ chi cả. Nhưng chúng tôi đã phải làm việc ấy vì như đã nói, nhiều bài hay, nhiều tác phẩm đọc sướng như nhau. Biết làm sao được. Thế mới là cuộc thi.

          Nhưng đấy là điều mừng, bởi nó chứng tỏ mấy điều.

          Một là vẫn có một đời sống thơ chảy trong đời sống. Thơ không lâm nguy như có người cảnh báo. Hiện ngay trên các diễn đàn mạng, có rất nhiều nhóm thơ đang hoạt động, và khá rôm rả. Cuộc thi thơ của chúng ta nằm trong dòng chảy chung ấy của thơ.

          Thứ hai là khi viết về những điều thiêng liêng như Tổ quốc, mẹ... nhiều tác giả đã thể hiện một tư duy thẩm mỹ hết sức đẹp, gần gụi và đầy trách nhiệm. Chúng ta yên tâm rằng mẹ và Tổ quốc, 2 phạm trù thiêng liêng ấy luôn thường trực trong trái tim mỗi người Việt, mỗi người sáng tác.

          Ba là chất lượng thơ rất đáng để chúng ta hy vọng. Đây chỉ là cuộc thi online, thời gian ngắn (40 ngày) của hội VHNT một tỉnh (Thái Nguyên) với một nhóm văn học mạng, nhưng với việc 168 tác phẩm lọt vào chung khảo và 11 tác phẩm có giải là một tín hiệu rất mừng cho giới làm thơ và độc giả. Nhiều tác giả là những lãnh đạo các hội VHNT tỉnh bạn cũng tham gia dự thi như nhà thơ Nguyễn Thanh Mừng, nguyên chủ tịch hội VHNT Bình Định, nhà thơ Nguyễn Ngọc Tung, nguyên chủ tịch hội VHNT Vĩnh Phúc, nhà văn Vũ Thảo Ngọc, nguyên phó chủ tịch hội VHNT Quảng Ninh. Ngoài ra một số nhà thơ đã đạt giải cao ở các cuộc thi uy tín trước đấy, như cuộc thi thơ của Tạp chí Văn Nghệ Quân đội cũng dự thi vân vân, nhiều tác giả là hội viên hội Nhà Văn Việt Nam... chứng tỏ đây là cuộc thi thơ có uy tín, và cả sự lan tỏa của nó trong giới làm thơ, dù rằng đây là lần đầu tiên có cuộc thi phối hợp giữa một hội VHNT cấp tỉnh, của nhà nước, với một group văn chương mạng. Cái sự nhiều nhà thơ tên tuổi tham gia cuộc thi vừa làm cho cuộc thi sang trọng, nhưng cũng khiến ban giám khảo phải hết sức cẩn trọng, nghiêm túc.

Quả là trước đấy, tôi có bị cái ám ảnh thơ câu lạc bộ nó ảnh hưởng, nhưng vì tôi đã biết hoạt động của “Quán Chiêu Văn” từ trước, từng tham gia làm giám khảo cho họ trong một cuộc thi viết trước đó, hiểu những gì họ tâm huyết, họ cống hiến cho xã hội, cho cuộc đời và cho văn chương nên tôi nhận lời, nhưng cũng vẫn... phân vân. Tới khi bắt tay vào đọc thì... vỡ òa niềm vui, vì đa phần thơ đúng là thơ. Nó vượt qua cái giới hạn mà lâu nay ta mặc định là "thơ câu lạc bộ". Nó đĩnh đạc và nghiêm ngắn, nó tự tại. Các tác giả dự thi bên cạnh lực lượng không chuyên có những tác giả cũng rất "hoành tráng" như đã kể.

          Bốn là, như đã nói, còn nhiều câu thơ hay, bài thơ hay phải ở ngoài giải này, do số lượng giải có hạn, do ban giám khảo "quên" hoặc chưa hợp cảm xúc lúc đọc... thì những câu thơ, bài thơ ấy vẫn là những câu những bài hay, ở chỗ khác, lúc khác... cuộc thi chỉ là khoảnh khắc, là thời gian cố định, đời sống của thơ, nhất là thơ hay, thì là vô tận.

          Và năm, cuộc thi đã làm được một việc nữa, là thổi bùng lên âm hưởng thơ, năng lượng thơ đối với khá nhiều người. Quán Chiêu văn có 30 ngàn thành viên. Hội VHNT Thái Nguyên cũng mấy ngàn người đọc, theo dõi... Đấy chính là phần thành công lớn của cuộc thi ngắn ngày này. Mà đã làm thơ, đọc thơ, yêu thơ... thì chắc chắn con người sẽ sống đẹp hơn, tử tế hơn, lương thiện hơn.

Kết quả cuối cùng, ban giám khảo đã chọn được Một giải nhất, hai giải nhì, 3 giải ba và 5 giải tư để giao lại cho ban tổ chức và được ban tổ chức chấp nhận.

Như đã nói, các bài thơ vào vòng trong không có sự chênh lệch bao nhiêu, mỗi người mỗi vẻ. Các bài thơ đều có sự thể hiện chắc tay những điều tác giả muốn thể hiện. Hình tượng Tổ quốc, mẹ, non sông xứ sở... được thể hiện độc đáo, sáng tạo và gần gũi, thân thương "Nguyện vọng của những vỏ trấu là trở về xứ sở/ Những chiều nắng đỏ/ Bóng đa đổ xuống đồng người - nhang khói những tháng ngày lưu lạc/ Vài nắm đất chơ vơ trên mặt đất./ Tháng bẩy con lại về sông cũ/ Mái gianh đầy gió/ Bến quê chảy trong con một dáng lưng còng/ Còn gióng lúa nào đợi con về báo hiếu?"- Vu Lan- Nguyễn Đức Hậu- Cả một nông thôn Việt, đời sống Việt hiện lên ở cái lễ Vu Lan ấy, ở những câu thơ vừa bình dị nhưng lại vừa vang vọng vừa trích trên. Chưa hết, tôi đã run lên khi đọc những câu thơ của Phạm Tú Anh, như thế này: "Mùa Hội này mẹ không còn xuống hết chín bậc thang/ Ngón chân run bấu xiêu hơi gió/ Chiếc gậy run trên bàn tay khô/ Mẹ trở vào ngồi tựa voóng cửa/ Nhìn lên phía ngọn Tày Vày/ Đợi con về trong trắng muốt mây bay/ Đợi con gọi trong rền vang cồng chiêng đỉnh núi../..."- Mùa xuân trên đỉnh núi- Phạm Tú Anh. Chả lẽ lại trích cả bài, nhưng quả là đọc xong bài thơ có cảm giác như bị ngợp. Nữ thi sĩ người Mường vừa cao cường vừa tinh tế ở cả 2 bài dự thi là bài này và bài "Lời ru khô trên bầu ngực khô", chị khiến từng con chữ phải khắc khoải, từng câu thơ phải vút lên hết âm hưởng của mình, để cuối cùng chị bày được cảm xúc của mình ra, nỗi quặn thắt của người mẹ khi đi tìm con. Ngồi một chỗ tìm con, đứa con trai "Trùng trùng thung núi/ Những đám mây hành quân qua mùa xuân". Từng chữ từng câu như đá, khắc vào/ chém vào cảm xúc người đọc. Đây là một góc Tổ Quốc của Nguyễn Quốc Toàn: "Phía đông làng mỗi sáng mặt trời là biểu tượng của sự tồn sinh/ của gié lúa Hùng Vương trao tay nòi giống thứ lương thảo vùi bùn hấp thụ nắng/ mưa cho đến ngày thu hoạch/ nơi con chim nối liền những khoảng trời trên cao nguyên đá/ nghe gió mang về lời ru của biển/ vẫn âm vang tiếng trống tập trận cờ lau,/ tiếng sáo mục đồng thổi vọng đầm lầy/ đàn cò trắng kéo nhau bay qua những ngọn đồi trầm tích/ từ phía đông làng tôi..."- hết sức thân thương gần gụi nhưng lại rất thiêng liêng.  Còn đây là mẹ của Đào An Duyên: "Manh áo mưa như cánh con cào cào mới trổ/ Chỉ đủ che cho con. Mẹ ướt sũng phận người". Manh áo mưa mỏng manh kia chứa đựng toàn bộ tình yêu thương trời bể. Cũng như thế là hình ảnh này: "Mẹ là những cuộc bể dâu/ Bao khuya ngồi xếp khổ đau đêm trường./ Một đời mà mấy quê hương/ Phía nào cũng thiếu, cũng thương… chật lòng./ Mênh mang bãi biển, ao đồng/ Mẹ không lội khỏi cái vòng nắng mưa./ Thấp cao gì những được thua/ Lòng như mớ cá, xâu cua vũng phèn." Tưởng là hình ảnh coi thường mẹ, nhưng đọc kỹ, trong ấy là rưng rưng nỗi lòng của con, của tác giả với mẹ, người mẹ tần tảo, nhẫn nhịn, hy sinh để rồi cuối cùng là: "Giờ xăm xắp tuổi chín mươi/ Mẹ vin tiếng cháu con cười lần đi/ Năm gian nhà rộng cũng vì/ Sớm chiều tiếng gậy từ bi dẫn đường"…

Cuộc thi này có thêm một điểm ghi nhận nữa, ấy là nó làm sống lại thể thơ lục bát. Có thể cả 2 "ý tưởng đề bài" Tổ Quốc và mẹ đều được các tác giả nhìn ở phía gần gũi thân thương, nên rất nhiều tác giả đã dùng thể thơ lục bát để thể hiện. Nhà thơ Nguyễn Thanh Mừng đạt giải nhất với chùm 3 bài thơ, bài nào ý tưởng cũng độc đáo. Và độc đáo nhất chính là bài lục bát nhưng lại gắn rất chặt, rất nhuyễn với... trà Thái Nguyên và Trường Sa: "Nước mưa trên đảo Trường Sa/ Kiếp nào hò hẹn với trà Thái Nguyên/ Mà giờ óng ả tơ duyên/ Dậy nhan sắc giữa uy quyền đại dương... Lại cùng lửa bỏng nước sôi/ Gầy hương tao nhã trong lời tinh hoa/ Để nghe phẩm hạnh Trường Sa/ Môi người lính/ rạch phong ba/ nhoẻn cười…". Một cái gì đấy rất to lớn, hùng vĩ, rất thời sự rất... biên cương hải đảo, nhưng đọc kỹ, trời ạ, nó lại là chuyện pha trà, kỹ thuật pha, cách uống, những là nước mưa, lửa bỏng, môi vân vân... Hai bài thơ còn lại của Nguyễn Thanh Mừng cũng rất độc đáo, là bài "Khúc luân vũ Thái Nguyên" và "Lời con trâu nước Việt". Cũng có ý kiến là chùm thơ này kỹ thuật quá. Thì rõ ràng nhà thơ Nguyễn Thanh Mừng là người có nghề cao, giờ gắn vào cuộc thi cụ thể, gắn với tiêu chí mà vẫn thoát lên, vẫn đầy cảm xúc, vẫn khiến ta xúc động, vẫn ám ảnh bởi thi ảnh, tứ thơ và đầy dư ba... thì nó giải nhất là đúng rồi...

Chủ đề rất lớn, nhưng lại quen và rất dễ lặp, thế mà nhiều người viết hay, vượt qua những thói quen thường thấy. Tóm lại là một cuộc thi địa phương, câu lạc bộ, lại ngắn ngày, nhưng tôi thấy nó đã vượt qua tầm ấy để mang một tầm vóc lớn hơn, rộng hơn, sự lan tỏa vì thế cũng mở biên độ lớn hơn...

(Bài tổng kết cuộc thi thơ online của Quán Chiêu Văn và Hội VHNT Thái Nguyên tổ chức, nhà cháu là trưởng ban giám khảo, cùng nhà thơ Đoàn Văn Mật và nhà thơ Nguyễn Thúy Quỳnh.).




                                                  

 

         

1 nhận xét:

Chọn mua loa array nói...

Nội dung này rất hấp dẫn, cảm ơn tác giả