Thứ Bảy, 26 tháng 12, 2020

PLEIKU DẬP DÌU CẦM TAY NHAU CHO KHỎI LẠC

             Trong toàn bộ hành trang thơ trĩu nặng nghĩa tình đời tư - thế sự đó, anh dành phần nhiều tình cảm của mình cho Pleiku và cho chủ đề tình yêu với những cung bậc và sắc thái đắm say, mơ mộng. Thơ Văn Công Hùng thuộc về mỹ cảm của cái đẹp với sự đối sánh giữa con người và thiên nhiên, tạo vật trong sự tương tác, tương hợp cụ thể, qua đó, anh tạo lập nên những kinh nghiệm triết mỹ, nhân sinh cho từng quan hệ sống. Bài thơ Cầm Xuân là một trong những kinh nghiệm quan hệ hiện sinh đó, dù trên bề mặt câu chữ, anh không đồng hiện cảnh vật và con người Pleiku cụ thể. Nhưng người đọc tinh ý sẽ nhận ra bên sau, bên xa của câu chữ chính là tình cảnh và hồn vía của Pleiku.

Bài của PGS TS Nhà thơ Hồ Thế Hà viết về 1 bài thơ của nhà cháu trên báo GL ạ.

---------------------


               Văn Công Hùng là nhà thơ của tình yêu, khát vọng tuổi trẻ và tự tình nhân thế. Thơ anh chắt lọc, giàu tính nhân văn và hoài vãng gắn với nỗi niềm sầu xứ man mác tình quê hương, xứ sở. Văn Công Hùng còn được những người yêu thơ gắn với mệnh danh trìu mến là Hùng Tây Nguyên, có nghĩa là độc giả đã xem anh là nhà thơ của quê hương Cao Nguyên với núi rừng hùng vĩ, với thác trắng ngang trời, với biển Hồ lênh láng, với thông reo hú dài theo chiều con gió, với những phố dài trập trùng mù sương chìm khuất, dù anh quê  ở Huế, sinh ở Thanh Hóa và quê mẹ tận Ninh Bình...Tất cả đặc trưng địa - văn hóa đó đã thành thi cảm và thi tính sinh thái đạo đức, nhân văn riêng của thơ Văn Công Hùng.

          Trong toàn bộ hành trang thơ trĩu nặng nghĩa tình đời tư - thế sự đó, anh dành phần nhiều tình cảm của mình cho Pleiku và cho chủ đề tình yêu với những cung bậc và sắc thái đắm say, mơ mộng. Thơ Văn Công Hùng thuộc về mỹ cảm của cái đẹp với sự đối sánh giữa con người và thiên nhiên, tạo vật trong sự tương tác, tương hợp cụ thể, qua đó, anh tạo lập nên những kinh nghiệm triết mỹ, nhân sinh cho từng quan hệ sống. Bài thơ Cầm Xuân là một trong những kinh nghiệm quan hệ hiện sinh đó, dù trên bề mặt câu chữ, anh không đồng hiện cảnh vật và con người Pleiku cụ thể. Nhưng người đọc tinh ý sẽ nhận ra bên sau, bên xa của câu chữ chính là tình cảnh và hồn vía của Pleiku.

          Mở đầu bài thơ là không gian hoài niệm Pleiku được đánh thức từ quá vãng chưa xa lắm trong ký ức của người thơ, nhưng lại có sức lay động trong liên tưởng với từng cảnh vật và trạng thái “chập chờn phía sắc phượng mong manh” của nhân vật trữ tình:

                     chợt nhớ Pleiku cái thời chưa xa lắm

                     có một bàn chân cứ vấp gốc thông già

                     cái gốc cũ xù xì như lưỡi câu giăng mắc

                     em chập chờn phía sắc phượng mong manh

          Vậy mà ký ức gọi ký ức, liên tưởng gọi liên tưởng để nỗi nhớ bây giờ và nỗi nhớ ngày xưa nối tiếp nhau đồng hiện, cứ như là mặc định để đến nỗi gốc thông già “như lưỡi câu giăng mắc” phải hy sinh chứng kiến cho nỗi nhớ “nhung nhăng” vô cớ của đôi lứa một thời hò hẹn, say mê:

                     chợt nhớ có thời cứ hở ra là nhớ

                     cứ nhớ thế thôi chứ chả biết nhớ gì

                     nhớ nhung nhăng nhớ như là phải nhớ

                     nên gốc thông già mới phải hy sinh

          Những kỷ niệm nên thơ cứ thế ùa về như là cơ chế của tâm lý tự vệ trong mơ mà mái tóc huyền là vật chứng cho sự thức tìm trong chơi vơi của chàng trai phiêu lãng, mong thỏa mãn mộng tình:

                     Pleiku cái thời sương còn làm tóc ướt

                     tóc bấy giờ xõa cả trong mơ

                     tóc bấy giờ khiến người phải thức

                     với tay tìm tóc giữa tầng thông”.

          Cứ thế, Pleiku hiện về trong ảo giác lung linh, ảnh xạ hàng vạn ánh nhìn, tưởng như có ngàn triệu con mắt ai đó rờm rợp nhìn nhau trong từng gốc thông trầm ngâm, hoang tưởng. Thực và mộng dường như hòa quyện trong nhau:

                     Pleiku một thời mắt ơi là mắt

                     mỗi gốc thông là một vạn ánh nhìn

                     ơ chả lẽ lại có người nghìn triệu mắt

                     những buổi chiều nôn nao trong rờm rợp mắt nhau

          Gặp gỡ, rồi chia tay là chuyện muôn đời của tình yêu đôi lứa. Nhưng không phải sự chia tay nào cũng buồn. Trái lại, có những cuộc chia tay tin yêu và thương nhớ. Có cái bắt tay nồng ấm trong nhau để xôn xao, lưu luyến và yên lòng; có cái bắt tay để dâng trào nước mắt dỗi hờn, tê tái. Văn Công Hùng đã đồng hiện một chuyện tình hiện thực mà đầy chất lãng mạn. Vì vậy mà chia tay sau hẹn thề, đôi mắt ấy vẫn rưng rưng. Phải nói là một tình yêu, một cuộc hẹn hò đẹp đến trong veo:

                     Pleiku thời trong veo đến phải cầm chặt tay nhau cho khỏi lạc

                     chỉ thế thôi mà thấy yên lòng

                     Pleiku bao nỗi nhớ đổ về phía dốc

                     cuối con đường một đôi mắt rưng rưng

          Một mối tình như thế thì bảo sao không dỗi hờn, nhớ nhung, mộng mị? Tôi đồ rằng mối tình đó dù có đi trọn vòng tình ái hay dở dang trong chia cách, thì nó vẫn lưu lại kỷ niệm đẹp và trong suốt như sương; nó trẻ mãi trong hoài niệm của hai trái tim yêu một thời lung linh tình sử, dẫu Pleiku giờ đã là quá vãng, gốc thông già giờ đã thêm tuổi cũ nhưng lá vẫn xanh non chứng kiến những mối tình thơ trẻ đến hẹn hò:

                     Pleiku một thời chúng mình như gió

                     dẫu nồng nàn vẫn tan vụn trong mây

                     và gió nên chúng mình trẻ mãi

                     thông dẫu già nhưng lá cứ xanh non...

 

                                                   ***

          Cầm Xuân cũng có nghĩa là cầm tình yêu hoan ca cùng thiên nhiên, trời đất. Bài thơ, vì vậy có tính ẩn dụ nghệ thuật sâu sắc. Thơ tình yêu của Văn Công Hùng nhẹ nhàng mà quyến rũ, hài hòa giữa ngoại cảnh và nội tâm, nói về nỗi riêng nhưng có khả năng nội cảm, đồng cảm trong nỗi chung của mọi người. Anh không giả tạo, gò bó mà cứ để cho mạch cảm xúc gọi về những kỷ niệm tình yêu đẹp và xôn xao của một thời trẻ trai, hoa mộng. Chính nhờ sự sống thật và tình cảm thật đó đã làm nên vẻ đẹp thẩm mỹ chân phương, chân cảm và chân mỹ của thơ tình yêu Văn Công Hùng. Cầm Xuân là một trong những bài thơ hay, neo giữ lâu bền trong lòng người đọc.


                                       CẦM XUÂN

                                                  

                     chợt nhớ Pleiku cái thời chưa xa lắm

                     có một bàn chân cứ vấp gốc thông già

                     cái gốc cũ xù xì như lưỡi câu giăng mắc

                     em chập chờn phía sắc phượng mong manh

 

                     chợt nhớ có thời cứ hở ra là nhớ

                     cứ nhớ thế thôi chứ chả biết nhớ gì

                     nhớ nhung nhăng nhớ như là phải nhớ

                     nên gốc thông già mới phải hy sinh

 

                     Pleiku cái thời sương còn làm tóc ướt

                     tóc bấy giờ xõa cả trong mơ

                     tóc bấy giờ khiến người phải thức

                     với tay tìm tóc giữa tầng thông

 

                     Pleiku một thời mắt ơi là mắt

                     mỗi gốc thông là một vạn ánh nhìn

                     ơ chả lẽ lại có người nghìn triệu mắt

                     những buổi chiều nôn nao trong rờm rợp mắt nhau

 

                     Pleiku thời trong veo đến phải cầm chặt tay nhau cho khỏi lạc

                     chỉ thế thôi mà thấy yên lòng

                     Pleiku bao nỗi nhớ đổ về phía dốc

                     cuối con đường một đôi mắt rưng rưng

 

                     Pleiku một thời chúng mình như gió

                     dẫu nồng nàn vẫn tan vụn trong mây

                     và gió nên chúng mình trẻ mãi

                     thông dẫu già nhưng lá cứ xanh non...

                                                 Văn Công Hùng

                                                              Vỹ Dạ, đêm 20/ 12/ 2020

                                                         Hồ Thế Hà- PGS TS, nhà thơ

Khi in trên báo GL nó được đổi tên cho gọn he he

 


 

8 nhận xét:

Quế Sơn nói...

+Tứ thơ hay nhất trong bài:" Pleiku thời trong veo đến phải cầm chặt tay nhau cho khỏi lạc/chỉ thế thôi mà thấy yên lòng". Phố xá Pleiku "Phố xá không xa nên phố tình thân/Đi dăm phút đã về chốn cũ"-Vũ Hữu Định. Vậy thì ĐẾN PHẢI CẦM CHẶT TAY NHAU có phải để cho khỏi lạc? "Trong veo" đến thế đã chạm đỉnh trong veo.
+ PGS-TS Hồ Thế Hà cảm nhận và cảm thụ câu thơ này, tứ này, ý này của VCH bị lệch. Lệch đến đáng tiếc là chuyển cái lệch ấy thành tiêu đề bài báo: "Pleku DẬP DÌU cầm tay nhau cho khỏi lạc". Tôi phục sát đất vị nào, em nào, cháu nào phụ trách biên tập báo Gia Lai, đã tinh tế, nhẹ nhàng thay đề bài báo bằng "Cảm thức pleiku" cho-nó-gọn!
+ Tôi thảng thốt trước những câu thơ hay đến nao lòng:" chợt nhớ có thời cứ hở ra là nhớ/cứ nhớ thế thôi chứ chả biết nhớ gì/nhớ nhung nhăng, nhớ như là phải nhớ". Viết mà như nói. Chân chất. Thô mộc. Và rất thơ.
+ Và, xin nhặt giúp Anh Hùng hạt sạn be bé này: "nên gốc thông già mới phải HY SINH". Từ 'hy sinh'Anh chọn đặt khá vụng. Về ngữ nghĩa, không sát ý, toát ý diễn đạt. Về hình thức, có gì sai sai, lạ lạ, khác khác, như cái ô tô nhựa lẫn trong cái nơm, cái đụt, cái lờ quê nhà...
Xin tạm dừng. Đang xem tranh hùng giữa Arsénal-Chelsea. 3-0 rồi. Chơi hay quá.

Văn Công Hùng nói...

Hì, bác luôn luôn minh triết.
Về bóng đá, một thời em mê như điếu đổ, nhưng rồi nhãng dần, giờ thấy lửng lơ, xem cũng được, không cũng chả sao. Tức là... không xem, bởi đã xem là phải cuồng nhiệt, máu lửa, hihi.
Đúng là từ hy sinh nó... hy sinh thật, hihi.
Cám ơn bác ạ.

logo thuanhoa nói...

Bài viết hay, nhận xét cũng hay, nhưng hay là do bài thơ hay... anh Hùng ạ...

logo thuanhoa nói...

đọc liền một số bài, cảm động là bài tìm mộ liệt sĩ...

Văn Công Hùng nói...

@Logo Thuanhoa: Cám ơn bạn ạ. Hihi được oánh giá thơ hay, sướng ạ.

logo thuanhoa nói...

Logo Thuận Hóa là Đinh Hy đó. Anh Hoành Tráng....

Văn Công Hùng nói...

Hé hé ra thế.

Phân phối tăng âm truyền thanh nói...

Bài thơ rất hay, hay cả về thơ lẫn cảm xúc và sự cảm nhận tinh tế