Bài đăng hôm nay trên Reatimes, mục "Cà phê cuối tuần"
Những
ngày qua, nhân dân cả nước hướng về huyện Phong Điền, Thừa Thiên Huế, nơi có thủy
điện Rào Trăng 3, và ba bốn thủy điện khác nữa, trên con sông này, hồi hộp, lo
âu, vỡ òa, tức tưởi.
Chả
phải ngẫu nhiên mà người ta gọi miền Trung là khúc ruột. Cái khúc ruột ấy năm
nào cũng khiến ta quặn đau, năm nào cũng khiến ta thắc thỏm, lo sợ...
Và
năm nay thì nó dữ dội hơn nhiều.
Tháng
này, nhà tôi giỗ mẹ tôi.
Nhớ cái năm mẹ mất cũng mưa gió tơi bời lắm. Đưa mẹ lên nghĩa trang độn cát tất cả mặc áo mưa. Những vòng hoa sũng nước.
Nhưng
chỉ mưa thôi.
Năm
nay trước khi về giỗ, tôi có ngóng khí hậu. Thì thấy trước đấy có một cơn bão.
Cả nước rầm rập chuẩn bị đón bão, công điện liên tục, ti vi liên tục vân vân, để
rồi thở phào, bão không vào.
Tôi
bay từ Sài Gòn ra, trời quang mây tạnh. Giỗ quê, làm lấy để nó có không khí giỗ,
chứ đặt làm sẵn nó như đi nhà hàng, bà con không đến đủ, mỗi nhà chỉ một người.
Em trai tôi giải thích thế. Sáng ấy, bà con đến làm giúp đông vui.
Tôi
có dành riêng một mâm mời các bạn của em tôi, cũng là của tôi, ở ủy ban huyện
Phong Điền. Họ đến đủ, đúng như lời mời. Và cuộc ngồi ấy khá khuya, nói đủ thứ
chuyện. Bình, trùng tên em trai tôi, chủ tịch huyện, ngồi cạnh tôi. Tôi rất quý
anh chàng này, rất thật thà, tốt bụng và nhiệt tình. Tôi nhớ còn hẹn Bình 2 việc.
Một là sau đấy 2 ngày sẽ ngồi với nhau một cuộc ở bờ sông quê tôi, cái đập Cửa
Lác ấy, gió miên man thích lắm. Quán đơn sơ nhưng mồi rất tươi, đều từ sông vừa
kéo lên. Lai rai bia, và hát, với gió, với nước sông, thế thôi. Và 2, với tư
cách chủ tịch huyện, cố gắng giữ lại tên các làng cổ, chứ đừng nhân danh nông
thôn mới rồi quên hết tên cũ như lâu nay, những cái tên ai đi xa cũng nhớ như
Thế Chí Tây (làng tôi), Thế Chí Đông, Kế Môn, Đại Lược vân vân. Bình dạ rất hiền.
Rồi còn đùa, sao huyện các chú lắm Hùng với Bình thế. Bình này mới lên làm chủ
tịch chính thức được 1 tháng 2 ngày thì gặp nạn, thay thế chủ tịch mới về hưu
tên... Hùng. Em trai tôi còn nói, trong ban thường vụ huyện ủy hiện có 3 ông
tên Bình. Bình em trai tôi cũng nguyên thường vụ huyện ủy, phó chủ tịch huyện,
mới xin về hưu trước tuổi chứ không là thành 4 ông Bình.
Cuộc
ngồi rồi cuối cùng không thực hiện được, tôi có nhắn tin cho Bình báo hoãn,
không thấy trả lời. Sau đấy thì một nhân viên của Bình giải thích cái sự không
trả lời tin nhắn: Mấy hôm Bình chạy miết, nhà ngập hơn mét mà có về được đâu. Rồi
tôi lên sân bay để bay vào Sài Gòn. Và hôm ấy thì trời mưa khá to. Đêm trước
thì cúp điện. Thì cũng nghĩ nó mưa theo trend thế, mùa này mùa mưa Huế mà,
không mưa làm sao còn ra Huế, lấy gì Huế khoe với mọi nơi về một đặc sản đang
muốn làm sản phẩm du lịch "mưa Huế". Và lấy gì để những người con xa
Huế nhớ về quê.
Và
cũng chả nghe thông tin chính thống gì cả, cứ lầm lũi mưa, đến mức tôi nghĩ máy
bay không cất cánh được.
Rồi
hai ngày sau thì nghe tin Rào Trăng.
Rào,
một số địa phương ngoại ô Huế gọi sông như thế. Rào Trăng là con sông Trăng (?). Từ giờ nó là một cái tên khắc khoải mãi nỗi
đau.
Bởi ngay khi nghe tin thủy
điện Rào Trăng 3 bị cô lập vì lũ. Chỉ là một cú điện thoại chập chờn thôi, sau
đấy im bặt, thì gần như ngay lập tức, một đoàn cứu nạn được thành lập và vào
ngay nơi bị nạn. Một vị tướng phó tư lệnh quân khu 4, một phó chủ tịch tỉnh Thừa
Thiên Huế, và tất nhiên có Bình, chủ tịch huyện Phong điền, cùng mười mấy sĩ
quan nữa. Hết đường đi xe thì đi bộ. Tới nửa đêm thì họ nghỉ lại ở một trạm kiểm
lâm chờ sáng đi tiếp. Và mất liên lạc từ đấy.
Phải cả ngày sau thì những bức
ảnh đầu tiên mới được công bố. Nơi đoàn cứu nạn nghỉ đêm qua, giờ là cả một quả
núi ập xuống. Không còn gì. Chỉ còn tiếng hú nghẹn giọng của đồng đội. Là hơn một
ngày sau, những người đầu tiên vào được chỗ ấy, những người lính ấy, việc đầu
tiên là họ sử dụng ngôn ngữ được coi là cổ xưa nhất của loài người, nhưng hữu
hiệu nhất trong lúc này, là hú. Họ cứ hú như thế, rồi khắc khoải, nức nở: Còn
ai không? Tất cả im lặng.
Tôi đã không cầm được nước mắt
khi xem cái clip ấy.
Trời ơi, nơi ấy cách thị trấn
Phong Điền có ba bốn chục cây số, ngày thường phóng xe vèo tí là tới. Giờ là cả
một vực thẳm âm dương. Giờ là im lặng ghê rợn. Giờ là đỏ quạch đất đá. Giờ, hư
vô.
Nhắc lại vẫn không thừa.
Chúng ta đã coi thường mẹ thiên nhiên quá. Chúng ta cứ đòi chống, trong khi nhẽ
ra phải nương theo mẹ mà tồn tại, như người Tây Nguyên đã tồn tại hòa thuận với
rừng hàng ngàn năm nay. Chúng ta đào núi để làm thủy điện. Cái con "sông"
Trăng ấy, hầu như chả tên tuổi gì, vì nó nhỏ, nhưng qua vụ này, nó vụt nổi tiếng,
và người ta mới kinh ngạc khi thấy trên ấy có các thủy điện Rào Trăng 1, Rào
Trăng 2, Rào Trăng 3, Rào Trăng 4, A Lin B1, A Lin B2...
Trong khi ấy thì rừng, cái bể
thiên tạo vĩ đại để trữ nước cũng đã được chúng ta dọn gần như sạch. Để, như lần
này, vừa mưa là nước đã ngập, tức là nó gần như chảy trực tiếp xuống chứ không
có khả năng ngấm vào rừng, và những bộ rễ vĩ đại của tự nhiên đã không thể giữ
nước, đã không thể làm chức năng điều tiết nước.
Tôi còn nợ em một lời mời ngồi
bờ sông Bình ạ. Tôi cứ ám ảnh mãi cái nụ cười hiền của em. Nhớ bộ răng ám khói
vì hút thuốc của em. Hôm ấy có một lúc em ra ngoài hút thuốc. Tôi chìa răng ra
nói với em, rằng ngày xưa anh ngày 2 gói, mà thuốc đen nhé, Đà Lạt, Mai... nhé,
mà rồi bỏ được. Giờ hút thuốc là thiểu số rồi, vào nơi công cộng sẽ rất khó xử,
như ra nước ngoài, có cái khu người ta đề biển (kèm hình vẽ) dành cho người hút
thuốc và... chó. Chó ở nước ngoài rất quý chứ không phải chỉ để "mộc tồn"
như ta nên đừng coi đây là sự xúc phạm. Em cười, em đang tính bỏ. Thôi giờ em cứ
hút đi Bình, anh không khuyên em nữa. Từ xa, anh sẽ châm cho em một điếu thuốc
nhé, thay nén nhang anh thắp trên bàn thờ em... Và em cũng còn nợ anh một tin
nhắn trả lời nhé.
15h30 chiều 15/10, người ta
đã tìm được Bình sau 3 đêm bị núi vùi lấp, dập tắt 1 phần nghìn triệu tia hy vọng
cuối cùng.
Và mẹ em thì đang nằm viện, gia đình giấu không
cho mệ* biết. 2 con Bình cũng còn rất nhỏ...
--------
*Mệ: Tiếng Huế gọi bà nội/ ngoại.
--------
Thông tin mới nhất, nhà Bình nước lại vào mênh mông... Ảnh bạn phây cung cấp ngay lúc post bài này. Và Bình đã liệm nhưng không mang về nhà được vì ngập nước. Đến chết cũng khổ nữa.
7 nhận xét:
+Theo dõi thường xuyên tin Đoàn Cứu Nạn lũ lụt tại Rào Trăng 3 bị lâm nạn. Già rồi nhưng cứ mỗi lần đọc tin là không cầm được nước mắt. Có lẽ vì khát đói gương thiện lành trong hàng ngũ cộng Việt. Có lẽ, quá lâu mới thấy được, có được một tập thể cứu nạn khi thiên tai không cố tình hiểu sai lời dạy ông cha chúng ta " Ăn cỗ đi trước. Lội nước theo sau".
+Khâm phục Chính quyền TƯ và Thừa Thiên-Huế đã kịp thời, kỳ công, tổ chức truy vết và
tìm kiếm đầy đủ 13 thi thể thành viên Đoàn Cứu Nạn lâm nạn. Vinh công, vinh danh xứng đáng những con người dũng liệt hy sinh vì nhân dân. Mỗi gia đình các liệt sĩ, dũng sĩ, dù tổn thất quá lớn nhưng tất tật những người thân của họ đều ngẩng cao đầu hãnh diện, tự hào vì con em, chồng cha...của họ đã làm vẻ vang dân Việt.
+Soi lại vụ Đồng Tâm. Soi lại bọn Việt Tân đang tung tin xuyên tạc việc hy sinh anh dũng ngời ngời của đội ngũ cứu nạn. Nhìn tình cảm và thái độ của người dân sẽ thấy rất rõ việc nên làm và việc nên tránh của mấy ông bà phía Vàng hay phía Đỏ.
của những con người
Như một nén hương lòng...Thật đớn đau...
Bác Quê Sơn và Luc Nguyen: Cám ơn các bác ạ.
😥
CẢM ƠN NHỮNG BÀI VIẾT RẤT BỔ ÍCH, RẤT HAY VÀ RẤT ĐẶC SẢN CỦA NHÀ VĂN VCH... XIN PHÉP A TÔI MƯỢN TƯ LIỆU TRONG BÀI NOI ĐAU SÔNG TRĂNG VÀ MƯỢN LỜI TÁC GIẢ VCH ĐỂ VIẾT BÀI THƠ "RÀO TRĂNG - SÔNG TRĂNG" ĐÃ POST LÊN F . NẾU CÓ GÌ KHÔNG PHẢI, MONG NV THÔNG CẢM...--- BÙI NGỌC PHÚC XM- BRVT... ĐT: 0909195199... MỜI ANH CÓ DỊP NÀO ĐÓ VỀ XUYÊN MỘC... CHÚC VUI KHỎE!...
Dạ vâng, mời anh ạ
Thương em quá Bình ơi!
Mong em và 13 cán bộ, chiến sĩ được yên nghỉ nơi cỏi vĩnh hằng!
Đăng nhận xét