Bài của nhà cháu hôm nay đăng ở mục "Kính đa tròng" báo Dân Việt ạ, link gốc Ở ĐÂY. Bản nhà cháu là bản full ạ.
-----------------
Lên
Tây Nguyên, tôi có gặp những nghĩa địa thiên táng của người Giẻ vùng Đăk Glay,
Kon Tum. Họ cho người chết vào những cái quan tài bằng gỗ nguyên cây rồi... gác
lên cây. Cứ thế, chả chôn cất gì. Lạc vào đấy thì bằng... chết ngất.
Kiểu
hỏa táng của người Ấn Độ cũng kinh. Ngay bên bờ sông Hằng, chỗ thành phố
Varanasi, mỗi bình minh, hàng ngàn người quỳ cầu nguyện, sau đấy xuống tắm, như
một nghi lễ thiêng liêng bắt đầu ngày mới, như sự gột rửa cả tinh thần và thể
xác. Đấy là con sông huyền thoại đến nỗi rất nhiều người mơ ước được một lần
trong đời đến tắm. Con sông dài 2.510 ki lô mét bắt nguồn từ dãy Hymalaya, chảy
theo hướng đông nam qua Bangladesh rồi đổ vào vịnh Bengal. Là một trong những
khu vực phì nhiêu và có mật độ dân số cao nhất thế giới, với lưu vực rộng
907.000 km2. Nó là con sông vô cùng linh thiêng với những người theo Ấn Độ
giáo, và nó là nguồn sống của hàng chục triệu người Ấn Độ sống dọc theo nó. Và trời ạ, tôi chứng kiến cái lò
thiêu người chết tềnh hênh ngay bên bờ con sông lừng danh này, những xác người
được đặt trên cáng xếp hàng lũ lượt ngay trước mắt chúng tôi. Và theo người lái
thuyền cho biết thì tro cốt ngay sau hỏa thiêu sẽ được thả xuống sông. Nhưng
vấn đề là, không phải ai cũng thiêu hết. Ở đây lò thiêu nhưng thiêu bằng củi,
nên chuyện ống xương chân tay, cả sọ nữa... chưa cháy hết là bình thường. Chúng
được tống hết xuống sông, trước mắt hàng ngàn người, hàng ngày như thế, như một
việc rất đỗi bình thường... Con sông Hằng này, năm nào đấy, từng được xếp thứ 5
về mức độ ô nhiễm.
Tôi cũng từng lang thang ở Nepal, nơi
có tục thiên điểu, nhưng chưa chứng kiến mà chỉ nghe kể. Và chỉ nghe cũng đã
phát khiếp lên rồi.
Ơ nhưng mà, mỗi dân tộc có một kiểu,
mình chết khiếp họ thì họ cũng chết khiếp mình. Rất nhiều người có kinh nghiệm
đi "chuyển nhà" ở phía bắc đều mang theo dao. Gặp những mộ mà thịt
chưa tan hết thì lấy dao mà róc. Quan trọng là xương, phải thật sạch, rồi mới
cho vào tiểu sành, và vĩnh viễn.
Nhưng ở miền Trung và Nam thì lại
khác, chôn là vĩnh viễn luôn, nên họ rất ngạc nhiên với cái cách "chuyển
nhà" ở phía Bắc.
Giờ, các lò thiêu xuất hiện. Những
công viên vĩnh hằng xuất hiện. Trong cái tổ hợp công viên vĩnh hằng ấy có lò
thiêu, có chỗ chôn hoặc đặt những lọ tro cốt. So với ngày xưa, nó tiết kiệm đất
hơn rất nhiều. Và cũng tránh ô nhiễm.
Ở Sài Gòn, rất đông gia đình, sau khi
hỏa táng người thân thì mang lên chùa gửi. Và nhiều người, lâu nay, công nhận
đấy là cách làm hay, hợp nhẽ. Nó vừa văn minh, vừa hết trách nhiệm, vừa vệ sinh
vân vân...
Đùng phát, "phát lộ" việc ở
chùa Kỳ Quang 2.
Thì té ra, việc gửi này nó cũng nảy
sinh nhiều chuyện. Mà chuyện lớn nhất là, vô hình trung biến chùa thành...
nghĩa địa. Và việc hàng ngàn hũ tro cốt, dẫu đã được đốt, đã bịt kín vân vân
thì nó vẫn gây ô nhiễm. Mọi người đa phần gửi tro cốt thân nhân vào chùa đều
bằng... niềm tin, nên không có, hoặc có giao kèo rất sơ sài, không đủ cơ sở
pháp lý. Và việc nhà chùa giữ tro cốt cũng hết sức nghiệp dư, cứ đầy thì lại
nới ra, và mỗi lần lau dọn làm vệ sinh có khi lại xáo trộn.
Vừa rồi có một vài cuộc hỏa thiêu xong
mang tro cốt rải xuống sông hoặc biển. Cố nhà báo Pháp Boudarel khi chết ở Pháp có
yêu cầu là khi nào có điều kiện thì mang tro cốt của ông rải xuống mấy con sông
mà ông từng sống và chiến đấu ở Việt Nam. Và đầu năm vừa rồi thì ước nguyện của
ông đã thành sự thật, khi những người bạn, và cả người yêu cũ của ông là một nữ
nhạc sĩ nổi tiếng của Việt Nam, đã mang tro của ông từ Pháp về rải ở 3 con sông
Việt Nam là sông Bé, sông Thu Bồn và sông Hồng.
Bây giời, sau sự kiện chùa Kỳ Quang 2,
người ta đưa ra một giải pháp là, những hũ tro cốt không tìm ra địa chỉ sẽ được, hoặc là rải xuống biển,
hoặc là, đúc tượng...
Thì đấy là những giải pháp tình thế
cho sự kiện cụ thể này.
Lớn hơn, rõ ràng, chúng ta đang đứng trước
một vấn đề lớn: Đất cho... người chết.
Lại nhớ vùng miền Trung, nhất là Thừa
Thiên Huế, những "thành phố của người chết" nguy nga đồ sộ chạy dọc
ven biển, chạy dọc quốc lộ. Và bây giờ, xen kẽ giữa những ngôi mộ nguy nga ấy
là những căn nhà của người sống. Hết đất rồi, đành chen nhau với... người chết.
Nên cái vụ chùa Kỳ Quang 2 này, nó xảy
ra như một tất yếu, không ở chùa này thì cũng ở chùa khác, nếu như vẫn tiếp tục
cái cách "giữ hộ tro cốt" như lâu nay. Và nó khiến, cũng như mua đất
nghĩa địa, phải khá vất vả mới có một suất gửi chùa, để rồi những đồn thổi râm
ran về giá cả, về những chi phí bất thành văn, về vai trò của nhà chùa, của Phật
với người chết, với cõi âm...
Và như thế, rõ ràng là, một chính sách
cụ thể, hợp lý, về "chỗ ở" cho những công dân qua đời cũng phải là một
mối quan tâm lớn của chính phủ, chứ không thể được chăng hay chớ như lâu nay nữa...
Nhà mồ Tây Nguyên hiện đại. |
Nhà mồ Tây Nguyên, tất nhiên đã hiện đại rồi. |
3 nhận xét:
+Hầu hết các dân tộc, các quốc gia trên hành tinh này, dù theo tôn giáo, triết thuyết chính trị nào, đều coi trọng, trân trọng thiêng liêng, hài cốt, tro cốt của người thân, sau khi qua đời. Trong các cuộc kháng chiến giữ nước gần đây, do quan niệm ấu trĩ về nhân dân của bộ đội nhân dân nên trang bị cho người lính xung trận những nón, dép, áo quần quá đơn sơ, mong manh, vướng víu khi xung trận. Mà trận chiến nào cũng ác liệt, kinh hoàng. Chiến tranh, bom đạn nó không ưu ái, ngã mũ trước"dép lốp mà lên tàu vũ trụ", "vành mũ tai bèo không làm đau chiếc lá trên cành". Phải thật thà, thẳng thắng, nếu người lính, dù là của nhân dân, từ nhân dân, nếu được trang bị quân trang, quân phục như hôm nay thì dứt khoát sẽ tiết kiệm được số lượng máu xương một con số không nhỏ.
+Người phát động, điều hành, điều động cuộc chiến nếu biết nghĩ việc đeo vào cổ mỗi một chiến sĩ vài dòng tóm tắt về nhân thân bằng một mảnh kim loại không gỉ thì sau cuộc chiến giảm thiểu được các trường hợp thất tán hài cốt, không xác định được hài hốt. Và những chuyện bi hài như chuyện thánh nữ ngoại cảm Vũ Thị Hòa đang rộ thông tin sẽ không xảy ra.
+Làm bất cứ chuyện gì liên quan đến công tác bảo quản lâu dài thì con người luôn nghĩ đến 3 thứ giặc, giặc ngoại xâm, giặc nước, giặc lửa. Mang hủ tro cốt của người thân vào gửi Chùa để thờ phụng mà qua quít mấy giòng vi tính trên giấy A4 đính vào hủ sành, là tắc trách. Chuyện xảy ra ở Chùa Kỳ Quang 2 và bất cứ chùa chiền nào là chuyện phải đến. Sao những người thân không sử dụng phương pháp in ấn thông tin thẳng vào hủ sành bằng cách in nung trước khi đưa tro cốt vào? Đạo tặc chúng không cắp. Hỏa tặc, thủy tặc chúng chào thua.
+Với nông thôn, địa táng vẫn còn mặt bằng sử dụng những 50 năm nữa. Với thành thị, hỏa táng và gửi tro cốt vào Chùa hoặc nơi thờ tự trang nghiêm là phương pháp tối ưu.
Đẹp nhất là chết có miếng đất chôn, có bia mộ. Ở SG tuy có đắt đỏ nhưng có tiền là có đất chôn, có mộ ngay. Văn minh nữa thì đem hỏa táng rải tro cốt xuống sông xuống biển.Đồng ý với cụ trong bài viết.
Cám ơn cụ Hà Tùng Sơn rất.
Đăng nhận xét