Chủ Nhật, 20 tháng 9, 2020

CHUYỆN NHỮNG NGHỆ NHÂN DÂN GIAN TÂY NGUYÊN

 


          Hôm nọ, cần người làm cho cái cây nêu trong khu du lịch Một thoáng Việt Nam mà tôi đương phục vụ ở đấy, thông qua một nghệ sĩ Nhiếp ảnh mà "thuộc chuyện buôn làng hơn chuyện nhà mình", tôi vời được 2 ông người Jrai là Yoan và Yai xuống Củ Chi. Sắp xếp xong chỗ ở, 2 ông ra ngắm chỗ sẽ đặt cây nêu, thảo luận một hồi, rồi xách dao đi một vòng khu du lịch, đi qua khoảng... 100 bụi tre thì dừng lại ở một bụi có cây tre cao vút. Thảo luận một hồi nữa, bằng tiếng Jrai, tất nhiên, 2 ông bắt tay nhau rồi cùng chỉ vào cây tre ấy, ra hiệu cho tôi là sẽ dùng cây tre ấy làm cột nêu. Và chui vào chặt.

          Làm 7 ngày thì xong cây nêu rất đẹp. Trong quá trình 2 ông làm nêu, tôi nói chuyện và biết các ông ấy có thể làm được đàn T'rưng, Tingning, làm chuông gió, làm T'rưng nước và gió, chơi các loại nhạc cụ Tây Nguyên và vẽ hoa văn rất chuẩn, làm cơm ống nứa và nướng gà, thịt... Kết quả là, hiện nay 2 ông trở thành nhân viên của khu du lịch ấy, vừa sống đúng cuộc sống của mình ở ngay khu Tây Nguyên, chăm sóc cái nhà rông, nhà dài, vừa là nghệ nhân biểu diễn khi có khách, làm những vật dụng Tây Nguyên mà giờ ta hay gọi là đồ lưu niệm. Làm thật sự cho khách xem, và tất nhiên nếu khách mua thì bán. Họ cũng thực hiện những món ăn Tây Nguyên ngay ở cái nhà rông mà các ông ở. Và càng ngày càng phát hiện ra, các ông biết nhiều thứ nữa...     

          Như mọi nghệ nhân dân gian ở khắp thế giới, nghệ nhân dân gian Tây Nguyên là những người hết sức tài hoa, mỗi người tài hoa mỗi kiểu, nhưng nói chung là có trí lự hơn người, kinh nghiệm hơn người và cũng có những... nỗi khổ hơn người. Nỗi khổ của những người tài hoa dù đa phần họ là những người... mù chữ.

          Có những nghệ nhân chuyên sâu một món, như chuyên làm tượng nhà mồ, chuyên làm nhà rông, chuyên Hri, H’mon, chuyên chỉnh chiêng, chuyên chơi chiêng vân vân, nhưng cũng có những nghệ nhân hết sức Đa ri năng, cái gì cũng chơi tốt, là người dẫn dắt tinh thần của cộng đồng, của tập thể.

          Đinh Gang là một nghệ nhân Bahnar ở Kon Chro, Gia Lai chỉ chuyên một món: H’mon (giờ hay gọi là trường ca hay sử thi). Tôi dám chắc rằng trong chúng ta, kể cả các cháu học sinh đang hàng ngày phải học gạo, không phải ai cũng có thể thuộc lòng Truyện Kiều, dù đấy là áng văn bất hủ, là niềm tự hào dân tộc, và với học trò, đấy là “cứu cánh”, là nghĩa vụ để học, để thi... Thế mà cái anh chàng Đinh Gang nhỏ nhoi và mù chữ kia, anh ta không chỉ đọc thuộc, mà còn diễn bằng tay, bằng mắt, bằng khuôn mặt, bằng giọng nói và bằng cả cái thân hình bé tẹo của mình, tất cả các nhân vật có trong H’mon, không chỉ một mà là 3 cái, đầy hai chục băng cassette trong vòng 1 tuần. Mà giọng mới vang làm sao, khuôn mặt, ánh mắt mới sinh động làm sao. Không chỉ chúng tôi ngạc nhiên và thích thú, mà cả dân làng. Quái lạ cái anh chàng Đinh Gang này, trong cái cơ thể bé nhỏ kia, năng lượng dự trữ ở đâu ra mà lắm thế. Tiếng cứ trong văn vắt, lúc gào thét giận dữ, khi thủ thỉ tâm tình, lúc lại the thé như mụ đàn bà góa, khi như rót mật vào tai... cứ nhìn cái đám đông lúc im thin thít, khi cười rũ rượi, đám con gái lúc lại đỏ mặt cấu chí nhau thì biết... Ngày xưa, chưa có phim ảnh, chưa có ti vi truyền hình, chưa có điện, tối chỉ có đống lửa đốt giữa nhà, thì đấy chính là cơ sở để các H'mon (H'ri, khan...) xuất hiện. Đây là một loại hình hát kể dân gian của cư dân Tây Nguyên. Nó ra đời từ đòi hỏi tự thân của con người khi mà cuộc sống của họ khi ấy còn rất sơ khai, đời sống vật chất đang còn phát đốt chọc trỉa, tất cả mọi thứ đều tự cung tự túc, kể cả đời sống tinh thần. Hát kể ra đời nhằm đáp ứng yêu cầu giải trí chính đáng ấy của những người dân... Hãy hình dung, giữa mênh mông rừng thẳm, bên bếp lửa bập bùng chợt tối chợt sáng hoặc ánh xà nu leo lét, họ còn biết làm gì ngoài việc tập trung lên nhà rông hoặc nhà nghệ nhân nghe người già kể chuyện. Những cốt truyện dân gian vô cùng hấp dẫn, mở ra trí tưởng tượng cho con người bay bổng vào rừng ra biển, lên trời xuống âm ti, thoát ra khỏi ngôi làng loi thoi như những cái nấm trong rừng già ấy được kể được diễn được dẫn dắt bởi một con người vô cùng tài hoa. Người này vừa nói vừa hát vừa kể, có thể giả giọng tất cả các nhân vật trong truyện. Không chỉ thế, ông ta còn có khả năng biểu diễn siêu phàm bằng các động tác của tay, chân đầu mình, mồm, mắt, mũi... khiến người dự khán dự thính cứ ngả nghiêng cười hoặc tròn mắt hồi hộp. Đấy phải là người có khả năng cảm nhận vô cùng tốt và sâu sắc. Hơn nữa, còn sự phụ họa của ánh lửa bập bùng. Cái ánh lửa sơ khai ấy nó vô cùng quan trọng khi tham gia vào các trò hát kể dân gian này, nó giống như trẻ con nông thôn người Kinh đã từng "xem phin" bằng cách đốt một đống lửa, căng một tấm ni lông rồi nhảy múa phía sau tấm ni lông ấy cho người phía trước xem...

Đinh Wiêu, làng Tờ Mật, xã Đông huyện Kbang, Gia Lai cũng là một nghệ nhân rất lạ. Thường thì người ta giỏi cái gì thì chỉ giỏi sâu cái ấy, và như thế là quá quý rồi. Đằng này ông giỏi tuốt. Ông có thể đan lát rất giỏi, từ gùi cho đến các đồ bắt cá, bẫy chim, bắt thú... Là một trong không nhiều những người có thể chỉnh chiêng ở Tây Nguyên. Nghệ nhân lên dây chiêng (chỉnh chiêng) hiếm vì nó vô cùng khó, chỉ bằng đôi tai và bàn tay gõ búa mà có thể chỉnh âm cho chiêng chính xác đến kinh ngạc. Hiếm và quý đến mức năm nào đó bộ Văn hóa phải tổ chức nguyên một cái liên hoan gặp gỡ những nghệ nhân chỉnh chiêng của 5 tỉnh Tây Nguyên và các tỉnh lân cận tại Pleiku. Ông cũng là người H’mon rất giỏi.  Chưa hết, ông còn là nghệ nhân chế tác và biểu diễn nhạc cụ rất tài. Dưới tay ông, đoạn trúc, ống vầu... đều trở thành những Klong Put, Đinh Yơng, T'rưng, K'ní... cái lá trên cây nó là cái lá, ông ngắt cho vào mồm nó thành tiếng lòng nỉ non thánh thót khiến bao nhiêu thiếu nữ xiêu lòng thổn thức, vén sàn nhìn xuống, tim đập râm ran... Tôi có cảm giác ông như một người khổng lồ chứa trong bụng mình nhiều người đàn ông Tây Nguyên tài hoa khác.

Hiện tại thì đang có những nghệ nhân như Rơ Chăm Tih, Ksor H’nao... tiếp nối các nghệ nhân tiền bối tôi vừa kể. Khách du lịch đến Pleiku lâu nay được giới thiệu rất nhiều chỗ thăm thú, ăn uống, rất nhiều người, kể cả người làm du lịch chuyên nghiệp, cố hết sức để thiết kế tour giới thiệu cho khách, trong khi, sự hấp dẫn của các nghệ nhân, những “báu vật nhân văn sống” thì lại bị... quên. Cả 2 nghệ nhân này đều đang sinh sống ở thành phố Pleiku, đều đang “hành nghề” nghệ nhân để sống và thỏa mãn đam mê cũng như để “phục vụ” sự tài hoa hơn người của mình. Rơ Chăm Tih thì làm nhạc cụ để bán, nhận học trò để... truyền nghề, Ksor H’nao thì mở nhà hàng với các món truyền thống dân tộc mình để vừa giữ bản sắc, vừa giới thiệu đặc sản và vừa... nuôi mình và gia đình...

Nếu chỉ để các nghệ nhân này tự loay hoay giữa những mâu thuẫn đến khốc liệt giữa kinh tế thị trường và truyền thống dân tộc thì sẽ rất khó. Chợt nhớ trước đây ở Plei Bông, ngay làng của họa sĩ Xu Man nổi tiếng ấy (là họa sĩ người Bahnar đầu tiên và duy nhất cho tới giờ, 2 khóa tham gia ban chấp hành hội Mỹ thuật Việt Nam), có chị Siu Khang, một nghệ nhân dệt rất đẹp. Chị này dệt xong từng đợt thì... nhảy xe đò đi bán, khắp Tây Nguyên rồi ra cả tận Hà Nội để gửi hàng. Hồi ấy tôi đã gọi chị là người Bahnar đầu tiên tham gia vào đời sống kinh tế thị trường. Và “tham gia” được mấy năm thì chị... mất hút. Ngày xưa, thời ông họa sĩ Xu Man còn sống, mỗi khi lên Pleiku bán vải chị vẫn thi thoảng gặp tôi. Rồi có lần, chị ghé thăm nhưng lí nhí nói, chị hết tiền về xe vì đi lấy tiền không được. Tôi thồ chị ra bến xe, mua vé cho chị, và rồi, từ ấy, không thấy chị xuất hiện nữa. Ông Xu Man cũng từng trầm trồ: Tiếc quá, đấy là người dệt vải đẹp nhất mà ông biết...

Trở lại 2 ông nghệ nhân Jrai giờ đang làm ở khu du lịch Một thoáng Việt Nam, tôi bảo với họ, các anh chính là một phần của du lịch, là điểm đến của du lịch và cũng chính là nội dung của du lịch. Nguyên việc đến khu Tây Nguyên ở đây, nhìn các ông ấy tự tay làm gà nướng, rồi chơi đàn, nhảy múa, rồi kỳ cạch thẩm âm từng ống nứa để làm chuông gió hoặc các loại đàn là đã xứng một chuyến... về làng rồi. Ngay cái cách các ông ấy đốt lửa trong bếp trên nhà rông, nếu không để ý sẽ không biết nó cũng là... nghệ thuật. Nhà toàn tre gỗ với tranh, đốt thế nào để bếp âm ỉ cả ngày cả đêm mà không... cháy nhà, và không tốn củi. Thế tại sao phải đốt lửa. Nó hết sức nhiều công dụng. Đuổi muỗi và côn trùng. Khói bếp làm các vật dụng tre nứa treo trên vách và chính mái nhà rất bền. Nó khiến nhà rông có... mùi người. Nó tạo sự ấm cúng, nó là sự truyền sự sống, duy trì niềm tin và gửi gắm hy vọng. Từ xưa con người vượt qua đời sống hoang dã để thành người chính là nhờ lửa, và, chả phải một nhà triết học nổi tiếng nào đó đã từng nói về thần Promethe, vị thần ăn trộm lửa của thần Dớt mang cho loài người rằng: "Promethe là vị thánh đầu tiên, người tuẫn tiết đầu tiên trong lịch sử lịch sử triết học" đấy sao. Bây giờ, ngay cả cách giữ lửa trên nhà rông, cũng phải có bàn tay nghệ nhân...

Bài trên Cảnh sát toàn cầu phát hành hôm nay, chủ nhật, 20/9/2020




 

                                                              

 

Không có nhận xét nào: