Cái
ấn tượng đầu tiên của tôi với Pleiku là từ bài hát "còn chút gì để nhớ"
của nhạc sĩ Phạm Duy phổ thơ Vũ Hữu Định. Khổ, thời ấy cái bài này bị cấm, mãi
gần đây mới cho phép, chứ hồi ngoài Bắc thì hầu như chả ai biết. Sau tôi về Huế
học đại học, chủ nhật lên nhà bà chị ở Nam Giao chơi, lâu lâu thấy chị mở cái
băng cối tiếng hát Khánh Ly (cũng là mở trộm chứ bị lộ thì nguy to), nghe bài
này tôi cứ sững sờ. Trời ạ, sao lại có tiếng hát liêu trai mê đắm thế. Sao lại
có những ca từ đẹp thế. Và giai điệu nữa, nó vừa ngọt ngào vừa sâu lắng, vừa bí
ẩn vừa gần gụi, đầy nhũn nhặn nhưng cũng kiêu sa. Chỉ nghe một lần tôi thuộc
ngay, và cứ ông ổng hát theo như... hét: "Xin cảm ơn thành phố có em/ xin
cảm ơn một mái tóc mềm...". Thời ấy, người ta ít cảm ơn lắm, nhất là trong
tác phẩm văn học nghệ thuật. Phải khi về Huế sống tôi mới thấy ở từng thùng rác
có dòng chữ: "Xin cho tôi rác". Xã hội ta trước đấy đa phần là mệnh lệnh:
"Xuống xe tắt máy xuất trình giấy tờ". "Nghiêm cấm quần loe tóc
dài". "Bỏ rác vào đây" vân vân...
Rồi
một tết nào đấy, Huế mưa. Mưa Huế đúng tết buồn lắm. Khuya, tôi mở radio, đúng
chương trình tiếng thơ tết đang ngâm một bài thơ của nhà thơ Việt kiều Nguyễn Hồi
Thủ. Tôi không nhớ bài thơ như thế nào nữa, nhưng hết sức ấn tượng với những gì
mình đã nghe đêm ấy. Đất đỏ. Bụi mù. Buồn. Những bàn chân, những con đường. Cao
su rụng lá. Quỳ dại (sau này tôi hay gọi nó là dã quỳ trong các bài viết và giờ
chết tên ấy). Là bài thơ ông Nguyễn Hồi Thủ viết về Buôn Ma Thuột. Những bước
chân của một người tha hương, trở lại một vùng đất. Ngập ngừng, run rẩy, nỗi niềm,
tâm trạng, háo hức, khám phá, những cái thở dài sâu kín vân vân... là tôi hình
dung ra thế. Khi viết bài này, tôi vào google tìm lại bài thơ ấy nhưng không
có. Cũng dễ phải đến gần 50 năm rồi...
Rồi
tôi trở thành cư dân Pleiku, ngang dọc Tây Nguyên, đắm chìm trong các mảng màu
tối sáng Cao nguyên, thân thuộc và lạ lẫm, chấp nhận và ngạc nhiên, thất vọng
và hy vọng, níu kéo và buông trôi... cứ thế, thiếu 1 năm nữa là tròn 40 năm.
Từ
quốc lộ 1 nhìn lên, Tây Nguyên là một rặng xanh, thăm thẳm xanh, và tít mù tắp.
Nhiều đoạn xanh pha trắng, ấy là những dãy núi sương phủ. Có những dãy sương phủ
quanh năm như Ngok Linh, như Kon Ka King, như Lang Bian... Là nói ngày xưa
thôi, giờ thì khác lắm rồi.
Nhưng
theo những đường xương cá mà lên. Như đường 19 nối Quy Nhơn với Pleiku chẳng hạn,
thì đi tới đâu, núi rẽ ra tới đấy. Trên ấy, vắt vẻo và lãng đãng, huyền ảo và
miên man, là cao nguyên.
Và
trên dằng dặc núi, dằng dặc rừng ấy, có 5 đô thị lớn, thủ phủ của 5 tỉnh, là Đà
Lạt của Lâm Đồng, Gia Nghĩa của Đăk Nông, Buôn Ma Thuột của Đăk Lak, Pleiku của
Gia Lai và thành phố Kon Tum của tỉnh Kon Tum.
Ít
nhất có 4 đô thị có dấu ấn của kiến trúc Pháp, hoặc Mỹ, là Đà Lạt, Buôn Ma Thuột,
Kon Tum và Pleiku, trong đó Đà Lạt và Kon Tum là rõ nhất. Mới nhất là thành phố
Gia Nghĩa của Đăk Nông vừa hình thành khi tách tỉnh. Trước đấy, tất nhiên nó
cũng đã là một phố huyện.
Là
tôi chỉ điểm những đô thị là thủ phủ của tỉnh, chứ những đô thị Tây Nguyên
khác, từng là thủ phủ tỉnh, hoặc giờ cũng là thị xã thuộc tỉnh thì rất nhiều,
như Ayun Pa (xưa là Cheo Reo Phú Bổn), An Khê, Buôn Hồ, Bảo Lộc...
Đại để là thế này. Các đô thị Tây Nguyên
đa phần là được xây dựng trên các địa hình lồi lõm, dựa vào địa thế tự nhiên là
các quả đồi, các thung lũng. Rõ nhất là thành phố Đà Lạt và thành phố Pleiku,
sau này là Gia Nghĩa. Các đô thị khác như Buôn Ma Thuột và Kon Tum thì bằng phẳng
hơn nhưng vẫn có yếu tố nhấp nhô. Thứ 2 là cây xanh. Rất nhiều cây xanh cổ thụ
rợp mát. Thứ 3 là yếu tố làng rừng. Các ngôi làng của các tộc người Tây Nguyên
bao quanh. Ban đầu có thể là nó ở trung tâm, nhưng càng ngày càng bị đẩy xa,
thành những phố vệ tinh, yếu tố làng còn sơ sơ, rừng thì... hết lâu rồi.
Thành phố Kon Tum mang dáng
dấp kiến trúc của Pháp khá rõ, với những ngôi nhà mái ngói cổ kính ẩn trong
cây, tức là nhà vườn, những con đường hình bàn cờ, con sông Đăk Bla mềm mại chảy
ven thành phố.
Pleiku lại mang dấu ấn Mỹ với
tư cách là đô thị phục vụ chiến tranh. Nhà cửa tạm bợ, đa phần là các khu gia
binh, các trụ sở quân đội và các dịch vụ hàng quán phục vụ sĩ quan binh lính.
Khoảng những năm 80 của thế kỷ trước, những dãy nhà khu gia binh vẫn còn rất
nhiều, những hàng rào kẽm gai, những cọc sắt chữ T và những tấm ghi lát sân bay
được sử dụng như "một phần tất yếu của cuộc sống". Thành phố này có đặc
sản là sương mù, thông và dốc... Như Đà Lạt nhưng thua ở độ cao và lượng mưa
hàng năm.
Đà Lạt thì từ lâu đã nổi tiếng
là thành phố du lịch. Nó cũng từng trập trùng dốc, và thông, xứ sở ngàn thông
là đây, và cả sương mù, hoa hồng. Độ cao so với mặt nước biển thuộc loại nhất
so với các đô thị Tây Nguyên khác, bằng với Măng Đen bây giờ. Nó nổi tiếng đến
mức, viết gì thêm về nó cũng bằng thừa. May mắn nhất của Đà Lạt là người ta đã
không san bằng chỗ thấp, bạt bớt chỗ cao... cho nó hiện đại. Tôi từng vào nhà một
anh bạn, lãnh đạo cấp tỉnh, phải để xe máy dưới đường rồi đi bộ cả mấy trăm mét
để lên nhà. Nước non rất khó khăn (là cái thời ấy chứ giờ tiện hơn rồi), mưa
thì lép nhép nắng thì bụi. Nhưng người ta cương quyết không san bằng đi, mà giữ
lại thế, nhờ thế mà Đà Lạt vẫn là Đà Lạt.
Buôn Ma Thuột, so với các đô
thị Tây Nguyên khác thì yếu tố hiện đại đậm hơn, phố xá khang trang hơn. Tôi từng
nhiều lần đến đấy và thấy nó nhang nhác... Đà Nẵng. Tất nhiên có những đêm
chúng tôi vào nhà Y Moan, Y Jăk nghe các bạn ấy ôm đàn hát, nhìn ra xung quanh,
thì vẫn thấy Tây Nguyên hiển hiện, xen yếu tố phố.
Tóm lại, các đô thị Tây
Nguyên, nguyên thủy thì nó rất... Tây Nguyên. Nhiều cây xanh, vườn, nhiều sương
mù (đặc trưng vùng cao), nhiều bướm, chim, nhiều dốc (khá vất vả khó khăn cho
việc xây dựng hạ tầng, nhất là nước sinh hoạt và đường đi), bù lại, nó là thế mạnh
mà không đô thị ở đồng bằng nào có được.
Rồi người ta xây dựng.
Đành rằng đô thị hiện đại
thì không thể nhếch nhác, không thể lộn xộn, không thể được chăng hay chớ, mà
phải quy hoạch, phải nghiêm ngắn chỉn chu, phải tiện nghi, phải xanh đỏ tím
vàng, phải thuận tiện cho sinh hoạt làm việc ăn ở vân vân...
Nhưng, có vẻ như sự phát triển
nóng đang làm vỡ đi cái phần rất quan trọng của các đô thị Tây Nguyên, cái làm
nên cái hồn cái cốt, cái bản sắc, cái mà các vùng khác không có. Đấy chính là
nguyên nhân khiến các đô thị Tây Nguyên bây giờ, trừ Đà Lạt với bản sắc khá rõ,
còn lại là... nhang nhác đồng bằng.
Đấy là các quy hoạch phá vỡ
bản sắc, mà cách dễ nhất là... cào bằng địa thế. Là sự phát triển vô tội vạ kiến
trúc hiện đại, du nhập từ nước ngoài vào, phá vỡ sự hài hòa hợp lý vốn có. Là
cách đề cao thái quá bản sắc nhưng té ra lại kệch cỡm như làm nhà rông trên phố,
làm cái gì cũng mô phỏng mái nhà rông...
Ở Pleiku suýt soát 40 năm,
tôi chứng kiến nhiều thay đổi của thành phố này.
Pleiku từng đẹp như cổ tích. Những đường lượn kỷ
hà giữa phố, những nhấp nhô dốc, những thung lũng giữa mây, những thông, những
gió, bướm…, và sương mù.
Không biết ai đã chọn Pleiku
để xây dựng thành thủ phủ như bây giờ, hẳn phải có con mắt rất tinh. Ấy là mấy
ngọn đồi được liên kết lại với nhau, những con đường giăng như võng nối các đỉnh
dốc, khiến nhấp nhô trập trùng những mái những hẻm trập trùng sương. Nhưng để
hiện đại, người ta đã, chỗ nào thấp thì đổ cho cao, chỗ nào cao thì gạt cho thấp…
vân vân các kiểu, để Pleiku bây giờ sạch bóng sương mù. Hiện nay, với lối chia
lô mặt tiền: ngang 4,5 đến 5 mét. Dài 20 mét, đa phần các nhà Pleiku xây dựng mới
đều là nhà... ống. Như những căn nhà xây thời chiến tranh, thời bao cấp.
Pleiku đã trở nên một thành phố
rất nghèo cây. Bao nhiêu cây cổ thụ đã... “lặng lẽ lìa đời, lặng lẽ ra đi”, kéo
theo khí hậu thay đổi, môi trường thay đổi. Thực ra những điều thay đổi ấy là
không thể đảo ngược trong xu thế phát triển và hiện đại hoá. Nhưng nếu như có ý
thức, vẫn có thể có những quy hoạch vừa tổng thể vừa cụ thể để đến hôm nay
không đến nỗi những ngôi nhà ống vẫn tiếp tục xuất hiện trên phố. Những cây cổ
thụ luôn nằm trong “tầm ngắm”, không phải “tầm ngắm” chăm sóc, mà là “tầm ngắm”
chặt, cưa, đốn, xẻ. Thành phố không có bản sắc, mạnh ai nấy làm.
"Trở lại ngày xưa là điều
rất khó". Nhưng khó hơn nữa là tạo ra bản sắc cho từng thành phố Cao
nguyên, để nhắc tới nó là người ta hình dung ra, để không bao giờ bị nhầm kiểu
như nói tới thành phố này người ta tưởng thành phố kia. Tôn trọng tự nhiên, bám
vào tự nhiên để phát triển chưa bao giờ là cũ và không sợ bị chê là quê kệch...
(Báo Cảnh sát toàn cầu phát hành hôm nay ạ)
Nhà thờ gỗ Kon Tum đã tồn tại trên 100 năm, được xây dựng rất tài từ cái thời chưa có điện và âm thanh khuếch đại, nhưng khi làm lễ tối mà vẫn sáng, nói không micro mà mấy trăm người vẫn nghe rõ... |
Nhà thờ gỗ Kon Tum đã tồn tại trên 100 năm, được xây dựng rất tài từ cái thời chưa có điện và âm thanh khuếch đại, nhưng tối mà vẫn sáng, nói không micro mà mấy trăm người vẫn nghe rõ... |
7 nhận xét:
+Đọc "Còn chút gì để nhớ" của Vũ Hữu Đỉnh, ngã mũ, nể kính. Nếu kỹ tính, có vài hạt sạn tí tẹo " Phố núi cao, phố núi trời gần" và " Nên em mềm như mây chiều trong". Vì sao? Cứ đọc "Phố núi cao/phố núi đầy sương/ Phố núi cây xanh, trời thấp thật gần" thì sẽ cảm nhận sự lộm cộm trong ấy. Cứ đọc "Ở đây buổi chiều quanh năm mùa đông" thì sẽ cảm hiểu được sự lộm cộm khi xuất hiện cái đối lập mây trắng, chiều trong. Nhưng, phê phán thì dễ, bảo tôi chỉnh tí tẹo thì cũng bó tay, bó phép. Hiểu và chia sẻ với nhà thơ Hữu Đỉnh: Để phù hợp thanh âm, phù hợp diễn ý "Phố xá không xa nên phố núi tình thân/ Đi dăm phút đã về chốn cũ" đành chọn cái lộm cộm trong sắp xếp thi từ. Để miêu tả tuyệt đối chính xác khi người con gái đã 'mắt em ướt/tóc em ướt', đang yêu sâu, yêu đằm như thế thì 'nên em mềm'không gì sánh bằng như "mây chiều trong".
+Nghe Phạm Duy phổ nhạc, mà Duy Thanh hát nữa, trời, nổi da gà. Giai điệu, cao độ, trường độ, ca từ... đã lột tả tận cùng cảm xúc của người khách, người nghệ sĩ, nhạc sĩ tài hoa lãng tử khi thăm lại Phố Núi, làm thăng hoa bài thơ của Vũ Hữu Dỉnh đã hay lại càng, càng hay.
+Thật lòng nhé, nếu chọn đề bài viết thì chọn:" Từng'Phố núi cây xanh trời thấp thật gần", vừa lành lại vừa cẩn trọng hơn.
Thân mến!
Vầng, cụ lại rất tinh tế và sâu sắc ạ.
+Tình cờ bắt gặp một dị bản khá thú vị, ai đó đã cũng phát hiện lộm cộm và chỉnh sửa lại" nên em mềm như mây chiều trong" thành "nên em mềm như mây chiều buông". Lại rõ và học thêm, do âm sắc ngôn ngữ nói của người Huế, "Đỉnh" và "Định" người nghe thường nhầm. Chính xác thì Anh tên Lê Quang Trung, gốc Huế. Anh con nhà nghèo, bương bạt kiếm sống ở Tây Nguyên, có làm thơ, bút hiệu Hàn Phong Lệ, Vũ Hữu Định, được đăng trên nhiều báo. Đọc trên tạp chí Khởi Hành, Phạm Duy phát hiện bài thơ hay,'Còn một chút gì để nhớ'. Tâm đắc, Ông truy tìm tác giả. Dù năm 1970, Anh Lê Quang Trung đang là LCĐB( viết tắt bắt buộc sau lưng áo từ Lao Công Đào Binh), Phạm Duy cũng cố tìm ra và xin gặp mặt tại Pleiku. Nhạc sĩ tự hát trước nhà thơ và tốp nhạc công, bạn bè giữa đêm phố núi mà không thêm bớt từ nào. Anh Trung mất năm 1981 tại Đà Nẵng khi vừa 39 tuổi. Tiếc thương một thiên tài, con nhà nghèo, gặp buổi đất nước chiến tranh, ly loạn. Chúc Anh theo mây bồng bềnh, thong dong, ỏng ẹo phía cõi trời xa...
Cái chết của Vũ Hữu Định cũng đầy bi kịch ạ, chỉ là từ một mong muốn, say mấy cũng... về nhà.
Cám ơn Anh. Tôi cũng rõ chuyện thương tâm này nên không nhắc tới. Thương quá, một thiên tài mệnh bạc. Chắc cũng khí khái theo kiểu: "Say khướt về không cần kẻ đở/Mặt sông sóng nước mơ hồ xa/Lầm rầm ta đến bên sen hỏi/Có đỏ đâu bằng mặt rượu ta?!". Tôi trọng cái chất ấy nhưng theo thì tuyệt đối không. Mong sao những người yêu văn học tử tế, có thiên phú văn học tử tế, thì, ăn vận cần sạch sẽ, bình thường. Tóc tai, giầy dép, mũ nón không khác thường. Ăn nói tiếp giao không ngông nghênh, ngạo mạn, lập dị, kiệm lời chạm đến thơ văn trong những chỗ đông mà tạp. Ai đó làm được vậy, văn học sẽ không bị xem thường, người làm văn học tử tế sẽ được trân quý.
Năm 16 tuổi, tá túc nhà người cậu ở Đà Lạt để được nuôi ăn học, trời rét, mấy đứa bạn bày chuyện hút thuốc, theo chúng, nghiện. Cũng vào chiều, cũng sương xuống giăng đặc, trong cơn thèm thuốc, ngúy ngoáy mấy dòng (bây giờ thì không thể viết được thế):
Ta muốn nhả thật nhiều hơi thuốc lá.
Cho khói lên mờ mịt.
Đọng thành mây.
Mưa xuống.
Dập tắt lửa chiến tranh.
Trôi đi,
Những vũng máu, đống xương, khối thịt Em Anh.
Nhưng mơ ước không thành.
Vì
Trong túi
Không tiền
Thuốc chỉ còn Một điếu!
............
Hì hì. Rất hồn nhiên. Tuyệt đối chưa bị hơi hướng chính chị chính làm mờ trí.
HIhi bác. Quả là một thời, phàm là văn nghệ sĩ phải là nhếch nhác bẩn bẩn mất vệ sinh và lè nhè. Rồi còn kè kè cái túi mìn Claymo, lang thang nơi này nơi khác, làm phiền bạn bè. May, em không thuộc tuýp ấy, mà rất diện, đồ xịn, có nhậu nhưng không bê tha, chưa nằm ngủ ngoài đường...
Haha...
Bởi vậy mà em mới ngưỡng mộ Bác đấy ạ.
Đăng nhận xét