Viết về Tây Nguyên đến nay đã khá nhiều sách báo, cả về lịch sử, văn hóa,
văn học; Tuy vậy đọc “Tây Nguyên trôi” của nhà thơ Văn
Công Hùng vẫn mới mẻ và rất thú vị. Là cử nhân văn khoa, lên Tây Nguyên khá sớm
vào đầu những năm tám mươi thế kỷ trước theo sự thôi thúc khám phá vùng đất mới,
Văn Công Hùng vừa có đam mê cháy bỏng khát khao, vừa may mắn được tiếp cận một
Tây Nguyên còn khá nguyên sơ. Những chuyến điền dã, khảo cứu, thực tế sáng tác ở
các buôn làng Tây Nguyên cơ bản còn nguyên trạng đã tích tụ, kết tinh trong anh
như những kho kiến thức về một vùng văn hóa đầy bản sắc riêng. Với Tây
Nguyên trôi, vì vậy anh có một lối đi riêng khá độc đáo.
Tập sách như một trầm tích mấy mươi năm lắng đọng trong tâm hồn tác giả,
chiêm nghiệm, trải nghiệm và rồi lẫy ra những vấn đề, những những quan điểm, những
hình tượng khá đặc sắc đến bất ngờ. Nó miên man, đa dạng từ những nhân vật lịch
sử, kết cấu buôn làng, nhà rông, cây nêu, cồng chiêng, tượng mồ, lễ hội, ẩm thực,
sắc phục đến các phong tục đời người (sinh, tử, cưới)...
Với Tây Nguyên Trôi, cảm giác như tác giả viết rất nhẹ nhàng, như lộ
ra những điều từ trong máu thịt, nói về cái của mình, cái trong mình vậy. Đời
thường Văn Công Hùng sống rất dấn thân, cái gì cũng đi đến cùng, không chấp nhận
sự nửa vời, không chấp nhận sự võ đoán. Đang yên, ở đâu có lễ hội là anh đi. Bất
kỳ đâu có việc là bằng mọi cách tới; Xông xáo, nhập cuộc.Cũng chính vậy, anh rất
gay gắt với những trang viết giả cầy về Tây Nguyên, những vai diễn giả Tây
Nguyên, những lễ hội giả, sắc phục giả... Bao nhiêu phong tục, lễ hội, nghệ thuật,
âm thanh đến kiến trúc, tượng mồ cứ từ ngòi bút của anh tuôn ra một cách nhuần
nhuyễn. Có lẽ văn hóa là vậy, nó yêu cầu sự thấm đẫm kết tụ rồi thăng hoa.
Trong Tây Nguyên Trôi những ngôi
làng đã từng tồn tại trong các trang văn nổi tiếng hình như được khám phá lại,
những nhân vật hình như được vẽ lại làm cho nó sinh động thêm, lung linh thêm.
Mà vẫn trung thành, vẫn không sai khác, không bịa tạc. Rồi anh khám phá ra con
người đã từng khuất lấp đâu đó trong quá vãng, khơi lại, dựng lại một anh hùng
A Sanh. Một nhân vật KHƠ KHƠ KHƠ rủi ro, tàn tật trong đời thường dưới ngòi bút
của anh hóa rưng rưng thương cảm và thán phục. Rất ấn tượng! Một Đinh Gang quái
nhân dị hình được anh ghi nhận như một nhân vật ly kỳ, sống một đời sống ly kỳ,
trong những hoàn cảnh ly kỳ. Một người không biết chữ mà chứa trong bụng hàng
pho Trường ca, lại có tài diễn xướng hết đêm này tới đêm khác một cách say đắm
mê hồn. Chỉ ít nét điểm xuyết, nhiều khi tác giả đã nêu bật được những gương mặt
nghệ sĩ tài hoa, rất riêng, rất Tây Nguyên.
Một mảng khá hay là những trang phản biện về Văn hóa, Kinh tế, Xã hội và
Môi trường, về rừng, về đất về nước... Đó là
những phần có đóng góp rất tích cực và trách nhiệm với Tây Nguyên.
Là người đi nhiều, đọc nhiều, quan sát tinh tế, Văn Công Hùng đã đặt ra khá
nhiều điều bí ẩn kỳ thú ví như: Người Tây Nguyên không nuôi mèo, việc khóc
trâu, bí ẩn bạch tượng, bí ẩn ché cổ, chiêng cổ, bí ẩn tạo tác tượng mồ, thậm
chí là bí ẩn người rừng... Trong giới viết lách thường có câu cửa miệng là “đi,
đọc, viết”. Là nói những điều cần để có những tác phẩm văn chương thành công.
Tôi nghĩ với Văn Công Hùng thì phải thêm “quan sát” và “ghi nhớ”. Đi tới đâu,
điều đầu tiên với anh là quan sát và quan sát. Cái nhìn của Văn Công Hùng vừa
tinh tế vừa sâu sắc, nhiều lúc tưởng như anh chẳng để ý gì mà vẫn biết được tất
cả. Điều lạ nữa là anh luôn nhớ những gì tưởng như vụt qua, thoảng qua chẳng có
gì đáng nhớ. Trong cái chi tiết kể về sự bí ẩn của những cái ché cổ Jrai được
lưu giữ 15 đời, được đổi 50 con trâu trắng; ché ấy có thể dự báo được điềm dữ
điềm lành, phải nuôi bằng máu gà. Ché khóc. Ché chảy máu. Ché trấn yểm trẻ con.
Cái ché đã báo cho chủ nhân cảnh loạn ly trên đường 7 năm 1975... v.v... Chuyện
ấy được biết được nghe tại xã Ea Mlah huyện Krông Pa, trong một buổi trưa đi
thâm nhập thực tế, tôi đã cùng có mặt lúc ấy, nghe đúng câu chuyện ấy mà không
hề đọng lại, nó cứ tuột đi. Chỉ khi đọc Tây Nguyên Trôi mới kịp nhớ lại từng
chi tiết ấy là mình đã từng biết!
Nói thế để thấy, mỗi trang viết, mỗi dòng chữ trong cuốn Tây Nguyên Trôi nó
đã được viết ra vắt ra từ những cái nhìn, cái nhận cảm rất tinh tế của tác giả.
Để rồi một lúc nào đó “hữu xạ tự nhiên hương”, thì bật ra một cách nhuần nhuyễn
như rút từ máu thịt vậy. Nó lấp lánh như dòng sông chữ, trôi từ việc này, bến bờ
này đến bến bờ khác. Hấp dẫn và cuốn hút, đưa người đọc đi, trôi qua cao nguyên
chữ!
Tuy vậy tập sách không khỏi có những hạn chế, là sự đắm say của tác giả nhiều
trường đoạn, nhiều khúc thi thoảng bị lặp lại, người đọc như bị dùng dằng đến
vài lần ngay trên một hình tượng!
Viết về một tập sách hơn 400 trang bằng chỉ vài trang chữ quả thật là khó,
tuy vậy vẫn cứ cảm nhận một điều, Tây Nguyên Trôi là cả dòng sông chữ lấp lánh
trong lòng bạn đọc yêu nền văn hóa độc đáo của của xứ sở Cao Nguyên.
Đến "Tây
Nguyên trôi", Văn Công Hùng đã xuất bản 13 đầu sách, đều là anh viết tại
Gia Lai, Tây Nguyên, nơi anh định cư gần hết cuộc đời.
Phạm Đức Long, bài đăng báo Gia Lai hôm qua như quà mừng sinh nhật, một BTV báo GL nhắn thế.
3 nhận xét:
+Về Anh Phạm Đức Long: Tôi quí trọng kiến thức chuyên môn của Anh và việc Anh từng vận dụng linh hoạt kiến thức ấy vào cuộc sống đời thường lúc khó khăn một cách dễ thương, rất người. Còn chuyện Anh về nghỉ chế độ 'khuyến hưu', rời ghế Chi cục trưởng Chi cục PTNT một tỉnh miền Núi để tiếp tục mưu sinh bằng bàn tay vàng của Anh là chuyện bình thường; nói chính xác là lựa chọn của Anh khá đúng đắn. Được biết, đến nay Anh đã ra mắt những 11 đầu sách, văn xuôi có, thơ có. Nghiệp dư mà thế, tay trái mà thế, 'hoạn'(nói vui nhé) mà thế: Ngả mũ kính Anh!
+Về phu chữ: Dòng 12,trên xuống, Anh viết: "lẫy ra những vấn đề, những quan điểm, những hình tượng khá đặc sắc đến bất ngờ". Ở ngữ cảnh này, 'lẫy' là động từ. Lẽ thường, hễ sang tháng tuổi thứ 3 thì trẻ con từ tư thế nằm ngửa bắt đầu chuyển sang tư thế nằm sấp. Những hoạt động của chân, tay, đầu , bụng của trẻ hướng tới chuyển đổi "sấp" thì gọi là lẫy (3 tháng biết lẫy, 7 tháng biết bò). Đã có yếu tố "bất ngờ" thì trong câu không dùng động từ trỏ chỉ tính qui luật(thời gian). Còn 'lẫy', một bộ phận của nỏ(ná, cung), nó là danh từ, Anh ạ!
Cảm nhau là chính. Vuithôi Anh Long nhé!
Cụ lại rành cả Phạm Đức Long nữa, tài thặc.
Cảm ơn bác đã có lời khen, chúc vui khoẻ ạ
Đăng nhận xét