Cách
đây mấy năm, tôi làm một cuốc xe chở 2 ông bạn, một nhà văn, một kiến trúc sư.
Ông nhà văn thì quê Quỳnh Lưu, ông kiến trúc sư quê Quảng Bình, phi từ Pleiku
ra Hoàng Mai viếng mộ tổ họ Văn của tôi, rồi từ đấy, chú em, một doanh nhân
nhưng cũng như một thủ từ của họ, dẫn đường chúng tôi lên làng Nồi.
Trưa,
ghé vào một làng dọc đường, thấy một cái quán lụp xụp, ghé vào hỏi có gì ăn
không? Một giọng Nghệ rất trẻ, rất đặc trưng: Dạ có xáo me, xáo gà, canh cua cà
muối. Thôi không kể thêm nữa, từng ấy là đủ rồi, dọn lên cho 4 người ăn nhé.
Xáo là món hình như chỉ xứ
Nghệ có. Nó không phải xào cũng không phải canh, dẫu nó đậm như xào và có nước
như canh. Nó là xáo, chỉ xứ Nghệ sáng tạo ra. Tôi hình dung ngày xưa nhà nghèo.
Một ngày mưa co ro ngồi trong nhà, chợt thấy... buồn mồm và cũng thương lũ con
cả tháng trời chưa có miếng thịt vào miệng, ông bố chiêu một ngụm nước chè cắm
tăm rồi... mạnh dạn quyết: Mần con gà. Lũ con thì vỗ tay, bà vợ thì cau mặt
nhưng rồi cũng phải miễn cưỡng đồng ý vì chồng nói có lý và những đôi mắt của
lũ con đang hau háu nhìn mình. Con gà trong chuồng, không loại trừ là đang nhảy
ổ, thậm chí đang đẻ, hoặc là ông trống nuôi để phục vụ bọn mái (thực ra là phục
vụ con người, bởi có trống thì mới có gà con mà "tái đàn" như cách gọi
thời thượng bây giờ) được hân hoan cắt tiết. Mưa gió, gia vị ở đâu ngoài cây
chanh cũng đang lướt thướt trong mưa, thôi tốt nhất là một nồi, vừa canh vừa
xào vừa kho... và món xáo ra đời từ đấy. Thế mà trôi cơm, mà lại cũng có thể
làm món nhậu cho mấy ông bố (thế nào chả kêu mấy ông hàng xóm, bạn chè chát mỗi
sáng). Tất cả xương xẩu chân cánh cổ đầu múc kèm tô nước, các ông vừa gặm vừa
xùm xụp húp đưa rượu. Phía dưới, bà mẹ và lũ con cũng chan chan gắp gắp. Có
bánh mướt, lại cũng một đặc sản xứ Nghệ dù nó gần gần bánh cuốn, và các loại
bánh tráng kiểu bánh cuốn mà hầu như nơi nào cũng có, nhưng cái tên mướt thì
hình như độc quyền xứ Nghệ, thì tốt, không thì ăn với cơm. Một bữa cải thiện ăn
tươi ngon lành mà chỉ tốn... một con gà. Từ xáo gà, tiến lên xáo me (Nghệ và
Thanh gọi con bê là con me), rồi không chỉ me mà cả bò, có trâu cũng xong luôn.
Còn cà. Thì phàm những ai biết
ăn cà đều phải công nhận cà Nghệ là số một. Cả cách muối và giống cà. Nhớ có lần
ngồi uống bia ở Hà Nội, anh bạn là đạo diễn, nghệ sĩ nhân dân sau khi chứng kiến
tôi gọi món cà muối mà nhà hàng không có bèn rút điện thoại gọi vào... Vinh.
Sáng sớm hôm sau, hẳn 5 cân cà Nghệ đã có ở lễ tân khách sạn, tôi chỉ việc xách
về Pleiku và muối. Muối xong vác đi cho, toàn chọn bạn dân Nghệ mà cho, ai ăn
cũng xuýt xoa.
Ơ thế cũng là cà, cà nào chả
là cà, nó khác nhau thế nào?
Có khác đấy ạ.
Cà các nơi khác vỏ mỏng hạt
nhiều. Cà nghệ hạt ít vỏ dầy quả nhỏ. Muối mặn nén chặt, quả cà bẹp dí lại. Khi
ăn, cắn phát quả cà kêu bốp tưng bừng giòn tan trong miệng. Và nó... nồng vị cà
chứ không chát. Cà mà nhiều hạt ăn rất chát. Chuyện vui, nhà có con dâu mới. Cô
này con nhà khá giả, ở nhà toàn ăn cà cả quả. Nhà ông bố chồng thì một quả cà cắn
làm mấy miếng. Muốn nhắc con dâu lắm nhưng chả biết làm sao, vì quả cà khéo mà
chúng nó... bỏ nhau. Nhưng cũng phải có cách. Hôm ấy dọn cơm mâm gỗ giữa sân
(cơi), trời chạng vạng tiết kiệm nên cây đèn dầu dù đã để giữa mâm nhưng chưa
thắp, đợi tối hẳn mới lên. Ông bố bất chợt lấy tay xoa má: Ơ đứa nào cắn cà
văng cả hạt vào mặt bố. Cô con dâu lễ phép: Dạ không phải con ạ, con ăn cả quả
chứ không cắn ạ? Ông bố chỉ chờ có thế: Chết khéo mặn rồi lại... tốn nước mưa
con ạ?
Cà Nghệ giờ là thương hiệu,
dù ở nơi nào cũng có cà. Nhưng mỗi nơi mỗi khác, như ở Pleiku nơi tôi đang ở,
quả cà tròn và mỏng vỏ, ăn rất chát. Bí thì ăn chứ có cà Nghệ vẫn nhất. Vậy nên
thi thoảng thấy những nhà hàng hân hoan treo biển: Có cà Nghệ muối. Hoặc những chuyến
xe khách Bắc Nam tới đầu thành phố dừng lại, trên xe ùn xuống là những bao tải
cà, rồi chạy tiếp.
Hôm ấy ăn xong, chú em thủ từ
họ Văn mua thêm một hũ, quán chỉ muối phục vụ khách ăn tại chỗ chứ không bán
chuyên nghiệp, nhưng thấy khách nài, chủ quán bèn lấy cái lọ nhựa đựng xà phòng
thì phải, nhét cà vào đấy. Tôi bỏ lên xe nhưng giữa đường có việc lại không về
nhà ngay mà ghé vào Hội An làm việc. Cả tuần ăn buffet ở khách sạn 5 sao, tôi
toàn lôi cà ra ăn dặm.
Thì rồi sau đấy vào cái làng
Nồi nổi tiếng. Ai ở ngoài Bắc thì nhớ những ông xe thồ, đúng nghĩa xe thồ, là
xe có cái tay ngai nối dài ghi đông và cái cọc nối cao yên để chở hàng, rất nhiều
hàng, chứ không phải chở khách như xe ôm sau này nhiều nơi cũng gọi xe thồ. Cái
xe thồ ngất nghểu nồi đất trên ấy, hàng trăm chiếc xếp rất khéo, cứ lang thang
hết làng này tới làng khác, hết thì về, nghỉ vài hôm lại xếp nồi ra đi. Hàng
ngàn cây số đi bộ trong đời mỗi ông buôn nồi như thế. Và cũng là đề tài cho khá
nhiều tay máy, nhiều bức ảnh đẹp từ đấy, nhưng chả ai biết ai thấy những giọt mồ
hôi, những vết chai chân của những người bán nồi.
Cái làng nồi đất Trù Sơn này
nó nổi tiếng nhiều nhẽ, và bây giờ, khả năng sống lại của nó là rất lớn. Nói sống
lại là bởi nó từng... chết. Mà không chết không được khi mà những là gang nhôm
inox lên ngôi. Nhưng giờ, nhà ai có cái nồi đất kho cá là loại sang, loại
"có điều kiện" rồi, nên tôi tin là nó sống.
Chúng tôi thăm, nói chuyện với
các nghệ nhân làm nồi, và có hẹn, nếu có điều kiện sẽ quay lại rước vài cụ vào
một khu du lịch nhờ các cụ truyền nghề. Phải giữ lấy nghề chứ không nó bị bếp
ga bếp từ giết chết hết. Mà chết thì tiếc vô cùng. Cái làng cá kho Vũ Đại ấy,
nghe nói giờ mỗi năm xuất nhiều vạn niêu cá kho ra nước ngoài. Tất nhiên là
niêu đất. Rồi giờ các nhà hàng cơm niêu ra đời ở khắp cả nước, không niêu đất
thì ai mà ăn, dù đa phần nó được nấu bằng nồi cơm điện. Chín rồi xới ra niêu rồi
đút vào lò là khâu cuối cùng, nhưng nó vẫn được gọi là... cơm niêu. Ngày xưa
các cụ nấu cơm niêu bằng rơm, gặp rơm nếp nó thơm nền nã, nó dẻo dèo dẹo và nó
bốc hơi lừng vang mỗi khi mở vung. Hồi mẹ tôi còn sống, tôi nhớ anh em tôi mời
mẹ đi ăn cơm đặc sản, kêu cơm niêu, cá đồng kho, canh rau đay cà muối. Mẹ vừa
ăn vừa rên, dù chúng tôi đã giấu cái thực đơn có ghi giá tiền trong ấy: Chết
thôi, thế hệ chúng tôi ăn cơm niêu nước lọ khổ quá mới đi kháng chiến, giờ các
anh loanh thế nào lại về... nước lọ cơm niêu? Thế là lại đi... vòng tròn à? Đãi
cái gì thì đãi cho ra hồn, toàn những món ông bà bố mẹ cụ kỵ đã ăn mà giờ lại
kêu đặc sản? Thôi về mẹ nấu cho mà ăn, chả ngon bằng mấy...
Quay về Vinh, nhà báo Phạm
Việt Thắng nhắn: Anh chưa được về, phải ăn sáng với em đã. Em đưa đến quán cháo
lươn ngon nhất Nghệ An để bác về là phải thèm phải nhớ.
Ôi giời, lại đụng đến một đặc
sản nữa của xứ Nghệ. Sa vào nó, biết bao giờ mới dứt ra được. Thực ra thì, Vinh
không có lươn, mà người ta mua ở các nơi loanh quanh Vinh rồi mang về Vinh chế
biến. Hôm ở Nghĩa Đàn, cô cán bộ huyện dẫn chúng tôi đi ăn cháo lươn... Vinh.
Tôi đòi ăn cháo. Cô bày: Anh cứ kêu súp, ăn gần hết kêu cháo đổ vào là thành...
cháo lươn. Bởi, tôi đã ăn súp lươn Vinh ở nhiều nơi cách rất xa Nghệ An, thấy
nó không ngon bằng cháo. Nhưng hôm ấy, ăn theo hướng dẫn của cô Nghĩa Đàn, thì
nó ngon... nhức răng thật. Thứ nhất là thịt lươn trong tô, một cân thì chả tới
nhưng phải tới năm lạng lươn trong cái tô súp ấy. Thịt lươn mềm mà dai, béo ngậy
nhưng không ngán. Thứ hai là giống lươn. Giống lươn nó quyết quyết định chất lượng
nồi cháo hoặc súp, nên có hồi người ta đồn lươn Vinh (chính xác là loanh quanh
Vinh) ăn thuốc tránh thai nên ngon thế. Lời đồn này có thể để... kéo giãn khách
khoái lươn sang các địa phương khác. Nhưng lạ, tránh thai thì mặc, nó vẫn nghìn
nghịt khách. Và quả là, lươn thì chỉ Nghệ, đến các nơi khác, nó chỉ là con...
tương tự lươn.
Và đến Nghĩa Đàn mới biết một
điều nữa, rất thú vị, là cái món cam Vinh cũng danh bất hư truyền ấy, nó chính
là cam Nghĩa Đàn. Thì cũng như lươn Vinh vậy. Vinh trở thành thương hiệu đại diện
cho lươn, cho cam...
8 nhận xét:
+ Biển bảng cổng ngõ ghi: NHÀ THỜ TỔ HỌ VĂN. Câu chữ đúng tuyệt đối về ngữ pháp, vè ý nghĩa, về tâm linh.
-Ngữ pháp và ý nghĩa: Đây là nơi thờ tự Đức Thỉ Tổ họ Văn.
-Tâm linh: Âm tiết cuối cùng (Văn) rơi vào cung Sanh, cung vượng phát cháu con, dòng họ.
+Biển bảng giới thiệu và chỉ dẫn di tích: Nếu là biển bảng của ngành Văn Hóa tỉnh Nghệ An thì: mẫu dáng, kích cỡ, màu sắc, chất liệu không theo qui định của Bộ VHTTDL. Và, câu chữ, nội dung sai nghiêm trọng. Họ Văn có khởi tổ, thỉ tổ, các bậc tiên bối, tiên liệt đã qua đời. Nhưng họ Văn tồn tại nhiều thế hệ đang sống, già có, trẻ có, vừa sinh ra có, tại sao lại có Mộ và có cả nơi thờ?! Tôi đồ rằng đây là biển bảng tự phát do cháu con đặt dựng sau khi Nhà thờ và Mộ Đức Thỉ Tổ họ Văn được UBND tỉnh Nghệ An ký QĐ công nhận và xếp hạng di tích VH-LS tỉnh nhà. Việc biển bảng
trưng ra giữa bàn dân thiên hạ phải cẩn trọng và cần sự tham gia của những người có chữ, hiểu chữ. Cẩu thả thế này, rất có lỗi với dòng họ, tổ tiên.Còn Đại Tôn? Từ này không phải là tên Đức Thỉ Tổ. Đại là lớn, là trưởng. Tôn là Cháu của họ dòng. Đại Tôn là Chi Phái Trưởng của dòng họ. Chi Phái có quyền, mặc nhiên, kế thế chăm lo thờ tự, tu tảo mộ mả tổ tiên. Bấy lời...
Hihi cám ơn cụ. Quả là món chữ nghĩa liên quan tới những việc này nhà cháu dốt đặc. Sẽ chuyển ý kiến của cụ cho anh em họ Văn ngoài ấy xem. Một lần nữa cám ơn cụ ạ.
Xin lỗi Anh VCH và bạn đọc. Biển bảng giới thiệu và chỉ đường trên không thể sửa được.
Phải viết lại như thế này:
DI TÍCH LỊCH SỬ -VĂN HÓA CẤP TỈNH
MỘ VÀ NHÀ THỜ TỔ HỌ VĂN
(tiếng Anh sát nghĩa với câu chữ trên)
Phường Mai Hùng-Thị xã Hoàng Mai-Tỉnh Nghệ An
Cách ======>1.500.000M
+Bỏ không thương tiếc từ 'Đại Tôn'. Không ý nghĩa liên quan và cũng không thể hiện trong hồ sơ di tích!
Nghệ An còn có một món xáo rất đặc trưng và ngon anh ơi, đó là món xáo lòng. Đến các KS Mường Thanh của ông Thản, ăn sáng hay có món này. Nó là lòng lợn nấu xáo, mềm, thơm, có nước để chan nên rất ngon. Nó khắc phục được nhược điểm của món lòng truyền thông là hơi khô, khi ăn với xôi hoặc cơm mà chan nước xáo thì ngon thôi rồi...
HÌ, cám ơn bạn ạ. MÓn xáo lòng mình chưa biết, nhưng biết Quảng Trị có món lòng thả/ sả rất ngon.
Nguyễn Hùng Vỹ đưa vợ con vào nhà. Hỏi ăn gì chị nấu. "Xáo gà". Hôm nay mới đặc sản Nghệ.
Là chị nấu ấy hả? Rồi ổng có bào là... gần giống không, hihi.
Cháu là người Nghệ. Quê cháu gọi "sân" là "cươi" chứ không phải " cơi" chú ạ.
Đăng nhận xét