Thứ Năm, 23 tháng 4, 2020

LẶNG LẼ TRONG NHỮNG NGÀY DỊCH



          Hôm trước tôi vừa ứa nước mắt trước hình ảnh cậu sinh viên người Mông Lầu Mí Xá ở tận Sùng Trái, Đồng Văn, điểm xa và... cao đến mức không có sóng 4G. Là sinh viên học viện hành chính quốc gia, về quê nghỉ tết rồi nghỉ... dịch luôn. Trường tổ chức dạy online nhưng cậu không biết nên cứ yên tâm đi... chăn bò giúp bố mẹ (khi học ở Hà Nội thì tranh thủ chạy Grab để có tiền nhà trọ). Đến lúc biết chương trình dạy online thì chỗ nhà cậu chưa có sóng 3, 4G. Chạy quanh tìm, đến lúc phát hiện ở cái rệ đường nào đấy có sóng, thế là ra đấy dựng cái lán, và hàng ngày ra đấy ngồi học online. Cu cậu bảo chưa biết học xong có xin việc được không, nhưng cứ học cái đã. Nhìn cái lán trơ trọi bên đường mà ứa nước mắt.

          Thì hôm sau, báo chí lại phát hiện ra, ở Quảng Trị có trường hợp còn đáng thương hơn, bởi 2 cháu này đang là học sinh phổ thông, lại là gái. Ấy là cháu Hồ Thị Tăm và cháu Hồ Thị Sương, người Vân Kiều ở thôn Khe Ngài, xã Đakrông, Huyện Đakrông tỉnh Quảng Trị. Gia đình nghèo tới mức hôm đầu online các cháu không có tiền mua sim 3G, phải vào rừng hái sim về bán mới có tiền mua sim. Xong rồi đi tìm... sóng. Tìm miết mới có một mô đất có sóng, thế là ngồi đấy học. Ban đầu là ngồi thênh thang giữa trời thế, một thời gian bố mẹ dựng cho cái lán che nắng mưa. Cái lán này còn đơn giản hơn lán của Lầu Mí Xá vì nó chỉ có 4 cây cọc và phía trên căng bạt, bốn phía thông thống. Và các thầy cô chỉ phát hiện ra việc này khi quan sát màn hình phát hiện ra cái lán của các cháu. Lại một lần nữa giàn giụa nước mắt.

          Cũng như thế, tôi đã hết sức xúc động khi đọc cái tin một bạn trẻ ở Sài Gòn, người sáng chế ra cái ATM... gạo. Bạn này như thế nào thì mọi người biết cả rồi, nhưng tôi hết sức nể thêm cái đoạn lan tỏa. Từ ý định ban đầu là mỗi ngày bạn này sẽ tặng người nghèo 500 kg gạo, nhưng người nhận đông quá. Hề gì, Sài Gòn mà, nơi rất nhiều tấm lòng từ thiện tiềm ẩn, chỉ chờ có dịp là bung ra, là lan tỏa. Rất nhiều người lẳng lặng chở thêm rất nhiều gạo "nạp" vào ATM để nó chảy liên tục. Và từ một cây, giờ đang lan ra nhiều cây. Hàng ngàn người vô danh đã chở gạo đến, người một bao trên xe máy, người cả ô tô, không cần lộ diện, không cần ghi danh. Nghĩ, bây giờ cũng rất tiện, muốn góp gạo vào đấy, siêng thì phóng xe đến cửa hàng mua rồi chở đến, không thì ngồi nhà gọi điện thợi cho cửa hàng gạo: chở đến chỗ đấy chỗ đấy 2 bao, thanh toán online hoặc cửa hàng gạo cho người đến lấy tiền. Cái cách người Sài Gòn tin nhau thì thôi rồi. Mua gì, lỡ quên mang ví, "thôi đi đi cưng, mai quay lại trả cũng được" dù chả biết ai ra ai giữa cái đô thị đông dân nhất nước, lúc nào cũng nghìn nghịt người này. Bên cạnh bao kẻ keo kiệt tham lam chỉ thu vén cho mình từ... cuộn giấy vệ sinh, cây bút của cơ quan, thì bạn trẻ này đúng là... ngạo nghễ. Ngạo nghễ nó phải được đặt đúng chỗ thì nó mới ngạo nghễ. Cũng đáng yêu như thế là những tờ giấy ghi những câu hết sức mềm mại "Nếu thật sự khó khăn, mời bạn hãy lấy một phần, nếu chưa, hãy nhường cho người khác" đặt trước cái bàn đầy những phần quà giúp người nghèo.

          Giờ thì cái cây gạo ATM ấy cũng đã có mặt ở Hà Nội, Huế rồi. Và chắc sẽ ở nhiều tỉnh thành nữa.

          Ở thành phố Pleiku có một cái trại điên tự phát. Nó do hai vợ chồng có tên là Phước và Hạt tự nhiên cưu mang cho rất nhiều người điên ở khắp nước gửi về đấy. Hai vợ chồng thì chồng lái xe tải chở thuê kiếm tiền, vợ trực tiếp chăm sóc người điên. Ban đầu chỉ có dăm ba người, lên chục người, và giờ là... 150 người. Chuyện về họ nhiều người biết rồi, không nói nữa, có nhiều người ví họ là Bồ tát giữa đời thường, ở đây tôi kể thêm về những tấm lòng lặng lẽ đồng hành với họ.

          Một ông nhà báo kể, thi thoảng lại có người nhắn tin vào facebook của ông hỏi tài khoản để chuyển tiền giúp trại điên. Có người không phải là bạn phây, nên tin nhắn nằm ở spam, cả thời gian dài ông mới mở ra và reply. Cứ được tầm mươi triệu là ông lại chạy xuống đưa. Có lần nhóm các ông quyên góp được cả mấy trăm triệu, đủ mua gạo cho trại mấy năm.

          Hôm kia ông lại xuống trại. Một ông về hưu biết. Ông này về hưu đã chục năm, cũng không xông xênh gì, gọi điện nói: chờ tôi chút. Và ông phóng xe máy xuống gửi cái phong bì, bảo bác về hưu rồi, cũng thuộc nhóm cần được tài trợ rồi, thôi bác giữ mà thuốc men hoặc ăn sáng cho nó xông xênh chút. Ổng bảo không, mình còn nhúc nhắc được, chứ trại điên ấy, bình thường đã vất rồi, đang trong những ngày giãn cách này, lại càng khó khăn nữa. Người thường đã khó, huống gì người điên, huống gì những người phải nuôi người điên. Và ông cương quyết không cho nói tên, giống hệt như những người nhắn tin xin tài khoản để chuyển tiền trên kia, không bao giờ cho nêu tên, và ông nhà báo kia cũng không biết tên thật của họ, chỉ biết nick facebook, mà ổng thì luôn luôn đầy 5000 bạn, nên cũng chả nhớ ai ra ai. Lặng lẽ là như thế.

          Lại cũng hôm rồi, đọc thông tin sở Nội vụ tỉnh Quảng Ngãi ra công văn thu hồi tiền của 4 thạc sĩ trong diện được tỉnh cấp ngân sách ra nước ngoài học theo diện đào tạo cán bộ nhân lực cao cho tỉnh. 4 bạn này hoàn thành chương trình học và... không về tỉnh làm việc theo cam kết. Người bị thu hồi cao nhất là 3,5 tỉ, thấp nhất 1,9 tỉ. Vấn đề là, 4 thạc sĩ này là con của bốn cán bộ lãnh đạo cấp cao của tỉnh Quảng Ngãi. Hình như nhân tài đều nằm ở con của các cán bộ lãnh đạo?

          Thông tin mới nhất khi tôi ngồi viết xong bài này, là cái trường ở huyện Đakrông ấy đã tổ chức quyên góp giúp các cháu học sinh khó khăn có tiền mua sim 3G, và đã được... 2 triệu đồng. Hy vọng các cháu sẽ tốt nghiệp phổ thông trong năm nay. Cũng như cháu Lầu Mí Xá tiếp tục đủ điều kiện để tốt nghiệp đại học...

Bài in báo CSTC số cuối tháng 4.


                                                           
         

2 nhận xét:

Hà Tùng Sơn nói...

Sài Gòn đồng nghĩa với lòng nhân ái , nhỉ.

Văn Công Hùng nói...

Vầng cụ