Thứ Tư, 11 tháng 3, 2020

BẮT TAY THỜI COVY



          Tôi đã cười như thằng rồ khi thấy một bạn đăng lên phây ảnh mấy ông chào nhau bằng... chân. He he, vào hỏi thì bảo nó tràn trên mạng ấy. Vào tìm thì thấy hay thật, bèn áp dụng ngay. Hôm vào báo SGGP, gặp ông bạn, 2 đứa khuỳnh khuỷu tay ra đụng nhau, rất Cu Te đèo Le. Sau đấy ra sân bay Tân Sơn Nhất bay về Quy Nhơn, thấy mấy mụ sồn sồn rửng mỡ bịt kín từ đầu tới chân, tay đi găng nữa, gặp nhau cũng... chào bằng chân...

          Mấy hôm nay cả thế giới báo động về dịch Covid. Chống nó chưa được thì phải tránh và trốn thôi. Khẩu trang là ưu tiên đầu tiên. Ra đường cứ ngàn ngạt khẩu trang. Thực ra là tưởng thế, tôi vừa đi một chuyến lang thang từ Sài Gòn ra Hà Nội, thấy số người đeo khẩu trang chiếm chừng 60 đến 70%. Thì cũng có những khuyến cáo là người khỏe mạnh không cần khẩu trang. Khẩu trang là để dành cho người ốm và người trực tiếp điều trị cho người ốm. Thế nên, ngay ở sân bay Tân Sơn Nhất hay Nội Bài, là những nơi tưởng như virus Covid thảnh thơi bay lượn thì cũng không phải là một trăm phần trăm đều đeo khẩu trang.

          Nhưng có một món có vẻ giảm hẳn, ấy là... bắt tay.

          Chả biết từ đâu, dân nhậu Việt Nam (chiếm khá đông dân số) có cái tật uống xong một ly là... xòe tay ra bắt. Có những cái bắt tay vô duyên hết sức. Đang yên đang lành ngồi trong bàn, một ông lạ hoắc nào đấy lừ lừ cầm cái ly xông tới. Chạm ly. Ực phát cạn, không cạn được thì cứ đứng cho cạn thì thôi. Xong thì... xòe tay ra bắt, chả biết ai ra ai, có khi bắt tay người này nhưng mắt nhìn người khác. Cơ khổ là hàng ngàn bi hài kịch bắt tay khi nhậu. Nạn này kinh hoàng nhất là khi đi đám cưới, và ngồi chung bàn trót có ông nào đấy... nổi tiếng.

Món bắt tay du nhập từ ngoại quốc, đơn giản ban đầu chỉ để chứng minh là tớ đi tay không nhé, tớ không mang dao búa gì nhé. Thế mà giờ nó phổ biến hang cùng ngõ hẻm ở Việt Nam, dù ngày xưa các cụ gặp nhau có bắt tay bao giờ. Chắp tay chào nhau rất lịch sự và khiêm tốn. Uống xong 1 ly bắt tay đã đành, giờ xuống làng người dân tộc thiểu số Tây Nguyên, vào nhà họ, bao giờ họ cũng đứng chờ, giơ tay ra bắt rất hân hoan. Thường là họ giơ tay phải, tay trái nắm lấy cổ tay phải, rất đúng điệu. Hỏi họ mắc chi bắt tay, họ cười rất tươi, xem trên tv thấy thế, hehe...

Dân Việt ta rất nhiều người bắt tay như... nghiện mà chả biết quy tắc bắt tay gì cả, thấy ai cũng giơ tay ra bắt búa xua, mà không biết rằng, chỉ người lớn chìa tay ra cho người nhỏ, chỉ nữ chìa tay cho nam, chủ nhà chìa cho khách... Còn họ không chìa thì đừng có thò tay ra. Xem tivi thấy cảnh trao quà hoặc tặng thưởng gì cho học sinh ấy, kể cả các cháu... mẫu giáo, trao xong bác được mời lên trao cũng... bắt tay các cháu. Huhu, nhìn bàn tay các cháu bé xíu lọt thỏm giữa lòng bàn tay các bác mà thương. Có bác còn nắm lấy lắc lấy lắc để. Cơ khổ, chúng có biết bắt tay là gì đâu. Món này hay xuất hiện ở các dịp hè, các trường tổng kết, mời các bác lãnh đạo lên trao quà, rồi về địa phương, con ai có giấy khen, là học sinh giỏi, lại được địa phương trao nữa, lại... bắt tay.

Lại có cái kiểu bắt tay nhưng co ngón trỏ lại, cào cào vào lòng bàn tay người được bắt. Trời ạ, nó thô bỉ và buồn cười. Tôi từng ngơ ngác mất nguyên buổi khi bị/ được một đồng chí bắt tay kiểu thế. Một bạn nữ kể, từng suýt cho đối tác một cái tát cũng vì kiểu bắt tay khều khều như thế, vì cho rằng đấy là tín hiệu... sàm sỡ. Tôi phải bảo, sàm sỡ gì đâu, đứa bắt tay ấy, nó biết quái gì đâu, thấy người ta khoèo thì nó cũng khoèo, tưởng thế là... bắt tay.

Cũng có lần tôi bị đau ngón tay. Một ngày phải xin lỗi bao lần trước các bàn tay chìa ra bắt, mà rồi nào có thoát, vẫn bị những cú vặn đau điếng.

Có lần ngồi với mấy anh em Phú Thọ, họ tự hào kiểu hài hước bảo, cái món bắt tay xuất phát từ quê họ, và họ đọc: Uống rượu bắt tay biết ngay Phú Thọ. Nhưng sau này bất cứ địa phương nào cũng có thể đính tên mình vào thay tên Phú Thọ. Tức nó là... đặc sản quốc gia. Thì đã bảo, xuống làng Tây Nguyên, không phải bây giờ, cả chục năm rồi, họ đã bắt tay búa xua rồi. Họ mà đang nhậu bắt tay mới kinh, vì đa phần người Tây Nguyên ăn bốc. Nhậu ăn bốc mới sướng, ngay người Kinh cũng hay tuyên bố thế. Thì chả đã có câu: "Thịt gà xôi nếp đàn bà/ cả ba thứ ấy thì là... dùng tay" đấy ư? Tay đang ăn bốc, xòe ra nắm tay khách, lắc lấy lắc để, rồi lại quay lại miếng xương đang gặm dở?...

Thì bây giờ, cái món bắt tay ấy giảm thấy rõ rệt. Thấy báo chí đưa tin rầm rộ một bộ trưởng trong nội các từ chối bắt tay thủ tướng Đức cũng vì sợ... covid. Thì trong cái rủi có cái may, là cái con covid ấy nó làm người ta sợ bắt tay, dần rồi bỏ đi. Chỉ bắt tay trong những trường hợp không thể không bắt, như tiếp khách, ngoại giao, còn như uống rượu, có ai bắt đâu mà cứ phải uống xong là bắt tay. Có ông mời bàn mười người, cứ đứng chờ, ông nào uống xong là ổng thò tay ra bắt, kể cả việc người uống xong ngồi phía bên kia bàn, ổng vươn người qua, tay áo hoặc cà vạt chấm vào thức ăn trên bàn.

Phát khiếp lên được.

Và bắt tay nhiều khi nó thành... hỗn. Thì người trẻ cứ xưng xưng chìa tay cả loạt bắt tay tất cả mọi người, bất kể địa vị, tuổi tác. Mà bắt kiểu ấy nó có thắm thiết gì đâu. Tay nhũn nhùn lạnh lẽo, chỉ đặt mấy ngón hờ hững vào tay người được bắt. Chưa kể có bác to, đi họp muộn, nhưng vào chỗ xong không chịu ngồi xuống ngay, mà quay phải quay trái, quay trước quay sau, bắt tay hết lượt đã.

Giờ có dịch, cứ khư khư trong túi lọ gel rửa tay khô, nửa tiếng một lần xịt ra tay, nó vừa vệ sinh lại vừa... tránh được bắt tay.

Là nói những cái bắt tay vô bổ ấy ạ, còn việc phải bắt cứ phải bắt thôi...

Nhưng vẫn bị ông Trương Điện Thắng bắt tay.

Nhưng Trump Ủn cũng bắt tay, mần chi nhau

                                                                        



7 nhận xét:

Quế Sơn nói...

Nói thật, tôi là bạn đọc trung thành với Nguyễn Thông. Thấy Hùng 'Văn Công'(xin lỗi, đùa) là blog thân hữu của anh ấy, tôi vào đọc thử. Thử rồi thành thiệt luôn. Anh Hùng có một cách hành văn rất lạ, không giống ai, khá trí tuệ, đầy hình ảnh, độc đáo khi dùng và sáng tạo các từ láy cùng một nét nghĩa, phát triển liên tục, đến tối giản, đến gần xa nghĩa gốc rồi kịp dừng lại, đúng chỗ, để, người đọc còn thèm, còn tiếc...Anh Hùng nên phát huy cái sở trường này, để, để đời; để, lớp trẻ của chúng ta chúng học hỏi.
Chút chuyện cũ xin bàn thêm với Anh: Đúng là phương ngữ Hà Nội có lẫn lộn phụ âm "ch" và "tr". Nhưng trong mô tả đến loại nhà thì bà con lại sử dụng khác nếp thường ấy. Nhà gianh thay vì nhà tranh. Và không gọi nhà "chanh". Nhà-gianh-vách-đất.
Thêm việc nữa: Áo tơi có 2 phần. Phần MÙNG TƠI và phần THÂN TƠI. Phần mùng tơi được khoác gánh trên 2 vai, chịu mưa, chịu gió nên có khung mây tre, bện đan rất chắc. Áo tơi đến khi mùng tơi đã rớt thì vứt bỏ mà vẫn còn phải dùng thì không còn hình ảnh
nào diễn tả cái nghèo đạt đỉnh, hết ý như vậy. Thành ngữ này nó không hề liên quan một xíu nghĩa nào đến rau mồng tơi. Còn nữa nè: tơi tả, tơi bời, tơi xốp...biết đâu chúng cũng sinh ra từ nét nghĩa áo tơi này. Chào Anh và mọi người.

Văn Công Hùng nói...

Cám ơn bác Quế Sơn ạ, bác còm hay và công phu quá, hiếm người công phu như thế ạ

Quế Sơn nói...

-Cũng do covid nên hay lang thang trên mạng để có thêm thông tin chính xác. Ghé hiên trà Anh Hùng nghỉ chân, nốc vài ngụm, chép vài chép để tận hưởng cái vị ngon của chè Bắc, gõ phím đôi dòng cho vui rồi tiếp tục...lang thang. Cũng loanh quanh con covid. Nhỏ xíu xiu mà ghê. Cái ác của nó thì ai cũng ghét, cũng biết rồi. Giận quá nên con người "mất khôn", không chịu ngoảnh lại để nhận biết tí tì ti lẽ phải của nó khi nó xuất hiện. Thời khắc con người ngạo mạn nhất, 4 chấm 0, trí tuệ nhân tạo...thì nó rũ bùn, quên, rũ đất cày, đứng dậy...đen ngòm. Anh Mỹ, anh Anh, anh Ý, anh Tàu, anh Hàn, anh Nhật, anh Canada, anh Pháp, anh Úc, anh Ấn và hàng loạt anh hảo hớn gian hùng dều choáng, đều lúng túng, đều quờ quạng khù khờ đến độ đáng thương trước một đứa con nít cực cực tiểu, sắc sắc không không Covid. Nhìn anh Iran chạy thục mạng không dám gọi đấng Ala, nhìn anh chúa đạo tự xưng của Thiên Địa Hội sụp lạy tạ tội...Có cái gì đó buộc ta suy nghĩ về thói ngạo mạn của con người.
-Chúng ta thường nghe: Ủy ban Phòng Chống Bão Lụt. Ngạo mạn chưa? Thiên tai làm sao mà CHỐNG được! Sao con người không biết khiêm cung dùng từ phòng TRÁNH? Dùng thế, vừa chính xác và không bất kính với trời đất. May ra...
-Tí này nữa rồi...biến, để, lang thang... Ông Phúc ở Quế Phú. Tôi có nick Quế Sơn.
Gần lắm...Trường Sa. Nhân chỉ đạo dập dịch Covid, Ông Phúc nói: Đây là nguy cơ. Hãy cố giảm nguy và tăng cơ. Ông dập thì tốt nhưng ông nói chưa chuẩn. Nguy cơ? Nó là danh từ. Duy nhất nghĩa: Tình huống có thể xảy ra những biến cố lớn có hại. Không thể tách 'nguy'ra khỏi'cơ' để mà chơi chữ, để mà múa bút. Học tập cụ Đồng nói:"Biến thủy tai thành thủy lợi, biến thủy tai thành thủy điện, biến thủy ta thành thủy sản" khi dự khánh thành thủy điện Sông Đà. Múa chữ như Cụ thì nên múa. Chưa đạt được thì đừng. Cái này nó khó, khó hơn mọi cái à nghen.

Văn Công Hùng nói...

Hihi lại phải nể cái cm của Quế Sơn. Hôm qua tôi tách cái cm phía trên thành một status trên facebook dân tình hân hoan phấn khởi đọc ạ.

Quế Sơn nói...

Xin Anh Hùng cho Quế Sơn ba hoa một chút rồi biến ngay. Không ba hoa chỉ lo một điều, có thể, món này không có trong bách khoa thư, lớp trẻ và khá nhiều người không chịu khó quan sát, lơ mơ, rồi đành chấp nhận như nó đang diễn ra để không mệt trí. Quế Sơn vào chuyện về cây cau truyền thống. Ông bà ta dạy'Dừa nghiêng. Cau thẳng', 'Chuối màu. Cau cảnh'. Chủ ý lời dạy này xoay quanh cái thẳng của cây cau. Trong muôn loài cây, cau là loài thân có đốt, sống thẳng từ khi sinh ra đến trăm tuổi rồi lìa đời. Trước nắng gió bão giông, dáng hình không thay đổi. Kính. Nằm đêm suy nghĩ, nghĩ suy và chỉ biết: Kính. Không dừng ở kính. Tôi cố công tìm hiểu, ngày đêm quan sát. Thì ra, dễ ợt, bí mật nằm ở chỗ loài cau nó biết trước con người về nguyên tắc, qui tắc đối trọng. Cau đẻ thì đẻ song sinh. Buồng Chị sinh trước. Buồng Em sinh sau chừng một tuần trăng. Nó khôn lắm. Đất nghèo nhưng không thèm đặt vòng, thắt ống dẫn tinh triệt sản mà nghĩ ra cách đẻ so le để đủ gạo nuôi con. Kính. Buồng Chị vừa sinh ra thì công việc đầu tiên là tự săn sóc để mẹ tròn con vuông. Tiêu chuẩn sạch trong sinh đẻ được đặt lên hàng đầu. Cái mùi hoa cau tỏa hương đến nao lòng bao thi nhân thì đủ biết giường chiếu bông băng nó gọn sạch hơn con người rất nhiều. Mười ngày tiếp theo thì tập trung vào công tác khoa học-đối trọng. Mo cau bao bọc buồng Chị đã già. Mo cau phải rụng xuống, mà rụng xuống gốc theo phương thẳng đứng, cùng bên với buồng Chị phía trên cao. Nhận được tín hiệu âm thanh 'thịch', kiểu tin nhắn hoặc rung chuông của điện thoại di động, tức khắc, rễ cau non phía gốc không cùng bên với buồng Chị nhú mầm, mụ mẫm, tươi non, dần dần bám sâu vào đất. Rễ phía cùng bên không hề mọc. Nó đợi ngày buồng Em sinh. Buồng Chị càng lớn, càng nặng theo ngày tháng bao nhiêu thì rễ gốc được đâm ra bám đất bấy nhiêu. Đối trọng giữa buồng cau trên cao và rễ bám dưới gốc được điều hành, điều chỉnh từng phút, từng giờ. Thân cau vì thế vươn cao, lên cao giữa trời xanh mà cứ thẳng, muốn cong một tí xíu cũng không thể. Tất cả đều được điều hành bằng phân công dân chủ, nhịp nhàng, bất biến. Ôi thiên nhiên kỳ thú!

Quế Sơn nói...

TÀU MO RỤNG (kính tặng bạn đọc)
Tiếng mo cau rụng sau vườn,
Đêm quê tĩnh lặng, nghe thương quá chừng!
Cao trên tin để dưới mừng:
Gốc thêm rễ. Con tỏa bừng sắc hương.
Cần cù ngày nắng đêm sương,
Từng đốt thẳng để cau vươn đụng trời.
Sống ngay, sống thẳng, truyền đời.
Cong nghiêng không phải giống loài của cau.
Thì ra biết mấy sắc, sâu:
Tiếng mo cau rụng, phía sau sân vườn.
Quế Sơn

Văn Công Hùng nói...

Còm chất như một bài nghiên cứu công phu, rất công phu. Xin lỗi tôi phải để chế độ kiểm duyệt còm vì ở bên blog này có chế độ cm nặc danh. Có những đứa "nặc danh" nó vào chửi lung tung ạ, khổ lắm chứ chả ai muốn phải kiểm duyệt cm. Khi nãy đọc cm trên đt nhưng phải về laptop mới cho hiện còm của Quê Sơn được ạ. Rất cám ơn ạ