Chưa
khi nào mà ngành giáo dục lại được đưa ra mổ xẻ nhiều như bây giờ. Mổ xẻ từ
trên diễn đàn quốc hội đến trên báo chí, từ phòng ngủ tới mạng xã hội... người
không vững thần kinh rất dễ rơi vào trạng thái loạn thần. Giáo dục là ngành
liên quan tới mọi gia đình, mọi con người, mọi tế bào xã hội, nên nó trở thành
một thứ rất nhạy cảm với toàn thể xã hội. Đụng đến nó tức là đụng đến tất cả mọi
tầng lớp. Huống gì nước ta, giáo dục cứ tự nhiên được mặc danh là chìa khóa để
mở tương lai. Học là nhẽ đương nhiên, nhưng ở ta học còn để có bằng cấp (chứ
chưa chắc đã kiến thức) và làm thầy là để có biên chế đã, mọi thứ tính sau. Nên
mới có chuyện thầy cô giáo dạy mấy chục năm với đồng lương chết đói nhưng vẫn
thoi thóp hy vọng... biên chế, tới lúc hết hy vọng thì... khóc òa, dù có thể
ngày mai họ vẫn còn đứng lớp, theo dạng hợp đồng.
Và
cũng không biết có nơi nào mà giáo viên bị hành nhiều đến như thế không? Mới nhất
là 2 sự kiện, một là trên diễn đàn quốc hội, bộ trưởng nội vụ trả lời chất vấn
về biên chế giáo dục. Giáo viên đứng lớp thì thiếu nhưng biên chế lại thừa, bao
nhiêu năm rồi vẫn thế, không tìm ra lý do. Và 2, một tờ báo điều tra vụ giáo
viên hành giáo viên. Ấy là cái cảnh hàng năm giáo viên phải bồi dưỡng chuẩn kiến
thức, một thứ chuẩn rất ất ơ, nhưng nó là quy định, thế là nháo nhào đi... kiếm
chuẩn. Một cuộc hành nhau vô bổ không hơn không kém. Nhưng cái nhỡn tiền là, những
đồng tiền còm cõi dành dụm của những thầy cô giáo khốn khổ kia đội nón ra đi
theo những thứ chuẩn ấy. Mà có chuẩn rồi đâu đã xong. Mỗi năm đến hè lòng man
mác... lo, những cuộc chuyển trường, chuyển lớp, chuyển vùng... cứ sùng sục rồi
âm ỉ trong từng giấc ngủ thất thường với mối lo: Ngày mai mình chuyển đi đâu?.
Giáo
viên như thế, làm sao có học trò tốt, dù tôi không phủ nhận, học trò của chúng
ta, có con cháu tôi, ngày càng thông minh, giỏi giang. Nhưng thật, nói cho
chính xác, gà tồ cũng chúng.
Thế
mới lần mẩn, xem thử thế giới họ dạy trẻ con như thế nào?
Nước
ta, giờ cũng đã có nhiều loại hình trường ra đời. Có hẳn một nhóm giáo dục với
hệ thống giáo dục mới nhiều năm làm thực nghiệm, đã áp dụng rất nhiều nơi,
nhưng vừa rồi cũng bị đổ bởi hội đồng giáo dục chính quy. Nhiều hệ thống giáo dục
mở ra, nhưng kiến thức vẫn thế, cách dạy vẫn thế, chỉ có là sang hơn, đắt tiền
hơn, phân loại học sinh/ phụ huynh (giàu nghèo) rõ hơn chứ cách dạy cách học
thì... vẫn như cũ.
Vô
tình, tôi quen với một nhóm giảng viên đại học, những người đang nhen nhóm lên
phong trào trường học xanh trong nước, được họ cho xem tài liệu, mới thấy có
nhiều điều... không mới nhưng lại là mới.
Đấy
là một ngôi trường ở Bali. Một ngôi trường làm bằng tre, và hướng học sinh tới
việc học một cách hết sức thuận tự nhiên. Học và chơi và làm và tự giác và tự
thực hiện các kỹ năng sống, một cách hết sức tự giác, tự nguyện và hăm hở. Đến
ánh sáng cũng ánh sáng thật, màu xanh thật, bóng đêm thật, những mảnh vườn là
thật, con sông là thật, vân vân, học sinh được thả vào đấy, lao động và học.
Chúng làm lấy tất cả. Và phụ huynh hết sức ủng hộ chứ không... quay clip rồi
tung lên mạng tố cáo thầy cô!
Mới
té ra, lâu nay chúng ta đang dạy học trò... nhác. Từ chuyện đơn giản nhất là
làm vệ sinh trường lớp, đến tiếp xúc với môi trường tự nhiên, biết thế nào là
con trâu con bò, con gà khác con vịt thế nào, ngọn cỏ khác ngọn lúa ra làm sao...
học trò ta mù tịt. Là mới những thứ đơn giản, chứ sâu hơn tí nữa, tại sao từ hạt
lúa rồi thành mạ, rồi thành cây lúa, rồi hạt lúa rồi thành cơm cho chúng ta ăn,
chúng chịu đã đành, mà nhiều người... không là trẻ con cũng chịu. Tôi có thời
gian tiếp xúc với một số bạn hướng dẫn viên du lịch của một khu du lịch lớn,
khi tôi nói về công dụng của thúng mủng giần sàng, của cối xay cối giã họ không
biết đã đành, mà hỏi làm sao để từ hạt lúa thành hạt gạo các bạn ấy cũng... cười,
dù tôi biết, đa phần các bạn ấy là con nông dân, những người nông dân miền
Trung thứ thiệt.
Kiến
thức học rất nhiều, học đến không thở được, đến cái cặp lệch cả vai, đến bố mẹ
phải làm xe ôm cho con ngày mấy bận, quay như chong chóng, nhưng thả ra ngoài đời
thì ngơ ngơ ngác ngác.
Nên
thi thoảng ta lại nghe tin bà mẹ nào đấy bắt cóc làm thịt cho con ăn, tiếc bộ
lòng, xào ăn trước, rồi con chết mẹ chết. Hoặc chó cắn nhưng nghĩ chó nhà, nên
kệ, và rồi lên dại không cứu được. Chưa kể còn hàng trăm kiểu tai nạn mà do
không có kỹ năng sống nên đành để nó xảy ra.
Học
sinh của chúng ta thiếu hụt nặng nề kỹ năng sống. Cũng như thế là thiếu hụt kiến
thức thiên nhiên cho trẻ. Học trò chúng ta ngày càng quen nhiều với camera, với
Smartphone, với máy lạnh, với máy tính, với đủ thứ hiện đại, nhưng một ánh
trăng vàng, một tiếng chim gù, một giọng dế kêu... lấy đâu ra cho chúng.
Giọt
nước sinh ra thế nào, đất hình thành ra làm sao, sao lại có đất có bùn, có
sương có mưa, hạt lúa oằn mình làm ra gạo, bông cỏ trĩu xuống để dế ăn vân
vân... thiếu hụt những hiểu biết ấy, hình như tâm hồn những đứa trẻ vẫn còn những
khoảng trống, dù với kiến thức hiện tại, chúng có thể giải thích vanh vách những
điều khó hiểu hơn nhiều.
Và
người lớn nữa, chúng ta can thiệp quá nhiều vào đời sống bình thường của trẻ. Tất
nhiên dạy chúng là tốt, nhưng là phải dạy kiểu tiếp năng lượng sạch, chứ không
phải chạy theo chúng, chiều chúng, coi chúng như trứng mỏng, luôn luôn sợ vỡ, sợ
cháy.
Tôi
vẫn ám ảnh mãi hình ảnh một nữ phụ huynh là mẹ một cháu trai học lớp 8, đứng
quay clip phát trực tiếp lên mạng, tố cáo trực tiếp thầy hiệu trưởng (cũng từng
là thầy giáo của mình) về "tội" thầy "bắt" con chị ta cùng
các bạn khiêng bàn kê vào lớp học.
Những
đứa trẻ được đùm bọc kỹ đến như thế, liệu có thể trở thành một công dân toàn diện
không? Hiện nay rất nhiều trường, phụ huynh học sinh sẵn sàng đóng tiền để thuê
người làm vệ sinh chứ không bắt con họ làm. Ở ngôi trường xanh mà tôi dẫn phía
trên ấy, những đứa trẻ bé tí, xách nước về rồi quỳ trên nền lớp học, lau sàn
nhà, dọn nhà vệ sinh, làm lấy tất cả mọi việc... mà chúng toàn con các tỉ phú
thế giới đấy ạ?
Ảnh: Thăm một lớp học ở Kolkata Ấn Độ.
2 nhận xét:
Học trò thiếu kỹ năng sống! Chuyện chẳng có gì mới cả. Chỉ tiếc là trong mọi cấp học chúng ta có Đoàn, Đội ban bệ đủ cả họ sinh hoạt như thế nào mà để học sinh thiếu kỹ năng sống. Hay là cũng chỉ đi theo lối mòn nhồi nhét kiến thức sách vở đến mụ mị, đến hs không còn có thời gian mà... thở nữa. Cháu tôi một ngày học trung bình 10 tiếng (kể cả học chính khóa, học phụ đạo, học thêm v.v...). Áp lực học tập, áp lực thành tích... như thế đối với trẻ con ai cũng hiểu là quá sức chịu đựng nhưng ngành giáo dục hàng chục năm qua không đổi mới, chẳng biết cải tiến hay cải lùi. Thế thì hs học kỹ năng sống vào lúc nào.
Chương trình CCGD của gs HNĐ tôi thấy báo chí đánh giá khá tốt, học sinh người DTTS cũng học được, mà đã học chương trình này thì đảm bảo không tái mù chữ... Nhưng nếu chương trình của 1 cá nhân mà được phê duyệt, triển khai thì những bộ ban ngành cục vụ viện kềnh càng, lù lù ra đó tồn tại để làm gì? Đi trước thời đại đâu phải bao giờ cũng thuận lợi.
Cám ơn anh Hùng, không dám nói nhiều!
Cám ơn bạn về cái nhận xét hết sức lý thú này, hị hị...
Đăng nhận xét