Tôi đã mấy lần đến Bến Tre, lần nào
cũng háo hức như mới tới lần đầu. Miền Tây là vùng đất rất lạ. Nó rất mới và
luôn luôn tiếp tục mới, nên mỗi lần tới đều thấy lạ là đương nhiên.
Lần này, đang yên đang lành thì Tạp
chí Văn Nghệ quân đội kêu đi dự trại. Trại là trại văn xuôi, cuộc trại cuối
cùng để kết thúc cuộc thi "lửa mới" của Tạp chí phát động suốt hai
năm qua. Thấy bảo từ giải nhì xuống thì đã có rồi, nên trại lần này là để tìm
giải nhất. Thế nhưng lại vẫn lọt vào trại mấy ông bà nhà thơ. Nó có 2 lý do, một
là ông nhà văn Đỗ Tiến Thụy, trưởng ban văn của Tạp chí cho rằng, nhà văn rất cần
đọc thơ, đọc để biết sao họ dùng chữ đắt, chỉ có mấy chục chữ mà... xong bài
thơ, tán được bao chuyện, trong khi văn xuôi phải tãi ra đến cả chục trang mà
có khi vẫn chưa hết ý. Hai nữa là hình ảnh của thơ rất đắt nên nhà văn cũng nên
đọc cho biết. Thực ra thì Thụy nói sang trọng hơn, nhưng nếu tôi tường thuật hết
lại bảo là... tự khen mình, nên tóm đại ý nó thế. Thứ 2 là ông Võ Thành Hạo, bí
thư Bến Tre mới về hưu, khi thông qua phương án mở trại ở Bến Tre lúc còn làm
việc (trại này được chuẩn bị trước cả năm) thì bảo, trại sao lại chỉ mỗi văn,
phải có thơ nữa chứ, thơ nó mới... sang. Mình văn không hết ý đâu. Đấy là lý do
tôi có mặt ở trại văn.
Hồi còn làm việc, tôi là người chống đến
cùng các vị lãnh đạo thích... mần thơ. Thơ hay chả nói làm gì, tôi hết sức trân
trọng, nhưng đa phần các bố này vần hóa những ý nghĩ vừa chủ quan vừa xơ cứng của
mình, rồi gửi cho báo/ tạp chí văn nghệ tỉnh, bắt in. Tôi trở thành cái gai
trong mắt một số đồng chí lãnh đạo thích... làm thơ vì không chịu in thơ họ.
Nói thật, trong số Tổng biên tập các tạp chí văn nghệ cấp tỉnh thời ấy, loại
dám ngang như tôi không nhiều, rất hiếm nữa. Có vài hội Văn nghệ sau khi in thơ lãnh đạo tỉnh còn tổ chức
mời nhạc sĩ phổ nhạc, làm phim, ít nhất là phát trên truyền hình tỉnh, rồi in
đĩa phát cho cán bộ chiến sĩ nhân dân trong tỉnh, nghe râm ran khắp. Vấn đề là,
những bài thơ ấy nó dở vô cùng vô tận, chính xác là, nó không phải là thơ.
Tôi chơi với nhà văn Vũ Hồng ở Bến
Tre, anh có nói với tôi rằng anh Hạo bí thư tỉnh anh cũng làm thơ. Tôi kể cho
anh "đoạn trường" khổ ải của tôi khi "chiến đấu" chống thơ
dở của lãnh đạo. Hồng bảo, nhưng thơ anh Hạo hay. Điều này sau đấy được nhà thơ
Nguyễn Bình Phương, tổng biên tập Tạp chí Văn Nghệ Quân đội và nhà thơ Đoàn Văn
Mật, trưởng ban thơ, xác nhận rằng thơ ông Hạo từng được in ở tạp chí Văn Nghệ
Quân đội. Không những thế còn xác nhận tiếp là, in từ thời ông này là phó bí
thư, và in xong mới biết "thân phận" của ông ấy. Được in thơ ở Tạp
chí này thì coi như được... cấp giấy chứng nhận thơ là thơ rồi. Đến nhà thơ
chuyên nghiệp được in thơ ở đấy vẫn sướng râm ran cả tháng nữa là.
Nhưng tôi nhớ một chi tiết, là một hôm
xem trên facebook của một "phây nhân" Bến Tre, thấy đưa tin một hội
viên Hội Văn học Nghệ thuật Bến Tre bị bệnh, lên Sài Gòn chữa. Ông Hạo này, khi
ấy đã là bí thư, từ Bến Tre lên Sài Gòn, vào bệnh viện thăm anh này. Tôi có còm
vào trang ấy, rằng có lẽ đây là bí thư duy nhất của cả nước làm việc này. Anh bệnh
nhân này chỉ là hội viên bình thường.
Hôm khai mạc trại, được chỉ định phát
biểu, thấy anh Hạo ngồi dưới, tôi kể chuyện này, bởi tôi vẫn khẳng định, cái
hành động nhân văn ấy nó chưa nhiều ở nước ta, và việc ấy nó hết sức tự thân chứ
chả màu mè gì?...
Bến Tre là vùng đất rất lạ, nó gồm mấy
cái cồn, trước để đến đây chỉ có một con đường là qua phà Rạch Miễu, nối từ Mỹ
Tho sang. Giờ có cầu, nhoáng cái đã thấy Bến Tre lù lù trước mặt. Và nhờ thế mà
nó tạo nên một tính cách Bến Tre. Ngoài cụ Đồ Chiểu nổi tiếng, thì nó là nơi
sinh ra Đồng khởi 1960, nó sinh ra chị Ba Định lừng danh một thuở, vị nữ tướng
đầu tiên của quân đội nhân dân Việt Nam, và hiện nay cũng đang kỷ lục, là vị nữ
chủ tịch quốc hội đương nhiệm cũng là người Bến Tre. Chưa hết, nghe nói nếu
tính số tướng lĩnh trên đầu dân thì Bến Tre cũng đóng góp nhiều nhất trong cả
nước.
Và té ra ở đây là nơi mở đầu con đường
Hồ Chí Minh trên biển huyền thoại một thời.
Tôi nhớ hồi bé tí có đọc một cuốn sách
về cuộc đời chị Ba Định, biết chị đi ghe bầu ra Bắc xin vũ khí, nhưng không
nghĩ chị đi từ đất Bến Tre này. Sau đấy thì nghe bao nhiêu chuyện, như huyền
thoại, về những chuyến đi của "đoàn tàu không số", và thì ra, đích đến
của những chuyến hải trình ấy là đất này và Cà Mau.
Ở huyện Thạnh Phú bây giờ, cái bến tàu
không số một thời ấy vẫn còn.
Chúng tôi đã đến đấy, thăm cán bộ chiến
sĩ đồn Biên phòng Cổ Chiên, thăm cái di tích lịch sử thấm đẫm huyền thoại của
cuộc kháng chiến cũng huyền thoại ấy. Đấy là xã Thạnh Hải, nơi tiếp nhận các
đoàn tàu không số, nơi vẫn còn một thủy thủ đoàn tàu không số ấy đương sống hiền
lành ở đấy. Toàn huyện Thạnh Phú này giờ đã được chính phủ công nhận là an toàn
khu. Rất may là huyện này giờ du lịch phát triển rất mạnh. Người ta thống kê cứ
một người dân có 3 khách du lịch. Con số như thế là rất ổn, một anh bạn am hiểu
du lịch ghé tai tôi nói. Cái nghĩa trang Hồi Cỏ ở huyện này đa phần là lính miền
Bắc giờ vĩnh viễn nằm đấy.
Một chiều mưa lút thút, chúng tôi đến
thăm ông Ba Bá.
Lại cũng một kỳ nhân Bến Tre.
Đã đành là xứ dừa thì người ta tận
dụng hết những gì của dừa để phục vụ đời sống. Hồi trước 75, tôi chỉ biết có 2
xứ nhiều dừa. Một là Hoằng Hóa của xứ Thanh nơi tôi sống. Hồi ấy bất cứ ai phàm
đã qua xứ Thanh là đều mua dừa. Những quả dừa to lủng lẳng từng chùm trên những
cây dừa cao vút. Và thứ 2 là... Tam Quan, qua bài thơ học cấp 1 của nhà thơ quê
Bình Định Phạm Hổ: Quê em ở Tam Quan/
Giữa miền Nam ruột thịt/ Quê em dù xa tít/ Em vẫn
nhớ vẫn thương/ Nằm sát ở ven đường/ Rừng dừa ngủ dưới nắng/ Thân cây dừa mọc
thẳng/ Hắt bóng xuống bên đường/ Cơm dừa trắng và ngon/ Xa bao năm vẫn nhớ/ Em
nhớ gian nhà nhỏ/ Sáng ngọn đèn dầu dừa...
Sau này thì té
ra, so với Bến Tre, cả 2 xứ dừa huyền thoại một thời kia chưa là cái... đinh
gì?
Các xứ kia đa
phần người người ta mới khai thác quả. Bến Tre không chừa một thứ gì, tuốt tuồn
tuột thành sản phẩm. Và quả không chỉ để... uống nước. Nên mới có chuyện mấy
nhà văn xứ Bắc vào dự trại vào quán cà phê gọi... nước dừa, và đa phần là không
có, trong khi tất cả các xứ khác đều có dừa tươi trong quán. Kẹo dừa bánh dừa,
dừa sấy dừa ướp cho đến đũa dừa ấm tích dừa, đồng hồ dừa mỹ phẩm dừa vân vân,
có hết.
Và ông Ba Bá thì
làm đàn từ gỗ dừa.
Làm đàn bằng dừa
để bán như món quà lưu niệm thì dễ, nhiều người làm được. Nhưng ông Bá làm đàn
để chơi, sử dụng được như đàn làm bằng mọi vật liệu khác. Và không chỉ đàn dân
tộc, mà cả đàn hiện đại như ghi ta, măng đô lin, vĩ cầm... Tất nhiên, những chỗ
cần tạo âm chuẩn thì ông dùng gỗ khác, thông Canada chẳng hạn, chủ yếu ở mặt
đàn.
Hiện ông làm được
khoảng mười bốn mười lăm loại đàn.
Như thế thì
cũng... kinh rồi.
Nhưng chưa, ông
còn sử dụng được tất cả các loại đàn ông làm, như một nghệ sĩ thứ thiệt. Tất
nhiên, xòe bàn tay khô khỏng ra, ông nói, tay người chơi đàn phải giữ như
giữ... con ngươi mắt, tay tôi suốt ngày gọt đẽo bào chặt các loại nên chơi đàn
nó cứng lắm.
Nhưng ông yêu
đàn, yêu dừa một cách kỳ lạ.
Không có lương
hưu vì... bỏ ngang việc (ông đi bộ đội từ năm 1959, tới năm 79, đúng 20 năm,
thì nghỉ), giờ ông hưởng lương thương binh, đâu như hơn hai triệu một tháng.
Ông ở một mình trong căn nhà mỗi chiều tròm trèm 4 mét, cách một khoảng vườn
đầy cỏ là cái xưởng của ông. Đấy là nơi ông làm đàn. Hết tiền thì sao anh Ba? À
hết thì tôi lại đi đánh đàn ở các đám tiệc, dăm bữa có tiền lại về làm đàn.
Miền Tây, các đám tiệc, các điểm du lịch... đều có những nghệ sĩ đánh đàn, cho
thực khách hát, tuốt luốt các loại, từ ca cổ tới tân nhạc. Những nhạc công phải
là người cực nhạy, nhanh để... chiều tất cả các loại nhạc, các loại giọng. Nhớ
lần nhạc sĩ Trần Hoàn còn sống, tôi đi với ông xuống Cần Thơ. Thành phố tiếp
cơm, và tất nhiên không thể thiếu món ca cuối bữa. Tất cả các cán bộ chủ chốt
đều cầm mic ca rất mùi khiến ông Trần Hoàn bảo: Bay mà không làm lãnh đạo thì
đều là ca sĩ xịn hết làm mấy anh kia sướng, càng tranh nhau trổ tài.
Và té ra dừa nó
cũng như... người, là nó khác nhau, từng cây khác nhau, từng vùng khác nhau.
Ông Ba có tài xem dừa, nhìn cây dừa là biết nó sẽ kêu như thế nào, tức nói một
cách văn hoa thì từng cây dừa có đời sống khác nhau, tâm hồn khác nhau... chứ
không phải là vô hồn, vô thức và tăm tắp như... dừa. Cây dừa già quá 80 tuổi,
non dưới 60 tuổi thì không làm đàn được, gỗ màu đen không đẹp. Trong độ tuổi ấy
thì nó màu vàng, lên nước rất đẹp. Đến xưởng chọnrRồi đặt người ta xẻ, làm
thành tấm, chuyển về. Như đã nói, có những phần ông phải dùng gỗ chuyên dụng
cho đàn. Ấy là có mấy bạn trẻ nhưng là chủ những xưởng làm đàn lớn ở Sài Gòn,
nghe tin ông làm đàn bằng gỗ dừa, bèn phóng xe máy xuống xem, rồi vì liên tài
mà kết thân. Chính mấy ông chủ này là nơi cung cấp gỗ thông Canada và ngô đồng
cho ông, chứ trước đấy ông chỉ dùng gỗ cây Goao. Thực ra những loại gỗ này
chiếm rất ít trong tỉ lệ gỗ làm đàn nhưng phải có bởi không thì tiếng đàn không
chuẩn. Hỏi ông thế có trả tiền gỗ cho các bạn kia không? Ông cười tiền đâu mà
trả, nhưng tôi biếu họ lại bưởi và dừa trong vườn nhà.
Tôi phì cười với
lý do suốt ngày ông ngồi làm đàn "Tới nhà bạn bè thì nó phải... tiếp, vậy
thôi ở nhà làm đàn". Tất nhiên ông có thuận lợi rất lớn nữa là trước đấy
đã học nghề điện tử nên các thứ thuộc về âm thanh với tăng âm ông khá rành.
Trong nhà giờ vừa treo vừa bày hàng trăm cây đàn, từ nhỏ như cẳng tay tới lớn
như cái trống, thi thoảng bán một cây lấy tiền mua gỗ và vật tư, còn lại cứ để
đấy.
Phạm Văn Luân
cũng là nhân vật rất đáng chú ý. Tôi quen Luân qua một người chị, chị gửi quà
trung thu cho Luân và anh Phan Văn Mãi, bí thư Bến Tre. Tôi điện thoại và Luân
đến khách sạn lấy, và chính Luân là người thiết kế cho tôi đi một số nơi, trong
đó có xuống nhà ông Ba Bá như vừa kể. Anh chàng này giờ là phó trưởng phòng
nghiên cứu khoa học và quan hệ quốc tế của trường Cao đẳng Bến Tre. Anh chàng
này rất xông xáo, ham việc và yêu việc, có thể gọi là thổ công Bến Tre, ít nhất
là đối với tôi. Tiếc là, vì thời gian nên một số nơi anh giới thiệu, cuối cùng
thì tôi đành chỉ nghe anh kể chứ chưa xuống được, và cảm nhận được tình yêu Bến
Tre cuồng nhiệt của anh. Hôm xuống nhà ông Ba Bá, thấy có mấy cô sinh viên
trường Cao đẳng Bến Tre hệ mầm non đang ở đấy. Té ra các cô bé sắp làm cô giáo
mầm non này xuống thăm và để hỏi ông nghệ nhân này cách làm thế làm để đưa các
nhạc cụ truyền thống vào dạy cho các cháu mẫu giáo. Nói thật là tôi đã rất xúc
động về việc này. Người ta, ngoài giờ học thì đi chơi, thì lướt phây, thì làm
các việc khác, trừ... học. Đây lại lặn lội vừa mưa vừa xa xuống gặp nghệ nhân
để hỏi về việc mà giáo trình không có, và chưa chắc đã áp dụng được, vì quyền
áp dụng vào không phải từ phía các cô bé này. Nhưng ngọn lửa từ thầy Luân đã
truyền sang các bé này. Và không chỉ các bé này, một số sinh viên đã ra trường,
đã có việc làm ổn định, giờ vẫn xắn tay cũng thầy Luân trong một số dự án xã
hội...
Tất cả các đô thị
nổi tiếng trên thế giới đều có sông chảy qua. Thành phố Bến Tre có tới mấy con
sông như thế. Những ngày ở Bến Tre, sáng sáng tôi đi bộ trên bờ kè sông Bến Tre
ngoặt sang sông Hàm Luông ngắm thành phố hết sức thanh bình còn lơ mơ ngủ.
Nhưng không phải lúc nào, chỗ nào nó cũng êm đềm thế. Cách đây gần hai chục
năm, sau một cuộc nhậu tơi bời, chúng tôi thuê một chiếc xuồng máy, tất cả lên
đấy phóng ra ngã ba Hàm Luông. Chiều muộn, giông gió nổi lên đen kịt. Đã cởi
quần áo ra định phóng xuống lấy... oai, nhưng rồi, dẫu đã có rượu, chúng tôi
vẫn tỉnh lại để... quay xuồng về, và nhờ thế mà gần 20 năm sau, tôi trở lại, để
viết những dòng này...
Bến
Tre, Củ Chi tháng 9/2019.
Nghệ nhân Ba Bá |
Thầy Phạm Văn Luân |
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét