Vừa có chuyện ở làng Phú Yên, xã Trường
Minh, huyện Nông Cống, Thanh Hóa bị một nhóm côn đồ đi gần chục xe ô tô tới...
phá cổng làng, bị dân vây cho ôm đầu máu chạy bán sống bán chết.
Bọn này đúng là rất... ngu, chưa hiểu
làng là gì, hay chính xác, một thế hệ như thế đã gần như không biết làng là gì,
nên đã dám đến xúc phạm nơi thiêng liêng nhất của những người dân nông thôn. Mà
Việt Nam ta, từng có tới hơn 90% dân số là nông thôn. Kể cả những người tự xưng
là thành thị, thì nói như một ông thầy hồi dạy tôi đại học: vén quần lên, gãi
kỹ thì vẫn thấy dấu tích nông dân ở những cái vẩy bong ra.
"Phép vua thua lệ làng", tự
ngàn xưa đã thế, giờ, dẫu làng bị rạn nứt nhiều, mở ra rất nhiều từ khi những
lũy tre làng bị phá bỏ, làng vươn lên như phố, rường mối làng lỏng lẻo... nhưng
làng vẫn là... làng.
Làng là một cố kết hết sức chặt chẽ, là
nơi hun đúc và gìn giữ, tiềm ẩn sức mạnh hết sức vô biên, dẫu nhìn qua có vẻ
như hết sức bảo thủ và lỏng lẻo, lạc hậu.
Hãy hình dung những khóm tre với chằng
chịt rễ, nó đan kết với nhau làm thành những tường thành vững chắc, muốn chặt
một cây rất khó, đánh cả cụm càng khó hơn. Những người đốn tre là những thanh
niên khỏe mạnh và thông minh. Chỉ cơ bắp không đốn được tre, và chỉ thông minh
nhưng loẻo khoẻo cũng thế. Phải kết hợp cả 2. Từng có truyền thuyết rằng, muốn
thử con rể, ông bố vợ tương lai thường đưa cho chàng trai ứng thí ấy một con
dao sắc, rồi chỉ một cây tre ở... giữa bụi, bảo chặt giúp bác. Tất tật tài hoa,
khéo léo, sức mạnh, trí thông minh... nó hiện hết ra lúc chàng trai chặt tre
ấy. Làng còn chắc chắn bền vững hơn những bụi tre ấy nhiều, bởi làng có hồn
làng, có trái tim, có những con người. Mà những người dân ở làng ấy, nó bến
quện, nó quấn quýt, nó chằng chéo, nó nhằng nhịt... các mối quan hệ, từ quan hệ
máu thịt gia đình, đến sui gia, thông gia, đến hàng xóm... chả đã có câu
"bán anh em xa mua láng giềng gần" là gì?
Bọn trộm chó chuyên nghiệp và
"thông minh" thường nhắc nhau, đừng dại mà vào làng trộm chó, hãy ra phố
ấy, cả những con phố cụt. Quan hệ phố hết sức lỏng lẻo, nhà ai biết nhà nấy.
Đấy là tôn trọng tự do, là đặc điểm phố, nhưng cũng là điểm yếu của phố.
Làng thì đừng đùa. Vậy nên cái vụ mấy
chục người đi ô tô ngang nhiên đến làng đập cổng làng (chắc là do làng xây thêm
chân đế ở cổng để chặn xe lớn qua làng), rồi bị làng đánh trống ngũ liên báo
động rồi ôm đầu máu thì không có gì là lạ, dẫu làng giờ đa phần chỉ có người
già, trẻ em và phụ nữ sinh đẻ, ốm yếu. Trai tráng, người khỏe mạnh lên phố hết
rồi, góp cho phố một sắc thái làng, làng hóa phố khiến phố vừa đầm ấm vừa nhôm
nhoam.
Trống ngũ liên, làng chỉ dùng trong mấy
việc lớn: lụt (vỡ đê), hỏa hoạn và trộm cướp vào làng. Hôm ấy làng Phú Yên
Thanh Hóa đã phải dùng đến trống ngũ liên, một sự kiện của làng rồi.
Đừng đùa với làng, dẫu làng thời bốn
chấm không, thời kinh tế thị trường và thời làng đang hóa phố. Làng vẫn có sức
hút hết sức kinh khủng để hàng năm những người phố vẫn phải dành ra một cơ số
thời gian để trở về, thậm chí là ùn ùn trở về như dịp tết cổ truyền, và cả ngày
nghỉ lễ 2/9 vừa rồi. Về để tiếp nạp thêm năng lượng, về để tận hưởng những gì
phố không có, về để tự soi lại mình, để thấy mình tồn tại một cách có ích. Về
để thăng hoa, để trong veo kỷ niệm, để phập phồng thức mở với những bờ đê, cỏ
may, hoa xoan, hoa khế, với trăng sao, gió trời, với thăng trầm lịch sử nước
Việt, với những ký ức tuyệt vời truyền đời này sang đời khác, lớp lớp tầng tầng
trầm tích văn hóa và cả những bí mật muôn đời không giải mã được nhưng nó làm
nên sự bất tử của làng...
Suy ra, nước cũng vậy, dẫu nước so với
làng, sự lỏng lẻo bởi nhiều lý do, lớn hơn rất nhiều, nhưng nước (tổ quốc) vẫn
là những gì thiêng liêng nhất đối với mỗi con dân đất Việt...
(Bài đã đăng báo, đơn giản là, chỉ mang về trang nhà để lưu)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét