Chủ Nhật, 2 tháng 6, 2019

LỢN NUÔI NHÀ VĂN



          Mấy hôm nay báo chí liên tục đưa tin dịch lợn trên cả nước, hàng triệu con lợn đã bị chết. Nhiều gia đình lâm vào cảnh trắng tay, nhiều món nợ chồng chất, nhiều nước mắt nhiều lo toan...

          Vụt nhớ một thời, toàn dân nuôi lợn.

          Đầu tiên là giai thoại ông Văn Như Cương nuôi lợn. Ông thầy dạy toán này nổi tiếng vì nhiều nhẽ, thứ nhất là giỏi toán, tất nhiên, hàm chính thức là phó giáo sư tiến sĩ toán, nhưng đa phần người ta cứ giới thiệu ông là giáo sư dù ông liên tục cải chính. Thứ nữa là ông có bộ râu rất đẹp. Và nữa là có nhiều... giai thoại, trong đó có giai thoại... nuôi lợn.

          Người ta kể rằng, như mọi gia đình Việt Nam thời bao cấp, bất cứ chỗ nào có thể quây lại được là để... nuôi lợn, bất cứ chỗ nào có thể cắm rễ được là người ta trồng khoai cho lợn ăn, ông Văn Như Cương ở tầng trên của một khu tập thể, và cái toilet kiêm nhà tắm, ông đã biến nó thành nơi... nuôi lợn. Một hôm chính quyền đến phạt vì tội phân lợn làm ô uế môi trường chung, trong quyết định ghi "phạt ông Văn Như Cương nuôi lợn trong nhà tắm". Ông vui vẻ đóng phạt nhưng đề nghị sửa lại thành: "Lợn nuôi Văn Như Cương trong nhà tắm". Có lần tôi hỏi ông về giai thoại này, thấy ông cứ cười cười mà không trả lời. Thì giai thoại mà, gật hay lắc nó chả còn là giai thoại nữa.

          Nhưng có một sự thật mà không hề là giai thoại, ấy là thời ấy, toàn dân nuôi lợn. Nông dân nuôi, đã đành, tất nhiên mà. Cán bộ công nhân viên nuôi, bộ đội công an cũng nuôi. Ai không nuôi bị đánh giá là... không chăm chỉ, không yêu lao động, không chí thú thi đua...

          Tốt nghiệp đại học tôi xung phong lên Pleiku công tác tại Ty văn hóa. Cả cơ quan còn 3 đứa không nuôi lợn, là 3 thằng trí thức độc thân. Còn từ nam tới nữ, từ trẻ tới già, từ độc thân tới gia đình, ai cũng nuôi lợn. Cứ tầm 4 giờ chiều là ai ở cửa chuồng lợn nhà ấy, say sưa ngắm, say sưa nói chuyện với... lợn. Xong ngắm lợn thì quay sang tưới và ngắm rau cho... lợn.

          Chúng tôi bị liệt vào thành phần... chậm tiến vì không chịu tăng gia, tức là trồng rau và nuôi lợn, họp bị mang ra phê bình, hành lên hành xuống. Có hẳn nghị quyết chi đoàn, công đoàn và chi bộ là mỗi người trồng bao nhiêu rau, nuôi bao nhiêu lợn. Hồi ấy cả cái khu cơ quan to oành chỉ có 2 thứ nổi bật, một là nhấp nhô các chuồng lợn, đa phần bằng ván mua chế độ chất đốt về quây thành chuồng, và 2 là xanh mướt giàn su su phía trên, rau lang phía dưới. Tất cả để phục vụ... lợn. Mỗi khi có xe đi công tác xuống huyện là hàng chục cái bao tải được dúi xuống dưới ghế. Khi về lặc lè cám, bắp... thức ăn của thủ trưởng đấy. Người ta gọi lợn là... thủ trưởng. Và cũng truyền nhau câu sấm: Con có thể ốm nhưng lợn không được ốm. Con có thể đói nhưng lợn không được đói. Con có thể không tắm nhưng lợn phải được tắm hàng ngày (hồi ấy Pleiku rất hiếm nước, cả khu tập thể chung nhau một cái giếng sâu 40 mét)...

          Rồi tôi... lấy vợ. Vừa xong tuần trăng mật là cởi trần ra làm chuồng lợn. Nhờ mấy thằng bạn (mà sau này đến mấy đứa thành... nhà thơ), cùng xúm vào làm. Chưa có kinh nghiệm, nên cũng đi mua củi từ phiếu chất đốt, về lấy ván đóng xung quanh, nền tráng xi măng, mua con lợn tháu thả vào (nhà nghèo thường mua cả cặp hoặc 2 cặp lợn con chừng 7 đến 10 cân một con rồi nuôi, tôi nghe thiên hạ xui là vừa cưới đang có tiền, mua lợn tháu nuôi nhanh hơn), chỉ một buổi là nó phá tan cái chuồng. Ván xung quanh nó lần lượt gỡ từng miếng như ta rút cót vách làm đóm ấy, nền thì sau vài cú sục nó biến thành ruộng luôn. Chưa kể, đổ cám vào nó cúi xuống xong lại ngẩng lên ngay chứ không chịu ăn. Ngửa mặt lên và kêu là sở trường của con lợn quyền quý này.

          Thế mà rồi tôi cũng có thâm niên tới chục năm nuôi lợn, đa phần là lỗ, nhưng vợ động viên là, coi như mình bỏ ống, bán lợn mua vàng, cuối năm về thăm ông bà nội lại bán vàng để đi...

          Hầu như bất cứ đâu có tí đất là đều được cuốc lên để trồng khoai. Chỉ lấy rau để cho lợn nên không cần luống, thả cho nó bò. Mùa khô, ai có điều kiện, tức là có nước tưới khoai thì được những người khác thèm thuồng nhìn. Có lần tôi được cử đi công tác cùng bác phó chủ tịch tỉnh. Lên xe đến nhà đón bác thì bác đang trong... chuồng lợn. Bước ra, điếu thuốc rê trên miệng, cúi xuống thả ống quần, kêu bác gái đưa cái cặp, bác bước lên xe. Lái xe lui hui nhét mấy cái bao tải bác gái đưa vào đít xe, tôi phát hiện móng tay bác này vẫn còn dính... phân heo, đen đen. Điều tôi ghen tị với bác này là, nhà bác có nước máy để tưới khoai nên đám rau lang xanh mướt, tốt um.

          Bán lợn cũng là cả một nghệ thuật. Ban đầu là cái cân. Những nhà nuôi nhiều lợn thường sắm riêng một cái cân, lái heo có cân của mình, tất nhiên. Đa phần lái heo dễ dàng chấp nhận cho chủ nhà mượn cân. Lần đầu tiên tôi mới biết cách cân con heo hơn tạ bằng cái cân 1 tạ, ấy là ngoắc 2 cân cùng một lúc. Thời gian bắt là cuộc đấu trí hơn cả hồi các nhà ngoại giao đấu nhau ở hội nghị Paris. Thường lái heo hẹn 10 giờ chiều bắt chẳng hạn, thì non 8h chủ heo bắt đầu cho ăn. Đấy là nồi cám đặc biệt gồm cá, xương heo và... gạo, đúng nghĩa là cháo heo. Ông lợn ăn no kềnh quỵ ngay tại chỗ thở phì phì. Và, 10 giờ không thấy, 11 giờ không thấy, phải 4 giờ lái heo mới xuất hiện, cười hì hì, em phải bắt mấy con ở nhà kia, em phải đi ăn giỗ, vợ em ốm vân vân, thôi giờ anh chị cho ăn đi, chia tay lợn. Huhu, vừa là không chuẩn bị cám, vừa là nó vừa suýt chết vì no như thế, giờ có tôm hùm nó cũng chả húp nổi. Mà mỗi con heo tạ, cái bụng nó lúc no và đói chênh lệch nhau cả trên chục cân, một đống tiền. Bán lợn xong bao giờ ở nhà tôi cũng có một trận nhậu tưng bừng.

          Nhà tập thể, điện bao cấp, nhưng rất yếu, chỉ đỏ như đom đóm, nên điện 220 chúng tôi dùng bóng 110V để thắp. Thế mà nhà nào cũng dùng bếp điện nấu cám lợn. Trước khi đi ngủ bắc nồi cám to oạch lên bếp điện, loại lò xo Liên Xô, rồi cứ kệ đấy, thế mà sáng mai cũng chín. Có người bày chôn một cọc sắt xuống đất rồi kéo dây nguội ra tăng hiệu điện thế, nhà ai cũng làm thế, từ 7 giờ tới 10 giờ đêm, điện cứ tối sầm sầm.

          Con heo nó là cả cơ nghiệp, cả đống tiền, nên ăn heo, ngủ heo, sáng sớm ngủ dậy heo, trước khi đi ngủ heo, nhậu cũng nói chuyện heo mà cà phê nước trà cũng heo. Nhà ai có heo ốm là cả cơ quan biết, chia buồn rồi tới thăm như... con ốm. Mà con ốm có khi còn không được thăm kỹ như thế. Đang làm việc mà có ai mách ở đâu bán cám hạ giá là cả cơ quan rùng rùng... chạy. Rất nhiều nhân viên có gia đình dưới huyện trở thành người cung cấp cám cho thủ trưởng nuôi lợn. Cũng có hôm nửa đêm thấy oành oành ở nhà hàng xóm. Tất tả chạy sang can, thì ra là cũng vì... lợn. Vợ nói mua lúa về xay lấy cám cho rẻ, gạo người ăn. Chồng nói mua bắp, có mối bắp ở huyện rẻ. Thế là... oánh nhau.

          Các bà vợ đi chợ, vào hàng cá nhưng không phải mua cho người mà mua cho... lợn. Có loại cá chỉ bán để nấu cho lợn, có xác mắm, có nước rửa cá... tùy, "yêu" lợn đến đâu cứ nhìn cách mua cá là biết.

          Chúng tôi chơi với nhau một nhóm 3 đứa, một giáo viên dạy toán cấp 3, một kỹ sư chăn nuôi ở Ty nông lâm và tôi khi ấy là cán bộ ty Văn hóa. Chiều chiều đi... hoạn heo lấy tiền uống rượu. Ông kỹ sư chăn nuôi là chính, 2 thằng tôi giữ chân vật lợn. "Gánh" hoạn lợn chúng tôi đắt hàng bởi làm khoa học và kỹ, có thuốc sát trùng, có khâu bằng chỉ tự hủy, thậm chí kêu to quá thì có thuốc tê nữa, chứ các ông hoạn dạo thì chỉ nhọ nồi là xong. Năm nào đấy nhà văn Đỗ Tiến Thụy mang chuyện này ra kể trên báo. Giờ cả 3 ông đều thành nhà văn, là tôi, Hương Đình và Phạm Đức Long. Ơ, thế là lợn nuôi nên nhà văn chứ còn gì nữa...

3 thằng hoạn lợn ngày nào, ảnh này cũng cũ rồi, có cái ảnh mới chụp 3 thằng cà phê như tìm chưa ra.
A, Đây rồi




                                                              


4 nhận xét:

Phạm Đức Long nói...

Bao nhiêu ký ức. Hay lắm bác

Unknown nói...

" Khốn nạn thân ông, đéo mẹ cha nó!"

Nặc danh nói...

"Khốn nạ thân ông, đéo mẹ cha nó!"

minhlam2591@gmail.com nói...

Con heo ốm khác con lợn ốm
Con heo ốm là con lợn gầy
Con lợn ốm là con heo bị bịnh (bệnh)
Con heo biết đóng phim còn con lợn thì không nhé hehe