Chủ Nhật, 18 tháng 2, 2018

NỒI ĐỒNG NẤU ỐC NỒI ĐẤT NẤU ẾCH



Tết kể lại chuyện… nồi ngày xưa dù bây giờ tết ít gắn với nồi nữa. Xưa là ăn tết, mà muốn có ăn thì phải có… nồi. Giờ là chơi tết, ăn uống qua loa, ăn càng đơn giản càng tốt, có khi mấy ngày không đụng đến nồi. Mà nồi bây giờ cũng khác xưa rất nhiều. Nhưng lại cũng không hẳn, quê tôi, ở Huế ấy, sáng nào cũng phải nổi lửa làm cơm cúng, trừ mùng 1 cúng bánh chay, còn lại hôm nào cũng nghi ngút cỗ, dâng các cụ xơi xong thì con cháu mới… đi chơi.


Hồi nhỏ tôi nhớ, cứ sau ngày ông Công ông Táo là người người nhà nhà lại mang đồ đồng ra đánh. Đánh cho sáng chứ không phải cho trắng. Người ta dùng tro trộn với trấu để đánh.  Giờ thì có máy, chở ra tiệm họ cho máy quay một lúc là OK.

Tất nhiên ưu tiên số một là lư hương và đồ đồng trên bàn thờ. Sau đấy, tiện thể thì các loại nồi đồng được nhớ đến.

Nồi đồng thuở ấy, nó không chỉ là đồ dùng để nấu, mà nó là đẳng cấp, là minh chứng của sự sang, sự giàu có.

Bên cạnh nồi đồng, nối đất cũng được sắm thêm. Tết nông thôn miền Bắc thường có món cá kho, và cá kho thì không gì có thể ngon hơn là kho bằng nồi đất. Ngay cả nướng cá, món nướng úp trong nồi đất thì cũng là loại danh bất hư truyền, trên đời không thể có kiểu nướng nào dám qua mặt. Nướng mà như không nướng, bởi nó không trực tiếp với lửa, nhưng nó lại vẫn là nướng, bởi nó phải dùng lửa, và con cá, miếng cá thì vừa khô vừa thơm vừa… đủ vị nướng. Người ta trải một lớp rơm dầy, rồi đặt cá lên, cá nhỏ thì nguyên con, cá lớn thì cắt khúc, xong úp cái nồi đất lên, cho kín hết cá, rồi đổ trấu đốt cho âm ủ suốt đêm, sáng mai nhấc nồi ra thì cá chín.

Nhớ lần nào đấy ra Hà Nội, gặp nhà văn Hoàng Việt Hằng, chị túm tay bảo: Về nhà chị, chị nấu cơm nồi gang cho ăn. Sững người, ôi giời nồi gang, thứ nồi thần thánh một thời, cả cơm cả cháy đều ngon. Điều khiến hết sức ngạc nhiên nữa, là giữa Hà Nội thế kỷ 21 vẫn có một bà nhà văn nấu cơm bằng nồi gang.Rất thích, nhưng lúc ấy bạn đang hẹn đi uống bia, nên từ chối chị. Và đến giờ cũng chưa đến nhà chị ăn cơm nấu nồi gang được.

Lại một hôm thấy ông Nguyễn Văn Du, người Huế rặt, giám đốc đài Truyền hình Huế đăng 2 "vật lạ" lên facebook, một là cái xe đò Anlo - Sia, tức là xe đò An Lỗ - Sịa, tuyến xe về nhà tôi hồi trước 1975. Đấy là cái xe rất cổ ghế ngồi dọc thân xe, hình như là xe của Pháp, có thời được cải tạo để chạy bằng than nữa.Và 2 là cái nồi nhôm dày mà tôi tưởng là nồi gang nên vào comment tán về cơm cháy nồi gang, ông ấy phải giải thích là Huế tiến thẳng từ nồi đất nồi đồng lên nồi nhôm, bỏ qua giai đoạn nồi gang, mới sực nhớ đúng là từng có một loại nồi nhôm rất dày và to để nấu cơm cho cả làng ăn, và nấu bánh chưng, bánh tét khi tết về. 

Vàtôi vụt nhớ hồi nhỏ.

Theo cơ quan của mẹ sơ tán về một cái làng bên bờ sông Mã của tỉnh Thanh Hóa. Làng toàn xài nồi đất. Nấu cơm nồi đất, kho cá nồi đất, nấu canh nồi đất, gánh nước đựng nước cũng nồi đất, đến đựng nước giải (tiểu) cũng nồi đất, vùng ấy gọi cái nồi hông hoặc nồi vồm.

Nồi đất muốn bền và ngon, kinh nghiệm là khi mua về phải dùng lá khoai lang chà xát rất kỹ, rồi ngâm nước, rồi luộc các kiểu đến mấy lượt. Cơm nồi đất ngon thôi rồi, kho cá cũng... không bàn cãi. Hôm nọ tôi vào cửa hàng điện máy, thấy cái nồi kho cá bằng đất cắm điện, mua ngay, xong về mua cá mương cá mán, cá lòng tong, giờ gọi chung là cá trắng, khế nữa, ngon nhất là cà muối, hơi khú, bổ đôi ra, kho lẫn với cá ấy. Chết cơm luôn. Nhưng tức cái, nó là nồi... Trung Quốc nhập lậu. Bèn chữa bằng cách vất phần điện đi, chỉ dùng cái nồi, đặt trên bếp ga, tốn... nửa bình ga 12 cân thì xong nồi cá kho, chết lịm mọi nhẽ luôn.

Làng mà nhà tôi sơ tán hồi ấy có cô gái làng bên về lấy chồng. Làng ấy gái rất đẹp nhưng vụng hơn làng này. Thực ra là văn minh hơn, họ nấu nồi đồng rồi chứ không nồi đất nữa nên khi không biết nấu nồi đất bằng rơm bị chê là vụng. Bà mẹ chồng ác, chơi khăm con dâu. Hôm ấy bà thửa được cái pín bò bị tàu hỏa tông chết. Hồi ấy cái ấy chưa quý như bây giờ, có khi còn vất đi, chứ giờ đấy là món đặc sản, muốn ăn phải đặt trước mới có, và đắt hơn… Viagra. Mang về bảo con dâu luộc cho bố với chồng uống rượu. Con dâu khoanh nó vào nồi đất rồi chổng mông thổi lửa rơm cho cháy to cho nhanh chín. Ông pín kia gặp nóng duỗi thẳng ra, cứng ngắc. Bụp phát, nước tràn xuống tắt bếp. Cô con dâu dụi mắt nhìn kỹ mới biết ông pín bò đâm thủng cái nồi đất, vươn ra ngoài như... trêu ngươi. Lật đật cô lấy cái nồi đồng hồi môn gia đình cho hồi cưới, cố khoanh nó vào luộc tiếp. Ai nhớ cái nồi đồng đều biết, dưới đít nó to. Khoanh nhỏ dần, đến miệng bé hẳn. Ông pín khoanh tròn rồi... cứng ngắc trong ấy, phải bao nhiêu người hiến kế mới mang ông ấy ra được. Hồi ấy nhà nghèo, nên không nhiều phương tiện như bây giờ, nên đừng nghĩ nhoáy phát là xong nhé...

Tôi nhớ, cơm nồi đồng cũng ngon. Tôi thuộc loại khéo tay, mẹ dạy cho nấu ăn từ nhỏ để tự lập khi mẹ phải đi cống tác thường xuyên, thế mà cũng phải tập mãi mới biết nấu cơm bằng rơm nồi đồng. Cơm cạn thì vùi nồi bên cạnh để bếp nấu món khác, làm một cái nùi rơm quấn xung quanh, thi thoảng phải "vần" nồi, tức là xoay nó về phía lửa. Nấu rơm mà không biết nấu là thôi rồi… lửa ơi ngay, nó tắt liên tục hoặc bùng lên liên tục, lông mày lông mi lông tay lông... các loại khét lẹt hết. Cơm nồi đồng ngon nhất là ở chỗ hông nồi, cái chỗ phình ra to nhất ấy, nhưng lấy được cháy ở đấy cho nó nguyên miếng nguyên khoanh cũng không phải cô con dâu nào cũng làm được. Cũng như thế, nấu cơm nồi đồng khó nhất là ghế cơm, cứ hình dung cái nồi thì biết ghế nó khó thế nào, mà lửa rơm lại phừng phực.    Lại nhớ câu các cụ hay ngân nga: Thương thay hạt hạo tám xoan/ Nấu nồi đồng điếu lại chan nước cà… Muốn nấu rơm thì phải có cái ống thổi lửa. Đơn giản nhất là cái ống nứa cưa ngắn, có nhà kỳ khu chạm trổ cái ống thổi lửa, có nhà làm bằng đồng, bằng nhôm. Tóm lại nó là thứ không thể thiếu để có thể nấu bếp rơm với 3 ông Táo, chính xác là một ông hai bà. Gặp người sứt môi hay mất răng cửa mà thổi lửa, cười thôi rồi…

Và vì vần thế nên bao giờ lớp trên cùng của cơm nồi đồng cũng dính tro bếp. Thường thì lớp cơm trên cùng ấy được hớt để cho chó mèo xơi. Nhưng cũng có nhà khó, con dâu phải xơi phần cơm này. Cô con dâu chủ nhà tôi ở, có hôm ngồi đầu nồi liên tục xới cơm. Bố chồng và 5 thằng em trai cởi trần trùng trục ăn thùng bất chi thình, liên tục đưa bát cho chị xới, cứ vừa đưa bát cơm lên miệng lại có cái bát chìa vào. Thế là òa khóc. Bà mẹ chồng bảo: khóc gì, có bà nội đây (mẹ chồng của mẹ chồng), ngày xưa nhà bà nội còn 11 ông con trai nữa kìa… Nên xung quanh chuyện đưa bát xới cơm cũng khối chuyện hay…

Những đêm trăng nông thôn vằng vặc, trải cái nong của nhà chủ ra sân, nằm ngửa ngắm... sao, đọc một ông sao sáng hai ông sáng sao... rồi đố nhau nói thật nhanh: Nồi đồng nấu ốc nồi đất nấu ếch..., chỉ được vài vòng là “nỗn nận” ngay...

Nhớ không rõ, nhưng nấu canh khế với cá vào nồi đồng là bị xanh ngay. Cũng nhớ không rõ, hình như cái nồi đồng ấy không có vung, hoặc có rất ít, nên cái vung nồi đồng lại là của… nồi đất, bằng đất. Và có lẽ đấy là lý do mà tro bếp hay vào được nồi cơm. Cái vung ấy nó không khít, mà trùm ra ngoài miệng nồi.

Rồi còn những người chuyên làm nghề... vá nồi. Nồi thủng cứ chất đống lại đấy, chờ ông ấy đến. Các ông thợ này cứ quảy gánh đi từng làng, có khi đi cả nửa năm mới quay về nhà mấy ngày, nộp tiền cho vợ, rồi lại đi. Miếng nhôm hay đồng gì đấy, ông ấy cắt chân rết, gá vào rồi gõ gõ một hồi, kiểu như tán rive ấy, rồi nhà chủ nghiệm thu bằng cách lấy nước đổ vào, lắc đi lắc lại mấy lần, không thấy chảy thì trả tiền. Thường thì ông ấy đi chừng tháng hoặc vài tháng thì chảy, lại ông khác xuất hiện, chứ ông cũ mà quay lại là bị tẩy chay ngay. Nhưng lại cũng có người bảo, nhà các bà góa mà còn mặn nước ấy, hay bị… hỏng lại. Cũng như đóng cối xay ấy, nhà đầy đủ, đông người, các ông ấy đóng đâu ra đấy, nhà các bà góa, đóng rất sơ sài, để… có dịp quay lại. Các ông bà ngày xưa cũng… ma mãnh lắm, cũng tùy cơ ứng biến lắm. Chưa có nhà nghỉ nhà nghiếc như bây giờ, nhưng thợ phó cối đến đóng thì được ở trong nhà, ăn cơm với chủ, xong mới đi… Vá nồi xong bao giờ các ông thợ cũng dùng lá khoai lang xát rất kỹ. Chả hiểu sao mà lá khoai lang lại hợp với cả nồi đất lẫn nồi đồng?

Tết kể lại chuyện… nồi ngày xưa dù bây giờ tết ít gắn với nồi nữa. Xưa là ăn tết, mà muốn có ăn thì phải có… nồi. Giờ là chơi tết, ăn uống qua loa, ăn càng đơn giản càng tốt, có khi mấy ngày không đụng đến nồi. Mà nồi bây giờ cũng khác xưa rất nhiều. Nhưng lại cũng không hẳn, quê tôi, ở Huế ấy, sáng nào cũng phải nổi lửa làm cơm cúng, trừ mùng 1 cúng bánh chay, còn lại hôm nào cũng nghi ngút cỗ, dâng các cụ xơi xong thì con cháu mới… đi chơi.





6 nhận xét:

bachcuc nói...

Tài thiệt!

Unknown nói...

KHO NỒI CÁ MÀ TỐN 1/2 BÌNH GA 12 KG THÌ CẢ CÁI NỒI ĐẤT LẪN CÁ CỦA ÔNG NHÀ VĂN NHÀ BÁO NỬA BẮC NỬA NAM NÓ CHÍN THÀNH GẠCH BÁT TRÀNG LUÔN ,NÓI PHÉT CŨNG VỪA PHẢI THÔI

Unknown nói...

KHO NỒI CÁ MÀ TỐN 1/2 BÌNH GA 12 KG THÌ CẢ CÁI NỒI ĐẤT LẪN CÁ CỦA ÔNG NHÀ VĂN NHÀ BÁO NỬA BẮC NỬA NAM NÓ CHÍN THÀNH GẠCH BÁT TRÀNG LUÔN ,NÓI PHÉT CŨNG VỪA PHẢI THÔI

TNC nói...

Hay bác ạ.

Nặc danh nói...

Tết mà đọc loạt bài này cũng sướng!

Văn Công Hùng nói...

@cuong hoang: Chán nhất là người đọc mà không có tính umua, đọc mà không thấm được các dấu biểu cảm.