Thứ Sáu, 2 tháng 2, 2018

ĐẠO VĂN, KHÔNG CŨ CŨNG CHẢ MỚI




Một lần nữa, làng văn lại dậy sóng với một nghi án đạo văn.

Ấy là việc một nữ “nhà thơ” ở Thành phố Hồ Chí Minh có một bài thơ giống hệt bài thơ của một tác giả nữ khác, ra đời trước đấy. Trước đấy mấy hôm cũng chị này bị nghi đạo ý tưởng của một nhà thơ khác, nhưng không cụ thể nên còn lấp lửng lơ được, và sau đấy thì nảy ra vụ thứ 2 thì không thể bào chữa được nữa. Sau đấy, lãnh đạo hội nhà văn TP HCM lên tiếng và kết luận, cả 2 bài trên đều là…có hiện tượng đạo.

Chuyện “cầm nhầm” chữ, nhầm tác phẩm văn học nghệ thuật của nhau lâu nay trên thế giới và ở nước ta không phải là chuyện “xưa nay hiếm”.

Và nó bị lên án, bị “tổng xỉ vả” rất là nặng nề, dù rằng, “thành quả thu hoạch” nhiều khi chả đáng là bao, có “vài chữ ấy mà”, thậm chí vài trăm chữ, so với của cải xã hội bị thất thoát thì đúng là chả thấm béo gì?

Thế nhưng tại sao chửi thì mặc chửi, lên án thì mặc lên án, người ta vẫn thích đạo.
Có thể có nhiều cách giải thích.

Thứ nhất là... bệnh. Có người bị bệnh ăn cắp, gọi lịch sự là “cầm nhầm”. Loại này thì không chỉ giới chữ nghĩa cầm nhầm, mà giới nào giai tầng nào cũng có. Nên mới có chuyện những người rất nổi tiếng, ở những vị trí rất nhạy cảm, khi ra nước ngoài đã “cầm nhầm” những thứ mà nếu so với sự giàu có của họ nó hết sức là nhỏ bé tầm thường, nhưng họ vẫn làm, để rồi lãnh những hậu quả hết sức nặng nề. Năm nào đó một nữ giáo viên ở một tỉnh cóp nguyên bài thơ “Viên xúc xắc mùa thu” của nhà thơ Hoàng Nhuận Cầm đăng trên tờ báo tết. Khi bị phát hiện, thay vì xấu hổ xin lỗi thì chị này quay lại công kích những người phát hiện ra việc làm tồi tệ ấy, và cao giọng rằng, bài thơ chứ là gì đâu mà ồn ĩ thế. Lạ là, chị này ăn cắp thơ nhưng lại không ký tên mình mà lại ký bút danh.

Thứ hai là háo danh. Đây là bệnh chính của đa phần những người đạo văn.

Khổ thân, về mặt nào đấy, một tác phẩm văn chương nghệ thuật hết sức nhỏ nhoi bình lặng giữa một mênh mông rừng tác phẩm, nên đạo nó để lên danh rõ là chả có ý nghĩa gì. Nhưng, biết giải thích thế nào khi người ta vẫn làm. Té ra văn chương nghệ thuật nó có sự tán xạ riêng. Những người sáng tác thực sự, đam mê thật sự, có khi cả đời lặng lẽ lao động sáng tạo nhưng cũng chả có tác phẩm nào bật lên để được gọi là “nổi tiếng”, để “vua biết mặt chúa biết tên”, thế nhưng với những kẻ háo danh, điều ấy không đáng để lưu tâm. Có thể ban đầu chỉ là cop một câu thơ để... tán gái. Thơ dở cũng được, cứ cop, gửi cho cô gái nào đấy, nói là anh nhớ em thương em suốt đêm trằn trọc không ngủ, và bèn nặn nỗi nhớ nỗi thương ấy thành thơ để tặng em. Tiến lên, cop cả bài, rồi nhiều bài. Và cứ thế ngon ăn làm tiếp.

Rồi đến một lúc, thành quen. Các cụ xưa dạy “ăn cắp quen tay” là đây. Thấy việc ấy nó dễ quá, mình chả mất gì chỉ có được. Đến một ngày lộ ra, hối không kịp.

Nhưng như thế cũng rất khó lý giải như trường hợp một cô gái ở Đăk Nông. Làm trưởng ban biên tập tờ tạp chí Văn nghệ tỉnh ấy, và cứ thế điềm nhiên lấy tác phẩm của người khác, cả những người rất nổi tiếng, điềm nhiên làm một việc cũng rất... điềm nhiên, là thay tên tác giả bằng tên mình, rồi in trên tạp chí mình làm biên tập. Vấn đề là, khi bị phát hiện, cô này bày ra rất nhiều lý do để biện minh, có những lý do rất buồn cười, là thấy tạp chí của mình hẻo quá, ít người biết quá, làm thế để... tạp chí mình nổi tiếng, có nhiều người đọc. Vấn đề tiếp theo, ấy là sau khi bị phát hiện, ầm ĩ một thời gian, lắng xuống một chút thì cô này lại... tiếp tục. Và tất nhiên lại vẫn cãi chày cãi cối, và vẫn lì lợm xuất hiện ở các diễn đàn văn học nghệ thuật không một chút xấu hổ.

Trước đó không lâu là trường hợp của nhà văn Tống Ngọc Hân. Chị cũng bị một “nhà thơ trẻ” đạo tứ để làm một bài thơ. Ban đầu bạn trẻ xin lỗi, nhưng sau đấy cộng đồng mạng vào… thổi, thế là chị này quay ngoắt… cãi, xóa sạch những lời xin lỗi trước đó. Tống Ngọc Hân làm đơn gửi đến trung tâm bản quyền và tờ báo đã in thơ chị này, lúc ấy bạn trẻ này mới… hết cãi.

Một số trường hợp ở các chuyên ngành khác cũng thế. Như ảnh, như mỹ thuật, trùng ý tưởng, trùng bố cục, thậm chí lấy ảnh người khác vẽ thành tranh vân vân...

Thứ ba là tiền. Nói thật thì nó xấu hổ. Tiền nhuận bút văn chương nghệ thuật rất thấp, rất bèo bọt, nhưng không phải là không có lý do này.

Và đạo văn không chỉ trong... văn.

Nó có trong giáo dục, trong các công trình khoa học, trong cả các báo cáo hàng năm, trong những bài văn mẫu, trong các cuộc thi tập thể khi mà người ta phát động cả những giải thưởng giành cho đơn vị có đông người dự thi nhất, thế là... chép của nhau, hàng chồng bài giống nhau từ một khuôn được gửi lên ban tổ chức để… lấy thành tích...

Có một câu rất hay về đặc thù của văn chương nghệ thuật, ai tặng gì cũng là của mình, mình được quyền sử dụng và sở hữu, trừ văn chương

Tham và hám cái mình không có, nên khổ. Và nhục nữa.

Bài in báo Văn Nghệ Công An Link gốc Ở ĐÂY

1 nhận xét:

Nặc danh nói...

Anh xem cái luận án này, em nghe nói là đạo văn: Giá trị nhân văn trong tư tưởng Hồ Chí Minh về bảo vệ an ninh, trật tự.
Cái này mới bảo vệ.
Lạ là ông Phùng Hữu Phú là chủ tịch Hội đồng chấm cơ sở, và lại cũng chính ông này làm Chủ tịch hội đồng chấm cấp Trường.
Nghe nói đạo đến 70%.
Em sợ trả thù nên không dám để tên thật, mà phả gưi nặc danh. anh thông cảm.