Thứ Bảy, 13 tháng 1, 2018

THÂM TRẦM VĂN TRẺ TÂY NGUYÊN




Tôi mở đầu bài viết này bằng cái tin nóng sốt mới nhận chiều qua: Cô giáo Đào An Duyên, hội viên Hội Văn học Nghệ thuật Gia Lai cùng lúc nhận 2 tin vui ngay những ngày đầu năm 2018: Tập thơ “Ngày đã qua” đạt giải khuyến khích giải thưởng hàng năm của Liên hiệp Văn học Nghệ thuật Việt Nam, và cũng từ hôm qua, cô chính thức là hội viên Hội Văn học Nghệ thuật các dân tộc thiểu số Việt Nam. Và một nhà văn trẻ nữa vừa đủ phiếu trong cuộc họp BCH vừa qua để trở thành Hội viên hội Nhà Văn VN. Vì chưa có thông báo chính thức từ chủ tịch hội nên... chưa nhắc tên (Từng trong BCH nên tôi biết quy định này, chỉ bao giờ thông báo có chữ ký của chủ tịch hội mới được coi là chính thức).

Có sống ở Tây Nguyên mới thấy tin ấy là mừng.

Bởi trên cả nước chứ chả phải riêng tỉnh thành nào, tình hình hoạt động văn học đang có chiều hướng lắng xuống. Người ta không còn sống chết với văn chương như một thời nữa. Tất nhiên không phải đây là điều phải báo động, bởi thời nào có sự thích nghi của thời ấy. Một thế hệ người viết trẻ, thông minh, năng động, làm kinh tế giỏi như... viết văn, và viết văn là không phải cuộc chơi như một thuở các đàn anh đàn chị hay nói, mà có mục đích rõ ràng, không bán được thì cũng để hỗ trợ cho công việc. Rất nhiều người sau một đêm ngủ dậy là thành nhà này nhà kia. Việc in sách ồ ạt cũng là một cách hạ giá văn chương nhanh nhất, dù nó đầy tính tích cực.

Rồi mạng xã hội phát triển ồ ạt. Ai cũng có thể trở thành nhà thơ... phây búc. Cũng phải nói, phây búc có công rất lớn trong việc phát triển văn chương. Như tôi, làm được bài thơ nào, đẩy lên phây búc nghe ngóng khen chê từ bạn đọc, nhiều khi họ giúp mình phát hiện những cái lỗi rất ngớ ngẩn, rồi sau đấy mới chọn lại in tập. Chưa hết, phây búc và mạng xã hội nó giúp rất lớn trong việc người viết và người đọc gặp nhau. Tất nhiên không phải ai cũng tỉnh táo để... thoát ra phây búc, bởi chốn ấy chủ yếu khen nhau, không xinh quá thì hay quá, không tuyệt thì Wao. Thì đến lừa cả dăm mười tỉ đồng qua phây búc còn được thì lừa nhau vài câu khen có khó gì.

Để nói rằng, giữa tất cả những ngổn ngang, ồn ào, giữa những rối rắm rất dễ lạc đường ấy, có những người trẻ vẫn lặng lẽ chí thú với văn chương quả là rất quý.

Cả nước còn rối rắm thế thì Tây Nguyên càng thế.

Cái khó nhất của các tác giả ở tỉnh lẻ, có Tây Nguyên là vấn đề đầu ra. Làm ra tác phẩm nhưng tiêu thụ ở đâu là cả vấn đề. Các thành phố lớn, nhất là Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh còn có phố sách, có những tụ điểm để ra sách. Các tỉnh lẻ, đa phần in xong là để... tặng. Mà tặng có khi cũng... không chạy, tặng miết vẫn ế. Tất nhiên không loại trừ có những tác giả rất năng động, tự bán trên mạng. In xong rồi rao, rồi nhận tiền qua tài khoản rồi đóng gói rồi ra bưu điện gửi, may lắm thì hòa, phần ế để biếu tặng. Coi như in một cuốn sách mà không lỗ là hể hả thắng lợi rồi.

Trong năm tỉnh Tây Nguyên thì Gia Lai lâu nay được mệnh danh là nơi mát tay nhất để các cây bút trẻ xuất hiện và thành danh. Nhớ có năm, hội nghị văn trẻ toàn quốc, nhiều tỉnh chả có ai được mời dự, còn phần đông là chỉ một đến hai người, thì Gia Lai có đến bốn đại biểu, hết sức nghiêm túc chứ không ai được nhân nhượng nâng đỡ gì. Ra hội nghị đều được “vua biết mặt chúa biết tên”, và phần lớn trong số ấy vẫn đang là những cây bút sung sức, đang miệt mài sáng tác.

Ngoài Đào An Duyên tôi nhắc ở đầu bài viết, Gia Lai hiện còn các tác giả đang sung sức, viết đều, công bố đều như Lê Vi Thủy, Lê Thị Kim Sơn, Tạ Ngọc Điệp, Ngô Thanh Vân, Trương Thị Chung, Lữ Hồng... chả hiểu sao các bạn này toàn là nữ và chơi cả hai tay thơ và văn xuôi đều thiện xạ như nhau. Duy nhất một nam nhân còn trẻ viết phê bình đang lên là Hà Công Trường.

Kon Tum mấy năm nay có vẻ mất mùa văn trẻ. Để cẩn thận tôi có điện thoại hỏi nhà thơ Tạ Văn Sĩ, anh ngao ngán: vắng hết, chỉ còn mấy lão già thơ phú với nhau thôi.

Đăk Lăk nơi có nhà văn trẻ Ni Ê Thanh Mai làm phó chủ tịch Hội Văn học Nghệ thuật cũng có mấy gương mặt đáng chú ý là Nguyễn Anh Đào. Cô này ở huyện nhưng viết rất sắc sảo và xông xáo. Thấy cô tung hoành ở rất nhiều báo bằng những truyện ngắn rất dễ thương nhưng cũng sâu sắc. Nó không sa vào lối ngòn ngọt đèm đẹp để in báo, mà là những truyện ngắn thực sự, có văn có chuyện và có vấn đề chứ không phải là thứ kể chuyện dễ dãi. Bên cạnh đấy còn Trần Đăng Khuê, Lâm Hạ, Nguyễn Văn Thiện... Nhưng quả là, để vượt qua địa giới của tỉnh thì còn phải cố gắng nhiều, tất nhiên yếu tố khách quan là không thể không đề cập, bởi không phải dễ gì có tên trên văn đàn nếu không có những điều kiện, từ sự giới thiệu của các nhà văn lớp trên đến sự tự mình quẫy cựa.

Lâm Đồng hiện cũng có một số cây bút đang nổi. Đặc điểm chung là các bạn này phần lớn ở nơi khác đến, như Cát Miên từ Quảng Trị, Trần Hoàng Vũ Nguyên từ Hậu Giang, Lê Hòa từ một tỉnh phía Bắc vân vân.

Tôi có dịp được mời sang Đăk Nông để trao đổi kinh nghiệm viết lách với một lớp sáng tác do hội Văn học Nghệ thuật tỉnh mở. Đây là một cố gắng và thiện chí của các anh chị lãnh đạo ở tỉnh này, nhưng quả là, đa phần trong lớp là các bác các anh lớn tuổi, người trẻ rất ít, và hầu như chưa ai vượt qua được ranh giới tỉnh, chưa qua cái tạp chí Nâm Nung, trừ một nhân vật cũng trẻ, cũng viết, cũng hoạt động văn học nghệ thuật, rất nổi tiếng, nhắc đến tên ai cũng biết, nhưng không phải vì tài văn chương, mà vì chuyên đi lấy tác phẩm của người khác in trên tạp chí văn nghệ của tỉnh để lấy... nhuận bút.

Tôi cũng có may mắn là được chơi với nhiều người viết trẻ. Được một số bạn tin tưởng cho đọc từ đầu những tác phẩm của họ, và thi thoảng cũng rụt rè góp ý với họ vài điều, và được họ lắng nghe. 

Tôi quan niệm trẻ là yếu tố hàng đầu để làm nên một nền văn học. Trẻ đồng nghĩa với sung sức, với mới, với những phát hiện, với sự bung phá, với tươi non câu chữ vân vân, nhưng trẻ còn là sự chuyển tiếp, sự xuất hiện những thế hệ kế tiếp để nền văn học ấy chuyển động một cách không đứt quãng, mang yếu tố liên tục, bền vững.
Tây Nguyên khắc nghiệt về địa hình, về thời tiết khí hậu và cả về phong thủy văn chương. Người làm văn chương ở đấy phải vượt qua nhiều cám dỗ hơn, nhiều khó khăn hơn, những khó khăn do trời, do người và do mình. Mỗi thế hệ có một cách lập ngôn, một giọng điệu, và càng trẻ, càng về sau, độ vang, sự táo bạo, cách tự chủ... càng rõ rệt hơn... Nó được quy định bởi tài năng, sự dấn thân, vào sự chín muồi của thế hệ, của đội ngũ, vào cả sự đào tạo, khách quan và chủ quan, vào ý thức thế hệ và ý thức tự chủ...

            Như thế, nhìn từ góc độ chủ thể sáng tạo, chúng ta vừa có thể hy vọng lại vừa phập phồng chờ đợi. Những cây bút trẻ Tây Nguyên mà tôi biết hôm nay, họ vừa bươn chải kiếm sống vừa đam mê văn chương. Kiếm sống quyết liệt chứ không như thế hệ trước đó co chân ngồi chờ bao cấp. Sự quyết liệt ấy ăn cả vào những trang văn của họ, nhưng cũng đồng nghĩa họ không thể, dù rất muốn, toàn tâm toàn ý cho văn chương. Nếu là người dân tộc thiểu số thì ngoài tư chất nhà văn họ còn phải có một vốn tiếng Việt rất giỏi, có như thế mới chuyển hóa những ý tưởng của họ thành những lung linh ảo hoặc trang văn, thành những số phận, cuộc đời, những khoảnh khắc mưng mở của cảm xúc... Nếu viết bằng tiếng mẹ đẻ thì họ bị cái rào cản xuất bản và người đọc. Còn các nhà văn người Kinh thì chính là cái vốn sống mà họ cần phải có để viết Tây Nguyên cho nó ra Tây Nguyên, nó không bị một thứ Tây Nguyên giả cầy, lơ lớ, Tây Nguyên do họ nghĩ ra chứ không phải như nó vốn có, tất nhiên tôi hiểu, văn chương là trình bày cái mình nghĩ chứ không phải cái mình thấy. Nhưng  trước khi nghĩ, nhà văn phải thấy một cách chính xác đã... Tất cả đều phải cần sự dấn thân, hết mình chứ không thể chỉ là "cuộc chơi".

           Có một thực tế là không khí văn chương tại các địa phương gần đây ngày càng trầm lắng. Theo tôi đơn giản là không liên kết được. Mỗi tỉnh giỏi ra cũng chỉ dăm bảy người viết trẻ, chỉ họ với nhau thì sẽ bị lọt thỏm đi đâu đó giữa ngổn ngang tên tuổi đang nổi trên văn đàn. Phải có sự kiện thì họ mới có điều kiện bộc lộ. Thêm nữa, mỗi vùng đất hình như nó có chu kỳ của nó, bao nhiêu năm đấy thì một thế hệ ra đời. Ngày xưa được in một chùm thơ ở báo Văn Nghệ hoặc Văn Nghệ quân đội là cả làng cả nước xôn xao, giờ, các bạn trẻ được in liên tục, cấm thấy bạn nào vác báo đi khoe, chỉ âm thầm sướng. Tôi là người chịu khó khi thấy ai có tác phẩm in ở đâu lại nhắn một cái tin chúc mừng.

Cái nổi trội là họ yêu văn chương một cách lặng lẽ, không có điều kiện để nổi đình nổi đám, vì thế họ chọn cái da diết sâu xa, cái thâm trầm, họ viết trong sự khó nhọc, lặng lẽ viết mà không biết sẽ để làm gì. Có lẽ nhờ thế mà tác phẩm của họ chậm rãi đến với người đọc, cái gì đã đứng là đứng luôn chứ không bèo bọt nổi trôi. Văn trẻ  Tây Nguyên đang tìm dòng và cách thể hiện với mong muốn về những điều khác biệt, hoặc cách thể hiện hướng dần đến sự khác biệt, với những kỳ vọng khác biệt hơn cộng với sự nhọc nhằn hơn để thể hiện và khẳng định mình. 

Và cũng phải nói thêm điều này, cái gọi là văn chương Tây Nguyên, hay văn trẻ Tây Nguyên hôm nay, cũng là một cách tương đối. Đã qua cái thời “ăn theo” cách nghĩ cách nói của người Tây Nguyên như “cái mày cái tao, ưng cái bụng”, cũng qua cái thời mô tả những điều lạ lẫm, kỳ vĩ, bí hiểm... Bây giờ là một Tây Nguyên từ chính trải nghiệm của người viết. Mà người viết trẻ bây giờ, như đã nói, họ nhìn thế giới hiện thực qua lăng kính hiện đại của họ. Sự liên tưởng so sánh cũng rộng hơn, mới hơn, hiện đại hơn. Cái nhìn cũng khác. Nó vừa hòa đồng vừa khám phá, vừa dẫn dắt vừa nhập cuộc, vừa là khách vừa là chủ. Tất nhiên trong quá trình ấy, không phải lúc nào họ cũng thành công. Có thất bại, có cả sự ngây ngô về nhận thức. Một số bỏ cuộc vì thấy cái đích mông lung qúa, một số ngộ nhận kiêu căng vĩ cuồng, cũng… chết yểu. 

Nhưng vẫn còn rất nhiều người trẻ vẫn lặng lẽ và miệt mài. Văn chương cần những người như họ…

(Hì hì bài nhà cháu in báo Nhân Dân số thứ 7 vừa rồi).







1 nhận xét:

Vũ Xuân Tửu nói...

Tôi thiển nghĩ, muốn thành nhà văn, nhà thơ lớn thì phải sống như một cái cây mọc hoang, thậm chí bị dập vùi. Chăm bẵm quá dễ trở thành cây cảnh.