Thứ Ba, 3 tháng 10, 2017

NỖI NIỀM PHỤ... THU




           Cứ đầu năm học là dư luận xã hội lại xôn xao với các khoản... thu đầu năm. Trăm dâu đổ đầu... hội phụ huynh, năm nay chả hiểu sao hội phụ huynh bị rào rào kết tội, có phụ huynh còn viết thư cho chính phủ kiến nghị giải tán hết các hội phụ huynh. Trên các diễn đàn thì người ta gọi đấy là hội phụ... thu, hội họa sĩ (với nghĩa là... vẽ, vẽ ra các khoản để thu).

           Tôi đã từng tham gia hội phụ huynh thời con gái tôi học cấp 1, tức là khá lâu rồi. Suýt còn bị bầu làm trưởng hội nữa, sau tôi trình bày là đương đi làm, bận lắm, sẽ rất nhiệt tình tham gia trong khả năng có thể. Thế là được phong là... bộ trưởng ngoại giao, ấy là mọi người biết tôi làm nghề báo, quen biết rộng nên... trăm sự nhờ bác.

           Việc đầu tiên là... họp. Và họp chỉ để làm nhõn việc là bàn cách... kiếm tiền. Nhà trường đứng ngoài việc thu quỹ này, nhưng có cung cấp “sơ bộ” một danh sách những việc cần chi. Đọc xong hoa mắt và thương, vì thấy việc nào cũng bức bách cần kíp cả. Nhà vệ sinh ư, sân trường ư, cổng trường ư, nước uống ư, quét dọn ư, bảng chống lóa ư, cây xanh ư, đồng phục ư, quà cho thầy cô 20/11 ư, phần thưởng cho các cháu học giỏi cuối năm ư... nhiều lắm, nhớ không hết.

           Thế thì phải xoay ra tiền thôi. Có 2 nguồn. Một là phụ huynh đóng, khoản này hầu như năm nào cũng có, tất nhiên hình như thời tôi đi học không có. Hoặc có nhưng tôi không biết. Theo tôi biết thì ngân sách chỉ cấp lương và một ít chi khác cho các trường, còn lại thì... trông vào hội phụ huynh.

Nói luôn, là lớp có hội phụ huynh lớp, và trường có hội của trường, và hội gì thì cũng chủ yếu là làm việc... kiếm tiền là chủ yếu. Hội phụ huynh lớp kiếm quỹ và nộp một phần lên hội của trường theo phân bổ tính toán của hội.

Sau khi thống nhất số tiền từng phụ huynh phải đóng, như bây giờ đang giải thích là thu bắt buộc, thu hộ và thu thỏa thuận, thì tôi với tư cách “bộ trưởng ngoại giao” phải ra tay, ấy là dẫn một đoàn đi... xin. Vào các cơ quan, doanh nghiệp xin.

Nói thật là hết sức xấu hổ, nhưng nghĩ, mình có xin cho mình đâu, cho các cháu mà, tương lai của đất nước của dân tộc mà, nên cứ... đùng đùng đùng đoàng đoàng mà gõ cửa. Đi đông nên mỗi người xấu hổ một chút, mình nhẹ bớt nỗi xấu hổ, thậm chí đến lúc quen lại còn thấy... hào hứng nữa!

Cũng may, cú đi xin ấy hanh thông, không bị từ chối hoặc “trốn” như kiểu các “nhà báo” đi mần quảng cáo tết và 21/6 cho các số đặc biệt. Đi đâu chừng 2 chủ nhật thì đủ mức đề ra, tôi xoa tay hể hả là đã... hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ.

Và điều may tiếp là, sau năm ấy thì con tôi chuyển cấp nên không phải mần nữa, dù uy tín đang cao ngùn ngụt sau cú xin tiền kia. Từ năm sau, những cuộc họp phụ huynh đầu năm tôi thường đùn cho vợ đi, với phương châm ai sao mình vậy, chứ nếu tôi thò mặt vào họp rất dễ lại được... phong chức.

Sau này, thấy mọi người ta thán nhiều quá về các khoản thu đầu năm, mới “định thần” nghĩ lại thì thấy có nhiều việc vô lý thật.

Rằng mang tiếng là ưu việt, giáo dục là quốc sách nhưng quả là, theo những gì nhà trường cung cấp cho hội phụ huynh thì thấy ngân sách cấp cho các trường cực kỳ ít, không đủ để duy trì hoạt động, nếu phụ huynh không góp sức thì không thể hoạt động. Rất nhiều khoản phải chi mà không có nguồn chi.

Rằng tại sao đã thu học phí rồi lại không tính đúng tính đủ vào đấy mà để phải thiếu trước hụt sau rồi phải đóng góp.

Và đóng đến cả chục triệu ngay từ đầu năm thì nó đúng là “trấn lột” học trò chứ không phải là phụ thu nữa. Đến mức, có trường mầm non ở Hà Nội đã phản kháng lạm thu bằng cách đòi lại... quà đã tặng giáo viên trước đó. Việc ấy xảy ra ở trường mầm non Hợp Tiến, Mỹ Đức, Hà Nội. Ngoài việc trường phải trả lại cho phụ huynh học sinh hơn 500 triệu đồng thu lố thì phụ huynh... tiện thể đòi lại quà.

Rằng ai đó, nhất là các bác tiến sĩ giáo dục ấy, làm thử một phép tính là một cháu học sinh đi học thì một năm bố mẹ tốn hết bao nhiêu xem thử giúp mọi người hình dung cái “mặt tiền” giáo dục của nước ta như thế nào? Bởi té ra, tiền đóng góp đầu năm học nó chưa là cái đinh gì so với việc khác, như học thêm chẳng hạn. Tiền đóng học thêm nhé, thêm một hoặc vài công đưa đón hàng ngày nhé, xăng xe nhé, cả xã hội cứ xoay như đèn cù cho một đứa học trò nhé...

Tôi nhớ cái hồi làm hội phụ huynh ấy, thực ra tiền thu về làm các công việc cho trường là chủ yếu, thầy cô thì 20 tháng 11 được mời dự một cuộc tiệc và cái phong bì mỏng, ít hơn rất nhiều một số gia đình mời thầy cô nhân con mình tốt nghiệp hoặc đậu đại học, chả ai trong hội phụ huynh tơ hào đồng nào trong khoản tiền ấy, cần cho gì cho hội là bỏ tiền túi.

Lại nhớ ở Phú Thọ có cái trường chuyên Hùng Vương rất nổi tiếng, đào tạo rất nhiều người tài. Họ, ngoài giáo viên của trường, còn thường xuyên mời các giáo sư đầu ngành từ Hà Nội về dạy cho các đội tuyển của trường. Trường có nhà khách rất sang, ngang khách sạn để các thầy cô về ở. Và các thầy cô về đều được trường đưa đón. Tôi một lần bám càng phó giáo sư Văn Như Cương và nhà phê bình Phạm Xuân Nguyên về dạy và tiếp xúc với giáo viên và học sinh của trường, cứ tròn mắt, họ lấy tiền ở đâu để chi những khoản ấy?

Thì rõ ràng cái cách chúng ta đầu tư cho giáo dục đang có vấn đề. Có một hồi người ta hay phát biểu trong các cuộc họp, rằng cái cách đầu tư của nhà nước cho Tây Nguyên rất tốn kém mà lại... không được tiếng, ấy là kéo điện về tận làng rồi để đấy, bà con chỉ biết nhìn rồi cười. Một tổ chức nào đấy đến cho bà con bóng đèn và công tắc, thế là bà con biết ơn người cho bóng điện và công tác. Nhưng lại cũng có một thực tế là, nếu ông kéo điện rồi lắp bóng, hướng dẫn cách sử dụng, bà con chỉ việc ấn công tắc là điện sáng, thì bà con lại... ỉ lại, điện cháy cũng mặc kệ, đốt lại xà nu đợi nhà nước đến sửa?

Cái cách thu lắt nhắt trong giáo dục đã khiến cái nhìn về hội phụ huynh, về các cuộc họp phụ huynh trở thành là hội thu, họp thu. Và cũng không phải là không có những trường, những giáo viên lợi dụng để xà xẻo. Ai cũng biết là giờ làm bất cứ việc gì cũng có... lại quả. May đồng phục, mua văn phòng phẩm, sửa chữa, xây dựng... đều có quà tặng lại. Anh tốt thì sung công hưởng chung, anh tệ thì... bỏ túi riêng mình.



Rất nhiều thầy cô giáo bạn tôi thổ lộ rằng, dạy học nhưng việc khiến họ kinh hoàng nhất là... thu tiền. Nhớ cái cách cánh tài xế đối phó với BOT bằng cách mang tiền lẻ, không biết đã có học sinh nào cố tình đổi tiền lẻ để nộp quỹ chưa. Dạy thêm thu tiền của học trò hàng tháng đã ngại ngùng rồi (một cô giáo kể với tôi, dạy thêm cả chục năm nhưng mỗi lần nhắc học trò trả tiền và nhận tiền từ chúng cô vẫn ngường ngượng thế nào ấy. Có đứa thì ba mẹ lịch sự bỏ tiền phong bì cho chúng mang đến nộp, có đứa lôi ra một vốc nhàu nhò đếm từng tờ đưa cô, rồi đợi cô thối nữa). Bởi ngay cả khi hội phụ huynh đề xuất thu tiền, được các ông bố bà mẹ đồng ý thì các thầy cô giáo cũng vẫn là người trực tiếp thu chứ có ông bà nào ở hội đứng ra thu đâu. Trăm dâu đổ đầu... giáo viên chủ nhiệm, họ trở thành “sát thủ” trong mắt học trò. Nếu may mắn gặp lớp toàn nhà có điều kiện, hào phóng rút tiền đưa con nộp một lần không ý kiến gì, thì vẫn có những đứa học trò đãng trí, cầm tiền rồi quên, mất, hoặc nặng hơn là tiêu mất, thì vẫn có con nợ chủ nợ trong lớp. Còn các trường nông thôn thì chả nói, phần lớn là... nợ triền miên, thầy cô phải nặng nhẹ đủ kiểu để “thu đúng thu đủ”, thu như một gánh nặng, một tiêu chuẩn thi đua hoàn thành nhiệm vụ.
 


Nên nhiều thầy cô giáo có ước muốn, nhỏ nhoi thôi, chỉ lên lớp để dạy, truyền thụ kiến thức, không phải làm con ngáo ộp trong mắt học trò, tay thước tay túi để... phụ thu...

Thế thì tóm lại, cái sự thu tiền đầu năm nó là gì, xuất phát từ đâu, tại sao phải thu... khi mà giáo viên thì không muốn thu, nhà trường thì vô can, hội phụ huynh thì thu hộ? Và cứ thế này thì rất nhếch nhác, nhưng không thu thì không được? Là nói ở trường công, chứ các trường tư, trường dân lập, hình như không có hiện tượng thu tiền quỹ, mà nộp rạch ròi vào học phí.

Và hội phụ huynh không phải tự nhiên “thích là có”, mà nó điều lệ hẳn hoi do bộ Giáo dục và đào tạo ban hành?
                                                                        

Không có nhận xét nào: