Thứ Năm, 26 tháng 10, 2017

CHUYỆN HỘ KHẨU MỘT THỜI…




Bộ y tế trong cuộc họp báo mới đây để thông báo Nghị quyết của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về tăng cường công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân, đã đề nghị bãi bỏ các quy định về hộ khẩu - điều kiện đang cản trở và hạn chế quyền công dân, ảnh hưởng không nhỏ đến chất lượng dân số.

Không biết cái sổ hộ khẩu sinh ra từ khi nào, nhưng khi tôi có mặt trên đời thì sổ hộ khẩu đã có rồi, và nó là vật bất ly... gia trong tất cả mọi gia đình Việt Nam. Chỗ nào an toàn nhất, để cất những thứ quý nhất của gia đình, thì chỗ ấy, “ông” sổ hộ khẩu được ngự. Mất nó là coi như mất... sổ hộ khẩu, dù, nói thật, bây giờ vai trò của nó đã giảm đi rất nhiều. Nhưng dẫu đã giảm thì trong sổ hộ khẩu nhà tôi hiện tại cũng có đến mấy người chả liên can gì, có nhà cửa đàng hoàng, nhưng lại ở chung (hộ khẩu) nhà tôi. Đơn giản vì cạnh nhà tôi có mấy cái trường học tốt, thế là hộ khẩu nhà tôi được nhờ để gửi, trước cả hàng năm, để con cái nhà gửi ấy có thể ung dung học mấy cái trường mà bố mẹ đã chấm.


Bây giờ còn thế, ngày xưa thì kinh hoàng đến mức nào.

Lớp đại học chúng tôi vừa tổ chức gặp mặt nhân 40 năm vào trường. Lúc vào 61 người, lớp Văn đầu tiên của đại học Tổng hợp Huế, cũng là đầu tiên của khu vực miền Trung Tây Nguyên, khi ra còn 41. 20 người “đứt gánh giữa đường” có rất nhiều lý do, trong đấy có 2 ông lý do... hộ khẩu.

Bây giờ gặp lại, hỏi cặn kẽ mới biết tường tận, chứ hồi ấy thì thấy cũng... thường thôi, bởi ngay tôi, ba mẹ là cán bộ tập kết, về lại quê, thế mà cái giấy báo nhập học cũng bị ghim lại. Biết trường nhập học gần tháng mà không thấy giấy báo, tôi mò vào xem thử thì thấy cái bảng dán danh sách trúng tuyển đã bị xé gần hết, may sao, cái tên tôi lại... còn. Thế là quay về.. mách ba. Ba tôi lên xã hỏi, xã lôi cái thư của trường trong cặp hồ sơ ra nói, có lệnh của huyện không cắt hộ khẩu cho bất cứ ai ở huyện đi học đại học cả, huyện sẽ lập hội đồng tuyển chọn, cho ai đi mới được cắt. Ba tôi đạp xe lên huyện gặp chủ tịch huyện, nguyên là trung tá quân đội biệt phái, đàn em của ông, chủ tịch huyện kê giấy vào xà cột ghi mấy chữ: Đồng ý cắt hộ khẩu cho em VCH nhập học. Thở phào rồi lóc cóc làm các thủ tục, mất gần tháng nữa, nhờ thế mà tôi không phải học quân sự và chính trị đầu năm học bởi có lý do chính đáng: cắt hộ khẩu làm thủ tục nhập học.
Nhưng té ra, trong lớp không phải ai cũng may mắn như tôi.

Học đến năm thứ 2, một hôm đang học, cả lớp rùng lên với thông tin: Nguyễn Chín và Tuấn Phong (cùng quê Quảng Ngãi) phải về quê vì không có hộ khẩu. Trường đã cho nợ hộ khẩu hơn một năm rồi. Bởi thời ấy, hộ khẩu nó không chỉ là hộ khẩu, mà quan trọng hơn, phải có hộ khẩu mới có lương thực thực phẩm và các chế độ khác. Và không có hộ khẩu đồng nghĩa với các quyền lợi và nghĩa vụ cũng không có, như đoàn, đảng... chẳng hạn.

Hôm ấy buồn lắm, cả lớp buồn. Nhưng cái thời nó thế, và chúng tôi, lũ sinh viên năm thứ 2 thời ấy, vẫn rất cừu non, thấy đúng là, không có hộ khẩu thì phải về là đúng rồi.
Nguyễn Chín, sau khi về, vì lý lịch rõ ràng nên được đi... nghĩa vụ quân sự. Hoàn thành nhiệm vụ, anh tiếp tục đi học đại học và rồi về lại quê công tác, từng là bí thư thành phố Quảng Ngãi, và hiện tại đang là trưởng ban tổ chức tỉnh ủy Quảng Ngãi, một trong năm ông to nhất tỉnh.

Nhưng Nguyễn Chín đẻ vào giờ hoàng đạo và nhà có quý nhơn phù trợ. Còn Tuấn Phong, y về là cũng xung phong đi bộ đội. Xã bảo, anh không đủ tiêu chuẩn đi bộ đội, vì lý lịch không rõ ràng. Phải đi công nhân, mà là công nhân trên Tây Nguyên ấy. Lên một vùng nào đấy sát biên giới của tỉnh Đăk Lăk làm công nhân, rồi cưới vợ sinh con trong miền rừng heo hút ấy. Đến lúc mẹ ốm nặng, anh quyết định bỏ tất cả về chăm mẹ. Vợ có ý băn khoăn, giờ về quê lấy gì sống. Ở đây dù sao cũng đang có việc, có chỗ chui ra chui vào, và có... hộ khẩu. Phong bảo: Mẹ chỉ có một, tất cả có thể làm lại được. Về là về. Và giờ, Phong là ông chủ bán gạo ở ngay ven đường 1.

Vấn đề là, Phong là đứa rất giỏi trong lớp. Hồi ấy đã giỏi rồi, thơ rất hay và ám ảnh. Văn chương tây tàu biết và thuộc làu làu như cháo. Anh đọc rất nhiều sách, từ nhỏ, từ thời học phổ thông, có năng khiếu thật sự chứ không như những người khác, biết thi... địa không được thì bèn thi văn. Mới gặp đây sau 40 năm, thì Phong vẫn là đứa sáng láng trong lớp, thông minh hiểu biết hơn rất nhiều đứa học đủ 4 năm, có bằng và là ông nọ bà kia, dù diện mạo thì rất là... nông dân. Sự hiểu biết của Phong khiến nhiều đứa thuộc hàng giỏi của lớp bây giờ phải nể, dù anh chỉ học chưa hết năm 2 đại học. Té ra những năm bần hàn khổ ải, hết sức khổ ải ấy, những năm con người tưởng chỉ có biết cúi xuống vì miếng ăn ấy, Phong vẫn đọc sách, vẫn nghiên cứu, tự học. Ít nhất là cho mình, sau đấy để dạy con cái, để chúng vẫn tự hào là có người cha thông minh giỏi giang chả kém gì ai, dẫu chỉ vì cái hộ khẩu mà cha chúng đã không trọn vẹn con đường bằng cấp. Và, Phong đã chứng minh một điều nữa, ấy là người ta có thể không tới trường mà vẫn giỏi. Phong chứng minh, cái sự học từ xa, học không trường lớp là khả dĩ. Có điều người như Phong ít quá, nên giờ người ta vẫn chỉ cố học để lấy bằng thôi, chứ không phải học để lấy chữ, lấy kiến thức.

Sổ hộ khẩu nó hành người cần kinh khủng.

2 con gái tôi, học xong đại học ở Sài Gòn, đã đi làm gần chục năm, có nhà rồi, chúng chả coi hộ khẩu là cái gì, chả lăn tăn gì chuyện phải chuyển và nhập hộ khẩu. Nhưng tôi ép chúng, bảo các con đủ tiêu chuẩn nhập khẩu rồi, không phải Tê ka tê kiếc gì nữa cả, chỉ chịu khó bỏ một buổi lên công an phường làm thủ tục nhoáng cái là xong ấy mà. Thành phố năng động và vì con người nhất nước, làm đi, đừng lười.

Thế là chúng đi làm.

Và hoàn toàn không như những gì tôi nói với chúng.

Làm việc cho nước ngoài, muốn nghỉ chúng phải xin phép từng buổi và bị trừ vào phép năm, thế mà lên lên xuống xuống miết không được. Cứ có người này lại mất người kia. Nặng nhất là hẹn ngày giờ chắc chắn rồi, xin nghỉ tới gặp thì người hẹn lại... không có mặt, gọi điện thì đủ lý do để không quay lại được. Rất nhiều người đã chọn phương án là... khoán gọn. Khi gọi cho một số đồng nghiệp ở Sài Gòn nhờ giúp đỡ, họ cũng bảo, hộ khẩu nhà tôi tôi cũng... khoán gọn. Con gái tôi cũng định làm thế, tôi bảo, kể thì cũng được, nhưng như thế là mình đồng lõa với cái tiêu cực, cả xã hội đều thế thì rồi mọi chuyện sẽ đi đến đâu, bởi đây chỉ là việc nhỏ, mình làm hộ khẩu là giúp chính quyền, nhất là công an, dễ quản lý mình thôi mà (là theo lý thuyết như thế). Tôi bảo chúng, để ba thử xem, nếu ba thử không xong thì con mần... phong bì.

Tôi viết một bức thư gửi chuyển phát nhanh cho trưởng công an phường ấy, trình bày sự việc, và tỏ ra chia sẻ với sự bận bịu của đồng chí công an khu vực, nhưng cũng hết sức ngạc nhiên rằng tại sao đồng chí ấy lại thất hứa nhiều thế??? cuối thư, tôi có xưng tôi là một người cha làm nghề viết báo và để lại số điện thoại. Hai ngày sau thì tôi nhận điện thoại của vị phó phường, nói rằng trưởng phường giao em xử lý việc này, trước hết là xin lỗi anh, bọn em sẽ tiến hành kiểm điểm, ngày ấy ngày ấy anh bảo cháu lên gặp trực tiếp em. 

Tôi có kể việc này lên blog cá nhân. Một năm sau thì tôi nhận được một email từ một người lạ. Cô gái xưng cháu và nói là cháu đọc bài của chú và nhờ chú giúp, rằng cháu đang ở đúng cái phường chú viết, và cũng mấy năm nay cháu vất vả đi làm hộ khẩu, và cũng đúng như con gái chú, mãi mà không thể làm được. Giờ công ty cháu ra tối hậu thư là hết tháng này mà không có hộ khẩu thì sẽ cắt hợp đồng, chú giúp cháu, mất việc làm thì cháu sẽ đi đâu làm gì. Tôi bảo làm sao chú có thể giúp được nhỉ. Trao đổi qua lại một hồi tôi bảo, thế này cháu nhé, cháu cop cái bài chú viết, đăng ký xin gặp trưởng công an phường và trình bày, rồi đưa bài ấy ra. Cô bé bảo, làm sao cháu dám gặp trưởng phường. Giật mình, ừ nhỉ. Với dân nói chung và mấy người trẻ nói riêng, trưởng phường là một thế lực chứ có phải ai muốn gặp cũng gặp được đâu? Tôi lại bày, thế thì cháu viết thư, gửi EMS cho chú trưởng công an phường ấy, nhớ ghi địa chỉ, điện thoại để chú ấy liên lạc lại, chú tin là thế nào chú ấy cũng liên lạc lại. Cô bé vui vẻ Ok, và rồi không thấy liên lạc lại, không biết có thành công không?

Thực ra, hộ khẩu, nói cho công bằng, đã từng có thời nó giúp cho chúng ta quản lý xã hội chặt chẽ, nhất là thời chiến tranh. Nhớ hồi ấy, chú nào đi bộ đội mà đào ngũ về nhà là bị phát hiện ngay, bởi con người gắn liền với hộ khẩu, mà hộ khẩu lại gắn với các quyền lợi vật chất khác, liên quan đến dạ dày. Túm cứng dạ dày mà quản thì quả là cao tay, có mà chạy đằng trời. Ấy là thời bao cấp. Giờ kinh tế thị trường, quản nó cũng phải theo nguyên lý thị trường, chứ như cũ thì quả là vừa tự gây khó cho mình, vừa gây khó cho dân. Và tôi biết có người chả có hộ khẩu, sống mấy chục năm ở thành phố cũng chả sao, chỉ đến khi có con đi học mới nháo nhào… chạy.

Nhưng dù sao thì bây giờ, trong nhà tôi, sổ hộ khẩu vẫn được trang trọng cất ở chỗ… bí hiểm nhất.




4 nhận xét:

Nặc danh nói...

Nói thảng luôn vòng vo tào lao chi hả bác Hùng

Nặc danh nói...

Vậy khỏi đăng bác Hùng ơi! Hôm nao co dịp về miền tây em xin diện kiến bác

Nặc danh nói...

Nói thảng luôn vòng vo tào lao chi hả bác Hùng

Vũ Xuân Tửu nói...

Lịch sử quản lý hộ khẩu đã có từ mấy nghìn năm rồi, Nhà thơ VCH ạ. Thương Ưởng nghĩ ra cách quản lý con người tàn bạo như vậy và cuối cùng ông ta cũng bị nạn ra hộ khẩu gây ra. Năm con trâu xé thây Thương Ưởng. Đại loại chuyện Đông Chu liệt quốc viết thế. Bây giờ nó còn biến tướng rất nhiều so với mấy nghìn năm trước.