Cho đến lúc mất, ba tôi vẫn còn 2 điều
trăn trở, ấy là, một, tôi chưa phải là Đảng viên, là đồng chí của ông, và 2,
tôi chưa có nhà riêng, vẫn ở nhà tập thể, một căn phòng trong khu gia binh của
quân đội Việt Nam cộng hòa trên đường Trần Hưng Đạo, Pleiku. Tôi nhớ, thời ấy,
những năm đầu của thập niên 90 thế kỷ trước, xe đò từ Pleiku về Huế rất khó
khăn, phải đi đến 2, 3 ngày mới về tới nhà, thế mà năm ấy tôi phải chạy đi chạy
lại đến mấy lần vì ba tôi ốm nặng, chỉ bởi, cứ thấy tôi về là ba tôi lại tỉnh lại,
có lúc ngồi lên được rồi thở dài thườn thượt chỉ vì tôi chưa là... đồng chí của
ông, và chưa có nhà, dù trước đó em tôi điện ba hôn mê sâu rồi, anh về ngay kẻo
không kịp… Tôi thì hay nói đùa với ông, phải có con ở ngoài để đến bữa ăn có
người cho ba quát, bởi nếu con cũng Đảng viên nữa thì mâm cơm 4 người toàn Đảng
viên, ba dám quát Đảng viên không? Lỡ con tưởng đang họp nên trong bữa ăn mà gọi
ba đồng chí thì sao? Ông cười: tổ cha bây!
Hồi mới ra Bắc, ba tôi khai trong lý lịch là thành phần cố nông, còn mẹ tôi khai là bần nông. Hồi ấy càng nghèo thì càng được tin tưởng, nên thi nhau khai bần cố nông. Thực ra thì ông ngoại tôi suýt “bị” phong địa chủ, sau được hạ xuống “Trung nông lớp dưới” chứ chả phải bần nông như mẹ khai. Hồi ấy địa chủ thực ra may thì cũng… đủ ăn, còn trung nông thì ngày có hai bữa ăn, trong đó một bữa gạo ghế khoai còn một bữa chay toàn khoai sắn hoặc chuối xanh luộc. Còn ba tôi khai cố nông là bởi ông bảo nhà ông nghèo hơn nhà bà, và sau 75, khi về quê thì tôi thấy ông... khai đúng. Nước ta có phong trào sợ… người giàu, nên có cơm ăn ngày 2 bữa là bị quy địa chủ rồi, bị đấu tố rồi… dù địa chủ thời ấy thực sự họ cũng phải làm “thối móng tay” thực sự chứ chả phải như bác Truyền nói thối mà lại không thối, mà lại rất nhàn, mà lại rất sung sướng hạnh phúc…
Hồi ấy thì cả làng nghèo, cái làng
quê tôi loi nhoi trước sông sau biển cát trắng phau nghèo cho đến tận... sau
75. Sức yếu không làm ruộng được, vả làm cũng chả đủ ăn, ba tôi từng đi ở đợ,
làm thuê trên phố. Để tiết kiệm mấy xu tiền đò, ông đã... chạy bộ qua cầu, trưa
nào cũng thế, nên sau này khi có gia đình và sinh anh em tôi, ông hết sức tiết
kiệm, tiết kiệm đến... đau đớn, đến khắc nghiệt. Nhưngcũng nhờ thế mà lương 2 vợ
chồng về hưu từ thời năm 70 thế kỷ trước mà ba mẹ tôi nuôi 2 anh em tôi học
xong đại học rất đàng hoàng. Đến lúc có thể trả nghĩa được thì… ba mẹ mất, nhất
là ba tôi. Mẹ tôi còn được tôi mời đi mấy chuyến máy bay, chứ ba tôi, đến khi mất
cũng chưa biết cái sân bay như thế nào. 9/10 các cuộc di chuyển trong đời là
ông tự đạp xe, cái xe đạp ông sắm ngay sau khi cưới mẹ tôi, có lần đạp hàng
trăm cây trong ngày từ sáng sớm đến tối mịt, còn lại là tàu lửa và xe đò.
Mẹ tôi khá khéo tay, ông ngoại nghe
nói ngày xưa là cai bếp cho Pháp nên bà thừa hưởng chút năng khiếu nấu nướng.
Nhưng mỗi lần mẹ đi công tác là anh em chúng tôi... kinh hoàng, bởi cách nấu nướng
có một không hai của ba tôi. Ông rang cơm nguội bằng cách cho nước lã vào đảo
chứ không cho mỡ. Thực ra đấy là cách bây giờ chúng ta hâm cơm, bằng nồi cơm điện
hoặc lò vi sóng, nhưng ngày xưa đấy là món chúng tôi không nuốt được. Canh rau
muống cũng chỉ có muối và mắm tôm, không mỡ, không mì chính, thứ rất hiếm thời ấy
nhưng trong gạc măng giê nhà tôi luôn có vì tính khéo thu vén của mẹ tôi. Sau
này lớn lên tôi biết nấu ăn, nấu được nhiều món có khi từ chuyện ba tôi không
biết nấu ăn mà lại tiết kiệm nữa. Thấy ông nấu thế nên mới 6, 7 tuổi chi đó tôi
đã vào bếp nấu những món thông thường. 10 tuổi thì tôi đã có thể làm từ đầu tới
cuối con gà hoặc con vịt ngon lành đãi khách. Hồi ấy cứ chủ nhật các chú đồng
hương Huế ở Thanh Hóa lại tụ lại nhà tôi ăn cơm để “ôn lại truyền thống quê
hương”, và tôi là đầu bếp, từ phụ mẹ tiến lên bếp chính mỗi khi mẹ đi công tác,
mà mẹ tôi thì hay đi.
Ba mẹ tôi không ở cùng nhau. Chiến
tranh, mẹ tôi ở nhà máy Diêm Thanh Hóa, ba làm công ty lương thực, luôn luôn sơ
tán, mỗi cơ quan một nơi, thường là ở nhờ nhà dân. Tháng đôi ba lần ba về thăm
nhà vào chủ nhật, mỗi lần về vài ba ngày, có khi thấy ông ở nhà cả tuần, sau xe
bao giờ cũng là... bao gạo. Chỉ là cái bao ruột tượng thôi chứ chả nhiều nhặn
gì. Thú thật là thấy ông ở nhà nhiều 2 anh em tôi… không thích, vì ông rất
nghiêm, không đánh hoặc đánh thì rất buồn cười, nhưng rất nghiêm.
Một trong những nguyên tắc của ông là,
con trai không quần loe tóc dài. Khổ, mà anh em tôi đang tuổi học đòi. Mốt hồi ấy
là tóc đít vịt phủ gáy, quần tuýp hoặc loe. Tuýp thì đút cái vỏ chai không lọt,
còn loe thì cả gang không hết…
Ngay sau ngày 30 tháng 4 năm 75, ông
nói luôn với tôi, muốn về quê với ông thì phải… cắt tóc bộ đội, tức là ba phân,
giờ là mốt đầu đinh, nhưng hồi ấy là nghiêm chỉnh, và cũng mặc quần áo may kiểu
bộ đội, đội mũ cối… thì ông cho về. Tất nhiên là tôi rúp rúp đồng ý. Bởi không
đồng ý cũng không thể được với ông.
Đấy là khi chúng tôi đã lớn rồi. Còn
khi nhỏ, điều ông miệt mài truyền cho chúng tôi là… quê nội. Ông bắt chúng tôi
gần như thuộc lòng: Quê cháu ở làng Thế Chí Tây, xã Phong Phú (tên cũ) huyện
Phong Điền, Thừa Thiên. Và, giọng ông rất dở, dở hơn cả giọng tôi bây giờ dù giọng
tôi cũng… rất dở, nhưng có điều kiện là ông… hát ru chúng tôi, những là “Ru em
em théc cho muồi…”, cho đến “Núi Ngự Bình trước tròn sau méo…”, đến “Tôm rằn
bóc vỏ bỏ đuôi…”, rồi “Cầu Trường Tiền sáu vài mười hai nhịp…”… mẹ tôi nghe cứ
cười ngặt nghẽo. Chúng tôi nghe ba kể về quê như kể về thiên đường, nào là nước
mắm ngon thế nào, gạo cá tươi tốt ra làm sao… sau mới biết, khả năng sau này trở
thành nhà văn của tôi có ảnh hưởng từ… ba, vì ông tưởng tượng và kể rất giỏi,
chứ đời ông hồi nhỏ rất khổ, và quê tôi hồi ông còn nhỏ cũng rất nghèo, dân vô
cùng khổ, đói triền miên chứ lấy đâu mà gạo ngon cá ngọt…
Hồi ngoài Bắc, dưới con mắt của tôi, ba
tôi là người rất vụng. Nhớ có lần mẹ đi công tác, tôi đi thi học sinh giỏi cụm,
tức là liên trường, phải đến một nơi cách nhà chừng chục cây số thi cả ngày, cô
giáo hẹn nắm cơm mang đi. Ba tôi dậy sớm nấu cơm nếp và tráng trứng cho tôi
mang theo. Tôi ôm cái gói giấy báo nóng hổi lạch bạch đi bộ theo cô giáo từ
sáng sớm để kịp đến trường thi. Buổi trưa, mở cái gói ấy ra, không thể nào bóc
được, vì cơm nếp mà ông nấu như cơm tẻ, lại gói trong giấy báo, nó cứ bết vào
giấy. Hai cô trò vật nhau với gói cơm ấy mất cả buổi trưa trong khi các bạn
khác nắm cơm tẻ trong mo cau, ăn xong nhìn cô trò tôi gỡ cơm và… cười. Lâu lâu
người ta rủ ông, nhân có việc gì đấy, đánh đụng, mà hồi ấy chủ yếu là… thịt
chó. Ông cũng đóng tiền nhưng mang theo… quả trứng, đến lúc ăn ông bảo tráng trứng
cho ông vì ông không ăn thịt chó. Có lần ông bảo: không phải ông không ăn thịt
chó, nhưng ông không thích tụ bạ ăn uống, nên làm thế để lần sau họ không… rủ
ông nữa… Ông cũng dạy với anh em tôi về cách tiết kiệm là: ai chả thích rượu
bia, ông cũng thế, nhưng ông nhịn để nuôi anh em tôi. Hôm đã ra trường đi làm rồi,
về thăm nhà, tôi tổ chức một bữa nhậu, có mấy anh em nữa, tôi bảo: Con còn nhớ
hồi nhỏ ba bảo ba cũng thích rượu bia nhưng ba nhịn để nuôi chúng con. Giờ anh
em con ra trường rồi, dẫu chưa giàu nhưng đủ để… đãi ba bia rượu. Hôm nay chúng
con mời ba say một bữa, sau đó con xin cung cấp rượu thường xuyên để ba uống. Kết
quả chỉ sau 2 ly con con là ba tôi đã… hát, thêm ly nữa thì mẹ tôi quát ầm lên
và… bôi vôi cho ông, sau đó ông nằm một ngày rưỡi chỉ uống nước cơm pha đường
còn chúng tôi sợ xanh mặt…
Hiền và vụng đến thế, nhưng khi về quê
sống, ông trở thành con người vô cùng khác. Té ra ông cấy lúa và cắt lúa rất
tài. Cũng rất sát cá. Đã vác nơm đi là thế nào cũng có cá mang về. Công việc
nhà ông cũng quyết rất… quyết liệt chứ không như hồi ở ngoài Bắc, mọi việc chủ
yếu là mẹ tôi quyết, ông chỉ có nghĩa vụ… gật đầu. Tôi nhớ có lần nhà làm giỗ,
mẹ lên món, có sự phụ họa của tôi, ông không nói gì, nhưng cuối cùng phán một
câu: Phải có món gà hầm. Mẹ, sau đó là tôi, bảo có gà luộc rồi còn hầm gì nữa.
Ông ngồi im không nói gì, mẹ con tôi đã chuyển sang chuyện khác, ông đứng dậy
và thả một tiếng rất nặng: Gà hầm, rồi bỏ đi. Mẹ tôi thì thào: từ ngày về quê
suốt ngày được mời đi ăn nên sành lắm, thôi thì hầm không có rồi lại mất vui.
Cũng như mọi cặp già khác, về già thi
thoảng ba mẹ tôi cũng… cãi nhau. Có lần cãi nhau chắc to, ông bảo em trai tôi đưa
ông lên chỗ tôi ở Pleiku. Khỏi phải nói tôi mừng thế nào, bởi mời mãi mà ông chả
lên, giờ tự nhiên lại lên. Được đâu chừng tuần, ông đòi về. Tôi tìm cách giữ.
Cách thông thường nhất là kiếm việc cho ông. Nhưng nhà tập thể, biết kiếm việc
gì. À đây. Hôm ấy tôi đi xếp sổ, mua được một khối củi, chủ nhật làm cơm rượu
nhờ anh em bạn bè đến cưa ra từng khúc chừng 50 phân một, nhờ ông chỉ huy và tiếp
anh em. Xong xếp vào đấy, hẹn ông mỗi ngày chẻ (hoặc bửa) cho con 2 khúc. Ông rất
vui xắn tay “thực thi công vụ”. Tôi đi công tác, chỉ ba ngày về đã thấy ông…
hoàn thành nhiệm vụ. Và lại đòi về.
Lần khác thì mẹ tôi lên. Mãi sau nghe
em kể là ông bà cãi nhau, mẹ bảo hoặc đưa mẹ ra quê Ninh Bình thăm các cậu và
thắp hương ông bà lần cuối, hoặc lên chỗ anh.Em tôi bố trí lên chỗ anh. Hồi ấy đi lại
vất vả chứ chả èo phát như bây giờ. Đâu được chừng tuần, ông điện lên. Mà điện
cũng rất vất vả. Ra bưu điện điện vào máy cơ quan, nhắn với cô văn thư: cô cho
tôi gặp thằng con tôi là Văn Công Hùng, cô nói nó một tiếng nữa thì tôi điện lại.
Và ông ngồi ở bưu điện chờ, đúng một tiếng thì điện lại cho tôi. Ông nói rất
nhanh: Con đưa mẹ về, ba nhớ. Xong cúp máy. Thế là tôi mua vé máy bay Pleiku Đà
Nẵng cho bà bay, em tôi từ Huế vào Đà Nẵng đón bà về.
Cả hai anh em tôi đều rất sợ ba, khác hẳn
bây giờ tôi rất sợ… các con mình. Chúng nói gì là mình phải nghe. Ngày xưa cái
gì ba tôi đã quyết thì đấy là chân lý. Người duy nhất có thể phản kháng là… mẹ
tôi. Đa phần là khi mẹ phản kháng (chủ yếu là bênh chúng tôi) thì ông im, nhưng
khi ông đã gầm lên thì… mẹ tôi im. Tôi quen một ông nhà báo, mỗi khi đưa vợ về
thăm đằng ngoại thì ông này để vợ ngủ với mẹ còn ông… ngủ với bố vợ và ôm bố vợ
nói chuyện suốt đêm. Tôi nhớ, anh em tôi chả bao giờ ngủ với ba, nếu bất đắc dĩ
có ngủ thì như cực hình, mỗi người mỗi góc. Đấy là lớn, còn nhỏ, buổi trưa,
đúng giờ, ông bắt chúng tôi lên giường và đếm: hai ba, là xong. Chúng tôi vục đầu
vào gối cười khục khục, ông e hèm phát thế là im re. Còn đánh, đôi khi bị ông
đánh, thì mẹ tôi đứng cười, vì ông cứ loay hoay chọn roi, phải chọn kỳ được cái
gì mềm nhất, mỏng nhất, nên có lần ông cầm… sợi lạt bó rau muống đánh chúng
tôi. Cái chúng tôi sợ không phải là đánh bằng cái gì, mà là ông cứ bắt nằm sấp
trên giường, sợi lạt nhấp nhấp trên mông, và ông… giảng giải, có khi hàng nửa
tiếng, rồi cho dậy. Lớp sáu lớp bảy hệ 10 năm rồi, biết liếc gái rồi, biết rạo
rực rồi, biết lấy nước vuốt tóc cho nó mượt rồi, mà bắt nằm thế, buồn cười lắm.
Có hôm mấy đứa bạn cùng lớp rình xem rồi lên lớp kể. Bởi bọn chúng, bố mà đánh
thì thôi rồi, quất con bằng roi bừa, chuyên để đánh trâu hoặc bò. Nhà nào cũng
có một cây roi chuyên đánh con dắt ở mái nhà, làm rất công phu, hoặc bằng mây
hoặc bằng tay tre, có lỗi gì là rút cái soạt và vụt thẳng tay, chứ không có kiểu
bắt nằm trên giường rồi… nhấp nhấp sợi lạt. Tôi cho kiểu bị đánh của các bạn là
người lớn, còn kiểu của tôi là… trẻ con nên xấu hổ với các bạn.
Ông bố nào cũng đều thương con, có điều
mỗi ông thương mỗi cách. Ba tôi thương con rất khác người. Không đánh nhưng mà
đau, không chửi, chỉ… gầm. Nhát một rồi thôi. Rất nhớ con nhưng khi con tốt
nghiệp đại học đòi đi xa không cản, mà ủng hộ. Nên đến khi chết, vẫn không đi
ngay được vì con chưa phải… đồng chí với mình. Và chính cái điều trăn trở ấy của
ông đã khiến tôi bớt tếu táo về những điều lớn lao, hoặc nếu có cũng… giấu
trong bụng. Thời ba tôi, cộng sản nó ra cộng sản, đảng viên nó ra đảng viên,
nên tôi hay tếu táo: ba đảng viên nhưng mà… tử tế. Ông tử tế đến ngày cuối
cùng, trong sáng đến ngày cuối cùng.
Dưới đây là bài thơ tôi làm trong một
chiều ba mươi tết, tôi từ Pleiku về ăn tết với mẹ, lên thắp hương cho ba và viết
nó ngay tại mộ, 25/1/ 2009, tết Kỷ
Sửu:
TRƯỚC MỘ BA CHIỀU BA
MƯƠI
ba nằm một cõi một mình
hình như cơn gió thình lình vụt qua
hình như cơn gió thình lình vụt qua
trắng cồn bãi trắng cơn mưa
cuối năm chiếc lá cũng vừa kịp xanh
chân trời mỏng phía mong manh
mùa xuân ẩn dụ tơ mành mù sa
nén hương thắc thỏm nhạt nhòa
con châm lửa thắp khói và cát bay
nửa đời ngang dọc lắt lay
chiều nay run rẩy cạn ngày cuối năm
bàn tay xoắn nỗi lặng thầm
cúi đầu chớp một xa xăm kiếp người...
ba nằm lại nhé ba ơi
con đi
trời vẫn bời bời nắng mưa…
Ba mẹ tôi ở phòng làm việc của tôi. Ảnh này chụp ngày ba tôi ốm nặng, mẹ chăm ba những ngày cuối đời. |
8 nhận xét:
Không hiểu sao nhìn cái mặt dí dỏm của anh, tôi lại tưởng tượng ra cái mông nhấp nhổm dưới bó lạt rau muống!
He he... Kể nhấp nhổm chỗ khác thì thú hơn nhỉ?
Cảm thấu. Tks
Ai mà chả có Bố Mẹ, khi nhỏ thì làm phiền lòng Bố Mẹ, ai cũng vậy, chỉ có quá hư hoặc trót hư thôi. Cha Mẹ nuôi đến đủ lông đủ cánh thì là phải vất vả bon chen cuộc mưu sinh cơm áo, gạo tiền, nên có khi lơ đễnh bậc sinh thành, đến khi không thể tranh giành gì được thì mới quay đầu nhìn lại, lúc đó, muốn cũng chả được. Cổ nhân có câu - Nước mắt chảy xuống. Thôi thì, ai mà hưởng phúc ấm được đến chức Ông, Bà, Cụ, Kỵ thì cũng làm sao để cho Cháu, Chắt tự hiểu - Đấy! Gia đình nhà mình không đến nỗi nào.
Câu chuyện cảm động. Lâu lắm mới thấy từ "ghế" tức độn khoai sắn vào gạo nấu thành cơm độn.
Từ ccrđ... chiến tranh chống Mỹ... giải phóng thống nhất đn...thời bao cấp... đổi mới... Chỉ có trời cứu mới sống được đến bây giờ
mặn mòi đượm tình Cha lắm !
Cám ơn các cụ các mẹ đã đọc và comment ạ.
Đăng nhận xét