Có lẽ là duyên phận nên một tinh mơ nào đó, trên bãi biển Quy Nhơn, tôi gặp một đồng nghiệp người Huế. Chúng tôi nói với nhau đủ thứ chuyện bên ly cà phê ban mai nghe có vị mặn của muối và hơi gió từ eo biển Quy Nhơn, mà nhà thơ người Huế Lê Văn Ngăn từng thốt lên trong bài thơ rất hay: “Sóng vẫn đập vào eo biển”, biết đâu ông cũng viết từ một buổi mai cà phê mặn sóng và gió này, là tôi cứ nghĩ thế để vơ vào cái buổi mai khó quên hôm ấy. Nghe nói ở Tuy Hòa có quán cà phê làm mê mệt thực khách bởi trong từng ly cà phê, chủ quán đã ý nhị thấm vào đấy một chút nước mắm. Tất nhiên nước mắm là thô, nhưng biết điều tiết nó, nó sẽ trở nên bí ẩn diệu vợi, trở nên níu kéo và thảng hoặc, trở nên vấn víu không quên. Cà phê và vị mặn, dẫu muối hay nước mắm, cũng là một bí quyết riêng để cà phê dậy mùi. Một thời người ta truyền tai nhau bí quyết rang cà phê là phải có nước mắm và mỡ gà...
Câu chuyện với đồng nghiệp hôm ấy loanh quanh lại về... Huế, bởi ai thế nào không biết, với tôi, cứ nghe tới Huế, là lại chộn rộn, là lại xốn xang. Người Huế xa quê nó có những nỗi niềm khó nói.
Rằng ông Hàn Mặc Tử ấy, quê Quảng Bình nhưng một trong những bài thơ hay nhất của ông lại về Huế, bài “Đây thôn Vĩ Dạ” đến giờ vẫn còn nhiều tranh cãi. Cái lá trúc và mặt chữ điền ấy cứ mờ mờ ảo ảo trong thơ, trong Huế khiến người đời nôn nao, và cũng không thể cắt nghĩa được rằng là tại sao mặt con gái chữ Điền mà lại đẹp. Nhưng nó vẫn đẹp thì biết làm sao? Nó vẫn cứ khiến người ta lao tâm khổ tứ, vẫn tơ tưởng thì biết làm sao? Rằng cũng chẳng hiểu tại sao cái con người nhất đỗi tài hoa ấy lại chọn và gắn với Quy Nhơn. Định mệnh ư, giời bắt ư, hay là ngẫu nhiên thế? Bệnh tình nhiều khi cũng chỉ là cái cớ để tài hoa phát tiết. Bóng dáng các giai nhân cũng là điểm xuyết cho bí ẩn những câu thơ thêm chập chờn mộng mị. Hôm ấy chúng tôi đi dạo gần Ghềnh Ráng, ngước lên là dốc Mộng Cầm, là khu di tích Hàn Mặc Tử. Vừa thành kính vừa đời thường, người Quy Nhơn đã “khai thác” Hàn Mặc Tử một cách tự nhiên hài hòa khiến ai đến Quy Nhơn cũng mong được đến viếng ông, chiêm ngưỡng ông. Tôi ước ao Huế của tôi cũng có một cái ngõ trúc như thế, ngõ trúc thôi, cái ngõ trúc đã bất tử trong thơ Hàn, giờ bay bổng đâu đấy trong cái tĩnh lặng thôn Vĩ để những người mê Hàn, mê thơ, tò mò nữa, đến Huế là phải tìm đến đấy, thăm thú, chụp ảnh, đăng... phây búc.
Hôm nay về Quy Nhơn, lại nhớ chuyện mấy ông bạn.
Tôi hay nói đùa, giới văn nghệ thực hiện chế độ luân chuyển cán bộ trước khi có nghị quyết của Đảng nhiều. Ấy là nhà thơ Lê Văn Ngăn người Huế thì vào Bình Định làm phó chủ tịch Hội Văn học Nghệ thuật và họa sĩ Đặng Mậu Tựu người Bình Định thì ra Huế làm chủ tịch Hội Văn học Nghệ thuật. Tất nhiên trước khi có hàm có chức ấy thì các ông đã nhiều năm sống ở nơi không phải quê mình và cống hiến ở đấy, coi nơi ấy là quê hương, sinh con đẻ cái ở đấy. Phải cống hiến và có thành tựu thế nào thì mới được giới văn nghệ sĩ xứ ấy công nhận và suy tôn như thế.
Sống ở Quy Nhơn đến mấy chục năm, và khi mất, ông gửi xương ở đấy luôn, nhưng Lê Văn Ngăn luôn là một ông Huế xịn.
Lê Văn Ngăn tạo ấn tượng với người gặp lần đầu ở một phong cách Huế không thể lẫn, dù về mặt nào đó, nơi ông sống, có những chi tiết khác biệt rất đậm với Huế, ấy là cái thẳng băng khác với cái dịu dàng, cái gấp gáp khác với cái khoan thai, cái í nhị khác với bộc trực, cái đài các khác cái dân dã vân vân. Giữa Quy Nhơn tấp nập, người ta vẫn thấy một người đàn ông gầy gò đạp xe đạp, ngồi nhâm nhi ly cà phê quán cóc, khói thuốc mù mịt, thi thoảng nhướng mắt lên chiếu vào người đối diện thảng thốt: Rứa a, răng mà lạ rứa? Rồi lại… chìm đi. Hoặc những quán cóc, ly rượu quê rẻ tiền, một khoảng lặng giữa cái ồn ào, một góc khiêm nhường giữa hầm hập hơi rượu. Khoảng lặng ấy, góc khiêm nhường ấy là Lê Văn Ngăn. Có một góc Huế ở Quy Nhơn là thế.
Trong khi đấy, Đặng Mậu Tựu lại “tha” một phần Bình Định ra Huế. Người Quảng, Bình Định ở Huế không nhiều, do vậy giọng nói của anh trở thành của hiếm. Bao nhiêu năm làm việc ở Huế, rất nhiều người tiếp xúc tưởng ông người Huế, thế nhưng ông vẫn không lẫn, vẫn là một Đặng Mậu Tựu cá tính trong nghệ thuật và cả trong đời thường. Giờ ông “nép” vào một góc sâu của Huế ở đường Nguyễn Công Trứ, ngay tại nhà mở gallery Sông Như, và mình thì vẫn triệt để những chuyến lang thang để tìm cảm hứng. Tôi hay gặp ông ở Pleiku là vì thế.
Một ông trai Bình Định nữa cũng đang song hành với Huế là Hồ Thế Hà, giờ là phó giáo sư, tiến sĩ, nhà thơ, đang dạy đại học Khoa học Huế. Chúng tôi là bạn nhau từ hồi cùng học chung lớp Văn K1 ở Đại học Tổng Hợp Huế. Ra trường, anh ở lại, tôi đi. Đùa: ông ở lại giữ Huế giùm tôi. Và giờ, 2 thằng mang hai mẩu quê tha hương để rồi năm vài lần trở về, để quê luôn ngào ngạt mới. Để trở về hay ra đi đều là tới cái nơi mà người Việt luôn nâng niu thành kính gọi là quê hương với những ký ức ngọt ngào, dẫu có thể, trước khi trở thành ngọt ngào, nó đượm màu đắng chát.
Hôm qua bạn đưa vào khu kinh tế Nhơn Hội, thăm “niềm tự hào của Quy Nhơn” lại nhớ cái vùng cát trắng Ngũ Điền quê tôi giờ cũng đang xanh chứ không trắng đến rợn người như xưa nữa. Quả là nếu từng ở vùng Ngũ Điền cách đây vài chục năm thì giờ không thể tưởng tượng nó lại thay đổi đến không thể nhận ra như thế. Ai nghĩ vùng này lại trở thành vùng rau nổi tiếng, nhất là Điền Lộc, khi mà ngày xưa, ngay ở thành phố Huế rau xanh cũng là thứ hiếm, trừ rau muống. Lúc đi qua cây cầu Thị Nại nổi tiếng nối biển dài đến 7 cây số, tôi kể với bạn về cây cầu Tam Giang quê tôi. Ngày xưa về quê phải mua đường ra tận Quảng Trị, hoặc ngồi đò dọc lắt lẻo xình xịch nửa ngày qua cửa Thuận lên sông Ô Lâu, giờ vèo phát qua cây cầu ấy, cây cầu làm đổi đời cả một vùng đất. Ngày xưa chỗ ấy có một bến đò, gọi là đò Ca Cút. Nhiều người vẫn thích cái tên Ca Cút ấy, và chả biết có liên quan gì không mà nhà văn Trần Thanh Hà có truyện ngắn rất hay “Ơi đò Ca Cút”, tôi đã có lần hỏi có liên quan gì không cái tên trong truyện của chị và bến đò Ca Cút quê tôi vì chị quê Quảng Trị, vào đấy cũng gần, chị cười cười vẻ bí hiểm: Có cần “bạch hóa” ra thế không? Nhưng quả là cái tên Ca Cút nó vừa tượng thanh lại có cả tượng hình nữa, nó gieo vào ta cái khắc khoải kinh người về sự bé mọn, cũ kỹ và cả sự nhẫn nại chấp nhận của con người vùng này, trước khi có cây cầu, tất nhiên thế.
Giờ Nhơn Hội đang là niềm tự hào của người Bình Định. Dẫu vào đến nơi thì thấy nó vẫn còn thưa thớt chứ chưa như những gì mình nghĩ và nghe. Cát trắng đang được bê tông hóa, được phân lô, được xây cổng, hứa hẹn những thành công phía trước.
Quê tôi, giờ xanh, rất xanh. Năm về vài lần, chiều tha thẩn trên con đường chạy trước cổng nhà, dưới những tán dừa cao vút thấy cuộc sống trôi thật chậm. Tốc độ phát triển nhanh, rất nhanh, nhưng may, chất quê kiểng vẫn còn dẫu kiếm cây rơm que cời hơi khó. Thích nhất là ngắm những đàn vịt bơi trong những ao hồ của làng. Vô tư và trong sáng, tĩnh lặng và ngưng đọng. Giống vịt vùng này thịt rất ngon, và rất rẻ.
Chả biết có liên quan gì, nhưng tự nhiên đến Quy Nhơn lại nhớ Huế đến vậy. Có thể là dư âm cái buổi sáng hôm nào, 2 người Huế, lang thang bờ biển Quy Nhơn và những giọt cà phê mang vị mặn…
2 nhận xét:
Đậm đà chất văn.
Cám ơn bác Vũ Xuân Tửu đã rất chịu khó vào đọc rồi lại chịu khó còm và chịu khó khen nữa ạ ahihi
Đăng nhận xét