Thứ Năm, 13 tháng 7, 2017

NHỚ MỘT LẦN CHƯ MỐ




          Ngày ấy cách đây hơn ba chục năm rồi…

Chúng tôi dự một cái trại sáng tác Văn học Nghệ thuật liên tỉnh và được huyện Ayun Pa tỉnh Gia Lai Kon Tum (cũ) bố trí về Chư Mố thực tế một ngày. Chưa biết Chư Mố là đâu, chỉ biết nó là tên một ngọn núi. Chư là núi, Mố là tên riêng. Hết. Gu Gồ chưa có, sách báo cũng không, nhưng ai cũng háo hức. Đêm nhà khách Ayun Pa như ngắn hơn.

Đoàn công tác ngoài những người sáng tác ở Gia Lai Kon Tum còn có các đồng nghiệp từ Nha Trang. Biển lên núi, chuyện háo hức cũng không đáng phải ngạc nhiên lắm. Anh Xương, phó chủ tịch huyện và anh Pho, thường vụ huyện ủy, chủ nhiệm ủy ban kiểm tra trực tiếp đi cùng chúng tôi.

Đến bến sông đã thấy học sinh đứng phía bên kia chờ đón. Tất nhiên có cả các cô giáo. Nước cạn, không chèo đò được. Khách lên thuyền còn anh em du kích đẩy thuyền qua sông. Bước xuống giữa 2 hàng học sinh đồng phục vỗ tay, anh nào cũng bối rối lùi lại, chả biết xử lý thế nào. Khổ, tự nhiên lại biến thành khách Vip, anh nào chả hãi. Cứ thế các cháu đưa  chúng tôi về trụ sở xã. Ở đây lại một màn đón tiếp nữa. Rồi tản ra thăm làng.

Ấn tượng đầu tiên, gái Chư Mố rất xinh, da trắng, dáng cao, mặt thanh tú. Chúng tôi như lạc vào “miền gái đẹp”, chữ của nhà văn Hoàng Phủ Ngọc Tường. Có mấy cháu học sinh lớp 9 xinh như người mẫu bị các nhiếp ảnh gia xoay như mòng mòng, dong hết chỗ này đến chỗ kia, sau về rửa ảnh, tôi nhớ Trần Phong có mấy bức cực đẹp, có một bức được chọn làm bìa tạp chí Văn Nghệ. Tất nhiên tôi biết, không cứ mẫu đẹp thì ảnh đẹp. Nhưng ở đây, mẫu và ảnh gần như khít với nhau. Mà không cứ các cháu, mà… mẹ các cháu cũng rất xinh. Tôi nói chuyện với một chị cỡ hơn bốn mươi, rất nền nã, cao dong dỏng, dáng rất sang, là mẹ của một trong những cháu học sinh đang làm mẫu chụp ảnh kia. Chị chịu trách nhiệm chỉ huy bếp núc để chiêu đãi chúng tôi bữa trưa. Nói chuyện một lúc, mới biết chị rất giỏi tiếng Anh, đã từng học ở Sài Gòn trước đó.

Ấn tượng thứ 2, làng khá giàu. Nhà cửa khang trang, phần lớn là nhà gỗ. Tôi nhớ khi về có làm một cái ghi chép, miêu tả cảnh bà con Jrai tiếp thu rất nhanh kỹ thuật mộc của người Kinh. Trước đó người Jrai chủ yếu sử dụng rìu và rựa để chế tác gỗ, nhưng khi chúng tôi vào, bà con đã dùng cưa, cả cưa máy và cưa tay, bào và đục. Gần đây mới giật mình, hình như cái sự cưa máy vào làng là một trong những nguyên nhân để… rừng lùi xa. Và cũng khen làng có nhiều ăng ten. Giờ ăng ten là rác trời rồi, thời ấy ăng ten tivi là văn minh, là ánh sáng văn hóa, biểu hiện sự văn minh và giàu có của làng.

Ấn tượng thứ 3, làng rất sạch. Không loại trừ đêm trước bà con đã dọn để đón chúng tôi, nhưng cái sạch cơ bản vẫn hiện lên, không thấy cảnh bò heo dưới gầm nhà sàn và những con đường mấp mô lầy lội, cỏ rác tứ tung… như thường thấy khi về các làng Tây Nguyên.

Ấn tượng thứ 4, người Chư Mố rất thông minh và văn minh. Điều này thể hiện rõ nhất lúc trưa, khi nhập tiệc làng chiêu đãi.

Trước đấy tôi đã nhiều lần xuống làng, ăn ngủ ở làng. Nhưng đến Chư Mố thì khác. Vẫn không khí làng, vẫn những thức ăn ấy, nhưng nó đã mang một không khí khác. Nó cũng giống như ở nhà ta, khi có khách thể nào cũng có sự khác biệt với lúc mình ăn một mình. Cái khác khó cắt nghĩa, nó không phải là cố làm cho khác, cho văn minh hơn, mà là sự lịch lãm toát ra từ chính cái phông văn hóa của mình, nó vừa gìn giữ bản sắc, tức là chính mình, lại vừa hướng tới sự thân thiện, sự chiều khách để sự phổ cập và cá biệt bện vào nhau, tạo nên sự hòa nhập, sự tương tác khách chủ, sự cởi mở mà lại vẫn gìn giữ chừng mực. Đấy chính là sự thông minh, lịch lãm chứng tỏ chủ nhân đi nhiều biết nhiều, và sự văn minh để vẫn là mình mà lại không làm khách phương xa bỡ ngỡ. Bây giờ, du lịch Homestay phát triển cũng dựa trên những yếu tố này, tiếc là Chư Mố lại chưa phát huy được điều ấy.

Rượu cần, tất nhiên rồi. Rượu Chư Mố rất ngon, ghè nhỏ nhưng chất lượng, có đến mấy loại, từ sắn đến kê. Rồi gà, dê, và các loại rau. Nướng, giản dị thôi, rau thì nấu, có cà đắng, ớt kiến và lá teng neng nữa. Các chị tiếp khách rất giỏi. Nhạc sĩ Ngọc Toán ôm đàn ngồi hẳn lên bàn, gân cổ nổi chằng chằng hát, bài hát anh ngẫu hứng làm tại chỗ “Cho anh về bên sông Ba, cho anh về bên em thôi, cháy bỏng một nụ hôn, Chư Mố một tình yêu…”. Chỉ một vòng, vòng sau dân làng rầm rập vỗ tay hát theo. Nhà thơ Trần Chấn Uy ở Nha Trang lên cũng đọc bài thơ anh mới làm: Con đò rời bến sang sông/ Em qua bến Mộng mãi không thấy về/ Anh chờ lòng dạ tái tê… Nhà điêu khắc Nguyễn Tiến, khi ấy đang là sinh viên, lên nhảy rất đẹp dưới tiếng ghi ta của Ngọc Toán. Trong khi phần lớn đoàn công tác của văn nghệ sĩ không biết nhảy thì rất đông dân làng lên nhảy rất ngọt cùng Tiến. Tất cả ngập chìm trong một buổi trưa tuyệt vời mà sau này, mấy chục năm nữa, cũng lăn lộn với làng, tôi chưa bao giờ gặp lại.

Sau này, 2 trong số các cô bé học sinh Chư Mố chúng tôi gặp ấy lên học Trung cấp Y ở đường Trần Hưng Đạo, tôi có gặp lại các cháu. Cũng vài lần về lại Chư Mố nữa, nhưng cái ấn tượng của lần đầu Chư Mố ấy nó lấn át đến nỗi những lần sau cứ như là đang vào… làng khác…

Bây giờ nhiều làng Tây Nguyên đang trở thành… làng khác...




2 nhận xét:

Em ở quê hương nói...

Bản ở Táy Nguyên mà văn hoá, văm minh Bác hè, nhò Bác thông tin thêm họ có cách quản lý chi hay mà được như rứa, để học làm theo Bác nhé !

Vũ Xuân Tửu nói...

Đọc bài Chư Mố của VCH, tôi sực nhớ chuyến đi thăm lại Mèo Vạc (Hà Gíang). Huyện bố trí vào thăm xã Tả Lủng, Bất ngờ thấy các cháu học sinh đứng vẫy tay hai bên đường, khiến cả đoàn lúng túng. Lại một lần tham dự tọa đàm về cố nhà thơ Nguyễn Đình Chiến, mình đươc lên phát biểu trong nền nhạc Nga hùng tráng, tưởng như ríu cả chân. Ngẫm lại thấy buồn cười về cái sự nhà quê của mình.