Hồi nhỏ, nhà tôi ở Thanh Hóa, 2 thứ tài sản quý nhất của gia đình thời ấy là 2 cái xe đạp của ba và mẹ, mỗi khi đi đâu về thì nó được... treo lên, 2 cái xe ngạo nghễ thượng trên 2 sợi dây thừng thả từ nóc nhà xuống có 2 cái móc, một móc vào ghi đông, một móc vào foobaga, khi nào buồn hoặc cần... tưởng tượng thì tôi ngồi cầm cái pê đan và... quay. Thi thoảng, ba mẹ không có nhà, tôi leo lên cái xe đang treo sát cái tường nhà tập thể trát tốc xi ấy và... cắm cổ đạp, say mê như cua rơ đường trường. Món quý thứ 2 là cái đài (radio), to như cái mặt ghế và dầy như cái lò vi sóng bây giờ, ngốn pin như thuồng luồng hít bia, chằng buộc đủ kiểu, mỗi khi nghe là phải ghé sát tai vào, vừa nghe vừa... vỗ ầm ầm vào đài, mà nào có nghe được cho đàng hoàng, nó cứ bổng trầm rồi khẹt khẹt liên tục, nghe câu được câu mất. Thế mà tối thứ 7 nào nhà tôi cũng chật khách, ấy là các cô chú trong khu tập thể sang “ăn” nước và nghe đài. Tối thứ 7 có 2 chương trình hay là “câu chuyện cảnh giác” và “sân khấu truyền thanh”. Tôi học lớp bốn lớp năm chi đấy, trở thành chuyên gia... độ pin. Pin thời ấy hiếm hơn... rau muống bè bây giờ, nên tôi nghe người lớn bày bèn về áp dụng cho nhà. Một là thả pin đã hư xuống gầm giường, cả tuần thì nó hồi lại nghe được một vài tiếng nữa. Cách công phu hơn là đục một cái lỗ, cho muối vào. Với cách này thì phải đấu dây kéo pin ra ngoài chứ lắp vào đài nước muối chảy ra hỏng ngay. Kiếm cái ống nứa, đút pin vào rồi lấy dây thun cột lại. Cách này cũng kéo dài tuổi thọ pin được chút ít. Cách nữa là thay vì 3 cục pin thì... chơi luôn 6 cục pin đã hỏng, thấy nó cũng ọ ẹ được một lúc.
Bởi ngoài “câu chuyện cảnh giác” và “Sân khấu truyền thanh” tôi còn nghiện một món nữa, là chương trình “Ca nhạc theo yêu cầu thính giả”, 8 giờ sáng chủ nhật, tôi nhớ thế.
Nhờ chương trình ấy mà tôi biết và thích bài hát “con suối La La” của nhạc sĩ Huy Thục, tôi cũng vài lần gửi thư về “phòng ca nhạc Đài tiếng nói Việt Nam 58 Quán Sứ Hà Nội” đề nghị đài phát lại bài hát ấy mấy lần. Hồi ấy trong chương trình mà vang lên câu: Mời các bạn A B C D... nghe bài hát XYGE... theo yêu cầu của các bạn thì sướng y như thời mới viết báo làm thơ gửi tứ tung và chờ mãi đến một ngày rưng rưng sướng khi thấy tên mình có trong... hộp thư cộng tác viên bằng cái bao diêm ở góc tờ báo mỗi tháng điểm một lần.
Cái chiến thắng Quảng Trị mùa hè 1972 ấy được tuyên truyền rất kỹ. Trường tôi rầm rộ làm lễ mít tinh, em trai tôi ngọng líu ngọng lô lên đọc thư gửi các chiến sĩ thành cổ. Và bài hát Con suối La La ấy càng in đậm trong tâm trí tôi và tôi nhớ từ hồi ấy tên một nhân vật trong bài hát ấy, Bùi Ngọc Đủ.
Hồi ấy ở chiến trường Quảng Trị, nơi được mệnh danh là cối xay thịt, có 2 nhân vật nổi tiếng trên... báo (bởi có ai gặp được các ông ấy thời ấy đâu, mà báo chí thời ấy lại cũng không nhanh như bây giờ, từ viết bài, chuyển tin đến in ấn phát hành) mà sau này tôi quen, là Lê Bá Dương và Bùi Ngọc Đủ. Tôi còn là học sinh, đọc báo thấy các ông một mình oánh nhau với bao nhiêu đối thủ, và chiến thắng, và an toàn. Ông Dương thì có ảnh in trên báo kèm bài, từng có 4 câu thơ rất hay “Đò lên Thạch Hãn xin chèo nhẹ/ Đáy sông còn đó bạn tôi nằm/ Có tuổi hai mươi thành sóng nước/ Vỗ yên bờ mãi mãi ngàn năm”, sau này là đồng nghiệp của tôi ở một tờ báo khi ông về sống ở Nha Trang, ông Đủ thì có cả ảnh cả bài hát nữa.
Nói luôn, một thời các ca khúc cách mạng Việt Nam rất hay nhắc đến tên người trong bài hát. Nguyễn Viết Xuân nhé, Nguyễn Bá Ngọc nhé, rồi Hoa Xuân Tứ, Nguyễn Văn Trôi, Nguyễn Văn Bé, anh hùng Núp, A Sanh, Lê Thị Hồng Gấm, Kim Đồng, chị Sáu vân vân...
Có lần tôi đã tỉ mẩn thống kê, thì ra ở Gia Lai một thời, có đến ba con người đang còn sống bằng xương bằng thịt, được là nhân vật chính của ba bài hát nổi tiếng. Cái việc có tên trong bài hát ở Việt Nam khi còn sống nó cũng... khó như được đặt tên đường lúc sống. Thế mà riêng ở Gia Lai có tới ba bác là bác Núp với bài “Ca ngợi anh hùng Núp” của nhạc sĩ Trần Quý, bác A Sanh với bài hát “Người lái đò trên sông Pô Kô” của nhạc sĩ Cầm Phong và nhà thơ Đào Mai Trang, và bác Bùi Ngọc Đủ trong bài “Con suối La La” của nhạc sĩ Huy Thục. Tên của 3 ông đều vang lên nhiều lần trong bài hát, trong đó, 2 ông đầu gắn với chiến trường Tây Nguyên, và đều là người Tây Nguyên, một ông Jrai và một ông Bahnar, còn ông Bùi Ngọc Đủ lại gắn với chiến trường Quảng Trị, và ông lại là người Thanh Hóa.
Đầu giờ chiều thứ 3 ngày 28 tháng 3, tôi nghe tin bác Bùi Ngọc Đủ từ trần.
Lặng đi một lúc, dẫu biết là, con người đương nhiên có sinh có tử, rằng chả ai có thể cãi được mệnh trời, nhất là khi đã cao tuổi, đã hoàn thành sứ mệnh với cuộc đời này một cách an nhiên và viên mãn, mà bác Đủ, thì kể ra, với từng ấy tháng năm, từng ấy thăng trầm, từng ấy hiển hách, từng ấy những gì đã trải qua, những gì người ta biết về bác, và từng ấy những bình an trong cuộc đời, trong một gia đình đầm ấm, thì việc đi hay ở chắc chả còn vấn đề gì nữa, hay như một cách ví von, là nhẹ tựa lông hồng. Nhưng vẫn lặng đi, bởi, với con người này, hình như tưởng đã biết hết về ông, mà té ra, lại vẫn rất mù mờ.
Hồi ấy, cũng chả biết tại sao tôi lại biết ông đang ở Gia Lai.
Tôi lên Gia Lai nhận công tác năm 1981 thì chỉ một tuần sau đã vô tình gặp ông Núp khi tôi thì đi bộ thăm thú làm quen phố phường, còn ông thì đội đứa cháu nội trên cổ vừa đi vừa dỗ nó, và chứng kiến nó đái từ vai ông xuống.
10 năm sau tôi mới biết ông Bùi Ngọc Đủ hiện sống là xã Kon Tầng, huyện Mang Yang, và 5 năm sau nữa thì mới biết ông A Sanh đang sống ở xã Ia Grái, huyện Chư Păh, giờ là Ia Grai.
Có những người nghe về họ cứ như huyền thoại, cứ như là họ sống ở cõi nào, đến lúc bảo ông ấy kia kìa cứ ngơ ngác không tin được. Tôi gặp cả ông Núp, ông A Sanh và ông Bùi Ngọc Đủ đều trong tâm trạng như thế.
Thực ra thì lúc ông Bùi Ngọc Đủ ra trận ấy, cũng như mọi người trai nước Việt khác, nước có biến thì trai ra trận chứ chả nghĩ mình sẽ thành thế này thế kia. Hết trận, về quê, làm anh nông dân, lấy vợ sinh con như mọi người là ước vọng của rất nhiều người. Tôi cũng từng sống nhiều năm ở Thanh Hóa nên tự coi là khá hiểu nông dân Thanh Hóa, và cũng bởi thế đã rất thú vị khi nghe nói ông nông dân cựu chiến binh Bùi Ngọc Đủ, nhân vật mình đã đọc từ hồi học sinh trên báo, giờ đang ở Mang Yang. Ngay lập tức đã thấy có gì đấy thân quen gần gụi, như là đã từng thân thiết, đã từng gặp mặt, đã từng bà con...
Cũng như mọi người, tôi cũng nghĩ ông đương nhiên đã là anh hùng rồi, cho đến khi gặp mới té ra là... chưa. Hồi ấy tôi cũng có hỏi nhiều người có trách nhiệm, ai cũng bảo ông xứng đáng là anh hùng rồi, nhưng tại sao lại chưa thì... mỗi người nói mỗi phách. Nghe đâu có lần một tờ báo viết về ông cũng đã “đương nhiên” gọi ông là anh hùng, thế là hồ sơ của ông lại bị xếp lại vì bị coi là kiêu ngạo, cầm đèn chạy trước... danh hiệu.
Hồi ở chiến trường Quảng Trị, ông là tiểu đội trưởng, chỉ huy tiểu đội 9 người bảo vệ kho đạn của đơn vị, đánh lùi nhiều đợt tấn công của đối phương với quân số lớn gấp nhiều lần, nhiều loại vũ khí có cả máy bay và pháo trong khi các ông là tiểu đội bộ binh, ở cái con suối La La bên ngọn đồi không tên xã Tân Kim, huyện Cam Lộ, Quảng Trị. Chưa hết, sau đấy ông cùng đơn vị tiếp tục rong ruổi chiến đấu vào tận Sài Gòn năm 1975 rồi sau đó... ngược Tây Nguyên, “cắm chốt” ở huyện Mang Yang với chức danh phó ban tổ chức huyện ủy, rồi khi “phong trào” Fulro rộ lên ông lại được điều về làm bí thư một xã “nóng” nhất, và ông đã hoàn thành nhiệm vụ một cách xuất sắc, bóc hết Fulro ở đấy một cách mềm mại và uyển chuyển... Lược sơ như thế thì thấy ông anh hùng là đúng quá chứ còn gì nữa. Chưa kể, trong cuộc sống ông rất hòa đồng, tận tụy với dân, nên đến khi về hưu ông vẫn “bị” bầu làm chủ tịch hội cựu chiến binh, rồi hội khuyến học của huyện...
Năm 2010 thì ông Bùi Ngọc Đủ chính thức là anh hùng có quyết định.
Nhưng từ rất lâu rồi, mọi người đã coi ông là anh hùng, gọi ông là anh hùng. Nghĩ cho cùng, cái danh không quan trọng bằng mình đã sống như thế nào để gia đình yên ấm xã hội coi trọng. Vậy nên, dù sống ở tận huyện Mang Yang, nơi cách đây chừng chục năm vẫn còn là vùng sâu vùng xa, nhưng vẫn rất nhiều người trong cả nước biết và nhớ đến ông. Tất nhiên có công của bài hát của nhạc sĩ Huy Thục, một trong những bài hát hay của dòng nhạc Cách mạng, mà giờ trong USB trên xe tôi vẫn có, giai điệu tha thiết, trữ tình chứ không lên gân dù nó viết về một trận đánh, có một con người cụ thể với cái tên rất khó thành giai điệu... Nói thêm, bài hát ấy ngoài cái tên Bùi Ngọc Đủ rất khó để uốn theo nhạc, còn có suối La La, đồi không tên, Lính thủy đánh bộ... thế mà nó cứ mượt như... bài hát “Ơi dòng suối La La! Nước trong xanh hiền hòa Chảy quanh đồi không tên (ơ) Đang bay bổng lời ca Chảy xuôi về sông Cam Lộ Hoa chiến công đang nở rộ Từ Quảng Trị về Thừa Thiên (ơ)/ Ơi dòng suối La La! Ơi dòng suối La La! Nước trong xanh hiền hòa Chảy quanh đồi không tên Nay đồi đã mang tên “Tiểu đội Bùi Ngọc Đủ” Mười dũng sỹ diệt Mỹ Ai qua suối La La Mời dừng chân bên đồi Mà xem bao lũ giặc Lính thủy đánh bộ Mỹ Nó kéo nhau lên rừng Xác chết nằm ngổn ngang. Trên ngọn đồi không tên...”. Nhớ có lần tôi nói với một anh bạn Quảng Trị, quê ông nhiều bài hát hay bởi nói lên đã là giai điệu, đã là nhạc rồi...
Bùi Ngọc Đủ đã sống đúng nghĩa là anh hùng cho đến khi thanh thản ra đi. Một anh hùng quê vùng biển Thanh Hóa đã chọn rừng Mang Yang Tây Nguyên làm nơi an nghỉ, bình an và nhẹ nhõm, nhưng sẽ còn rất nhiều người nhớ về ông, nhớ người anh hùng bên suối La La ngày nào, và không chỉ La La, còn đất Kon Tầng, Mang Yang đã trở thành nơi an nghỉ vĩnh hằng của ông.
Như thế là người cuối cùng trong “tổ tam tam” của ba ca khúc cách mạng rất hay một thời đã về với tổ tiên. Vĩnh biệt ông, vĩnh biệt nhân cách anh hùng của một anh hùng đúng nghĩa. Mùa này, Tây Nguyên và Mang Yang rất nhiều mây trắng. Mong ông sẽ hóa thành một trong những sợi mây trắng ấy thảnh thơi với cuộc đời này...
Anh hùng, nghĩ cho cùng, là người bình dị nhất.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét