Thứ Năm, 24 tháng 11, 2016

CHUYỆN VUI VỀ… KHÁCH




Trong ngân sách thường xuyên phân cho các cơ quan nhà nước có mục dành để tiếp khách. Mục này nó rất… mông lung ảo diệu nên bộ tài chính đã cố gắng cụ thể hóa bằng những quy định rất chi tiết, ví như tiếp mẹ Việt Nam anh hùng, thương binh, gia đình có công thì như thế nào, khách trong tỉnh ngoài tỉnh thì ra làm sao, khách quốc tế nữa. Hình như mỗi khách được ấn định một trăm rưỡi đến hai trăm ngàn gì đấy. Trong bộ chứng từ tiếp khách thì ngoài hóa đơn đỏ, hóa đơn xanh (ghi các món ăn) thì phải có danh sách khách. Nhưng vỏ quýt dày thì có… móng tay nhọn. Thường thì danh sách khách sẽ được kê lên gấp đôi hoặc gấp 3. Quả là cũng rất khó cho các anh lãnh đạo đi tiếp khách, khi vào nhà hàng, các em (cháu) tiếp viên hoặc trực tiếp chủ nhà hàng đứng ra giới thiệu: Nhà em hôm nay có đặc sản gồm…, chả lẽ lúc ấy lại kêu cá kho rau muống cà muối… Mà có thể kiểm soát được lúc gọi món thôi chứ lúc uống thì kiểm soát thế nào được. Định uống một thùng bia nhưng nhà hàng cứ thấy hết lại bê, chả lẽ bảo thôi, hết định mức tiếp khách rồi à? Chưa kể ăn xong thì còn đi… hát. Nói lại bảo phỉ phui, nhưng quả là nhờ cái quả karaoke vừa cháy mà “phong trào” này giảm hẳn! (Nó cũng như chế độ phép ấy, một thời phong trào bán vé xe tàu rất rầm rộ “nhờ” chính sách thanh toán phép cho cán bộ công nhân viên, nên có người chả đi cũng mua vé thanh toán, giấy phép thì gửi về quê đóng dấu, ai cũng biết nhưng ai cũng nghĩ việc ấy là… đúng nên chả ai có ý kiến. Có cơ quan còn thông báo lên bảng: Ai chưa có vé nghỉ phép thì đề nghị đi mua gấp về nộp để thanh toán. Giờ chặt hơn là phải về thăm bố mẹ và bố mẹ phải ốm đau thì mới thanh toán phép. Khổ, thế là bố mẹ lần lượt được con cho… đau ốm, có dấu của y tế hẳn hoi!).

Chưa hết, có khách thì rất ít khi chỉ mình sếp đi tiếp. Thế nào cũng phải kêu thêm mấy nhân viên để có người này người kia mà đưa đẩy, chứ có một một mình buồn chết đi được, bởi tiếp khách, ăn có phải là ăn đâu, nó là quan hệ, là giao đãi, là tình cảm... Họ vừa giúp đi chợ (kêu món), giúp rót bia, giúp mời khách… chứ sếp là lóng ngóng lắm, chả biết gì, trừ biết làm… lãnh đạo. Ưu tiên hàng đầu là nữ, và phải biết… uống (hoặc biết tráo bia rượu cho sếp). Rồi hoạt bát, rồi… xinh. Rất ít khi sếp kêu các nhân viên nam cùng đi tiếp, toàn bọn uống như thuồng luồng ấy, chết tiền, trừ khi anh nam ấy là chánh văn phòng hoặc kế toán.

Mà dân Việt ta, ai cũng biết, để được coi là hiếu khách thì phải… nhồi được cho khách uống thật nhiều, uống đến gục tại chỗ, đến nhòe nhoẹt, đến thân tàn ma dại… khách càng say, càng đọa, càng bí tỉ, càng… chết đi sống lại thì lại càng được khen. Sáng mai đến cơ quan thế nào cũng trầm trồ khoe chiến tích: Hôm qua diệt được ông này ông kia, quá đã…

Mà khách thì… rất nhiều. Các cơ quan nhà nước giờ liên tục khách. Khách ra khách vào, khách trên xuống khách dưới lên, khách ngang khách dọc, khách chéo khách xiên… Tôi quen một ông chánh văn phòng tỉnh ủy, ổng bảo: Tôi sẽ thủng dạ dày nếu cứ tiếp tục là chánh văn phòng. Trời” thương, ông cầm cự 4 năm thì được chuyển về làm giám đốc một sở. Trước khi nhận công tác khác, ông đi kiểm tra tổng thể sức khỏe, dạ dày thì chưa thủng nhưng men gan cao vời vợi, mỡ máu cũng tỉ lệ thuận luôn…

Thi thoảng thấy cơ quan này cơ quan kia bị thanh tra, thì mục đầu tiên nhắm đến và dễ sai phạm nhất là mục… tiếp khách. Mà khách giờ chả ai tiếp bằng rượu nút lá chuối cả. Nếu gặp khách đặc biệt thì riêng tiền rượu đã cả mấy chục triệu, bét cũng chục. Như đã nói, kế toán giờ cũng… khôn ra  nhiều để đối phó với quy định tiếp khách. Nhưng ngoài việc kê tăng khách vẫn phải véo chỗ này chỗ kia, thanh tra tinh ý nhìn phát ra ngay, bởi chính thanh tra nhiều lúc cũng phải… tiếp khách, cũng phải bốc chỗ này đập chỗ kia, cũng phải rối tung rối mù như phù thủy bấm độn.

Chưa hết, còn trăm thứ việc phải chi ngoài luồng mà không tìm ra nguồn chi, hay chính xác là không được phép chi, ô hô, đùn cho… khách chịu. Kiếm phiếu đỏ, kê tên khách, cần thì điện thoại xin “khách” cái công văn cử đoàn đến “tham quan học hỏi kinh nghiệm”. Muôn hình vạn trạng… khách.

Tôi làm ở một cơ quan văn học nghệ thuật, mỗi lần ngồi với bạn bè lại mang chuyện… trốn khách ra kể vui mà cười chảy nước mắt. Nhận công văn khách đến thì… không xử lý, coi như chưa nhận được. Ngày khách đến thì… trốn ở nhà, nói nhân viên là sếp đi họp, đi công tác, bị ốm, nhà có tang... Khách cũng tinh quái, đứng trước cửa nhà mới điện thoại, nghe rõ chủ nhà nói oang oang từ… trong nhà: Tôi đang ở huyện. Chưa kể từ hồi Vinaphone đẻ ra cái Gphone, mạng di động nhưng đầu số máy bàn mới nhiều chuyện khôi hài nữa, bởi thấy “nó” gọi máy bàn bèn ung dung ra cửa nghe điện thoại bởi nghĩ “nó” đang ở tỉnh nó, té ra “nó” đã lù lù trước mặt mình, có mà trốn đằng giời… Còn nếu trốn không được thì đành phải dẫn khách đến quán quen. Sếp cầm thực đơn gọi rất dõng dạc hoành tráng, toàn món đặc sản, nhưng người nhà hàng lại chăm chú nhìn… kế toán. Thấy kế toán cong ngón tay lại sau mỗi phát kêu hùng dũng của sếp lại là bẽn lẽn thất vọng thẽ thọt tiếc quá món ấy nhà cháu vừa hết, đến lúc kêu canh cua cá kho cà muối thì kế toán giơ thẳng ngón tay là nhà hàng dõng dạc theo: 2 canh rau muống đặc biệt, 1 cá kho mặn, một cà muối đặc sản, trà đá, tăm vô tư… 

Nên chuyện các cô giáo ở một huyện của tỉnh Hà Tĩnh được “cấp trên” điều đi tiếp khách mấy hôm nay đang nóng trên báo chí và mạng xã hội, cả quốc hội nữa. Có 2 luồng, một là phản đối quyết liệt, cho rằng các cô giáo bị điều đi “tiếp khách”. Chữ tiếp khách bị đặt trong ngoặc kép. Tiếng Việt phong phú, khi tiếp khách được đặt trong ngoặc người ta hiểu ngay đi làm gì. Một luồng nữa thì… không phản đối, bảo đấy cũng là một việc bình thường, thậm chí là “phục vụ nhiệm vụ chính trị của địa phương”…

Tôi cũng từng đi tiếp khách, và cũng nhiều lần là khách, cũng chứng kiến nhiều chuyện không hay, dở mếu dở cười của cả khách và chủ khi đã có men vào người. Và lại nhớ cái thời ba mẹ tôi còn đang công tác, đi đến đâu, ngoài hành lý cá nhân gọn nhẹ thì còn có… mấy cái tem gạo cất cẩn thận trong ví. Đến nơi là… báo cơm. Tự báo hoặc chủ nhà báo giúp, nhưng có một thứ không giúp, ấy là lấy ra 2,25 lạng gạo bằng tem, nộp cho nhà bếp, kèm mấy hào gì đấy. Đến bữa, xuống bếp tập thể ăn, chả bị ai tiếp và cũng chả phải tiếp ai. Sau này có lần mẹ tôi lên chơi với tôi, thấy tôi đi tiếp khách say bò lê bò càng về, nôn ra mật xanh mật vàng, vừa lấy nước nóng lau mặt, lấy vôi bôi chân cho tôi mẹ vừa suýt xoa: Khách khứa gì mà hành nhau khổ đến thế này hả giời???

Biết làm sao bởi có nhiều ông, đến địa phương nào mà không được tiếp, ra về cũng hậm hực lắm, thậm chí lên facebook kể xấu nữa. Và tôi, có lần nhận được công văn báo khách đến, họp đến… 3 cuộc để bàn về việc tiếp khách, tiền ở đâu, ăn món gì ngon bổ rẻ, những ai được đi… đến lúc khách không đến, cũng… hậm hực lắm…



5 nhận xét:

Đặng Quang nói...

:D

Unknown nói...

Bài viết rất hay, cảm ơn a Hùng. Nhưng có 1 chi tiết để em nói rõ tý cho a rõ. Gphone là dịch vụ điện thoại vô tuyến cố định, sử dụng sóng của mạng Vinaphone. Mỗi máy được qui định sử dụng trong một phạm vị nhất định gọi là Cell. Việc cài đặt đó là do nhân viên kỹ thuật làm, cho nên mấy ổng sở hữu 1 thuê bao thì tự cài đặt cho mình quyền mở tất các Cell, cho nên cầm đi đâu miễn có sóng Vína là sử dụng được, cứ thế tặng tiếp cho người thân và bạn bè thành ra có trường hợp như a Hùng nói./.

Nặc danh nói...

Hết chuyện...

Vũ Xuân Tửu nói...

Chí lý chí tình.

TNC nói...

Đọc thấy mình trong đó, tự đọc và cười một mình như người bị đao. Cảm ơn bác.