Thứ Bảy, 2 tháng 7, 2016

TIẾP TỤC ĐÀI LOAN NHỮNG NHÁT VỤN 4



             Quả là cho đến giờ tôi vẫn không thể nào cắt nghĩa được, rằng thì là tại sao ở bên nước thì họ văn minh, văn hóa, hiện đại... đến như thế mà sang ta lại lòi ra vụ Formosa. Suốt mấy ngày bên ấy tôi thấy nhõn một cái biển quảng cáo Formosa trên đường ra ngoại ô. Khi lên máy bay Đài Loan trở về Việt Nam (Hãng Eva), tiếp viên thông báo có 2 món cơm là cơm bò và cơm cá. Mấy người phụ nữ cẩn thận hỏi: Cá ở đâu, tiếp viên bảo: Không phải cá Việt Nam đâu, cá Đài Loan đấy. Tức là họ cũng biết rõ những gì đang xảy ra ở Việt Nam. Cá nhân tôi cho rằng, Formosa đã nhận lỗi của họ, hãy để cho những người thiệt hại khởi kiện đòi quyền lợi, 500 triệu ông Tơn kia là họ đền cho chính phủ, còn của dân thì phải thương lượng trực tiếp. Văn minh thế mà hành xử man rợ với con người với thiên nhiên thế thì không hình phạt nào xứng. Và bản thân người Đài Loan, những con người vô cùng thân thiện, tốt bụng và hiện đại, văn minh, và truyền hình Đài Loan cũng đã lên án hành vi này... Chính nhờ sự lên tiếng kịp thời của truyền hình Đài Loan mà sự việc được thúc đẩy nhanh hơn, và dân ta cũng được biết "bí mật" cứ bí mật suốt mấy chục ngày trước đó...



             Người Đài Loan cực kỳ tự hào với cái tháp Taipei 101 của họ. Bằng chứng là ai cũng hỏi tôi đã đến đấy chưa. Tôi đã từng đến tháp Petronas của Malaixia và đã thấy nó hoành rồi, giờ nghe nói anh này cao hơn nữa, thế thì phải đến thôi. Lại tay cầm bản đồ, tụt xuống đất đi tàu điện ngầm. Ngay dưới cái khách sạn tôi ở là ga tàu điện ngầm nên rất tiện lợi...

Tòa nhà Taipei 101 từng là tòa nhà cao nhất thế giới với 509m. Nói “từng” là bởi năm 2010 thì nó bị tòa nhà ở Đu Bai vượt mặt. 2 chặng tàu điện ngầm và 5007 bước đi bộ thì đến nơi (cái anh iPhone giờ có chương trình đếm bước đi bộ tiện lợi thật). Người đông như chuẩn bị vào sân xem bóng đá, nhưng tất cả đều xếp hàng trật tự mua vé, xong lại lặng lẽ xếp hàng vào thang máy, lên đỉnh và... ngắm… Lại dở máu con buôn nửa thì, buôn đâu lỗ đấy mà tính rằng, với mỗi vé 500 đài tệ mà người cứ dằng dặc thế này thì chả mấy chốc mà họ thu hồi vốn, ấy là chưa kể cho thuê mấy chục tầng ấy nữa, cứ là sáng choang, thơm phức, ai lên rồi cũng phải lượn một vòng các gian hàng, dẫu lác đác mới có người mua thì cũng đã vẫn là tấp nập rồi. Mà cái thang máy cũng khiếp, thông số hiện lên cho biết nó chạy hết 37giây, êm ru, như không chạy, lên tầng cao nhất, tầng 89. 



          Ý thức của dân là vô cùng quan trọng để phát triển và duy trì một xã hội văn minh. Nếu không có ý thức tự giác chấp hành các quy chuẩn xã hội thì dẫu có phát triển đến mấy vẫn là xã hội mông muội, hoang dã…

          Ở Đài Loan ta thường xuyên gặp cảnh người đi bộ xếp hàng ở các… nút giao thông (nói thêm phần lớn người đi bộ đã di chuyển bằng phương tiện tàu cao tốc ngầm). Thì ra họ đợi đèn xanh để qua đường. Bên ta, người đi bộ, thậm chí xe đạp là có quyền sang đường bất cứ lúc nào. Ở đây, các ngã tư ngã sáu với vạch kẻ đường rõ ràng được mọi người chấp hành tăm tắp. Có lúc tất cả các hướng dừng, chỉ một hướng di chuyển, và có lúc tất cả các hướng xe cộ đều  dừng chỉ để người đi bộ đi chéo qua nút giao, chỉ khi nào có đèn xanh thì mới qua, hàng một và rất nhanh. Tác phong đi bộ quen khiến bước của họ dài, rất đẹp, nhất là các cô gái.

          Khi lên thang cuốn, không ai bảo ai, tất cả đều đứng nép về bên phải, chừa khoảng trống bên trái cho những người vội, bước trên thang cuốn cho nhanh. Cũng như thế, tất cả các nơi công cộng đều có chỗ cho người khuyết tật. Cái tàu điện ngầm vun vút ấy, mỗi hàng ghế màu xanh đều có 2 cái ghế khác màu, thường là màu đen dành riêng cho người khuyết tật, hết ghế mọi người đứng chứ chả có ai ngồi vào đấy dù lúc ấy ghế để không. Thang máy cũng như vậy.

Mua vé lên tòa nhà 101 cũng xếp hàng, vào thang máy để lên tháp cũng xếp hàng dài dằng dặc, không ai chen ngang, dù có cái cửa để cho người tàn tật luôn mở và... không có người gác, cũng không ai lành lặn bước vào, mà đều đi vòng đến mấy chục mét để xếp hàng. Bên ta nhé, thử ngắm một lúc ở cái nơi tưởng là văn minh nhất, là sân bay mà xem. Chen ngang vô thiên lủng, kế cả mấy bố cặp da vét tông...


Vấn đề là, tất cả mọi người vô cùng tự giác, họ coi đấy như là việc bình thường, như lẽ đương nhiên, chứ không phải là bắt buộc. Họ tự giác kiểu như cứ có 3 người trở lên là xếp hàng dọc. Cũng như tất cả các toa tàu đều có mấy cái ghế khác màu ở ngay cửa lên xuống dành cho người tàn tật, khách đông đến mấy, đứng chen nhau thì mấy cái ghế ấy vẫn để không. Tôi đã say sưa chụp ảnh những cái ghế không trên những toa tàu giờ tan tầm toàn người đứng ấy. Sang đây mấy ngày, tôi chưa thấy bóng dáng một ông cảnh sát nào cả, chưa biết trang phục của mấy ông công lộ ra sao, mà tất cả cứ răm rắp, quy củ chứ không như bên ta, cứ nhăm nhăm không có cảnh sát là vượt, thậm chí có cảnh sát cũng vượt, bị thổi tính sau. Mọi người sợ cảnh sát chứ không sợ luật. Con gái tôi bảo: xe vun vút thế anh bất tuân một tí là chết ngay, và luật phải đứng về phía kẻ sai chứ bên ta có việc gì thì xử anh gây tai nạn đã, dù người bị nạn là kẻ phạm luật, vậy thì bao giờ dân tự giác chấp hành luật. Kiểu chấp hành như bên Đài Loan nó thấm vào máu từ bé rồi, con người từ nhà trẻ, mẫu giáo đã được giáo dục như thế rồi, nó như cơm ăn nước uống, như hít thở rồi…

3 nhận xét:

Vũ Xuân Tửu nói...

Hấp dẫn thật, đọc 1 lèo cả 4 kỳ. Ban đầu, cứ ngỡ quốc đảo ấy chỉ bằng Plâycu, nay mới biết to bằng Đài Loan. Viết tiếp đi, dài dài vào...

quyquan nói...

Cho nói thầm tý.
Tìm cái xấu ở Bắc Âu mới khó. Chứ tìm cái xấu trong cộng đồng người Tàu cũng không khó đâu, kể cả Hồng Công, Đài Loan, Xin ga po. Chẳng hạn, cái công nghệ tái chế dầu ăn từ nước cống xuất hiện từ đâu?
Vẫn là người Tàu.

Nặc danh nói...

Cho nói thầm tý.
Tìm cái xấu ở Bắc Âu mới khó. Chứ tìm cái xấu trong cộng đồng người Tàu cũng không khó đâu, kể cả Hồng Công, Đài Loan, Xin ga po. Chẳng hạn, cái công nghệ tái chế dầu ăn từ nước cống xuất hiện từ đâu?
Vẫn là người Tàu.