Thứ Sáu, 8 tháng 7, 2016

"NHÀ" CHO NGƯỜI... CHẾT





          Hồi nhỏ, mỗi khi được về quê ngoại, cái tôi khiếp nhất là trong nhà một số bà con có cái... quan tài lù lù. Thế nhưng bọn trẻ con ở đấy thì lại chả coi cái thứ ấy là đinh gì để sợ, bằng chứng là chơi trốn tìm chúng chui vào đấy để trốn, và phần lớn các cỗ quan tài ấy dùng làm nơi chứa lúa, ngô hoặc khoai khô.

          Sau lớn mới biết, các cụ rất coi trọng cái “nhà” của mình sau khi rời cõi, nên phần lớn là sắm trước để yên tâm. Một là để được “ngắm” trước ngôi nhà sẽ tới của mình, hai là để khi nằm xuống người sống khỏi phải lo lắng, có “nhà” sẵn rồi, chui vào là xong, và ba là, quả là thời ấy nghèo, cứ là phải chuẩn bị trước cho yên tâm. Chứ lúc nằm xuống rồi mới cuống cuồng chạy vạy để mua gỗ rồi đóng, nó vất vả vô cùng. Thời ấy để vừa mua được gỗ, vừa đóng phải mất cả tháng chứ chả chơi. Phần lớn là để mộc, nhưng có nhiều cụ cẩn thận bắt con cháu sơn đúng ý của mình mới chịu, có cụ khoan khoái trèo vào trèo ra nằm thử rồi ngắm nghía suốt ngày. Thì các cụ chả có câu “sống nhà già mồ” là gì, nên trong nhà mà có các cụ gần tuổi “hai năm mươi” ai cũng lo chuẩn bị ít nhất một cỗ để trong nhà.

          Ở đâu chả biết, chứ vùng Thanh Hóa mà tôi từng sống, thì những tấm ván làm quan tài ấy, sau khi cất bốc “chuyển nhà” cho các cụ, thì lại mang về ao và... ngâm ở đấy, để dùng vào các việc khác. Tôi đã từng lội tắm bì bũm hoặc bắt trai, hến ở những cái ao ngâm những tấm ván thôi ấy mà chả biết gì, mãi sau mới có người nói cho biết.

          Lên Tây Nguyên, vào các làng đồng bào, tôi lại cũng thấy những cái hòm như thế lăn lóc khắp gầm sàn hoặc trên đường làng, có nhà trữ đến 3, 4 cái.

          Nhưng nó khác cái hòm của người Kinh. Ở đây là nguyên những cây gỗ hai ba người ôm, hạ xuống, bạt bằng phía trên, người khéo tay thì làm được cái nắp. Còn không thì làm lỗ ở đầu, đục cho bộng cây gỗ ra. Khi có người chết thì cho vào đấy, đặt mấp mé trên đất và chừa lỗ hổng để hàng ngày người sống ra... bón cơm cho người chết, cho người chết uống nước, chuyện trò với người chết, tóm lại là coi như người ấy  chưa chết, hoặc chính xác hơn là mới... chết tạm, đến khi bỏ mả thì mới chính thức đoạn tuyệt nhau, vĩnh viễn không nhắc đến nhau nữa, khác người kinh, mãi mãi đời này truyền đời kia vẫn cúng giỗ tưởng nhớ người chết.

          Sở dĩ cây gỗ phải to bởi người Tây Nguyên có tục chôn chung. Trong thời gian chưa bỏ mả, nếu trong gia đình có người cùng huyết thống chết, người ta tiếp tục cho vào đấy. Có lần tôi nghe nghệ sĩ nhân dân Xuân La, người dân tộc H’re, khi ấy là đại biểu hội đồng nhân dân tỉnh Gia Lai, kể chị xuống làng gặp lúc người ta đang mở quan tài để nhét thêm người vào. Mà cái người trong hòm trương to quá, người ta phải lôi ra, dùng chân dận cho... xẹp xuống, để bỏ thêm người mới. Mùi thối bốc lên nồng nặc cả vùng, chị bảo đã uống rượu rồi mà vẫn nôn thốc nôn tháo...

          Trong tất cả những điều mà “ánh sáng cách mạng” đem tới cho đồng bào Tây Nguyên, tôi cho việc xóa bỏ tập tục chôn chung là vĩ đại và thiết thực nhất. Cái hủ tục đã theo đồng bào hàng ngàn năm, chắc nó cũng phải có cái lý gì đấy mới tồn tại được lâu đến thế, nhưng giờ, đã gần như vắng bóng, may mắn thay. (Tục thứ 2 là phụ nữ phải vào rừng tự đẻ, và nếu mẹ chết thì chôn theo con, về cơ bản cũng đã bỏ hết rồi).

          Nhưng giờ, gỗ dùng để làm quan tài cũng không còn.

          Rừng hết gỗ rồi, có muốn làm bằng gỗ cũng chả được. Bà con giờ làm bằng... xi măng. Đúc những cái huyệt bằng xi măng rồi bỏ người chết vào đấy, nắp cũng bằng xi măng, đậy lại, lấp đất lên, xong.

          Nhân tiện kể thêm, vùng người Jẻ Triêng ở phía Bắc Tây Nguyên, cụ thể là ở tỉnh Kon Tum ấy, có tục “thiên táng”, tức là gác những cái quan tài có xác người trong ấy lên các chạc cây, để nó tự khô đi, chứ không chôn xuống đất. Vài chục năm, gỗ mục, xương rơi lả tả xuống đất. Chừng 2 chục năm trước, tục này vẫn còn, giờ nghe nói cũng đã hết. Thì đã có địa táng, hải táng, điểu táng... nên thêm xuất thiên táng cũng chả có gì lạ. Có điều, chiều chạng vạng nhé, vô phúc đi lạc vào cái khu thiên táng ấy, có khi đứng tim mà chết chứ chả chơi. Hồi đi Nepal, thấy những con kền kền đứng hiền lành bên đường, tôi hình dung cảnh những người dân ở đấy, khi có người chết, họ lấy dao chặt ra từng miếng cho vừa miệng, rồi vãi cho kền kền ăn. Nghe nói, được vào bụng kền kền là may mắn lắm.

          Ông Xu Man là họa sĩ nổi tiếng ở Tây Nguyên, từng 2 khóa liền là ủy viên Ban chấp hành Hội Mỹ thuật Việt Nam, từng ở Nga, ở Hà Nội nhiều năm, nhưng khi về hưu ông cương quyết về làng sống. Và khi về làng thì việc ông làm đầu tiên là... sắm quan tài cho mình. Mỗi lần về nhà ông, thấy mấy cái quan tài vất lăn lóc ở ngay ngõ, người yếu tim cứ rờn rợn. Hỏi ông sao làm nhiều thế, ông bảo mình không chôn chung, nên mình một cái, vợ một cái, còn thì để đấy, dân làng ai cần ông cho. Và quả là khi ông mất, một ngày giáp tết người Kinh, gia đình và đoàn thể chả phải lo bao nhiêu, đập một con heo, mấy con gà, dàn chiêng của làng đánh một đêm tiễn ông, đặt ông vào cái hòm ông chuẩn bị ấy, đưa lên xe công nông, ra nghĩa địa. Tại nghĩa địa, cái hòm ấy lại được đặt vào cái ô xi măng xây sẵn, hai lần vĩnh viễn.

          Lạ là, người Tây Nguyên rất cầu kỳ trong việc trang trí, từ hoa văn cạp váy, khố, đến cái gùi, quả bầu, cho đến nhà rông, nhà mồ, tượng mồ, cầu thang, nóc nhà, cây nêu... vân vân, cái gì họ cũng chăm chút rất kỹ khâu mỹ thuật, các họa tiết, hoa văn, các hình tượng cứ rời rợi sinh động bằng những đôi tay tài hoa của những người không biết chữ, chả học hành tỉ lệ, màu sắc, bố cục... bao giờ. Nhưng tuyệt nhiên, trên các quan tài bằng gỗ kia, không thấy họ trang trí gì, chỉ rất mộc như thế, những nhát rìu vạc cũng thô, không như khi họ làm tượng, hoặc các cây nêu, hoặc những cái nhà rông đồ sộ...

          Tục bỏ mả của người Tây Nguyên có thể có lý do là do nó gắn với việc họ hay du cư, thường xuyên dời làng, nên có muốn cũng chả chăm sóc được mồ mả, vì vậy, bỏ mả xong là xong, chính thức mỗi người mỗi ngả. Nhưng giờ việc dời làng là rất hãn hữu nên những khu nhà mồ của người dân ở đây cũng rất hiện đại, nhiều nơi toàn bê tông gạch men, rất hiếm những khu nhà mồ cổ như xưa, nên nhiều nhà nghiên cứu, nhiều ông nhiếp ảnh lội bở hơi tai cũng khó kiếm ra nhà mồ kiểu cũ để mà tác nghiệp...

          Cũng khác với phía Bắc, cư dân phía Nam không cải táng, tức bốc mộ, mà chôn là vĩnh viễn luôn. Tôi cũng đã từng, những năm sơ tán, chứng kiến cảnh ba bốn giờ sáng người ta vác đuốc, cuốc, xẻng, mai... đi cải táng. Nhà máy đi sơ tán thì thường vào nơi hẻo lánh, gần bãi tha ma, nên dù muốn dù không đều phải chứng kiến... Cư dân Tây Nguyên cũng chôn vĩnh viễn thế, nhưng bỏ mả xong là xong, không thờ cúng, hết vương vấn nữa...

          Té ra phía sau cuộc sống cũng có những điều thú vị, mà việc chuẩn bị “nhà” cho mình khi về già là một trong những thú vị như thế. Văn hóa khác nhau, văn minh khác nhau, nhưng cái sự chuẩn bị cho mình một “ngôi nhà” có vẻ có nét tương đồng. Bây giờ thì dịch vụ tận răng, có việc gì a lô phát là có người lo trọn gói rồi nên cái cảnh những cỗ quan tài lù lù ở nhà người Kinh (vùng nông thôn) và lăn lóc ở các làng Tây Nguyên hết rồi. Để có ảnh những quan tài của người Tây Nguyên tôi phải cầu cứu đến nhà nghiên cứu văn hóa dân gian Nguyễn Quang Tuệ, bởi thời ấy tôi toàn chụp ảnh phim, mà giờ ngồi lục lại rồi kiếm chỗ rửa ảnh thì thà... đi xin còn hơn...
     


                                                                      

Không có nhận xét nào: