Thứ Tư, 22 tháng 6, 2016

TIẾP TỤC ĐÀI LOAN NHỮNG NHÁT VỤN 3



Cái thế giới mạng hay thật. Tôi sang bên này mà ở nhà các nhà văn đàn anh Hà Phạm Phú, Văn Chinh và bạn bè… vẫn “chỉ đạo” được liên tục. Thì cũng phải thôi, tiếng tăm thì lõm bõm nếu không muốn nói là mù đặc khi nghe họ nói rất nhanh. Thế nên hàng ngày tôi đăng các “tút” ngắn lên phây búc, có gì chưa hiểu thì hỏi, thế mà thông suốt, ro ro, các bác từ nhà hướng dẫn mọi sự cứ như đang cầm tay chỉ việc, thậm chí bác Văn Chinh còn cụ thể “Giờ ấy ngày ấy chú phải làm được việc ấy...”... 
Như một chiều nọ, tôi được ông guide đưa vào một nơi không có trong chương trình mà ông ấy giải thích mãi vẫn chịu không biết là cái gì chỉ biết đấy là một nơi rất trang nghiêm, rộng rãi, hoành tráng, xây kiểu nửa đền nửa chùa, có sân rất rộng, có đội lính gác rất chuyên nghiệp, khi đổi gác có hàng trăm người đứng xem, quay phim chụp ảnh, không chỉ dân du lịch mà cả người sở tại. Đang định hỏi giáo sư Gúc (mà có hỏi cũng phải nhờ con gái dịch vì trình ngoại ngữ của tôi nhìn vào sẽ đảo mắt ngay) thì một chú em bạn phây là chủ doanh nghiệp ở Hà Nội nhảy vào bảo em có cô bạn 20 năm trước học cùng đại học chuyên  ngữ với em, hiện đang là chủ gia đình ở Đài Bắc, gần chỗ bác ở, để em giới thiệu cho bác làm quen có gì nhờ giúp đỡ. Ngay lập tức tôi kết bạn fb và hỏi về cái chỗ ấy là cái gì thì té ra nó là cái đài tưởng niệm liệt sĩ của Đài Loan, do chính phủ làm.
 
Lên tàu điện ngầm, gặp mấy đứa này nói tiếng... Nghệ, hớn hở hơn bắt được vàng...
Đã bảo Đài Loan tưởng nhỏ nhưng té ra nó rất rộng, dù phương tiện di chuyển rất thuận tiện, nhất là tàu điện ngầm. Còn đường bộ thì cứ có cảm giác là toàn bộ tài nguyên đất người ta dành cho đường, và không chỉ  đường trên mặt đất như thông thường, mà còn chằng chịt đường trên cao và đường dưới lòng đất. Nên khi được giới thiệu với cô bạn kia, tôi vừa phấn khởi vừa ngại. Phấn khởi vì mình sẽ gặp được người Việt ở Đài Loan đã lâu, sẽ hiểu nhiều về Đài Loan và những người Việt đang ở Đài Loan, nhưng ngại là ai cũng có công có việc, mà mỗi lần di chuyển gặp nhau nó xa xôi quá. Anh bạn kia thì rất nhiệt tình: Bạn em rất tốt với bạn, gặp người Việt sang cô ấy cũng rất mừng, cô ấy sẽ gặp anh và mời anh uống bia để... đỡ nhớ quê.

Thế nhưng cuộc hẹn vào chiều chủ nhật ấy đã không thành, đơn giản là bởi cô ấy có việc bên gia đình chồng, phải ra ngoại thành, về không kịp.

Hai bố con cầm theo bản đồ đi xem chợ đêm.
 
Trên tàu điện ngầm, rất đông người không có chỗ ngồi, phải đứng, nhưng2 cái ghế khác màu ngay sát cửa lên xuống dành cho người tàn tật vẫn để nguyên, không ai ngồi vào đấy. Người Đài Loan có ý thức rất cao trong đời sống, đến mức có cảm giác, làm thủ tưởng, tổng thống ở đây dễ hơn... làm dân...
Lên chặng tàu điện ngầm thứ nhất thấy ngay một băng ghế 4 thanh niên  đang ngồi và nói tiếng... Nghệ. Cô bé ngơ ngác nhất tên là Chiến, mới sang được 3 tháng. Chủ nhật đi 4 chặng để thăm anh, đã sang đây làm đến kỳ thứ 2. Mỗi kỳ 3 năm, hết lại về làm lại hồ sơ thủ tục sang lại. Trước, để tiết kiệm cả tiền và thời gian, lao động ta chọn cách... trốn lại, nhưng giờ bị bắt rất dữ nên cứ đường đường mà làm, tức là về rồi lại sang. 4 chặng đi của cô bé là xe buýt, tàu lửa, tàu điện ngầm và cuối cùng là tắc xi. Tôi khen cô bé giỏi vì... nhớ đường, chứ cứ như tôi là xong om, sẽ lạc lung tung và sẽ náo loạn lên cho xem. Mà mấy ngày ở Đài Bắc chả thấy bóng dáng ông cảnh sát nào, nên cũng không biết màu áo của họ ra sao (kể cả các doanh trại quân đội, đi cứ cố nhướng mắt lên tìm mà chả thấy, chỉ thấy các trụ sở phòng cháy chữa cháy, biết vì thấy trong sân đậu nhiều xe chữa cháy). Chiến kể, để sang đây làm, cô làm cho một xưởng da, con mấy người đi cùng làm cho hãng điện và điện tử, tốn hết 4 đến 5 ngàn đô. Sang đây lương từ 800 đến 1000 đô một tháng, nếu được tăng ca thì lương cao hơn. Tôi bật cười vì chữ “được”. Chiến bảo cháu rất thích tăng ca, vì nhanh có tiền trả nợ. Phải gửi về cho bố mẹ trả nợ tiền vay để đi rồi mới tích lũy. Thông thường là đợt đi đầu 3 năm chỉ đủ ăn và trả nợ, chuyến sau mới tích lũy được. Hỏi chủ đối xử thế nào, bảo rất tốt chú ạ. Chủ cho ăn ở trong xưởng, thi thoảng tổ chức riêng cho công nhân Việt Nam đi nghỉ, chơi tập thể. Tôi cũng ra vẻ am hiểu kinh tế, bảo với Chiến là chắc không đến 3 năm đâu, bởi cứ cho là lương 800 nhé, cháu tằn tiện tiêu 3 trăm thôi, còn 500 gửi về. Mỗi tháng 500 thì chỉ 10 tháng là đủ 5 ngàn rồi. Nó cãi: Ơ còn lãi nữa chứ chú, với lại cũng... chưa đến 3 năm thật. Tôi bảo hỏi để mừng cho các cháu thôi, chứ yên tâm chú không phải thuế vụ đâu mà sợ. Hầu hết những người sang Đài Loan làm sau đó đều về đưa anh em bà con sang làm. 4 cháu tôi gặp đây đều có anh hoặc em ruột làm trước rồi đưa sang, và cứ chủ nhật thì đi thăm nhau, nấu ăn, ngủ rồi lại lên tàu về, có khi cách nhau mấy trăm cây số. Với lại bây giờ nhất cử nhất động nhắn nhau qua mạng, bố mẹ ở nhà cũng nói chuyện xem hình live con cháu thường xuyên...
Chợ đêm chụp lúc... chiều. Người đông nghìn nghịt nhưng rất tự giác, vào các cửa hàng vẫn đeo nguyên ba lô, túi xách, chọn hàng xong tự giác cho vào cái rổ đến quầy tính tiền, không như bên ta đã phải gửi túi xacsch ba lô rồi còn bị bảo vệ hằm hằm theo dõi từng ly từng tí... Mỗi gian hàng chỉ có chừng 2 nhân viên, một thu ngân và một giới thiệu hàng...

Một người thợ sửa giày lặng lẽ giữa tấp nập chợ đêm
 

Không có nhận xét nào: