Thứ Năm, 24 tháng 3, 2016

TÂY NGUYÊN KHÁT



  Đầu tiên là rừng đã... hoàn thành việc phá. Lá phổi xanh không còn, không còn nơi để nước ẩn trú, cứ thế nó trôi tuột đi. Tiếp đến là cây công nghiệp, mũi nhọn của ngành kinh tế, phát triển tưng bừng. Muốn cây phát triển thì phải tưới, muốn tưới người ta khoan nước ngầm. Đã từng có cảnh báo là, nếu Tây Nguyên cứ tiếp tục khoan nước ngầm để tưới cà phê và tiêu như cách đây chục năm thì nước ngầm sẽ hết và vỏ trái đất cũng sẽ bị ảnh hưởng, bởi nó sẽ bị rỗng. Và có lẽ bây giờ bắt đầu báo ứng. Lại nhớ ông Jacques Dournes đã có một quyển sách một thời rất nổi tiếng được Nguyên Ngọc dịch là "Rừng, đàn bà, điên loạn" (Forêt, Femme, Folie) nói về vai trò của rừng và mối quan hệ giữa rừng với người Tây Nguyên như thế nào. Đọc mới thấy té ra cái anh tây họ quan tâm đến chúng ta nhiều hơn ta tưởng.

UBND tỉnh Gia Lai đã công bố thiên tai xảy ra trong vụ đông xuân năm 2015-2016 trên địa bàn tỉnh, với cấp độ rủi ro do hạn hán là cấp 1 (cấp nguy hiểm). 
       
          Vốn dĩ Tây Nguyên là đất khát. Nó khát từ xửa xưa rồi. Hình ảnh những đoàn người (đa phần là phụ nữ) sáng sớm đeo gùi (trong gùi là các quả bầu khô để đựng nước) cặm cụi xuống suối lấy nước dùng cho cả ngày đã quá quen thuộc với đời sống (và với cả các nhà nhiếp ảnh nghệ thuật).

          Những năm đầu tám mươi thế kỷ trước, mỗi khi xuống làng công tác, có chuyến đi cả chục ngày, nửa tháng, chúng tôi thường chọn nhà nào ở rìa làng, gần suối nhất để ở nhờ. Thế mà có làng mỗi khi buổi sáng xuống suối làm vệ sinh cũng đi mất cả tiếng đồng hồ, khi lên mỗi người không quên gùi một gùi bầu nước hoặc xách can nhựa để dùng cả ngày...

          Cái chuyện moi một cái hố giữa lòng suối/ sông trong mùa khô để nước tụ về rồi lấy gáo gặn từng tí cũng đã từng rồi. Người vừa quay lưng đi, bò đến thò miệng kéo một hơi là cạn trơ đáy cũng đã từng...

          Nhưng đấy là thời tự phát. Sau này các dự án thủy lợi phát triển đến từng xóm thì tình hình đã khác. Cả vùng hạn mênh mông Ayun Hạ của các huyện Phú Thiện, Ia Pa và thị xã Ayun Pa... được đại công trình thủy nông Ayun hạ tưới với diện tích lý thuyết là 13.500 héc ta, nghe nói thực tế thì cũng có gần chục nghìn héc ta được tưới, nước ríu ran quanh năm.

          Rốn hạn Krông Pa thì có công trình thủy lợi Ia M’lá phủ. Đây là nơi hạn quanh năm, rất kỳ lạ. Cái nóng cái nắng cái hơi hầm hập cứ như quẩn lại, bởi địa hình ở đây là địa hình lòng chảo, thị trấn Krông Pa là cái đít chảo. Người không quen về đây sống vài ngày là cứ bứt rứt như sắp phát điên. Nhưng khi thủy lợi Ia M’lá hoàn thành thì cả huyện này chan hòa nước, xanh mướt nước, rười rượi nước...

          Nhưng đến năm nay thì khác. Khác hoàn toàn. Nó lại trở lại như cái thời... chưa có các công trình thủy lợi. Chả lẽ lịch sử văn minh lại luẩn quẩn thế, phát triển một hồi lại về... chỗ cũ.

          Suy cho kỹ, nó có lý do của nó cả.

          Đầu tiên là rừng đã... hoàn thành việc phá. Lá phổi xanh không còn, không còn nơi để nước ẩn trú, cứ thế nó trôi tuột đi. Tiếp đến là cây công nghiệp, mũi nhọn của ngành kinh tế, phát triển tưng bừng. Muốn cây phát triển thì phải tưới, muốn tưới người ta khoan nước ngầm. Đã từng có cảnh báo là, nếu Tây Nguyên cứ tiếp tục khoan nước ngầm để tưới cà phê và tiêu như cách đây chục năm thì nước ngầm sẽ hết và vỏ trái đất cũng sẽ bị ảnh hưởng, bởi nó sẽ bị rỗng. Và có lẽ bây giờ bắt đầu báo ứng. Lại nhớ ông Jacques Dournes đã có một quyển sách một thời rất nổi tiếng được Nguyên Ngọc dịch là "Rừng, đàn bà, điên loạn" (Forêt, Femme, Folie) nói về vai trò của rừng và mối quan hệ giữa rừng với người Tây Nguyên như thế nào. Đọc mới thấy té ra cái anh tây họ quan tâm đến chúng ta nhiều hơn ta tưởng. Trước đó một "anh" Tây khác, giáo sư dân tộc học lừng danh người Pháp Condominat đã từng lấy vợ người Tây Nguyên, sống trong buôn trong rừng với người Tây Nguyên để nghiên cứu dân tộc học và viết một cuốn sách rất hay: "Chúng tôi ăn rừng". Thì ra là thế, hàng ngàn năm, nhân dân các dân tộc sống trên dải Trường Sơn Tây Nguyên tồn tại cùng với rừng, sống trong rừng, được rừng chở che, tương hỗ nhau làm nên một vùng văn hóa hùng vĩ, giàu có đầy bản sắc, đậm tính nhân văn là bởi họ "ăn rừng". Người Tây Nguyên "ăn rừng" ân tình với rừng, chung thủy với rừng là bởi họ biết hòa đồng với rừng, tôn trọng rừng, hóa thân vào rừng, coi rừng như bạn, như ân nhân, như một môi trường sống tuyệt vời nhất gắn bó hữu cơ với đời sống của họ. Ăn rừng không có nghĩa là phá rừng, là khai thác rừng bừa bãi. Ăn rừng chính là sống hài hòa trong môi trường tự nhiên ấy. Chúng ta bây giờ thì không “ăn” rừng, mà là phá rừng, phá triệt để và huy hoàng...


          Chưa hết, thủy điện mới kinh. Nó không chỉ phá rừng, không chỉ phá hoại sinh thái, không chỉ này nọ các kiểu làm biến đổi vùng khí hậu... nó còn tác động trực tiếp đến hạn và lũ, bởi kỹ thuật tích nước xả nước phục vụ thủy điện nhưng luôn vênh với quy luật tự nhiên và nhu cầu đời sống nhân dân. Hàng loạt công trình thủy điện đã phá hàng ngàn héc ta rừng, nguy hiểm hơn, nó hủy diệt  sinh thái và môi trường sống, nó đẩy bà con vào các làng định cư xây như những cái hộp vuông vức, trông có vẻ đẹp, hiện đại nhưng triệt tiêu sức sống, những cái nhà rông bê tông lợp tôn xanh đỏ tím vàng đóng cửa im ỉm chả ai lên... mới đây nhất, vụ thủy điện An Khê Kanác tích nước làm cả vùng An Khê khô hạn, sông Ba hùng vĩ trơ đáy, sau đấy đùng cái lại nửa đêm xả nước làm thiệt hại hàng trăm héc ta hoa màu ruộng vườn là một ví dụ nhỡn tiền...

          Trong khi đấy thì những người có kiến thức và có trách nhiệm thì có vẻ như xử lý vấn đề rất chậm. Rõ ràng không thể cứ suốt ngày vắt óc, vắt sức ra chống lại, cưỡng lại tự nhiên được, đấy là việc làm rất... hỗn và phi logic, trong khi lẽ ra phải nương theo tự nhiên mà sống. Điều này đồng bào Tây Nguyên bản địa từng rất tài. Họ sống nhờ rừng, cũng phá rừng du canh du cư đời này đời khác nhưng rừng chỉ phát triển chứ không tàn lụi bao giờ. Họ trở thành bạn bè với rừng, nương tựa vào rừng chứ không chống lại như cách chúng ta làm hiện nay. Ví dụ như khi phát triển ồ ạt cà phê, tiêu, cao su đã nghĩ đến việc nước đâu duy trì sự sống cho chúng không? Khi ồ ạt di dân có nghĩ đến việc làm sao để hài hòa giữa dân số và tự nhiên chưa? Người ta cưỡng áp thói quen của nền văn minh lúa nước vào đời sống nương rẫy của đồng bào. Những cán bộ trịch thượng luôn nghĩ mình giỏi hơn dân, luôn muốn "giáo dục" dân. Họ không chịu học hỏi, cứ thế "cưỡng chế" bắt dân rời bỏ thói quen của mình, du nhập một lối sống xa lạ... Chúng ta đã phải đánh đổi khá nhiều từ sự hấp tấp phát triển nóng này. Nhỡn tiền là mạng người, là sự tàn phá của thiên nhiên, sâu xa hơn, là sự biến mất của văn hóa, thứ văn hóa bản địa Tây Nguyên lấy rừng làm điểm tựa, lấy môi trường thân thiện làm trọng tâm để cân bằng quan hệ người - người và người - rừng, tức là người và tự nhiên.

          Tôi lần mần lên mạng, thấy 2 ý kiến của 2 bạn trẻ viết trên facebook về cái vụ thiếu nước ở Tây Nguyên rất thấm. Một cô giáo viết: “Suy cho cùng, đối tượng bị tác động mạnh mẽ nhất bởi thiên tai mà cụ thể là hạn hán là người nghèo. Thấy 1 số chính quyền lên ti vi bảo "do trời làm, nên chịu thôi"... thời đại nào rồi mà vẫn ngồi cầu mưa với lại đổ tất cho trời... người ta chủ động ứng phó bằng cách kêu gọi tiết kiệm nước (rồi không khéo sẽ có chiến tranh về nước ngọt, vì cái gì thiếu tất sẽ có giành giật), trồng thêm cây rừng để giữ nước, giữ đất, rồi tiết kiệm nhiên liệu, sử dụng nhiên liệu sạch, không phải Tết mới kéo nhau ra trồng tượng trưng mà là trồng đầu mùa mưa ấy. Cái thời mà người ta vẫn coi bê tông hóa, nhà cao rộng là giàu, coi việc sử dụng hoang phí để thể hiện sự xa xỉ thì vẫn còn xa với mới đạt tới sự phát triển bền vững. Quy luật khó cưỡng nhưng thà chủ động làm còn hơn là kêu khó, kêu bó tay thì có trời cứu, ngân sách TW thì cũng từ dân mà ra, từ vay nợ để con cháu trả cả chớ có từ trời rơi xuống đâu. Mà xã hội giờ là một hệ thống, đừng nghĩ mỗi anh tích đủ nước anh mát mẻ là yên thân, người nghèo nhiều thì bất ổn tăng, mà bần cùng thì hay sinh đạo tặc. Nhà anh có sạch mấy thì sạch nhưng thằng hàng xóm nó phun thuốc trừ sâu thì anh cũng bị ảnh hưởng...” (Tạ Ngọc Điệp)...

Còn đây là ý kiến của một sĩ quan quân đội: “CÓ PHẢI HẠN DO TRỜI? Hồi nhỏ tôi đọc trong sách, đồng bằng Nam bộ đất đai trù phú thẳng cánh cò bay, rẽ cá ra mới thấy nước. Miền Nam lúa nhiều miền Nam dừa nhiều miền Nam xoài thơm... Còn mấy hôm nay ngày nào tivi cũng đưa tin về hạn hán ở miền Tây, nhưng đa phần đều đổ cho trời.

Thực ra, ngoài tập tục sinh hoạt canh tác gây thay đổi hệ sinh thái bởi cư dân địa, làm cho lượng nước ngầm tụt xuống, thì nguyên nhân lớn nhất trực tiếp nhất là lượng nước về các sông xuống đến mức thấp nhất dần đều trong khoảng 1 chục năm trở lại đây. Gúc 1 phát, thấy ngay bao nhiêu cái đập ngăn nước từ thượng nguồn. Tên hàng xóm tham lam nó xây chứ ai. Tôi không theo thuyết âm mưu, nhưng tôi biết chắc, trong báo cáo tác động môi trường mật được đệ trình trước khi xây mỗi đập, họ đều biết lượng nước trả về sông sẽ hụt đi và hệ lụy đến lưu vực phía hạ lưu như thế nào. Điều này có liên quan đến sự nham hiểm vô cùng, sẽ biến phần lớn đồng bằng Đông và Tây Nam bộ mặn hóa trong tương lai rất rất gần.” (Trần Khánh Vân)...

Những bạn rất trẻ và không liên can còn nghĩ được như vậy đấy. Dẫu muộn, nhưng vẫn còn có cơ hội để quay đầu. Không thể đổ hết cho trời, phải từ chính chúng ta, nương theo tự nhiên, theo quy luật, mà tự cứu mình...
                                                         





4 nhận xét:

Chu puh nói...

Hạn, Hạn và Hạn..nặng rồi. Hết Đoàn của Tỉnh xuống, các Đoàn TW về...huyện, xã lo tiếp đón; trước đó phải ngồi lo ngay ngáy cái báo cáo vuốt cho hay để khỏi phê bình thì cũng mất cả 3 ngày; alo bên tài chính, phòng nông nghiệp, hạ tầng....VP chuẩn bị đặt cơm ,lo chỗ nghỉ trưa cho các vị Tỉnh, cấp trên về cũng mất khoản chi vài chục triệu....thế mà còn chỉ trỏ để cây chết thì cán bộ bị xử lý. Thật ko hiểu ra cách chống hạn này có lợi cho ai? chỉ có Huyện, xã đã nghèo lại càng hạh nặng hơn...Anh VCH í ơi tò te tí đây!!!

Nặc danh nói...

Chưa cộng thêm tiền Xăng+Xe+Công tác phí+chi khác....nữa nhé. Vưa rồi 4 đoàn xuống ChuPuh hơn 30 chiếc Ô tô đấy. Đậu chật nich sân huyện luôn.

Nongnghiep nói...

hấp dẫn ghê. Đúng như QH đang họp nói là "dân ko tin ta, vì nói nhiều ít làm..."huhu. Ước chi mấy điều ni được đến tai các vị vừa rồi mới đi chống hạn, vừa xuống huyện mình.

TNC nói...

Bài viết hay quá, sâu sắc quá. Nhà em không biết nói gì hơn. Nhưng em muốn nó hơn thế nữa chứ chỉ dừng ở bài viết, trang báo thì nó chưa hoàn thành sứ mạng của nó.