Thứ Năm, 3 tháng 12, 2015

MỘT LẦN VỚI NHÀ THƠ DU TỬ LÊ




          Thú thật, trong đời, chả nghĩ lại có thể được gặp Du Tử Lê bằng xương bằng thịt. Thi thoảng nghe bạn bè đi Mỹ về kể Du Tử Lê thế này Du Tử Lê thế kia lại thấy... thèm, rồi lại nghĩ, ông ấy lắc lơ thế, nghìn trùng thế, thôi thì, nghe Khúc Thụy Du để thấy ông ấy.

          Thế hệ chúng tôi hầu như rất ít biết về Du Tử Lê, cả trong đọc và học. Đơn giản vì ông ở bên kia vĩ tuyến, rồi khi thống nhất thì ông lại... sang Mỹ. Nghe thêu dệt cũng có, kể trực diện cũng có, tài liệu cũng có... về ông thì thấy cái cơ ông trở về Việt Nam có vẻ khó. Thế rồi ông trở về, năm ngoái Nhà xuất bản Hội Nhà Văn lại in sách của ông nữa. Đọc mấy bài báo kể về việc ông xuất hiện ở Hà Nội càng thấy tò mò. Nào là không cách gì gặp được, gặp được thì lại không nói chuyện được, nói chuyện được thì lại... rất thiếu thông tin. Càng tò mò tợn.

          Thế mà rồi tôi có ngày đã gặp ông bằng xương bằng thịt, còn “kề vai sát cánh” với ông 2 ngày 2 đêm nữa, trong đó có mấy tiếng đồng hồ tung hoành với nhau trên sân khấu trong một đêm “Khúc thụy du với Pleiku” ngay tại thành phố Pleiku.

          Ông hiền lành đến độ khó có thể hiền hơn. Nhưng ẩn trong ấy là sự thông minh, trí tuệ và lịch lãm. Tôi đến gặp ông trong một cữ cà phê sáng, cữ cà phê đầu tiên sau bốn mươi năm ông trở lại Pleiku. Nhìn nét mặt khoan khoái của ông khi trịnh trọng nâng ly cà phê hít hà trước khi nghiêng nhẹ vào môi cho giọt cà phê lăn vào rồi từ từ tan trong miệng mới thấy độ xúc cảm thiêng liêng khi gần nửa thế kỷ ông mới được nhấp lại ly cà phê Cao nguyên thứ thiệt. Cũng chả muốn tả cái sự khác nhau giữa cà phê Pleiku với cà phê Mỹ làm gì, bởi uống cà phê chỉ là thói quen thôi. Nhưng ai đã uống những phin cà phê đen Pleiku đen nhánh và đặc sánh rồi thì rất khó quên, bởi vậy tôi hình dung sự khoan khoái của ông khi xơi liền... 2 ly trong buổi sáng ấy rồi thốt lên “Pleiku của tôi tuyệt vời quá”...


          Ông đang kiên nhẫn nghe và trả lời bốn năm ông bà uống cà phê trong quán nhận ra ông, hỏi thăm ông về thơ và về cả đời ông. Nhỏ nhẹ và từ tốn, pha chút hài hước, ông trả lời rất ngắn nhưng đầy đủ. Lạ là cũng còn nhiều người hỏi ông về những bài thơ cụ thể, họ thuộc vanh vách. Thuộc thơ yêu thơ giờ đã hiếm, mà lại thơ của người 40 năm mới xuất hiện lại thì những khách uống cà phê hôm ấy cũng thuộc hàng thượng thặng.

          Thập niên 60 của thế kỷ trước, ông là phóng viên chiến trường của quân đội Việt Nam cộng hòa, thường xuyên bay lên Pleiku tác nghiệp. Cô giáo người Huế xinh đẹp Hạnh Tuyền mới tốt nghiệp đại học sư phạm Huế có cảm tình với thơ ông, rồi với ông. Rồi trở thành hôn thê của ông. Để dễ gần nhau, bằng mối quan hệ của mình, ông đã xin cho bà lên dạy ở trường Phạm Hồng Thái, Pleiku. Lớp học trò của bà thời ấy giờ cũng đã nên ông nên bà, và họ đang tíu tít với cô giáo cũ ở một bàn cà phê bên cạnh.

          Để lên Pleiku chuyến này, ông đã khuyên bà bỏ một cuộc đi Mã Lai hay Miến Điện gì đấy, để về Việt Nam. “Quỹ thời gian ít lắm rồi, nên chiều người... già hơn”, ông hóm hỉnh nói với vợ, và bà đã đồng ý, từ nay mỗi năm sẽ có một cuộc về Việt Nam, về nhà.

          Cái cách ông bà chiều nhau cũng tài.  Cái nhà hàng Ngói nâu của ông nhà thơ Miên Di dạy nhân viên chăm sóc khách rất kỹ. Mỗi khi mang món mới ra thì nhân viên lại lấy một bát mới cho khách, bỏ thức ăn mới vào đấy trong khi miệng giới thiệu món ăn. Có những món ông không ăn được, chỉ liếc qua bà biết, và lặng lẽ khéo léo đổi bát cho ông. Còn khi ngồi xa ông thì bà nhờ người ngồi cạnh: món ấy anh ăn không được, đừng gắp cho anh, gắp cho anh món kia. Mà quả ông chả ăn bao nhiêu, mút mát tí rồi ngồi. Đáp lại ông cũng ga lăng không kém. Mỗi lần ra ngoài hút thuốc, dù tư thế chả có cớ để có thể nghiêng, ông cũng cố vịn vào vai bà, có lần còn thơm nhẹ lên tóc. Trời ơi cái đám trẻ ngồi cứ tròn xoe mắt... Có lúc có ai đó hỏi ông lần đầu tiên ông lên Pleiku là năm nào, ông lẩm nhẩm rồi nói năm 1961. Bà để ông nói xong một lúc rồi rất khẽ hỏi lại, hình như anh quên, răng mà năm 61 được. Bà nhớ thì không thể sai rồi, vì  bà... hiểu rõ ông hơn ông, và cái sự lên Pleiku nó gắn tới bà. Ông cười xòa, thì bà tính hộ tôi!

          Cái bài hát Khúc Thụy du mà nhạc sĩ Anh Bằng phổ và rất nổi tiếng ở Việt Nam ấy, té ra nó là một bài thơ khá dài, toàn về chiến tranh. Nhạc sĩ đã “gắp” ra những câu thơ về tình yêu rải rác trong bài thơ rồi liên kết lại thành một bài hát hay. Trường hợp này lại khiến nhớ tới bài hát “Khúc hát sông quê” của Nguyễn Trọng Tạo và Lê Huy Mậu. Bài thơ rất dài, có lần tôi nói đùa với cả 2 bác Mậu và Tạo: ông Tạo đã rất tài khi lẩy ra những câu thơ dở nhất trong bài thơ hay để phổ nên một bài hát hay. Trước mặt cử tọa và cả chị Hạnh Tuyền, ông nói khơi khơi khi bị hỏi Thụy là ai? Chính là một trong những người yêu của tôi. Nếu hỏi thì số người thích “Khúc Thụy du” chiếm đa số trong giới thích nghe nhạc, nhưng hỏi ông thích ca khúc nào nhất trong số thơ của ông được phổ thì ông lại để Khúc Thụy Du ở rất xa phía sau. Có người đã tính, ở Việt Nam có hai người có thơ được phổ nhạc nhiều nhất là Tạ Hữu Yên và Du Tử Lê. Tôi có hỏi ông và ông ngơ ngác một lúc rồi bảo cũng không biết nữa?

          Tôi cũng nói với ông rằng, lần đầu khi đọc bài thơ “khi tôi chết hãy mang tôi ra biển” tôi đã sởn hết gai ốc. Bởi nó đụng đến những điều rất thiêng liêng. Nó từ cá nhân nhưng đã gói được cả số phận cộng đồng, từ cảm xúc rất riêng nhưng lại nói hộ được bao người.



          Cái đêm mà tôi được chuyện trò với ông ấy, một số anh em đứng ra tổ chức tại một quán cà phê Vương Cát mà bà chủ cũng rất yêu Du Tử Lê. Cũng phải tập tành, ráp nhạc để thể hiện 7 bài hát phổ thơ ông, đọc gần chục bài thơ của ông. Hơn bốn mươi năm, và thơ ông cũng không được nhắc đến nhiều ở trong nước, thế mà hôm ấy, quán cà phê hết chỗ, mọi người rất im lặng, và ngồi đến phút cuối cùng, dù ai vào là phải trả tiền, tiếng nước uống, tất nhiên, quán không phụ thu như thông lệ.

          Tôi là người được chọn để cùng ông trò chuyện, trò chuyện nhưng lại phải ngồi trên sân khấu, “qua loa” để mọi người cùng nghe. Và bản thân tôi cũng chưa bao giờ gặp ông, đọc ông cũng không nhiều bằng các nhà thơ trong nước khác, bởi đến tận năm ngoái thì tập thơ đầu tiên của ông mới được xuất bản ở trong nước sau khá nhiều trầy trật, tập “Giỏ hoa tuổi mới lớn” của Nhà xuất bản Hội Nhà Văn. Thế mà ngồi nói chuyện với ông, với tư cách cầu nối ông với khán giả phía dưới, cứ như... đúng zồi.

          Cái sự kết nối ấy, cái sự thân quen ấy, mến mộ ấy... nó xuất phát từ thơ. Ông là tác giả của rất nhiều bài thơ hay, mà chỉ nhắc đến tên đã rất nhiều người biết, vậy nên, chả cần ông hiện diện, chả cần bằng xương bằng thịt, dẫu nghìn trùng đâu đó, người ta vẫn đọc ông, và yêu ông, và nghe nói ông về thì rủ nhau đi gặp ông. Có gia đình cả vợ chồng con cái đều đi. Xong rồi mua sách và kiên nhẫn đứng chờ ông ký.

          Có một anh chàng tên là Phúc, quê gốc ở Quảng Trị, lên Pleiku lập nghiệp từ thời nào, rồi sau đó xuống Sài Gòn định cư. Thông qua facebook (cuộc cà phê nhạc gặp gỡ Du Tử Lê ở Pleiku chỉ được thông báo trên facebook của anh Nguyễn Sơn, người tổ chức cuộc này) bèn làm một cuộc vô tiền khoáng hậu là... chạy xe máy từ Gò Vấp, Sài Gòn lên Pleiku, vẫn kịp vào xem các ca sĩ ráp nhạc, và tối ấy anh lặng lẽ ngồi từ phía sau ngắm và nghe Du Tử Lê, cho đến hết chương trình lại lặng lẽ xếp hàng đợi xin chữ ký vào tập thơ “Giỏ hoa tuổi mới lớn” anh mua tại chỗ. Sáng sau anh lại đến quán cà phê mà những người bạn mời Du Tử Lê uống cà phê để ngồi với ông một lát, uống một ly cà phê rồi lại chạy xe máy về lại Sài Gòn. Nghìn cây số cả đi và về chỉ để gặp thần tượng của mình một lúc, kể cũng là loại yêu thơ phi phàm. Nhân đấy tôi kể với Du Tử Lê giai thoại chuyện thơ của người Việt. Một là có ông dán bảng trước cửa nhà: Xin để dép và thơ ở ngoài. Hai là thiên hạ đồn mỗi khi tôi về quê (Huế) đều mang theo 2 ống nứa. Các nhà thơ gặp nhau là hay đọc thơ mới cho nhau nghe. Khi đọc cứ nhắm tịt mắt lại, tay nắm chắc tay đối phương, thế là đối phương lẳng lặng rút tay mình ra khỏi ống nứa và... chạy. Đọc cho ông nghe câu thơ vui nữa, chả biết của ai: Gặp nhau tay bắt mặt mừng/ tặng gì thì tặng xin đừng tặng... thơ... ông cứ ha hả cười khiến tôi quên hỏi ông rằng bên Mỹ người ta có hay... đọc thơ khi gặp nhau không?



            Và thế mới thấy, thơ không có biên giới, không rào cản, chỉ có những trái tim đến với trái tim, truyền xúc động sang nhau, và giữ nhau lại ở vùng xúc động ấy, như một cách lưu giữ cái đẹp, tình yêu, cái làm nên hồn cốt của dân tộc, để những đứa con dẫu lắc lơ đâu đó vẫn đau đáu mà tìm về... Làm sao em biết khi xa bạn/ Tôi cũng như chiều tôi mồ côi...  

: khi tôi chết hãy đem tôi ra biển/ đời lưu vong không cả một ngôi mồ/ vùi đất lạ thịt xương e khó rã/ hồn không đi, sao trở lại quê nhà 
khi tôi chết hãy đem tôi ra biển/ nước ngược dòng sẽ đẩy xác trôi đi/ bên kia biển là quê hương tôi đó/ rặng tre xưa muôn tuổi vẫn xanh rì 
khi tôi chết hãy đem tôi ra biển/ và nhớ đừng vội vuốt mắt cho tôi/ cho tôi hướng vọng quê tôi lần cuối/ biết đâu chừng xác tôi chẳng đến nơi... 

          Thơ Du Tử Lê đấy...
                                                                 


3 nhận xét:

Nặc danh nói...

Người ra đi mà lòng đau đáu với quê hương, còn kẻ ở lại quê hương thì miệng rêu rao "học tập và làm theo..." nhưng lại rước giặc Tàu về giày mả tổ.

lê văn thuận nói...

Hôm trước THƠ KHÔNG BIÊN GIỚI một lần rồi ,sao bây giờ lại cũng MỘT LẦN VỚI NHÀ THƠ DU TỬ LÊ nũa hả Bác Hùng

NGUYỄN HOÀNG ANH THƯ nói...

Cuộc hội ngộ ý nghĩa, xin chia vui với anh VCH