Chủ Nhật, 29 tháng 11, 2015

LẠI TẢN MẠN TRÀ TỪ XỨ NÓNG



Tôi có nhiều bạn bè rất kỹ tính trong việc chọn trà. Đi công tác phía Nam các bố ấy hay mang trà làm quà và cả để uống. Tôi đã chứng kiến một ông bạn  chọn trà. Nó tỉ mẩn kỳ khu như một lão nông chọn thóc giống. Mới hôm qua, tôi bắt gặp ông nhà văn Đỗ Kim Cuông, phó chủ tịch liên hiệp VHNT Việt Nam và ông Vũ Công Hội, vụ trưởng vụ Văn Nghệ ban tuyên giáo Trung ương đứng mua trà ở... hàng phở. Phở Phú Gia trên đường Lý Chính Thắng, Sài Gòn là quán phở Bắc chính hiệu. Và ngoài phở, còn bán trà, sấu, hạt sen... những thứ quà truyền thống của xứ Bắc. 2 ông này vào công tác, ở nhà khách T78, quên mang trà nên phải ra đấy mua, dù trong nhà khách có trà túi lọc miễn phí...

                                                                 



          Tháng trước, giữa mùa hè Sài Gòn, trong căn phòng chật chội của mình, máy lạnh bật hết cỡ, nhà báo Lương Thị Bích Ngọc chợt à lên một tiếng đầy phấn khích: Trong tủ lạnh có trà sen, anh pha đi.

          Ai cũng biết Sài Gòn luôn nóng như nung, nên gu của dân ở đây là trà đá. Mà lúc này đã gần trưa, bụng bắt đầu lăm xăm rồi, thế mà bày trà ra pha, mà là trà sen, thì nghe cũng biết là dân sành điệu, là nói chủ nhân của trà ấy, nhà báo Lương Thị Bích Ngọc.

          Té ra trong ngăn đá tủ lạnh có đến 2 bông sen cứng ngắc. Tôi lấy ra một bông, rất nhẹ tay gỡ lạt, gỡ từng cánh sen để rồi nhúm một nhúm trà cho vào cái ấm đã được chủ nhân súc đi súc lại mấy lần. Còn lại, tiếp tục được nâng niu gói lại, tiếp tục đặt vào ngăn đá, “để dành khi nào thật nghiêm trọng mới uống”, Lương Thị Bích Ngọc nói. Chị kể thêm, bạn chị, dân trà thứ thiệt, gần ngang nghệ nhân trà nổi tiếng Hoàng Anh Sướng, trực tiếp lấy trà Thái Nguyên từ gốc, loại sao tay, rồi mang ra hồ sen, tự tay xử lý được chục bông, là cho trà vào đấy, cột lại, để 1 đêm rồi cắt, gửi máy bay vào cho chị.

          Dân phía Nam, có lẽ do đặc trưng khí hậu, và cả phong cách sống nhanh, bận rộn nữa, nên thường xuyên xơi trà nhưng là trà đá. Vào các quán cà phê, hoặc quán ăn, bao giờ đầu tiên cũng có một ly trà đá miễn phí mang ra. Chỉ trừ khi anh kêu riêng chỉ một ly trà đá thì người ta mới tính tiền, chứ còn thì đều được miễn phí. Tất nhiên trà ấy là trà tạp, không phải trà tuyển, càng không phải trà Thái Nguyên.

          Các tỉnh Tây Nguyên có khí hậu lạnh hơn do ở cao, trong đó 2 tỉnh cao nhất là Lâm Đồng và Gia Lai là 2 vùng trà nổi tiếng. Lâm Đồng có Bảo Lộc với thương hiệu trà B’lao và Gia Lai có thương hiệu trà Katecka Bàu Cạn. Thế nhưng, cửa hiệu trà lớn nhất Pleiku là Thịnh Phát lại nổi tiếng bởi nó bán trà... Thái Nguyên.

          Nghe nói trước năm 75, ở phía Nam thịnh hành trà B’lao. Nó có nhiều loại, nhiều chủng, từ loại để pha nhâm nhi như kiểu trà Thái, đến kiểu thả cả vốc vào nồi nước sôi rồi chắt ra ấm to như chè xanh, trà nổi lềnh phềnh, hoặc chế thêm nước lạnh  rồi cho đá vào làm trà đá. Còn có loại trà chuyên dùng để... liệm xác nữa. Nhưng giờ, gu trà Bắc đã vào bởi nhiều lẽ, một là người Bắc đã di cư vào Nam khá đông, họ mang theo thói quen uống trà (cả thuốc lào nữa), hai là bản thân một số người Nam cũng thấy thói quen uống trà kiểu Bắc hay hay, thế là xơi thử, thế là nghiện, ba nữa là sự tự tiếp thị của bản thân trà, vì thế mới xuất hiện khá nhiều điểm bán trà Bắc. Mà đã chơi trà Bắc thì thường người ta chơi hẳn trà Thái. cũng một thể uống trà, uống cho... xứng danh. Vấn đề là, nó có đúng là trà Thái không?

          Như đã nói, thực ra dân phía Nam uống cà phê còn phía Bắc thì uống trà. Cũng Trà nhưng khu vực bắc miền Trung thích chè xanh hơn, còn ngược lên thích trà mạn. Cũng như thế dân Nam miền trung và Tây Nguyên thích uống cà phê đen nóng, còn Sài Gòn và Nam Bộ thích uống cà phê đá, trong đó đá nhiều hơn nước, nước nhiều hơn cà phê.  Vậy nên kiếm được một bạn trà để đối ẩm ở đất phương Nam là hơi hiếm. Bởi để uống trà đúng nghĩa trà nó rất kỳ công chứ không cứ bỏ trà vào ấm, đổ nước đợi ngấm rồi rót ra. Rất nhiều bạn bè của tôi uống trà Thái, nhưng là kiểu như trên. Thấy tôi có bộ đồ trà bé tí mà lại... cáu bẩn thì... ghét lắm. Đằng nào chả uống vào bụng, cách rách mất thời gian. Thay vì mỗi lần châm lượng nước vừa đủ rót mỗi người một ly rồi rót nước sôi tiếp thì các bố ấy làm một ấm tướng rồi rót, chưa hết lần sau rót tiếp, biến thành món trà... ngâm.

          Ở Pleiku có nhiều điểm bán trà Thái, nhưng nổi tiếng và lâu đời nhất là tiệm trà Thịnh Phát. Trước đấy họ bán trà B’lao của Lâm Đồng, trà Bàu Cạn của Gia Lai, nhưng mươi năm lại đây, trà Thái mới là thứ mà họ bán chính. Trừ một số ông có nguồn từ Hà Nội hay trực tiếp từ Thái Nguyên gửi vào hàng tháng (mà ai cũng úp mở khoe là trà sao tay đấy, gia truyền đấy!), thì dân Pleiku ai nghiện trà Thái đều đến mua ở đây. Nhưng như đã nói, bây giờ, ngay đến ở Hà Nội, Hàng Điếu hẳn hoi, trà Thái cũng chưa chắc đã... Thái nên cái sự mua trà Thái ở Tây Nguyên nó có đúng là Thái không lại là việc khác. Tôi đã lên Yên Bái, thấy cũng bạt ngàn trà, họ phơi đầy ven đường giữa mù mịt bụi. Anh bạn đi cùng bảo: Ông đừng nhìn kẻo rồi không dám uống trà nữa. Hà Giang cũng là xứ trà. Anh bạn Nguyễn Xung Kích của tôi ở xứ ấy cũng rất hay ca ngợi trà xứ mình. Nhưng trà Thái nó đã chết tên với câu “Trà Thái gái Tuyên”. Gái đẹp nó hay liên quan đến các cố đô. Nơi nào có kinh đô, có các ông hoàng bà chúa từng ở thì nơi ấy nhiều gái đẹp, là bởi họ đi đâu đều có cung tần mỹ nữ đi theo hầu hạ, rồi cứ thế sinh ra hậu duệ. Thêm nữa, các bậc đế vương, khi quyết định ở đâu họ đều nghiên cứu rất kỹ thông thổ ở đấy. Vì thế, các nơi ấy sau này con gái cực đẹp. Ngay bây giờ về 2 làng Tây Giai, Xuân Giai thuộc xã Vĩnh Tiến huyện Vĩnh Lộc, Thanh Hóa thì cũng thấy các cô gái ở đây rất đẹp, dáng cao da trắng mặt thanh nhã, dù nhà Hồ chỉ xưng Vương được có 7 năm, huống gì những nơi đế vương định đô lâu đời.  Trà, chắc nó cũng như gái đẹp, cũng phải có giống, cũng phải có thông thổ khí hậu, có hơi nước hơi đất hơi mặt trời, có một nắng hai sương, có những con người tận  tụy tân tâm, có những truyền đời kinh nghiệm... vân vân, việc này các nhà trà học sẽ giải mã.

          Tôi có nhiều bạn bè rất kỹ tính trong việc chọn trà. Đi công tác phía Nam các bố ấy hay mang trà làm quà và cả để uống. Tôi đã chứng kiến một ông bạn  chọn trà. Nó tỉ mẩn kỳ khu như một lão nông chọn thóc giống. Mới hôm qua, tôi bắt gặp ông nhà văn Đỗ Kim Cuông, phó chủ tịch liên hiệp VHNT Việt Nam và ông Vũ Công Hội, vụ trưởng vụ Văn Nghệ ban tuyên giáo Trung ương đứng mua trà ở... hàng phở. Phở Phú Gia trên đường Lý Chính Thắng, Sài Gòn là quán phở Bắc chính hiệu. Và ngoài phở, còn bán trà, sấu, hạt sen... những thứ quà truyền thống của xứ Bắc. 2 ông này vào công tác, ở nhà khách T78, quên mang trà nên phải ra đấy mua, dù trong nhà khách có trà túi lọc miễn phí...
                                                                 

1 nhận xét:

Nguyễn Văn Nhạn nói...

Văn Công Hùng nói đên cái gu uống trà của Dân phía Nam mà không nói đến Trà ô long, Trà Lipton là thiếu sót lớn
Bạn Hùng tả về sự cầu kỳ của việc uống trà mà không nhắc đến Trảm mã trà thì tiếc quá
Có bài thơ rằng
“Bán dạ tam bôi tửu,
Bình minh nhất trản trà,
Thất nhật dâm nhất độ,
Lương y bất đáo gia”
Nhà thơ luận về uống trà, nếu bình luôn bài thơ của Tuệ Tĩnh ở trên thì hay quá