Thứ Sáu, 27 tháng 11, 2015

THƠ KHÔNG BIÊN GIỚI




          Tôi vừa có hân hạnh được làm việc với nhà thơ Du Tử Lê.

          Té ra là ông có một thời gian lên lên xuống xuống “công tác” ở Pleiku. Hồi ấy còn rất hoang sơ và đầy bom đạn chiến tranh thế mà, vì yêu Pleiku, ông đã bố trí để hôn thê của mình, một cô giáo rất xinh đẹp người Huế, lên dạy học ở Pleiku, để ông có điều kiện gặp gỡ mỗi lần lên  làm việc, và cũng vì thế mà rồi mật độ những lần ông lên Pleiku thời ấy dày hơn.


          40 năm sau, vừa rồi ông mới trở lại Pleiku kể từ khi sang định cư bên Mỹ.

          Một cuộc giao lưu xúc động  giữa ông và những người yêu thơ Du Tử Lê đã diễn ra tại một quán cà phê. Hơn bốn mươi năm, và thơ ông cũng không được nhắc đến nhiều ở trong nước, thế mà hôm ấy, quán cà phê hết chỗ, mọi người rất im lặng, và ngồi đến phút cuối cùng, dù ai vào là phải trả tiền, tiếng nước uống, tất nhiên, quán không phụ thu như thông lệ.

          Tôi là người được chọn để cùng ông trò chuyện, trò chuyện nhưng lại phải ngồi trên sân khấu, “qua loa” để mọi người cùng nghe. Và bản thân tôi cũng chưa bao giờ gặp ông, đọc ông cũng không nhiều bằng các nhà thơ trong nước khác, bởi đến tận năm ngoái thì tập thơ đầu tiên của ông mới được xuất bản ở trong nước, tập “Giỏ hoa tuổi mới lớn” của Nhà xuất bản Hội Nhà Văn. Thế mà ngồi nói chuyện với ông, với tư cách cầu nối ông với khán giả phía dưới, cứ như... đúng zồi.



          Cái sự kết nối ấy, cái sự thân quen ấy, mến mộ ấy... nó xuất phát từ thơ. Ông là tác giả của rất nhiều bài thơ hay, mà chỉ nhắc đến tên đã rất nhiều người biết, vậy nên, chả cần ông hiện diện, chả cần bằng xương bằng thịt, dẫu nghìn trùng đâu đó, người ta vẫn đọc ông, và yêu ông, và nghe nói ông về thì rủ nhau đi gặp ông. Có gia đình cả vợ chồng con cái đều đi. Xong rồi mua sách và kiên nhẫn đứng chờ ông ký.

          Tôi có nói với ông cái ý rằng, Pleiku là một thành phố rất lạ. Nó là nơi quy tụ toàn người tứ xứ, nhưng ai đã từng đến đây hoặc ở đây thì đều muốn... trở về khi có điều kiện. Và cũng đã từng rất nhiều văn nghệ sĩ nổi tiếng đặt chân đến đất này, để đất này tự hào về họ, và họ cũng tự hào về đất này. Đấy là những Phạm Thiên Thư, Phạm Duy, Lê Uyên Phương, Vũ Hữu Định, Từ Công Phụng, Trầm Tử Thiêng, Kim Tuấn, Điềm Phùng Thị, Du Tử Lê, Nguyên Ngọc, Trung Trung Đỉnh, Nguyễn Cường... vân vân, Du Tử Lê bảo, có khi là tại độc giả hay, văn chương và thi ca sẽ chẳng là gì nếu không có độc giả. Là nói thế, chứ điều đầu tiên đấy phải là văn chương hay, thi ca hay đã. Chuyến về này, lẽ ra là vợ chồng ông đi một nước khác, nhưng chiều ông, vợ ông đã hủy chuyến đi kia mà cùng về Việt Nam với ông, và trong ít địa điểm ông đến, có Pleiku.

          Thì té ra, đất nó níu người, và người níu lại đất ấy bằng thơ- là ở trường hợp Du Tử Lê. Và cũng té ra ông có rất nhiều bài thơ viết về Pleiku. Và những độc giả Pleiku, họ đọc và nhớ, dẫu như đã nói, ông và họ cách nhau nửa vòng trái đất.

          Và thế mới thấy, thơ không có biên giới, không rào cản, chỉ có những trái tim đến với trái tim, truyền xúc động sang nhau, và giữ nhau lại ở vùng xúc động ấy, như một cách lưu giữ cái đẹp, tình yêu, cái làm nên hồn cốt của dân tộc, để những đứa con dẫu lắc lơ đâu đó vẫn đau đáu mà tìm về... Làm sao em biết khi xa bạn/ Tôi cũng như chiều tôi mồ côi... Thơ Du Tử Lê đấy...

        
 


                                                                  


3 nhận xét:

Trinh nói...

Có phải nhà thơ này có câu thơ bị đạo: "Khi tôi chết hãy đưa tôi ra biển" ? Bấc VCH ?

Văn Công Hùng nói...

@Trinh:
Vâng, đúng đấy bạn ạ.

Nặc danh nói...

Bắt khẩn cấp nhà thơ VCH vì đã nói chuyện thơ với nhà thơ DTL tức là nhà thơ của "Ngụy" nha, thế lực "thù địch" đó nha. Đã là "Ngụy" là phản động, là xấu xa, là "giẫy chết" vậy phải luôn tránh xa và "đề cao cảnh giác"...