Tôi vô cùng kính trọng tình yêu Pleiku của nhóm (hoặc một) tác giả làm cuốn sách này, nhưng tình yêu là một chuyện, thể hiện nó ra nhếch nhác đến đau đớn thế này thì quả là đã giết chết đối tượng được yêu.
Tôi cũng đã trực tiếp gọi điện thoại cho BTV cuốn sách này, chất vấn sao chị lại đưa cả thơ chị vào đây, và thơ chị, trời ạ, nó buồn cười lắm, chả ăn nhập gì cả...
Bài này in ở Tạp chí Văn Nghệ Gia Lai, số 200, phát hành hôm nay, ngày 15/7.
---------------
Trọng
Thu
BÁO ĐỘNG VỀ NẠN LÀM SÁCH TRÀN LAN, CẨU
THẢ
Tôi
đang có trong tay tập sách “ TUYỂN TẬP THƠ VĂN TÂY NGUYÊN - Pleiku cội nguồn
yêu thương” vừa in xong và nộp lưu chiểu tháng 6/ 2015. Quá sửng sốt vì một
tiêu chí lớn như vậy mà nhiều nhà thơ, nhà văn có tiếng ở Tây Nguyên không hề
biết. Tôi vội mở xem thì hỡi ôi, đúng là một thứ hàng dổm, hàng giả.
Ngay từ những
trang đầu tiên câu chữ đã lủng củng, lẫn lộn giữa văn viết và văn nói, kiểu
như: “ Xin trân trọng cảm ơn: Đến tấm lòng yêu thương… Đến các tác giả… Đến
với các thành viên trong Ban Biên tập – Cội nguồn yêu thương”…Đây là điều hết
sức tránh bởi văn nói khác xa với văn viết, nhất là sự mở đầu cho một cuốn sách
nghiêm trang. Làm TUYỂN TẬP mà không có một tiêu chí gì cụ thể ngoài việc đưa dồn
dập ba bài: Lời cảm ơn, Lời ngỏ, Bài giao cảm mở đầu ở những trang đầu tiên của
cuốn sách. Như thế khác gì dẫn người đọc vào khu rừng rậm, thấy gì nói nấy, gặp
cỏ cũng nói là cây, gặp cây tưởng là cỏ. Thật là một mớ hỗn độn! Và đúng thật.
Cuốn sách nhồi nhét bài viết ở sổ lưu bút học trò lẫn hồi ký, nhật ký, đoạn văn,
truyện ngắn, văn vần, vè, thơ. Đang chủ đề Pleiku lại có cả Cam Ranh, đảo Bình
Ba, Mũi Né… có thơ về người đàn bà, người dưng, người tình. Tên học trò bên cạnh tên thầy cô, tên một người
nào đó bên cạnh tên tác giả nổi tiếng từ trước năm 1975… Người thì có đôi ba
dòng lý lịch trích ngang. Người chỉ trần trụi một cái tên. Cuốn sách cẩu thả ở
mọi nơi, mọi lúc, mọi lĩnh vực. Tên tác giả khi có khi không. Những bài Phố
núi buồn, Mưa ơi phố núi, Em khóc, Khắc khoải, Cổ tích xanh, Bích ngọc, Cột
tình si, Không đề 10… chẳng biết là của ai ( ít ra cũng có tên viết tắt như
H. T, T. H. T, L. H… may ra độc giả còn luận được). Đằng này, khi thì không có tên
tác giả, khi thì chỉ có năm (1965, 1966, 1974, 1975), khi thì là một
hàng chữ Mưa phố núi 15102015 ở vị trí thường in tên tác giả. Những bài
thơ này không thể là của tác giả trước đó vì tôi biết nhà thơ V.C.H ở trang liền
kề trước không có những bài thơ này. Không hiểu cả người biên tập, người làm ma
–ket lẫn người sửa bản in, khi đọc thì mắt để đâu?
Trong cuốn sách,
độc giả cũng gặp tên một vài tác giả quen thuộc ở Pleiku như Du Tử Lê, Cao Thoại
Châu, Kim Tuấn, Thụy Du, Văn Công Hùng, Tạ Văn Sỹ... Nhưng tên tuổi, tác phẩm của
họ bị sai trầm trọng, (hình như người làm sách in thơ không hỏi ý kiến tác giả,
tự tiện lấy trên mạng xuống, cứ thế in, không hiểu thơ nên sai cũng không biết.
Nhà thơ Văn Công Hùng khẳng định anh không hề được hỏi ý kiến khi thơ anh xuất
hiện ở đây). Độc giả biết tác giả Thụy Du – những con đường Pleiku với
tác giả thuydu – Pleiku… giọt buồn là một ông thôi nhưng người làm sách
không sửa thành một tên thống nhất trong
khi hai bài này đứng liền nhau. Tương tự như vậy, sự cẩu thả của người làm sách
khiến người đọc băn khoăn không biết tác giả Daolam và Dao Lam Nguyễn là hai
hay một. Có khi sách lại rơi vào viết tắt tùy tiện như đánh đố độc giả; NK (
Niên khóa – người viết còn dịch được), đến học sinh NLSBD, Lâm Hảo Dũng –
Mây viễn xứ - CN – NLS/CT thì bó tay!
Chẳng những cẩu thả về câu chữ, cuốn sách còn sai trầm trọng
về sự hiểu biết. Bài thơ nổi tiếng của tác giả Kim Tuấn có tựa đề “Kỷ niệm”, đã
được phổ nhạc thì lại sửa thành: “Những bước chân âm thầm”. Xuân Diệu khi đến
Pleiku có làm 1 câu thơ không hay nhưng nổi tiếng vì người thật việc thật: Cảm
ơn vợ chồng anh giáo Huế/ Đãi tôi một bữa Lệ Cần khoai thì lại viết là anh
giáo Quế/ thếch tôi một bữa Lệ Cần khoai. Chính tả thì sai be bét. Người biên tập
lẫn người viết không phân biệt được hỏi – ngã, c – t. Ví dụ: Nức nẻ, viên mản,
tầm tả… Nhiều chỗ dùng từ rất tùy tiện, dung tục (hơi hướm), dấu chấm
dấu phẩy, viết hoa lung tung, thích đâu làm đó. Ví dụ: Mây Viễn Xứ, Lục Tố,
Trường Đại Học, Trường Trung Học, tôi hân hạnh liên lạc Anh qua Điện Thoại,
Điện Thư v.v…
Những lỗi sai sơ đẳng như vậy khiến người đọc
cảm tưởng người làm sách chưa học hết chương trình tiểu học!
Còn chất lượng
bài viết thì hãy cứ thử đọc một đoạn văn vần thế này để biết việc tuyển chọn và
biên tập ở mức nào: “Suối dâu kỷ niệm BÁ TÂN hẹn hò/ QUANG TUẤN thơ thẩn Biển
Hồ/ chủ nhật CÔNG THỊNH chơi hồ Đức An/ Mây ngàn biệt thự xa xăm/ làm cho DƯƠNG
NHÍ trốn tìm VĂN BANG”. ( Pleiku – trường xưa Minh Đức). Những chữ in hẳn là tác giả cố tình lồng ghép
tên bạn bè, còn vần điệu, ý nghĩa thì chỉ có thể giơ tay đầu hàng, kêu trời mà
thôi! Còn đây là “Vài hàng tao ngộ” không ra giới thiệu tác giả, dẫn dắt tác phẩm
mà người đọc chỉ thấy những lời nhăng nhít: “Chiến dịch tìm kiếm người
xưa/người xưa chưa thấy tôi thời gặp anh/ anh, tôi quả thật là may/ vợ anh
không ngại, vợ tôi không màng”…
Không chỉ không
biết tuyển chọn, biên tập, những người làm cuốn sách này còn trình bày vô cùng cẩu
thả, tùy tiện. Bài thì nhiều nhưng Mục lục chỉ ghi tên bài, không ghi tên tác
giả khiến việc tìm kiếm rất khó khăn. Có bao giờ “Mục lục” sách lại đặt chen giữa
Lời cảm ơn và Lời ngỏ? Sao không đưa luôn nội dung cảm ơn vào Lời ngỏ mà phải
chẻ hoe từng phần ra thế. Tên tác giả lúc viết hoa, lúc viết thường, lúc đặt đầu bài, lúc đặt dưới bài, lúc thì đầu bài cũng
có, kết thúc bài cũng có. Lúc bài trước đề tên Ngọc Huệ, bài sau lại đề
Lớp 10AB/ Ngọc Huệ thì độc giả cũng có thể luận ra Ngọc Huệ học lớp 10 AB
nhưng sao lại đường đột ghi như vậy cho một tác giả? Sao không ghi lớp 10AB ở
ngay bài đầu tiên của Ngọc Huệ, Rồi cách khổ chỗ thì 3 chấm, chỗ 2 dòng 3 chấm,
chỗ một dòng kẻ 3 chấm…
Hình ảnh trong
cuốn sách này cũng khiếp đảm không kém việc tuyển chọn, biên tập nội dung. Rất
nhiều ảnh nhố nhăng, không nhập gì với nội dung hoặc gợi một liên tưởng gì cho
người đọc. Dễ dàng gặp những ảnh cô gái mắt to, mặt buồn với vài sợi tóc mai
buông xòa, vô cùng tẻ nhạt, dễ dãi. Lúc in ảnh tác giả, lúc in ảnh thật, lúc
dùng ảnh vẽ, lúc lấy ảnh trên mạng, lúc thì minh họa nghệch ngoạc… Tất cả đều
nói lên một điều là những người làm cuốn sách này không hề biết làm sách. Cứ nghĩ có tiền là ra được sách, có nhiều bài
là tập hợp được thành quyển. Vậy mà, tự cho mình là những con người tài năng kỳ
vĩ, nên họ in giá 100.000$ cho sản phẩm này. Cái giá “khủng” cho một thứ chất
xám mà nếu đem ra liệt kê những lỗi sai, lỗi ẩu thì mấy trang giấy cũng không
nói hết! Một thứ chất xám chỉ đem lại sự khó chịu, bực mình thậm chí phẫn nộ
cho người đọc! Sao dám đưa một sản phẩm tạp pí lù như thế cho đời sống? Vì rằng
dứt đi thì không đành. Dẫu gì đây cũng là tập sách nói về Pleiku, vùng đất thơ mộng,
chứa đựng bao kỷ niệm thân thương của vô vàn cuộc đời. Dẫu gì đây cũng là TUYỂN
TẬP thì ít nhất cũng gợi lên chút tò mò, khát khao muốn được thưởng thức, hiểu
biết thêm những tinh hoa của văn học Tây Nguyên. Càng đọc, càng thất vọng.
Nhưng thôi, cuốn
sách này chỉ là một trong nhiều sản phẩm của nạn làm sách tràn lan, cẩu thả hiện
nay. Do cơ chế thị trường, người muốn in sách chỉ cần nội dung không phạm vào
những điều cấm đã quy định và có tiền in là đã có thể ra được sách. Trong trường
hợp này, biên tập viên nhà xuất bản cũng thiếu trách nhiệm. Vì những cuốn sách kém
chất lượng, thiếu thẩm mỹ càng không nên cấp giấy phép. Hành động này chẳng
khác gì tiếp tay cho việc làm bừa, làm ẩu, ham tiền. Ai cũng biết sách là một
loại sản phẩm đặc biệt. Nó có thể đem lại danh tiếng cho tác giả hoặc giúp con
người hiểu biết, nâng cao thẩm mỹ, có ích lợi lâu dài. Vì vậy hiện nay, các cá
nhân, đơn vị, tổ chức, tập thể đua nhau ra sách. Người người cũng đua nhau nhận
làm sách kiếm lợi. Nhiều người lầm tưởng ai cũng có thể làm sách được, ai cũng
ra sách được, miễn có tiền. Vì vậy, tình trạng sách tràn lan, sách làm ẩu đang
có nguy cơ rộng khắp, (nhiều nhất là thơ, hồi ký, các tập sách nhân dịp kỷ niệm
các năm chẵn ngày thành lập, xây dựng và
trưởng thành, lịch sử của đơn vị, công ty...). Ước muốn giới thiệu, quảng bá về
cá nhân, tập thể là một nhu cầu chính đáng. Nhưng nó phải đúng chứ không phải
vì chút danh, chút lợi mà bất chấp tất cả. Tôi đã thấy những tập thơ, hồi ký vô
cùng yếu kém cả nội dung, nghệ thuật, hô hào khẩu hiệu là chính mà vẫn cố in lấy
được. Tôi đã thấy những cuốn sách hình thức đẹp nhưng nội dung nhạt phèo, hoặc
có những cuốn sách tốn nhiều tiền bạc nhưng nhìn vào hay chỉ đọc vài trang, người
trong nghề biết ngay đó là sản phẩm của những người không chuyên, không có kiến
thức, kỹ năng nghề nghiệp. Cứ thấy bìa xanh xanh đỏ đỏ, giấy cứng in bốn màu mà
tưởng là sang là đẹp. Nhìn những cuốn sách chi phí nhiều công, của nhưng không
có giá trị lâu dài, thậm chí phản tác dụng, thật đau lòng!
Người viết bài
này mong mỗi cá nhân nên suy ngẫm cẩn trọng trước khi quyết định ra một cuốn
sách. Mong các cơ quan đơn vị và những mạnh thường quân phải biết “chọn mặt gửi
vàng” để có được những cuốn sách đúng nghĩa, bởi không khéo lãng phí công sức,
tiền bạc mà còn bị độc giả coi thường, cười chê.
Pleiku
6. 2015
T.
T
Một số trang chụp lại từ cuốn sách:
Bìa |
Những người làm sách không phân biệt được NXB là như thế nào? |
Giá bán |
2 trang này in ở đầu sách mà một bạn đọc ngồi tỉ mẩn dùng bút đánh dấu lỗi chính tả trước khi chuyển cho chúng tôi... |
7 nhận xét:
Sách giáo khoa Bộ giáo dục in đã tùy tiện ,nay sách Văn chương cũng tùy tiện không kém gì...Ôi !Thời mạt pháp thật nhố nhăng...
Quá bôi bác!
PNTB: Mình đã được xem những tập "thơ" như một tập vè, thậm chí có nhiều câu vô cùng "ngố"..., kém hơn cả loại thơ Câu lạc bộ Người cao tuổi của mình. Thế mà giật mình vì nơi cấp phép ấn hành là một Nhà xuất bản danh tiếng quốc gia! Chẳng lẽ vì tiền mà NXB cũng đánh mất lòng tự trọng? Tác giả của những tập ấy thường là mấy anh quan chức về vườn, có tiền muốn mua chữ SĨ... Hóa ra câu "Có tiền mua tiên cũng được" đã xâm nhập vào văn hóa đất nước, khiến cho văn hóa trở thành thứ tạp pí lù? Tại sao chỉ chăm chắm duyệt những chỗ "nhậy cảm" mà không quét "rác rưởi" làm "mất vệ sinh" trong môi trường văn hóa nhỉ? Hôm nay vớ được bài viết này trên VCH, mình rất cảm ơn vì tác giả đã xả giúp mình nỗi bức xúc.
http://ngocduonglc.blogspot.com/2015/07/3660-ve-mot-cuon-sach-vo-cung-kinh-khung.html#more
Tôi đã hỏi lại rồi , bạn Hoàng Đào không Liên quan gì đến vịêc in ấn tập sách này , xin lỗi bạn Hoàng Đào nhé.
Toàn một lũ rãnh hơi
Giống một lũ điên
Đăng nhận xét