Chủ Nhật, 12 tháng 7, 2015

MIÊN MAN TRÊN ĐƯỜNG 14



dẫu hiện nó đang lùm xùm về vấn đề nhân sự. Bí thư thì xin nghỉ sau những phát hiện về bằng cấp không trung thực, phó chủ tịch trực thì bê bối vì chiếm đất công làm trang trại, chủ tịch thị trấn thì bị chuyển hồ sơ sang cơ quan điều tra, mấy trưởng phòng thì trượt cấp ủy vân vân, tuy thế đi trên đường 14 đoạn qua Chư Sê bây giờ vẫn thấm đẫm một nỗi sướng bởi làng mạc phố xá chen giữa rừng cao su, mát mắt và mát… lốp xe...
---------------------



          Nó chính là quốc lộ 14, con đường mà tôi đã gắn với nó từ năm 1981 khi từ Huế lên Pleiku nhận công tác. Có lẽ rất nhiều người trong chúng ta chưa hình dung ra đường 14, đường 19 là như thế nào?

          Gia Lai là một tỉnh không có (hoặc chính xác hơn là chưa có) đường sắt, đường thủy, chỉ có 2 loại hình giao thông đến giờ là đường bộ và hàng không. Để đến được Gia Lai thì đường bộ cũng chỉ có 2 đường là 19 và 14. Đường 19 là con đường nối quốc lộ 1 lên Tây Nguyên thông qua cửa ngõ Gia Lai, qua 2 cái đèo khá ngoạn mục là An Khê và Mang Yang. Đây từng là con đường đẹp nhất Việt Nam thời ngay sau 1975, bởi trong chiến tranh, nó là con đường huyết mạch, vì thế, các nhà thầu Mỹ được đặt hàng là làm thật tốt. Và nó tốt thật. Tôi đã nghe rất nhiều tài xế ca ngợi con đường này, từ cái thời tất cả mọi con đường đều là công trường. Tất nhiên, giờ, với tốc độ chở gỗ về xuôi khủng khiếp như thế, nó cũng đang phải oằn mình để chịu đựng, và nó, cùng với các con đường khác, cũng phải chịu lở loét, phải chịu bong đâu vá đấy, hỏng đâu sửa đấy, sửa xong thì hỏng và đang sửa cũng… đã hỏng.

          Đường 14 lại là con đường gần như song song với đường 1. Nó có số phận hẩm hiu hơn đường 19 là cứ lẩn khuất trong rừng già, và cũng không hoành tráng như đường 19… Đã có thời hầu như nó không được sử dụng. Trong chiến tranh nó là con đường máu, con đường chết. Hòa bình, nó trở nên hiu quạnh vì không ai sử dụng, người ta đổ hết xuống đường 1 theo các đường nhánh xương cá, mà quốc lộ 19 là một xương cá như thế.

          Quốc lộ 14 dài 1005 km, là con đường dài thứ nhì ở Việt Nam sau quốc lộ 1, kéo dài từ cầu Đa Krong đến thị trấn Chơn Thành, tức là nó chạy qua địa phận các tỉnh Quảng Trị, Thừa Thiên Huế, Quảng Nam, Kon Tum, Gia Lai, Đăk Lăk, Đăk Nông và Bình Phước. 

          Hồi các tỉnh Tây Nguyên chưa chia, mỗi lần đi công tác trong tỉnh thôi, ví dụ từ Pleiku lên Đăk Glei chẳng hạn, là phải đi bằng xe zin 3 cầu và hết… 2 ngày. Toàn bộ hành trình là đi trên đường 14. Hay từ Pleiku sang Buôn Ma Thuột cũng thế, đường xấu kinh khủng, nhiều người chọn con đường là xuống quốc lộ 1 rồi lại ngoặt lên. Còn đi sang Đà Lạt thì đương nhiên là phải xuống Quy Nhơn rồi phi vào Nha Trang, đến Phan Rang mới lại quặt lên, mất ít nhất 2 ngày, vất vả vô cùng.

          Hồi ấy đường rất hoang vu, vừa hẹp vừa xấu, nhiều đoạn cấp phối, ổ gà ổ voi, xe bò như cua hết ngang lại dọc, thi thoảng lại nghe vài vụ Fulro đánh cướp xe, thậm chí là bắn người. Xe khách từ các tỉnh phía Bắc đi Buôn Ma Thuột, nếu đến Pleiku trước 20 giờ thì đều phải ngủ lại đợi sáng mai đi tiếp vì sợ Fulro. Tôi hay được đón bạn bè từ những đêm xe khách phải nằm lại như thế. Thay vì nằm trên xe ngủ, chúng đi tìm tôi, nhậu rồi ngủ ở nhà tôi, sáng sớm lại chở chúng ra xe đi tiếp. 

Đầu những năm tám mươi thế kỷ trước, ngành cao su đổ bộ lên Tây Nguyên, mở ra một thời kỳ mới của Tây Nguyên, và cả diện mạo của đường 14.

          Giờ thì người ta đang bàn cãi xem cao su có xứng đáng thay thế rừng ở Tây Nguyên không? Cuộc bàn cãi này vẫn chưa hồi kết, dẫu ai cũng biết, rừng là rừng mà cao su thì cũng vẫn chỉ là… cao su, là cây công nghiệp thôi, không thể thay thế rừng, bởi nó không có đời sống, không có tâm hồn, không có văn hóa, không có sự bao bọc chở che yêu thương con người?… Nhưng hồi ấy, cao su quả là một luồng gió mới thổi vào sự im lìm hoang vắng của đường 14.

          Tốp đầu tiên của ngành cao su đổ bộ lên Gia Lai hồi ấy có 19 người do Chín Ngừng chỉ huy. Mấy cái xe tải, một thùng tiền, và sự… liều mạng… họ là người mở đầu cho bạt ngàn cao su trên Gia Lai, Kon Tum sau này. Và cũng khiến cho mấy ngày nay, nhân việc thông đường 14, nhiều bức ảnh đẹp như tranh vẽ chụp con đường uốn lượn giữa rừng cao su. Từ những ngày đầu tiên ấy tôi đã đánh đu với những người làm cao su, thấy nhiều mặt được và chưa được của nó. Nhưng sự phát triển nào mà chả trải qua đau đớn, mà chả phải hy sinh. Vấn đề là sự hy sinh ấy có xứng đáng hay không, có bất chấp, có bằng mọi giá không?

          Chư Sê hồi ấy là một huyện rất nhỏ và cũng… hoang vu dù nó cách thành phố Pleiku đúng ba mươi tám cây số. Lèo tèo dăm chục ngôi nhà khinh khỉnh quay lưng ra đường bởi rất bụi, quay mặt ra là chết vì bụi ngay. Ngay trụ sở huyện ủy, ủy ban huyện thời ấy cũng ngoảnh lưng ra đường dù nó nằm ngay trên mặt đường. Trước giờ làm việc 15 phút là cô nhân viên tạp vụ phải đi lau chùi bàn ghế các loại, thế mà nửa buổi lại phải lau lần nữa. Dân hầu như không dám mặc áo trắng, toàn một màu tối sùm sụp cho nó dễ… lẫn với bụi đỏ. Giờ nó là đơn vị cấp huyện đứng thứ 2 về nộp và thu ngân sách của tỉnh Gia Lai, chỉ sau thành phố Pleiku, hơn cả 2 thị xã của tỉnh là An Khê và Ayun Pa, dẫu hiện nó đang lùm xùm về vấn đề nhân sự. Bí thư thì xin nghỉ sau những phát hiện về bằng cấp không trung thực, phó chủ tịch trực thì bê bối vì chiếm đất công làm trang trại, chủ tịch thị trấn thì bị chuyển hồ sơ sang cơ quan điều tra, mấy trưởng phòng thì trượt cấp ủy vân vân, tuy thế đi trên đường 14 đoạn qua Chư Sê bây giờ vẫn thấm đẫm một nỗi sướng bởi làng mạc phố xá chen giữa rừng cao su, mát mắt và mát… lốp xe.

          Tôi đã từng lái xe chạy từ Pleiku về Đà Nẵng trên đường Hồ Chí Minh, tức đường 14, con đường khá tốt và rất đẹp khi nó cứ uốn lượn giữa rừng già. Thi thoảng, giữa biếc xanh của rừng cổ thụ và vàng rựng miên man của nắng, đột ngột một cái cây đỏ lự từ ngọn đến gốc hiện ra. Đẹp đến ngơ ngẩn, dừng xe để ngắm, rum máy lại để chụp nhưng cũng không biết là cây gì. Tất nhiên vì là đường chạy giữa rừng nên nó quanh co. Nhiều vụ tai nạn xảy ra không phải do đường quanh co mà do tài xế chạy ẩu, mà đoạn đèo Lò Xo là một ví dụ. Đường như thế mà cứ nhấn ga cho mát rồi rà thắng liên tục, đến lúc hữu sự thì thắng vô tác dụng là đúng rồi. Nhưng dẫu thế thì bây giờ, xe khách xe tải các loại ở Tây Nguyên và Bình Phước thường chọn con đường này thay vì đường 1 để ra Bắc.

          Và lần này thì tôi lại lái xe theo đường 14 từ Pleiku sang Buôn Ma Thuột. Ngày xưa phải chạy cả ngày mới tới, giờ 5 giờ sáng xuất phát ở nhà, 8 giờ đã tới sân bay để 10 giờ bay ra Hà Nội vì sân bay Pleiku đang dừng bay để nâng cấp. Nhiều đoạn vừa chạy vừa nghĩ, đường thế này thua gì ở châu Âu châu Mỹ mà mình thường thấy trên phim ảnh, nếu như không có việc, đường mở tới đâu, dân kéo ra làm nhà tới đấy. Rồi khi đã làm nhà thì đương nhiên coi đoạn đường ấy là của mình, muốn sang thì sang, muốn lại thì lại bất chấp xe đang lưu thông trên đường tốc độ hàng trăm ki lô mét giờ. Chưa hết, lại còn biến đường thành… sân phơi đủ loại. Chưa hết nữa, thanh thiếu niên ban đêm chả biết làm gì, ra vệ đường bày độ ngồi… nhậu, rồi hứng lên, lại sẵn đá, thế là ném vào xe đang chạy cho… vui, cho sướng tay. Hàng trăm lý do để vừa sung sướng lái xe trên con đường rất đẹp rất êm này, nhưng cũng vừa… run. Nói dại, xe đang chạy tốc độ 80 cây số giờ như thế, một viên đá bay ngược chiều tới, tốc độ lên tới mấy trăm, cầm chắc hy sinh chứ đừng nói vỡ đầu hỏng mắt như đã từng xảy ra…

          Bến xe Đức Long Pleiku mỗi đêm có hàng trăm xe khách giường nằm hiện đại xuất bến vào bến xe Miền Đông. Ngày xưa phải đi 2 ngày mới tới, sau đấy thì 18 giờ chiều là xe lăn bánh, 6, 7 giờ sáng hôm sau mới tới Sài Gòn. Giờ, chỉ 8 tiếng là tới, rút ngắn biết bao thời gian, biết bao chờ đợi, biết bao  tiện ích để con người có thể dành thời gian ấy sinh ra bao nhiêu việc có ích khác, thay vì phải nằm trên xe ngắm trần xe và nghĩ vẩn vơ…

          Chỉ có mỗi một điều là, đây là độc đạo, không có sự lựa chọn thứ 2, nên tất cả mọi xe đi trên đường này đều phải mua vé. Các nước, có đường cho dân đi miễn phí làm từ thuế tức là ngân sách, có đường cho “đại gia” nếu muốn đi ngon và nhanh, nhưng phải mua vé. Đường 14 từ Tây Nguyên đi TP HCM và ngược lại thì tất cả phải mua vé, bởi không có con đường thứ 2 để đi (Có tin xì xầm là đường này có vài ông kễnh xúm vốn vào nên được làm BOT để giờ hạ cánh nhưng hàng tháng vẫn có thu xâu- là xì xầm nhưng có vẻ không phải không có lý). Nhưng nếu đi ngược từ Pleiku ra Bắc thì không phải mua vé vì đường Hồ Chí Minh là nhà nước làm. Cũng chưa biết sắp tới có phải mua hay không?…
                                                                  
 

10 nhận xét:

hoàng văn nói...

Giờ, chỉ 8 tiếng là tới TP HCM. Có thật không anh Hùng
Mình đi mất 12 tiếng mới đến Bình Phước thôi

lê văn thuận nói...

Bác Hùng nói sai rồi ,những năm 1980 con đường từ pleiku lên kontum ,Kontum lên Tân Cảnh do Mỹ làm rất tốt không thua gì đường 19

Unknown nói...

Anh Hùng quên mất QL25 từ Chư Sê đi Tuy Hòa rồi à?
Chắc anh ít đi lại con đường này nên quên thội

Văn Công Hùng nói...

@Hoàng Văn: Là trên lý thuyết bạn ơi, hihi còn cụ thể chạy thế nào thì tùy... cs có bắn tốc độ không? Hôm nọ tôi chạy từ Pleiku sang Buôn Ma Thuột để bay, mưa rất to cũng chưa hết 3 tiếng...

Văn Công Hùng nói...

Tôi đi nhiều bạn Lê Văn Thuận ạ, không thể tốt bằng 19 được. 2 con đường đẹp nhất thời ấy là 19 và Đông Hà - Huế. Pleiku Kon Tum hồi ấy còn thỏ rừng chạy đầy đường. Nó cũng như đường 1 thôi, còn từ Tân cảnh lên Đăk Glei thì thôi rồi...

Văn Công Hùng nói...

@Trương Công Duyệt, ừ lâu không đi cũng quên thật. Đường này xấu kinh khủng. Có thời định làm đường sắt Tây Nguyên men theo đường này đấy...

Lê văn Thuận nói...

Tôi lên Gia lai-kontum vào tháng 12/1976,trước bác Hùng mấy năm, lại dạy ở Trường Thanh niên lao động XHCN Đakto nên thường xuyên đi từ Tân Cảnh về Peiku họp, công tác (Ty Giáo Dục gần Ty Thông Tin của Bác Hùng trên đường Trần Hưng Đạo) nên tôi rành con đương này hơn Bác Hùng ,đoạn đường 14 này do Mỹ làm rất tốt không thua đường 19 mà hàng năm nghỉ phép tôi cũng thường xuyên đi lại nhiều lần
Đoạn Kontum -Tân Cảnh được đổ bê tông nhựa rất tốt ,xe chạy rất êm ,còn đoạn Tân Cảnh - Đakglei chỉ là đường đất thôi vì từ năm 1966-67 là thuộc vùng giải phóng rồi nên Mỹ không làm được
2 con đường đẹp nhất thời ấy là 19 và Đông Hà - Huế,không đúng đâu bác Hùng ơi ,có lẽ là 19 và Đông Hà-Khe Sanh, đoạn Huế -Dà nẵng cũng tốt

Nặc danh nói...

Bài viết hay. Sao đến hôm nay chưa thấy VCH có bài nào về Đại hội nhà văn Việt Nam. Đại hội vui thế cơ mà.

lâm Sơn nói...

Bài viết hay. Sao đến hôm nay chưa thấy VCH có bài nào về Đại hội nhà văn Việt Nam. Đại hội vui thế cơ mà.

Nặc danh nói...

hay! có đủ cả kiến thức văn sử địa chính trị...lại có cả lời bàn của THÁNH THÁN !