Chủ Nhật, 5 tháng 4, 2015

THOI THÓP “THỔ CẨM” TÂY NGUYÊN



Vỏ cây đập dập ra thì tước được một lớp lụa, qua bàn tay khéo léo của các cô gái thì nó thành một thứ có thể quấn quanh người để che những thứ cần che. Và để ấm nữa. Bởi người Tây Nguyên cho đến sát gần đây thì đàn ông vẫn đóng khố cởi trần và đàn bà thì mặc váy và cũng… kệ cho ngực tung tăng đi chơi. Chỉ đến khi trở thành vợ, thành mẹ thì người phụ nữ Tây Nguyên mới mặc áo che ngực. Và rồi cũng như mọi dân tộc trên trái đất này, người Tây Nguyên dệt vải và may quần áo từ những sợi chỉ lấy từ cây gai rừng…
----------------


        
          Như mọi dân tộc trên trái đất này, ban đầu, sau thời ăn lông ở lỗ, người Tây Nguyên lấy lá cây che thân. Sau thời lá cây là… vỏ cây. Thời vỏ cây kéo dài cho đến sát thế kỷ XX. Nếu ai đã đọc tiểu thuyết “Đất nước đứng lên” của nhà văn Nguyên Ngọc thì dân làng Kông Hoa của anh hùng Núp cũng từng phải mặc áo, khố vỏ cây. Nói vỏ cây nhưng thực ra nó là lớp lụa của một loại cây, khá bền và mỏng. Vỏ cây đập dập ra thì tước được một lớp lụa, qua bàn tay khéo léo của các cô gái thì nó thành một thứ có thể quấn quanh người để che những thứ cần che. Và để ấm nữa. Bởi người Tây Nguyên cho đến sát gần đây thì đàn ông vẫn đóng khố cởi trần và đàn bà thì mặc váy và cũng… kệ cho ngực tung tăng đi chơi. Chỉ đến khi trở thành vợ, thành mẹ thì người phụ nữ Tây Nguyên mới mặc áo che ngực. Và rồi cũng như mọi dân tộc trên trái đất này, người Tây Nguyên dệt vải và may quần áo từ những sợi chỉ lấy từ cây gai rừng…

          Chả biết ai là người đầu tiên gọi những tấm vải, váy, khố, áo… của người Tây Nguyên là thổ cẩm. Nhưng người Tây Nguyên thì không gọi thế. Cũng như giờ ai cũng gọi cơm nướng ống của người Tây Nguyên là cơm Lam. Xin thưa, không phải thế. Lam là động từ, chỉ một cách nấu cơm của người dân tộc phía bắc, là nấu cơm trong ống nứa, và khi vào thấy người Tây Nguyên cũng nấu như thế bèn cũng gọi đấy là cơm lam. Lâu dần đến mức bây giờ một số nhà hàng của chính người Tây Nguyên cũng gọi món cơm ống của mình là cơm Lam. Và thực ra không chỉ có lam cơm, người ta còn lam cá, lam thịt, lam rau… có thể nó ra đời từ cái thời chưa có đồ đồng đồ sắt, dùng cái ống nứa thay nồi. Giờ nồi cơm điện ê hề, thi thoảng lại thèm cơm nấu nồi gang, nồi đồng, nồi đất và… ống nứa. Cũng như cái cách ta gọi Khan, Hơ a mon, H’ri của người Tây Nguyên giờ là… trường ca hoặc sử thi. Cứ gọi thướng lên thế, xuống làng hỏi đồng bào ngơ ngác hết, nhưng gọi mãi, sách giáo khoa cũng gọi, trẻ em dân tộc thiểu số đi học về cũng gọi Hơ a mon là… trường ca…

          Sáng nay khi xuống làng Dor 2 xã Glar, huyện Đăk Đoa, Gia Lai thì tôi mới biết một việc diễn ra đã khá lâu rồi mà mình không biết, ấy là, giờ bà con không lấy sợi từ cây gai rừng để dệt vải nữa, mà mua chỉ công nghiệp về dệt vải để may váy, áo các loại…


Trong xưởng may của Mlonh, cô đang giới thiệu sản phẩm cho khách

          Ngày xưa, bà con vào rừng tìm cây gai rồi lấy vỏ của nó, về tước lấy sợi rồi nhuôm. Người Tây Nguyên chuộng mấy màu cơ bản như đỏ đen chàm xanh (cũng có thể là do nó dễ). Từ sợi ấy dệt thành vải, và dùng vải ấy may thành các loại trang phục như váy, áo, khố, dồ (tấm đắp và dùng để địu con)… Mới nhìn, có cảm giác màu sắc, hoa văn trên trang phục truyền thống của tất cả cư dân cùng sống trên dải đất Tây Nguyên này đều giống nhau. Song sự thực không phải thế, mỗi dân tộc có họa tiết, hoa văn khác nhau, cách phối màu khác nhau, vị trí khác nhau... sở dĩ mới nhìn, ta có cảm giác chúng giống nhau là bởi chúng có sự tương đồng lớn. Ngay ở Gia Lai có 2 dân tộc bản địa chính là Jrai và Bahnar thì nhìn tinh, hoa văn trên váy hoặc tua khố của 2 dân tộc này rất khác nhau, dù mới nhìn thấy chúng có nhang nhác nhau. Đồng bào Tây Nguyên thường trong đời chỉ có vài bộ váy áo do họ tự dệt. Dệt được một tấm vải để làm dồ, váy, áo hoặc khố rất công phu và lâu, có khi đến cả mấy tháng trời. Vậy nên giờ đồng bào “cải tiến”, mua chỉ màu về dệt, vừa nhanh mà lại đẹp, nhiều màu sắc. Tôi hỏi đi hỏi lại chị Mlop, người có một xưởng dệt trong làng, thì chị cho biết, may váy áo thì vẫn dùng màu sắc cũ, còn làm các loại túi xách, mũ, áo… du lịch thì mới phối màu theo thị trường.

          Cả huyện Đăk Đoa có làng Glar này, và cả làng này có mẹ con chị Mlop duy trì nghề dệt. Trung tâm khuyến công của tỉnh có về xã đầu tư mở một lớp khá hiện đại, có lớp riêng, mỗi học viên đi học dệt vải được nhà nước chi 15 nghìn đồng một ngày. Chị Mlop là giáo viên thì được khoán trọn gói một khóa 3 tháng được 5 triệu. Dạy ở lớp, chị về nhà mở xưởng, vừa dạy vừa giúp chị em trong làng có thu nhập thêm. Bất cứ ai nhàn rỗi đến chị đều có việc cho làm. Đơn giản nhất là gỡ chỉ trong cuộn thành từng “sợi”, mỗi “sợi như thế là mấy cuộn chỉ với nhiều màu khác nhau theo thứ tự để may từng thứ khác nhau theo hướng dẫn của chị. May túi thì khác, áo khác, bóp khác, mũ khác… vân vân, do ý đồ phối màu. Xong đấy thì đến dệt. Từng “sợi” chỉ ấy cho vào dệt thủ công, sẽ cho những miếng vải đủ loại để may từng thứ theo yêu cầu. Mỗi người đến làm ở nhà chị đều được trả khoán theo công việc, thu nhập tùy từng người đến sớm hay muộn. Có người 3 chục cũng có người ngày được 1 trăm. Mùa khô là ít người đến làm nhất bởi bà con đi làm rẫy. Mùa mưa thì phụ nữ trong làng đến nhiều. Hè thì các cháu học sinh. Chịu khó kiếm thêm thế cũng có đồng ra đồng vào mà chi tiêu, bớt đi việc ngồi lê rồi sinh ra đủ chuyện không hay. Cái khó nhất của chị là vốn. Từ “vốn” thì đến bất cứ cơ sở kinh doanh nào cũng thấy nó vang lên đầy… thiểu não, nhưng ở cái xưởng bé bé của Mlop này thì nó khác, bởi đồng bào Tây Nguyên rất thật thà, họ làm xong và lấy tiền trong ngày ngay, không trả tiền là… không về… trong khi hàng của chị bán rất chậm.
 
Cuộn chỉ bằng sợi gai rừng để dệt vải truyền thống, giờ không dùng nữa

Mà dùng bằng chỉ may công nghiệp mua sỉ hàng bao tải

          Chị có cô con gái là Mlonh ở cách nhà mẹ chừng 200 mét. Cô này đảm nhiệm việc may. Cứ có vải bên mẹ chuyển sang là cô may. Tất nhiên giờ đầu ra rất khó nên chỉ may khi có người đặt. Tôi đặt giúp cho bảo tàng văn học của Hội Nhà Văn 2 bộ váy áo truyền thống của phụ nữ Jrai và bahnar. Té ra giá rất rẻ, chỉ chưa đầy triệu đồng một bộ, mà nếu tính công ra, nó nhiều kinh khủng. Ví dụ để có một tấm vải may váy, dệt nhanh, liên tục thì vài tuần, còn cà kê vừa dệt vừa… lên phây có khi phải vài tháng. Mà như đã trình bày ở trên, để ra một sản phẩm cuối cùng như váy, áo, khố… có rất nhiều công đoạn.

          Hỏi Mlop về tương lai của nghề này, chị bảo: khó lắm, chủ yếu cầm cự cho các cháu trong vùng biết nghề, chứ có bán được đâu, dù bán rất rẻ. Thường thì các Sơ ở nhà thờ gỗ Kon Tum điện về đặt. Chị và con làm xong thì chị trực tiếp chạy xe máy từ làng ra thành phố Pleiku, rồi đi xe đò lên Kon Tum, giao cho các sơ rồi lại về làm tiếp. Nhà thờ gỗ Kon Tum là điểm có đông khách tham quan, nên họ hay mua về làm kỷ niệm. Ngoài ra mang ra thành phố Pleiku ký gửi. Rồi một vài tỉnh phía Nam cũng đặt, chị lại đóng thùng chở ra bến xe gửi xe đò…
 
Cô bé này là học trò tôi, tên Phương Thảo, người Kinh, thấy đồ dân tộc là mặc ngay, và... xinh thêm mấy phần

Trong khi cô Mlonh là người dân tộc chính hiệu và là nghệ nhân may đồ thổ cẩm truyền thống thì lại chơi áo thun quần jean

          Mà nói thật, khi vào thăm cả 2 xưởng của Mlop và con gái chị Mlonh thì cả 2  và một số thợ đang làm đều mặc đồ… thun quần tây. Còn đồng bào Tây Nguyên hôm nay, có lần tôi dẫn mấy ông bạn nhiếp ảnh xuống làng, nhờ đồng bào mặc đồ truyền thống, thế là nháo nhào chạy khắp làng… mượn. Vậy nên thi thoảng ta vẫn bắt gặp vài cảnh buồn cười trên tivi, là bà con đi làm mà mặc đồ truyền thống rất mới. Ôi giời, các phóng viên tài ba của chúng ta xui đồng bào mặc đấy, chứ bình thường họ chả mặc, đơn giản, có được một bộ kỳ công đến thế, trong khi hàng chợ rẻ rề, lại sặc sỡ, lại thời trang, tội gì không mua về mặc. Nói thổ cẩm thoi thóp là vì thế…
Trước khi về bà "chủ xưởng" tặng tác giả một cái túi đựng điện thoại, thành quả chuyến đi là mua giúp cho bảo tàng Văn học Hội nhà văn 2 bộ trang phục nữ Jrai và Bahnar kèm 2 bài báo đều đã in, 1 ở báo NLD và 1 ở báo SKĐS

Toàn cảnh xưởng dệt của Mlop
                                                                  
        Bài in ở báo Người Lao động hôm nay, 05/4/2015

Kỳ sau: "Một ngày Glar", bảo đảm vừa sôi động vừa hấp dẫn, hihi, mời... đợi.
 
         
 

1 nhận xét:

Nặc danh nói...

Trăn trở cùng VCH!
Thực ra không phải nghề dệt thổ cẩm ở Tây Nguyên lay lắt đâu. Các làng nghề thủ công truyền thống bây giờ đều rơi vào tình trạng đó cả. Mình nghĩ là do nhu cầu thị trường không cần nữa. Là do giá thành cao quá khi mà các sản phẩm công nghiệp tương tự rẻ như bèo. Là do chính người làm ra sản phẩm cũng không sử dụng nó. ...
Mình không am hiểu về bản sắc văn hóa hàm chứa trong các sản phẩm thủ công truyền thống, nhưng dưới góc độ nhìn khác mình nghĩ muốn nghề thủ công sống được nó phải đáp ứng được mấy yêu cầu sau:
Thứ nhất là phải “độc”, không được bắt chước, lai căng mà bỏ mất gốc bản sắc.
Thứ hai là phải quảng bá, mà quảng bá chỉ du lịch làm thôi chưa đủ. Chính những người thợ thủ công phải quảng bá trong cộng đồng tạo ra một vùng sản phẩm đặc trưng không lẫn vào đâu được.
Thứ ba là phải có chính sách thích hợp, đồng bộ trong quản lý nhà nước. Không phó mặc cho ngành Văn hóa.
.....
Tóm lại muốn sống thì phải để các làng nghề thủ công vận hành đúng theo cơ chế thị trường. Khi có cung ắt có cầu.
(Lan man chút vậy vì mình mù tịt về Quản lý nhà nước; mù tịt về quản lý kinh tế; mù tịt về Văn hóa, du lich...)
TNC